QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

25/02/2024

ThS. Mai Thị Mai Hương

Khoa Luật - Trường Đại học Duy Tân

 

1.1. Những nội dung cơ bản của pháp luật về quy hoạch bảo vệ môi trường

1.1.1. Khái niệm quy hoạch bảo vệ môi trường

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là việc sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định.

Khoản 4 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2020

Quy hoạch bảo vệ môi trường là một dung hoàn toàn mới được ghi nhận lần đầu tiên trong Luật BVMT 2014. Trước đây, Luật BVMT 2005 không đề cập đến.

1.1.2. Vai trò chủ đạo của quy hoạch trong bảo vệ môi trường

Quy hoạch BVMT sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

1.1.3. Những quy định cơ bản của pháp luật về quy hoạch bảo vệ môi trường

1.1.3.1. Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường

- Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường thuộc về Bộ Tài nguyên và môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể như sau:

+ Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức lập quy hoạch BVMT cấp quốc gia. (Khoản 3 Điều 23)

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch BVMT trên địa bàn. (Khoản 3 Điều 24)

- Thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường:

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

1.1.3.2. Nguyên tắc và nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường

- Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện dựa trên những căn cứ sau:

+ Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia trong cùng giai đoạn phát triển;

+ Kịch bản biến đổi khí hậu trong cùng giai đoạn phát triển.

Thứ nhất, đối với quy hoạch BVMT cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;

+ Phân vùng môi trường;

+ Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng;

+ Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông;

+ Quản lý chất thải;

+ Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường;

+ Các bản đồ quy hoạch;

+ Nguồn lực thực hiện quy hoạch;

+ Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thứ hai, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh thì nội dung được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2.1. Những nội dung cơ bản của pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

2.1.1. Khái niệm đánh giá môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường

Đánh giá môi trường là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các hoạt động phân tích, đánh giá những ảnh hưởng môi trường khi triển khai các hoạt động phát triển.

Đánh giá môi trường bao gồm:

+ Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC);

Đánh giá môi trường chiến lược là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong chính sách, chiến lược, quy hoạch.

+ Đánh giá tác động môi trường (ĐTM);

Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là việc xem xét, nhận dạng các vấn đề môi trường chính của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư.

Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

+ Kế hoạch bảo vệ môi trường.

Khoản 5, 6, 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

2.1.2. Chủ thể có trách nhiệm thực hiện đánh giá môi trường theo quy định của pháp luật

Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

2.1.3. Nội dung của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

2.1.3.1. Nội dung của báo cáo đánh giá môi trường

  1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược:

- Chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên cấp quốc gia.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường thuộc danh mục do Chính phủ quy định. (Điều 26)

  1. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược

Gồm Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược và Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch quy định tại Điều 27.

- Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược bao gồm:

+ Đánh giá sự phù hợp của chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chiến lược với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này;

+ Đề xuất phương án điều chỉnh, hoàn thiện nội dung của chiến lược để bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này.

- Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch bao gồm:

+ Các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường;

+ Phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

+ Thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch;

+ Các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng;

+ So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

+ Kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch;

+ Tác động của biến đổi khí hậu;

+ Kết quả dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;

+ Định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch;

+ Kết quả tham vấn các bên có liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

+ Vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường (nếu có), kiến nghị phương hướng và giải pháp khắc phục.