PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG LUẬT HÌNH SỰ - BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP CỦA VIỆT NAM

20/08/2019

PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG LUẬT HÌNH SỰ

- BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG

 LẬP PHÁP CỦA VIỆT NAM

 

ThS Phạm Thị Lệ Quyên

CN Nguyễn Văn Phúc

Khoa Luật, Đại học Duy Tân

 

Tóm tắt: Theo quan niệm truyền thống, pháp luật hình sự Việt Nam chỉ coi chủ thể của tội phạm là các cá nhân người phạm tội và chỉ đặt ra trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Bộ luật hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017), lần đầu tiên đã qui định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại. Đây là bước phát triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp và chính sách hình sự ở nước ta. Bài viết dưới đây đã phân tích, làm rõ những điểm mới qui định về pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự, qua đó góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.  

Từ khóa: Bước phát triển về tư duy lập pháp/pháp nhân thương mại

 

Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự (TNHS), về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội.

 Bộ luật hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) (sau đây được viết là BLHS năm 2015) đã quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, được thể hiện tập trung tại Chương XI của BLHS, gồm 16 điều (từ điều 74 - 89) và trong một số điều khoản của thể khác của Bộ luật (các điều 2, 3, 8, 33, 46). Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt.  

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng BLHS năm 1999. Đặc biệt, trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS vào năm 2009 nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định TNHS của pháp nhân vào BLHS để xử lý đối với các trường hợp tổ chức kinh tế vì chạy theo lợi ích cục bộ đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mang tính chất tội phạm, gây hậu quả nặng nề cho tổ chức, cá nhân và cho xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, như: trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, rửa tiền, vi phạm các quy định về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, gây ô nhiễm hoặc hủy hoại môi trường...

Sau nhiều năm nghiên cứu và đề xuất, vấn đề TNHS của pháp nhân đã được Quốc hội chấp thuận bổ sung vấn đề này vào trong BLHS, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra.

 Cơ sở của những quy định này xuất phát từ yêu cầu cần phải xử lý nghiêm khắc hơn với những hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân cũng như những bất cập của hệ thống pháp luật trong việc xử lý vi phạm pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây và những thách thức đặt ra khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế.

Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ gồm nhiều thành phần, trong đó nhiều tổ chức kinh tế đã được hình thành từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đến các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó đã tạo ra những thành tựu to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực, gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Thực tế cho thấy những hậu quả đó trong nhiều trường hợp không phải là kết quả của hành vi mang tính cá nhân mà là kết quả của những quyết định mang tính tập thể của doanh nghiệp; lợi ích có được từ những hành vi vi phạm pháp luật không thuộc về một cá nhân nào mà thuộc về doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế. Trong nhiều trường hợp, hậu quả thiệt hại do pháp nhân gây ra nếu chỉ xử lý cá nhân người phạm tội thì quyền lợi của người bị hại không được bảo vệ. Thực tiễn này đặt ra cần phải áp dụng các biện pháp xử lý đủ mạnh để đấu tranh đối với loại hành vi nguy hiểm này đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong chính sách xử lý đối với người phạm tội.

Từ trước đến nay, pháp luật của nước ta áp dụng các chế tài xử lý với pháp nhân vi phạm pháp luật chủ yếu là chế tài xử phạt hành chính và chế tài dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.

Về chế tài xử phạt hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã qui định nhiều biện pháp xử lý đối với pháp nhân vi phạm pháp luật, nhưng với các mức xử lý và biện pháp xử lý được qui định cho thấy nó vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ, cùng với thủ tục xử phạt không đảm bảo tính minh bạch. Với mức phạt tiền rất hạn chế (nhiều nhất là 02 tỷ đồng) đối với pháp nhân đã không có tác dụng ngăn chặn vi phạm, nhất là đối với những doanh nghiệp có qui mô lớn như các tập đoàn, tổng công ty, công ty đa quốc gia… Với những doanh nghiệp này, họ sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm vì lợi nhuận đạt được từ sự vi phạm là rất lớn. Mặt khác, một số hành vi gây nguy hiểm cho xã hội (chẳng hạn như rửa tiền, mua bán người, tham nhũng…) nhưng hệ thống các nghị định xử phạt vi phạm hành chính không coi là hành vi vi phạm hành chính nên nếu pháp nhân thực hiện những hành vi này thì không có công cụ pháp lý để xử lý. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không được tiến hành theo một trình tự tố tụng tư pháp có tính minh bạch cao, được tiến hành bởi các cơ quan tố tụng mang tính chuyên nghiệp, với một trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ làm cho việc xử phạt vi phạm đối với pháp nhân không tương xứng với mức độ hậu quả đã gây ra, làm giảm tác dụng răn đe, phòng ngừa. Đồng thời, việc xử lý pháp nhân theo thủ tục xử phạt hành chính làm cho bản thân doanh nghiệp vi phạm không có có hội để được bảo vệ quyền lợi của mình thông qua một phiên tòa công khai.

Việc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự cũng tỏ ra bất cập. Các quy định về án phí dân sự và nguyên tắc người bị hại phải tự chứng minh thiệt hại khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự hiện nay là một sự cản trở lớn đối với người bị thiệt hại. Điều này dẫn đến nhiều vụ doanh nghiệp gây thiệt hại rất lớn cho người dân và xã hội nhưng việc xác định người đứng đơn khởi kiện luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp.

Việc xử lý hình sự đối với cá nhân mà không xử lý pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội đã thể hiện sự thiếu công bằng trong xử lý tội phạm. Hiện nay có nhiều loại hình doanh nghiệp, trong đó có không ít trường hợp người điều hành doanh nghiệp chỉ là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp. Vì vậy, họ thực hiện các quyết định mà các quyết định đó đã xâm hại đến khách thể của luật hình sự lại là quyết định, chính sách của một tập thể hội đồng quản trị hoặc các ông chủ của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu chỉ buộc cá nhân người điều hành (giám đốc hoặc người đại diện doanh nghiệp) chịu TNHS là thiếu công bằng vì họ làm theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của tập thể chứ không vì lợi ích của cá nhân họ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế, trong đó có những qui định về phòng, chống tội phạm. Do đó, việc  định TNHS của pháp nhân để xử lý các hành vi phạm tội cũng là để thực hiện những cam kết quốc tế.

 Khi qui định pháp nhân thương mại (PNTM) là chủ thể của tội phạm, BLHS đã xác định rõ là không phải mọi pháp nhân đều là chủ thể của tội phạm mà chỉ PNTM phạm vào một tội được qui định tại Điều 76 BLHS mới phải chịu TNHS. Điều này xuất phát từ vấn đề TNHS của pháp nhân là vấn đề mới, nên cần có quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức Nhà nước ta cũng như tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân.

 Theo đó, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp không coi là chủ thể của tội phạm. Bởi lẽ, đây là những pháp nhân đều sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động của mình. Trong khi đó, hình phạt (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đối với pháp nhân là phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoạt động, tịch thu tài sản, cấm hoặc hạn chế hoạt động… lại không thể áp dụng đối với các chủ thể này. Mặt khác, các tổ chức này chủ yếu hoạt động trong phạm vi tổ chức của đoàn thể, ít tham gia hoạt động kinh tế, ít đặt vấn đề lợi ích và lợi nhuận, nên ít có khả năng thực hiện các dạng hành vi vi phạm như đề cập ở trên.

Thực tế cho thấy các hành vi phạm tội của PNTM chủ yếu là trong lĩnh vực môi trường, kinh doanh thương mại, thuế, tài chính, chứng khoán, ngân hàng,... Việc quy định loại chủ thể này đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng các hình phạt và biện pháp tư pháp. Do đó, BLHS năm 2015 chỉ quy định TNHS của các PNTM.

Về nguyên tắc xử lý với PNTM phạm tội, BLHS đã xác định đảm bảo các nguyên tắc chung như đối với xử lý với cá nhân phạm tội nhưng nhấn mạnh: Mọi PNTM phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Đặc biệt, khoản 2, Điều 75 BLHS năm 2015 quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Nguyên tắc này xác định mối quan hệ giữa TNHS của cá nhân và TNHS của pháp nhân. Điều này có nghĩa là: Người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội luôn phải chịu TNHS về cùng tội danh với pháp nhân, trừ trường hợp họ thuộc một trong các trường hợp không phải chịu TNHS hoặc được miễn TNHS theo quy định của BLHS. Đối với người hoặc những người đứng đầu pháp nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý. Nếu những người này đều biết và thống nhất chỉ đạo hoặc cùng chấp thuận cho thực hiện thì họ cùng chịu trách nhiệm chung về tội danh với pháp nhân và người trực tiếp thực hiện tội phạm. Nếu có căn cứ cho rằng, trong số họ có người không biết hoặc phản đối việc thực hiện hành vi này thì họ không phải chịu trách nhiệm chung tội danh với pháp nhân.

Như đã phân tích ở trên, việc áp dụng TNHS đối với PNTM phải phù hợp điều kiện của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, BLHS qui định PNTM chỉ phải chịu TNHS trong các điều kiện nhất định. Đó là hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; vì lợi ích của PNTM; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM; và chưa hết thời hạn truy cứu TNHS.

Theo đó, người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội phải nhân danh pháp nhân, có nghĩa là dưới danh nghĩa của pháp nhân. Nếu dưới danh nghĩa của cá nhân thì không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân ngay cả khi họ là người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Người thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân có thể là người lãnh đạo, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền.

Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân là việc người đại diện thực hiện hành vi nhằm mang lại lợi ích chung cho pháp nhân, kể cả trong trường hợp lợi ích của pháp nhân không phải là duy nhất. Trường hợp thực hiện hành vi trên danh nghĩa pháp nhân nhưng lại mang lại lợi ích cho cá nhân thì cũng không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân.

 Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Như vậy, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS khi người đứng đầu pháp nhân hoặc ban lãnh đạo của pháp nhân nhận thức rõ hành vi mà người đại diện thực hiện là trái pháp luật mà vẫn chỉ đạo, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đạiu diện thực hiện hành vi đó.

Về loại tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS được qui định tại Điều 76 BLHS năm 2015, bao gồm 31 tội danh (chủ yếu là nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường). Đây là những tội phạm mà pháp nhân thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Các tội phạm này cũng tương đồng với lĩnh vực hoạt động chủ yếu của PNTM và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tính phổ biến và yêu cầu phòng chống tội phạm.

Về hình phạt đối với PNTM phạm tội.  Do các PNTM là tổ chức kinh tế độc lập, hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không sử dụng ngân sách nhà nước, cho nên hình phạt mang tính kinh tế được coi là phù hợp và hiệu quả nhất và cũng phù hợp với phạm vi tội phạm được xác định là có thể truy cứu đối với pháp nhân. Đối với hình phạt tước giấy phép có thời hạn hoặc tước giấy phép vĩnh viễn chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và không còn cách nào khác. Bên cạnh các hình phạt chính, pháp nhân phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt chính. Theo đó, BLHS quy định hệ thống các hình phạt đối với PNTM phạm tội gồm: Các hình phạt chính (Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) và hình phạt bổ sung (Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính). Trong các hình phạt đối với PNTM phạm tội có một số điểm cần chú ý như: Về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn. Trên tinh thần xử lý TNHS đối với pháp nhân phải tính đến những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho xã hội như tình trạng mất việc làm của người lao động, giảm tiền thuế…nên BLHS quy định áp dụng hình phạt này trên tinh thần khuyến khích pháp nhân khắc phục sai phạm, sửa chữa lỗi lầm để tiếp tục sản xuất kinh doanh và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Trong trường hợp pháp nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thì lĩnh vực nào vi phạm thì tạm đình chỉ lĩnh vực đó. Về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Chỉ áp dụng hình phạt này khi một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; hoặc PNTM được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.  

Trong BLHS năm 2015 cũng qui định PNTM phạm tội có thể được miễn hình phạt theo hướng mở rộng hơn đối với cá nhân. Theo đó, PNTM có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Quy định này nhằm khuyến khích pháp nhân tích cực sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhằm giảm tối đa các tác động tiêu cực có thể mang lại từ việc áp dụng hình phạt.

Những phân tích trên đây đã làm rõ những tư tưởng, quan điểm cũng như các qui định cơ bản về PNTM là chủ thể của tội phạm – một nội dung lần đầu tiên được qui định trong pháp luật hình sự của nước ta, qua đó góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn./.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Bộ luật hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017);

- PGS.TS Trần Văn Độ, Những qui định về pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự năm 2015, Tài liệu tuyên truyền Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ Tư pháp.