HIỆP ĐỊNH THỰC THI CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982 VỀ LĨNH VỰC BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN Ở VÙNG BIỂN NẰM NGOÀI QUYỀN TÀI PHÁN QUỐC GIA (BBNJ) - MỘT BƯỚC TIẾN MỚI CỦA LUẬT BIỂN QUỐC TẾ

17/04/2024

HIỆP ĐỊNH THỰC THI CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982 VỀ LĨNH VỰC BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN Ở VÙNG BIỂN NẰM NGOÀI QUYỀN TÀI PHÁN QUỐC GIA (BBNJ) - MỘT BƯỚC TIẾN MỚI CỦA LUẬT BIỂN QUỐC TẾ

Agreement under the United Nations Convention on the Law of the Sea on the conservation and sustainable use of marine biological diversity of areas beyond national jurisdiction (BBNJ) – New development of the law of the sea

 

 

Tóm tắt

Luật biển quốc tế đang chào đón một văn kiện pháp lý quốc tế đa phương mới điều chỉnh về các nguồn lợi sinh học ở các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia ven biển; trong đó, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và chủ động từ những ngày đầu soạn thảo và thương lượng. Bài viết này giới thiệu một cách tổng quan quá trình soạn thảo và tóm lược những nội dung chính của Hiệp định. Thêm vào đó, bài viết cũng làm rõ vai trò tích cực chủ động của Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng điều ước và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp định này.

Từ khóa: BBNJ, Việt Nam, Luật Biển, nằm ngoài quyền tài phán

Abstract

The international law of the sea is welcoming a new multilateral international agreement governing marine biological diversity of areas beyond national jurisdiction. Vietnam has played a proactive and positive role since the early days of drafting this instrument. This article introduces an overview of the drafting process and summarizes the main contents of the instrument. In addition, the article also clarifies the active role of Vietnam during the negotiation of the instrument and proposes some recommendations for Vietnam on being an official member of this Agreement.

Keywords: BBNJ, Vietnam, Law of the sea, beyond national jurisdiction

 

  1. Quá trình soạn thảo và ý nghĩa, vai trò của Hiệp định thực thi Công ước Luật biển 1982 về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

* Quá trình soạn thảo Hiệp định thực thi Công ước Luật biển 1982 về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

Kể từ Nghị quyết A/RES/72/249 ngày 24/12/2017, Đại hội đồng đã quyết định triệu tập một Hội nghị liên chính phủ (sau đây gọi tắt là Hội nghị) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để xem xét các khuyến nghị của Ủy ban Trù bị (Preparatory Committee) được thành lập theo Nghị quyết A/RES/69/292 ngày 19/6/2015 về các cơ sở thực tiễn xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế có tính ràng buộc càng sớm càng tốt, đây chính là khởi đầu của Hiệp định thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).

Ủy ban Trù bị đã tổ chức mỗi năm hai phiên họp vào các năm 2016 và 2017. Tại phiên họp thứ tư được tổ chức từ ngày 10-21/7/2017, Ủy ban Trù bị đã thông qua báo cáo tổng kết trước Đại hội đồng. Cũng theo Nghị quyết A/RES/72/249, một cuộc họp kéo dài ba ngày đã được tổ chức tại New York (Mỹ), từ ngày 16-18/4/2018, để thảo luận về các vấn đề tổ chức, bao gồm cả quy trình chuẩn bị bản thảo đầu tiên của văn kiện.

Kỳ họp thứ nhất được triệu tập từ ngày 04-17/9/2018, kỳ họp thứ hai từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 năm 2019 và kỳ họp thứ ba từ ngày 19-30/8/2019. Kỳ họp thứ tư đã bị hoãn do đại dịch COVID-19 và sau đó được triệu tập từ ngày 07-18/3/2022. Phiên họp thứ năm của Hội nghị được triệu tập từ ngày 15-26/8/2022 theo Quyết định A/76/L.46 của Đại hội đồng. Vào ngày cuối cùng của phiên họp này, Hội nghị đã quyết định tạm dừng phiên họp thứ năm. Tuy vậy, tiến trình xây dựng văn kiện này đã không bị đình lại hoàn toàn. Sau đó, Nghị quyết A/RES/77/248 của Đại hội đồng đã đề nghị Tổng thư ký nối lại kỳ họp thứ năm tại Trụ sở Liên hợp quốc từ ngày 20/2 đến ngày 03/3/2023.

Các cuộc thương lượng trên đã thu hút sự tham gia của hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc, kể cả các nước không có biển hoặc không phải là thành viên UNCLOS 1982. Các cuộc họp đã luôn diễn ra với cường độ cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt là Phiên họp thứ năm (kéo dài) này đã kết thúc bằng 36 giờ làm việc không nghỉ.

Vào ngày 04/3/2023, tại New York (Mỹ), Hội nghị đã hoàn thành thương lượng văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Tên gọi chính thức của văn kiện này là Hiệp định thực thi Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đây là văn kiện thứ ba trong khuôn khổ UNCLOS, sau Hiệp định thực thi phần XI của UNCLOS năm 1994 và Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995.

Hiệp định đã được thông qua và mở cho các quốc gia ký kể từ ngày 19/6/2023. Hiệp định có hiệu lực sau 120 ngày được ít nhất 60 quốc gia thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn. Hiệp định là một bổ sung cho UNCLOS 1982, nằm trong khuôn khổ UNCLOS 1982 và không thay thế những nguyên tắc cơ bản của UNCLOS 1982. Tính đến nay, Hiệp định đã có 83 bên ký và chờ các thủ tục phê chuẩn trong nước. Việt Nam đã ký Hiệp định này vào ngày 20/9/2023.

* Ý nghĩa, vai trò của Hiệp định thực thi Công ước Luật Biển 1982 về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

Về ý nghĩa của Hiệp định, ông Stéphane Dujarric – người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc – cho rằng đây là một bước đột phá, đánh dấu đỉnh cao của gần hai thập kỷ làm việc dựa trên di sản của UNCLOS 1982. Hành động hoàn thành bản Dự thảo văn kiện là một chiến thắng cho chủ nghĩa đa phương và cho những nỗ lực toàn cầu để chống lại các xu hướng hủy hoại đại dương, bây giờ và cho các thế hệ mai sau. Văn kiện này rất quan trọng để giải quyết ba cuộc khủng hoảng trên hành tinh là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Hiệp định này cũng rất quan trọng để đạt được các mục đích và mục tiêu liên quan đến đại dương trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (the 2030 Agenda for Sustainable Development) và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (the Kunming-Montreal Global Biodiversity Framework).

Đồng thời, sự ra đời của Hiệp định thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia và của Việt Nam trong việc đạt được một văn kiện nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đây là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển và cũng là bước phát triển quan trọng trong việc thực thi UNCLOS 1982 – khung pháp lý cho mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương.  

Vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia theo UNCLOS 1982 chính là biển cả rộng lớn ngoài vùng đặc quyền kinh tế và vùng đáy đại dương ngoài thềm lục địa của các quốc gia. Trên hai vùng biển này, các quốc gia có quyền tự do đánh bắt cá cũng như khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật khác, tuy nhiên nội dung của UNCLOS 1982 vẫn còn để ngỏ các quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, UNCLOS 1982 còn thiếu vắng những quy định điều chỉnh về một nguồn lợi mới, đó là nguồn gen biển của các loài sinh vật chỉ sống ở những vùng nước sâu và xa bờ.

Hiện nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và các công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gen biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định về nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn biển. Do đó, Hiệp định thực thi Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia ra đời nhằm góp phần cũng cố thêm hành lang pháp lý quốc tế trong việc điều chỉnh việc khai thác, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển tại một vùng biển rộng lớn, trong một lĩnh vực đầy tiềm năng. Hiệp định được soạn thảo vô cùng chi tiết với nhiều sửa đổi, bổ sung là tiền đề quan trọng để khẳng định nguyện vọng và mong đợi của các quốc gia cho một văn kiện pháp lý quốc tế mới, điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến các nguồn tài nguyên sinh vật tại biển cả và vùng đáy đại dương.

  1. Một số nội dung chính của Hiệp định thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

Hiệp định thực thi Công ước Liên hợp quốc về luật biển về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia chính thức được thông qua với 76 điều nhằm bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo sử dụng có trách nhiệm môi trường biển, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái đại dương và bảo tồn giá trị vốn có của đa dạng sinh học biển. Nội dung hiệp định được xây dựng dựa trên tinh thần kế thừa và phát triển các quy định của UNCLOS 1982 về nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, xác định nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và chống suy thoái các hệ sinh thái ở đại dương, đặc biệt là trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nội dung chính của Hiệp định được cơ cấu thành 12 phần 02 phụ lục, cụ thể như sau: 

Phần 1. Các quy định chung

Phần 2. Nguồn gen biển, bao gồm sự chia sẻ công bằng và bình đẳng về lợi ích

Phần 3. Các biện pháp như công cụ quản lý theo khu vực, bao gồm các khu bảo tồn biển

Phần 4. Đánh giá tác động môi trường

Phần 5. Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển

Phần 6. Thể chế

Phần 7. Nguồn lực và cơ chế tài chính

Phần 8. Thi hành và tuân thủ

Phần 9. Giải quyết tranh chấp

Phần 10. Các bên không tham gia Hiệp định

Phần 11. Thiện chí và sự lạm quyền

Phần 12. Điều khoản cuối cùng

Phục lục I: Tiêu chí để xác định các khu vực

Phụ lục II: Các hình thức xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển

Thứ nhất, về mặt phạm vi, Hiệp định xác định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các không gian nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của quốc gia bao gồm biển cả và vùng đáy đại dương. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đã giới hạn một số trường hợp miễn trừ như tàu chiến, tàu bay quân sự hay các tàu hải quân khác. Mặc dù vậy, Hiệp định này cũng xác định hoạt động của các phương tiện trên phải trên hành động nhất quán và phù hợp với các nội dung được đề xuất. 

Như đúng tinh thần của tên gọi, Hiệp định này chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển trong bối cảnh hiện tại và tương lai thông qua những nỗ lực chung của khu vực, do đó các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên phi sinh vật bên ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia vẫn chịu sự điều chỉnh của UNCLOS 1982 và các hành lang pháp lý chung đã có.

Thứ hai, về mặt nội dung, các vấn đề liên quan đến nguồn gen biển và bảo tồn các nguồn gen trong sự chia sẻ công bằng về quyền và lợi ích giữa các bên được chú trọng. Tại Điều 1 Hiệp định đã khẳng định: “Nguồn gen biển” có nghĩa là bất kỳ nguồn nào từ thực vật, động vật, vi sinh vật biển hoặc nguồn gốc khác có chứa các đơn vị chức năng di truyền có giá trị thực tế hoặc có giá trị tiềm năng. Trong đó, Hiệp định thiết lập các yêu cầu, biện pháp và cơ chế để thực hiện việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nói chung và các nguồn gen biển nói riêng bao gồm:

(i) Cơ chế khai thác các nguồn gen biển và chia sẻ lợi ích thu được từ việc khai thác.

Nguồn gen biển là tài nguyên nằm ngoài quyền tài phán quốc gia do đó, tất cả những giá trị và lợi ích cũng như bất kỳ hoạt động nào khác có liên quan đến nguồn gen biển phải được tiến hành trên tinh nhân nguyên tắc “di sản chung của nhân loại”. Chính vì vậy, Hiệp định cấm bất kỳ quốc gia nào tuyên bố hoặc thực thi chủ quyền đối với các nguồn gen biển, các hoạt động đối với những nguồn gen biển này đều nhằm hướng đến lợi ích chung của toàn thể nhân loại. Trong đó, Hiệp định đặc biệt chú trọng đến lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Lợi ích thu được từ các hoạt động đó sẽ được chia sẻ một cách công bằng và hợp lý, đồng thời góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển.

(ii) Khuôn khổ để thiết lập mạng lưới theo khu vực bao gồm các khu bảo tồn biển và các biện pháp có liên quan khác.

Hiệp định nhấn mạnh để bảo vệ các nguồn gen nói trên cần thiết phải thông qua các công cụ bảo tồn như: các công cụ quản lý theo khu vực (area-based management tool), khu bảo tồn biển (marine protected area). Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng và chia sẻ quyền và lợi ích giữa các quốc gia thành viên, việc thành lập các công cụ quản lý như vậy phải được đệ trình lên Ban thư ký được thành lập theo công ước này (secretariat), những đề xuất phù hợp sẽ được hợp tác thực hiện với các bên liên quan bao gồm các quốc gia và các tổ chức toàn cầu, khu vực, tiểu khu vực và ngành, cũng như các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng khoa học, khu vực tư nhân, dân tộc bản địa (Indigenous Peoples) và cộng đồng địa phương có tính đến việc tiếp cận phòng ngừa đối với các hệ sinh thái nhằm đảm bảo phát triển bền vững nhất đối với các nguồn tài nguyên sinh vật. Về cơ chế vận hành, các hồ sơ đề xuất thành lập khu bảo tồn sẽ được đệ trình lên Ban thư ký bằng văn bản, hồ sơ sau đó được kiểm định bởi cơ quan khoa học và kỹ thuật, những hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện sẽ được công bố rộng rãi và sẽ được Ban thư ký thông báo cho các bên tiến hành đánh giá hồ sơ. Điểm tiến bộ của Hiệp định này là việc đánh giá tham vấn hồ sơ được lấy ý kiến không chỉ từ các tổ chức liên chính phủ và các quốc gia có liên quan mà còn linh hoạt thông qua các khu vực, tiểu khu vực, ngành, các tổ chức dân sự xã hội, các nhà khoa học thậm chí là các dân tộc bản địa và cộng đồng người địa phương để đảm bảo những hồ sơ đề xuất được tham vấn và đánh giá từ cơ sở.

(iii) Tiến hành đánh giá tác động môi trường đối các hoạt động theo kế hoạch có thể dẫn đến ô nhiễm đáng kể hoặc tác động có hại đến môi trường biển. 

Để làm được điều đó, Hiệp định tập trung vào các điều khoản dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Ngoài ra, để đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa trong bảo vệ và bảo tồn các tài nguyên sinh vật biển, Hiệp định cũng xây dựng cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp. Theo đó, các biện pháp khẩn cấp nếu cần thiết sẽ được áp dụng do tác động của một hiện tượng tự nhiên hoặc thảm họa của con người đã gây ra hoặc có khả năng gây ra tác hại nghiêm trọng hoặc không thể khắc phục được đến đa dạng sinh học biển tại các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, nhằm đảm bảo cho các tác hại đó không bị trầm trọng thêm. Nội dung của những vấn đề này được quy định chi tiết tại Phần IV, trong đó, việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trước, trong và sau khi thực hiện các khu bảo tồn, các công trình khai thác nguồn gen biển, …Trong đó yêu cầu việc đánh giá phải dựa trên cơ sở các quy định của hiệp định này cũng như có tham vấn đến các cơ chế đánh giá quốc tế và quốc gia khác.

(iv) Cơ chế xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển. 

Nhóm quy định này được đặt ra để đảm bảo thực hiện việc khai thác và chia sẻ các nguồn gen biển theo khuôn khổ của Hiệp định, theo đó việc xây dựng phải dựa trên tầm nhìn dài hạn, có tính đến nghĩa vụ hợp tác toàn diện và bình đẳng giữa các quốc gia, trong đó ưu tiên sự hỗ trợ cho các quốc gia có hoàn cảnh đặc biệt và các quốc đảo nhỏ. Theo đó, Hiệp định yêu cầu các quốc gia phát triển và thực hiện các cơ chế xây dựng năng lực, bao gồm tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và các sáng kiến chuyên dụng, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định. Việc xây dựng năng lực và chuyển giao các sáng kiến công nghệ biển có thể bao gồm việc chia sẻ dữ liệu và thông tin ở các định dạng thân thiện với người dùng; phổ biến thông tin, chẳng hạn như nghiên cứu khoa học biển và đánh giá tác động môi trường; cũng như phát triển, tăng cường năng lực thể chế  và khuôn khổ pháp lý quốc gia.

(v) Xây dựng một một khung thể chế cho việc ra quyết định và thực hiện các sáng kiến thực hiện bao gồm việc thành lập Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận (COP), với sự hỗ trợ của một cơ quan khoa học và kỹ thuật, một ủy ban thực thi và tuân thủ, một cơ quan xây dựng năng lực và chuyển giao ủy ban công nghệ biển, ủy ban tiếp cận và chia sẻ lợi ích và cơ chế thanh toán bù trừ.  

Đối với các nguồn lực và cơ chế tài chính, kinh phí sẽ do các quốc gia thành viên cung cấp trong khả năng của mình có tính đến các chính sách, ưu tiên và kế hoạch của từng quốc gia. Ngoài ra, các tổ chức được thành lập bởi Hiệp định này cũng tham gia tài trợ thông qua các khoản đóng góp. Đồng thời Hiệp định cũng nêu rõ lợi ích phát sinh từ các hoạt động liên quan đến nguồn gen biển và thông tin trình tự kỹ thuật số về nguồn gen biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ được chia sẻ một cách công bằng và hợp lý góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển và sự đa dạng sinh học cũng như đóng góp vào nguồn lực tài chính của Hiệp định.

Về cơ chế hoạt động, theo Hiệp định cuộc họp đầu tiên của Hội nghị các bên (Conference of the Parties) sẽ được triệu tập bởi Tổng thư ký Liên hợp quốc trong thời hạn không muộn hơn một năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Sau đó, các cuộc họp thường kỳ của Hội nghị sẽ được tổ chức vào những khoảng thời gian đều đặn do các bên quyết định. Các cuộc họp bất thường của có thể được tổ chức vào những thời điểm khác, phù hợp với các quy tắc về thủ tục. Nguyên tắc hoạt động của các cuộc họp theo Hiệp định là nguyên tắc đồng thuận (consensus), trong trường hợp không thể đạt được sự đồng thuận tuyệt đối các quyết định và khuyến nghị của Hội nghị các bên về các vấn đề nội dung sẽ được thông qua bởi đa số 2/3 số bên có mặt và biểu quyết. Đây là một điểm rất tiến bộ của Hiệp định vì nguyên tắc đồng thuận có mặt trái là gây trở ngại cho cả tiến trình chung dù chỉ có một vài quốc gia bất đồng. Việc quy định thêm trường hợp không thể đạt được sự đồng thuận tuyệt đối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi Hiệp định này.

Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch, tất cả các cuộc họp được triệu tập theo Hiệp định này sẽ để mở cho tất cả các quan sát viên, cũng như khuyến nghị khuyến khích những quốc gia không phải là thành viên tham gia. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi sự gia nhập trên đại diện của các quốc gia không tham gia vào Hiệp định này, cũng như các tổ chức toàn cầu, khu vực, tiểu vùng, các ngành có liên quan cũng như các dân tộc bản địa, và các nhà khoa học có quan tâm đến các vấn đề tại các hội nghị được triệu tập có thể yêu cầu tham gia với tư cách là một quan sát viên. Như vậy, có thể nhận thấy Hiệp định này được xây dựng trên một tinh thần cầu thị có tính đến các lợi ích chung của tất cả các bên nhằm đảm bảo điều kiện cho các quyết định, khuyến nghị trong các cuộc họp được thông qua một cách nhanh chóng theo đúng tinh thần của nguyên tắc phòng ngừa và ngăn chặn tác động đối với các nguồn tài nguyên sinh vật biển.

Thứ ba, về cơ chế giải quyết tranh chấp, hiện tại Hiệp định chưa xây dựng cho mình một cơ chế giải quyết riêng biệt mà xác định các bên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng hiệp định này bằng thương lượng, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các cơ quan hoặc thỏa thuận khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác do các bên lựa chọn. Các biện pháp đó có thể được áp dụng trên tinh thần các quy định về giải quyết tranh chấp tại Phần XV UNCLOS 1982, các quy định tại các Phụ lục V, VI, VII, VIII của UNCLOS 1982 cũng sẽ được áp dụng. Trong trường hợp tranh chấp có liên quan đến yếu tố kỹ thuật, các bên liên quan có thể đưa tranh chấp lên một hội đồng chuyên gia đặc biệt do các bên lập ra để cùng giải quyết nhanh chóng vấn đề của các bên. 

  1. Vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình soạn thảo Hiệp định

Việt Nam là một quốc gia có vùng biển rộng lớn và gắn liền với các lợi ích thiết thân về mọi mặt an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc , Việt Nam đã hết sức tích cực tham gia tiến trình thương lượng này ngay từ đầu.

Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp Quốc làm trưởng đoàn đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất vào tiến trình thương lượng tại Hội nghị. Đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Việt Nam tham gia xây dựng Hiệp định nhằm thực hiện tầm nhìn đến năm 2045:

[…] trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. 

Trên thực tế, tất cả các nước đều đến với Hội nghị với mong muốn và lợi ích riêng của mình. Khó có văn kiện đa phương nào đáp ứng được hoàn toàn mong muốn của tất cả các nước hoặc riêng một nước nào. Chính vì vậy, việc tham gia một cách chủ động và tích cực của Việt Nam đã phần nào giúp cho nội dung Hiệp định về cơ bản đem lại thêm nhiều lợi ích cho các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2012, các nước trong đó có Việt Nam đã cam kết “xử lý khẩn cấp […] vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, trong đó bao gồm quyết định về xây dựng một văn kiện quốc tế trong khuôn khổ Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc”. Trọng tâm của thương lượng suốt nhiều năm qua xoay quanh các khác biệt giữa các luồng quan điểm về khai thác và bảo tồn, giữa khuyến khích nghiên cứu, khai thác và xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ lợi ích công bằng, trong đó, nhiều lúc các nước phát triển và các nước đang phát triển (như Việt Nam) thể hiện lợi ích, quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

Cụ thể hơn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì thành lập Đoàn liên ngành phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham dự tích cực tất cả các phiên họp. Trong quá trình thương lượng, ngoài phối hợp lập trường, thúc đẩy lợi ích chung của các nước đang phát triển, chúng ta còn đặc biệt quan tâm và đóng góp ý kiến đối với các nhóm vấn đề như: Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, Khu bảo tồn biển, Các vấn đề xuyên suốt. 

Với kinh nghiệm từ tiến trình thương lượng văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, vai trò tích cực của các bộ, ngành chủ trì, cũng như sự phối hợp của Bộ Ngoại giao về luật pháp quốc tế, chính trị - ngoại giao quốc tế là then chốt để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của đất nước trong tiến trình thương lượng các văn kiện pháp lý quốc tế thời gian tới; thực hiện chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư. Việc Hiệp định sớm đi vào thực thi sẽ mang lại những thuận lợi cho Việt Nam, một nước đang phát triển như:

Một là, có một khung pháp lý rõ ràng làm cơ sở đấu tranh bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở biển cả và đáy đại dương, chia sẻ công bằng và ngay thẳng các lợi ích (tiền tệ và phi tiền tệ) từ nguồn gen biển trong các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia cũng như trong sử dụng các công cụ quản lý vùng, bao gồm cả Khu bảo tồn biển một cách hiệu quả, tôn trọng chủ quyền và lợi ích các nước. Một sáng kiến khu bảo vệ biển hay Công viên hoà bình có thể áp dụng ở khu vực quần đảo Trường Sa trên cơ sở thoả thuận của các nước và tổ chức khu vực liên quan.

Hai là, tiếp nhận sự giúp đỡ xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển từ các nước phát triển và có cơ hội tiếp cận với các công nghệ biển tiên tiến trong lĩnh vực quản lý nguồn gen biển.

Ba là, bảo đảm lợi ích của Việt Nam không chỉ giới hạn ở Biển Đông mà vươn ra khắp các đại dương và vùng đáy biển ngoài quyền tài phán quốc gia.

Bốn là, tạo cơ hội đấu tranh duy trì tính hiệu quả của UNCLOS 1982 và sự nhất quán của các văn bản khác phù hợp với UNCLOS 1982.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý, khoa học kỹ thuật đáp ứng được sự phát triển của thế giới và yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Sáu là, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết các vấn đề trên biển.

  1. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về biển và đại dương

Nhìn chung, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng và quản lý biển Việt Nam chỉ dừng lại ở vùng biển nằm trong quyền tài phán của Việt Nam gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà chưa vươn ra ngoài hai vùng: biển cả và đáy đại dương. Ngay cả các quy định về phát triển kinh tế biển ở Chương IV Luật Biển Việt Nam 2012 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biển Việt Nam 2012 cũng chưa đề cập đến các hoạt động của Việt Nam ở biển cả và đáy đại dương.

Bên cạnh đó, Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam 2018 không đề cập đầy đủ các hình thức nguồn gen biển và chỉ giới hạn trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 không có định nghĩa thế nào là công nghệ biển và chuyển giao công nghệ biển. Trong khi đó, đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm, thậm chí tới sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, axít đại dương, khai thác biển sâu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, và hoạt động khác làm suy thoái tài nguyên của con người. 

Kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, luật biển quốc tế sẽ chính thức có thêm một điều ước quốc tế đa phương điều chỉnh chi tiết việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển khơi và chia sẻ lợi ích liên quan. Do đó, khi Việt Nam là quốc gia thành viên của điều ước này thì trong tương lai gần, khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động của cá nhân, tổ chức, pháp nhân Việt Nam trên biển cả và đáy đại dương sẽ phải được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững vươn ra biển.

Cụ thể hơn, khi đối chiếu nội dung ghi nhận trong Hiệp định vừa đạt được và tương ứng với các mục tiêu mà Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những điểm chung gồm: “tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến” và “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao , từ đó “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học .

Trên cơ sở đó, Việt Nam cần rà soát hệ thống pháp luật, mở rộng phạm vi điều chỉnh của một số văn bản luật hữu quan, điển hình như: Một là, Luật Biển Việt Nam 2012 cần bổ sung các quy định điều chỉnh hoạt động của cá nhân, tổ chức và pháp nhân Việt Nam hoạt động trên biển cả và đáy đại dương. Hai là, Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam 2018 cần bổ sung các khái niệm về nguồn gen biển và các quy định về nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Ba là, Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 cần bổ sung các vấn đề như: xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao, … Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét ban hành một văn bản luật mới nhằm nội luật hoá các quy định của Hiệp định thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Agreement under the United Nations convention on the law of the sea on the conservation and sustainable use of marine biological diversity of areas beyond national jurisdiction, United Nations Treaties Collection, [https://treaties.un.org/doc/Treaties/2023/06/20230620%2004-28%20PM/Ch_XXI_10.pdf], truy cập ngày 19/11/2023.

[2] Caitlin Keating-Bitonti, “The Biodiversity Beyond National Jurisdiction Agreement (High Seas Treaty)”, Congressional Research Service, 2023, https://sgp.fas.org/crs/misc/IF12283.pdf, 2023, truy cập ngày 19/11/2023.

[3] Chu An, “Liên hợp quốc đạt được thoả thuận lịch sử về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển”, Báo Thế giới và Việt Nam, 2023, https://baoquocte.vn/lien-hop-quoc-dat-duoc-thoa-thuan-lich-su-ve-bao-ton-va-su-dung-ben-vung-da-dang-sinh-hoc-bien-218890.html, truy cập ngày 22/3/2023 [Trans: Chu An, “United Nations reached historic agreement on conservation and sustainable use of marine biodiversity”, The World & Vietnam report, 2023]

[3] FAO, Marine Biodiversity of Areas Beyond National Jurisdiction (BBNJ) treaty and its potential implications for the fisheries sector, 2023.

[4] Nguyễn Hồng Thao, “Ý nghĩa của việc Việt Nam ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia”, Báo Thế giới và Việt Nam, 2023, https://baoquocte.vn/y-nghia-cua-viec-viet-nam-ky-hiep-dinh-ve-bao-ton-va-su-dung-ben-vung-da-dang-sinh-hoc-o-vung-bien-nam-ngoai-quyen-tai-phan-quoc-gia-249722.html?fbclid=IwAR0UywphAT3cGVBiFCg5gexb04DQ3_IIzuy5wxtgFbLnf3KpeylzpAXHdKc, truy cập ngày 19/11/2023. [Trans: Nguyen Hong Thao, “Significance of Vietnam signing the Agreement on conservation and sustainable use of biodiversity in waters beyond national jurisdiction”, The World & Vietnam report, 2023]

[5] Phương Hà, “‘Hiệp ước về Biển cả’ - phát triển lịch sử của Công ước Luật Biển”, Báo Quốc tế, 2023, https://baoquocte.vn/hiep-uoc-ve-bien-ca-phat-trien-lich-su-cua-cong-uoc-luat-bien-219991.html, truy cập ngày 22/3/2023 [Trans: Phuong Ha, “Agreement on the High Seas” - historical development of the Law of the Sea Convention”, The World & Vietnam report, 2023]

[6] Stéphane Dujarric, “Statement attributable to the Spokesperson for the Secretary-General - on Int'l Legally Binding Instrument under the UN Convention on the Law of the Sea”, United Nations, 2023, [https://www.un.org/sg/en/content/sg/statement/2023-03-04/statement-attributable-the-spokesperson-for-the-secretary-general-intl-legally-binding-instrument-under-the-un-convention-the-law-of-the-sea?_gl=1*8sc79t*_ga*NDIyMjY0MTcyLjE2NzYxNzAyODE.*_ga_TK9BQL5X7Z*MTY3ODA3MjkyMS43LjAuMTY3ODA3MjkyMS4wLjAuMA], truy cập ngày 25/3/202

Lê Thị Xuân Phương - Trần Thị Kim Nguyên

Trích dẫn tại: Hiệp định thực thi Công ước Luật Biển năm 1982 về lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia - Một bước tiến mới của luật biển quốc tế (hcmulaw.edu.vn)