Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự là gì?

04/12/2023

Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự là nghĩa vụ tố tụng của đương sự, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức phải xuất trình cho Toà án các chứng cứ.

Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là một nội dung của nghĩa vụ chứng minh.

Trước đây, tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự. Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyển hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Toà án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ.

Việc cung cấp chứng cứ cho Toà án của các chủ thể có thể được tiến hành trước phiên toà hoặc tại phiên toà. Nếu chứng cứ thể hiện dưới dạng các giấy tờ tài liệu thì họ phải xuất trình bản chính cho Toà án đối chiếu với bản sao. Trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ các chủ thể bình đẳng. Toà án có nghĩa vụ tiếp nhận tất cả các chứng cứ do các chủ thể cung cấp lưu vào hồ sơ vụ án, xem xét và sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

1. Chứng cứ là gì?

Dù là trong hình sự hay là trong dân sự thì chứng cứ cũng đóng vai trò quan trọng trong mỗi vụ việc. Mọi hoạt động trong quá trình chứng minh chủ yếu là xoay quanh vấn đề về chứng cứ, và mọi giai đoạn của tố tụng dân sự mở ra, kết thúc và kết quả của nó như thế nào thì đều phụ thuộc rất lớn vào chứng cứ có được. 

Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy thì dựa vào chứng cứ mà các đương sự có cơ sở xác đáng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng xem xét được tính đúng đắn của sự việc để bảo vệ lợi ích của người dân và bảo vệ pháp luật. 

2. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự.

Quy định về cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự thì từ Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng đã quy định rất rõ về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Tiếp đến với Bộ luật  tố tụng dân sự 2015 thì cũng đã quy định tại điều 6 và điều 7. Cụ thể như sau: 

Tại điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự thì cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự được quy định rằng các đương sự  có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự. Và phía bên tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp mà bộ luật tố tụng dân sự có quy định.

Trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự Tòa án, Viện kiểm sát theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp mà không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, tòa án, viện kiểm sát. 

Việc cung cấp chứng cứ cho tòa án của các chủ thể được tiến hành trước phiên tòa hoặc là tại phiên tòa. Nếu chứng cứ thể hiện dưới dạng các giấy tờ, tài liệu thì họ phải xuất trình bản chính hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc là do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thì các chủ thể bình đẳng với nhau, Tòa án có nghĩa vụ tiếp nhận tất cả các chứng cứ do các chủ thể cung cấp lưu vào hồ sơ vụ án, xem xét và sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. 

Khoa Luật.