QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẠM NHIỀU TỘI TRONG LUẬT SỐ 12/2017/QH14 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (KỲ II)

04/04/2018

* Trước những vấn đề cần làm rõ hơn trong việc quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định chi tiết hơn việc quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội cụ thể như sau:

Trong việc tổng hợp hình phạt chính khi pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, so với chỉ có 01 trường hợp được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 thì Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định 04 trường hợp cụ thể tại các điểm b, c, d, đ lần lượt là:

- Điểm b Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;

Trong cùng một lĩnh vực hoạt động nếu hành vi phạm tội của pháp nhân cấu thành nhiều tội danh khác nhau, có tội danh bị tuyên phạt là đình chỉ hoạt động, có tội danh bị tuyên phạt là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì hình phạt chung mà pháp nhân đó phải chịu là hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Điểm c Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;

Tổng hợp hình phạt như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định Khoản 2 Điều 78 Bộ luật hình sự 2015 “Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm”

- Điểm d Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;

Khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự 2015 quy định “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”, như vậy trong tất cả các hình phạt đình chỉ hoạt động mà pháp nhân phải chiụ, nếu thuộc vào trường hợp quy định Khoản 2 Điều 79 thì pháp nhân sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, đây là mức hình phạt cao nhất đối với pháp nhân thương mại vì mục đích thành lập pháp nhân thương mại trái với quy định của pháp luật.

- Điểm đ Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.

Sở dĩ điểm đ Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định không tổng hợp hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau vì nếu tổng hợp thành hình phạt chung thì sẽ không đúng, gây thiệt hại thêm cho pháp nhân thương mại.

Ví dụ: Công ty F hoạt động trong hai lĩnh vực A và B, các lĩnh vực hoạt động này của công F vi phạm pháp luật. Lĩnh vực A bị Tòa án đình chỉ hoạt động 2.5 năm, lĩnh vực B bị Tòa án đình chỉ 2.5 năm. Nếu tổng hợp hình phạt thành hình phạt chung cho cả hai lĩnh vực này là 05 năm thì cả hai lĩnh vực A và B đều bị đình chỉ hoạt động 05 năm là không đúng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty F. Mặt khác, thời hạn đình chỉ hoạt động có thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 78 cao nhất cũng chỉ là 03 năm.

  1. Kết luận

Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã khắc phục được các thiếu sót, hạn chế của Bộ luật hình sự năm 2015 về việc quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Bộ luật hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nên khi chính thức có hiệu thực thi hành vào ngày 01/01/2018 sắp tới sẽ không tránh khỏi nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập. Các cơ quan chắc năng có thẩm quyền cần phải căn cứ vào tình hình thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 để kịp thời điều chỉnh, có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể triển khai thi hành, đặc biệt trong vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội.

------------------------------

 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật hình sự năm 2015;
  2. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
  3. Võ Văn Trung, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2026, truy cập 06/12/2017;
  4. Pháp nhân thương mại phạm tội: Xử lý hình sự như thế nào?, https://baomoi.com/phap-nhan-thuong-mai-pham-toi-xu-ly-hinh-su-nhu-the-nao/c/20542547.epi, truy cập ngày 06/12/2017;
  5. TS Hoàng Giang Nam, Chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, https://conganquangbinh.gov.vn/che-dinh-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi-quy-dinh-trong-bo-luat-hinh-su-nam-2015/, truy cập 05/12/2017.