HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT - NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ NƯỚC KHÁC

18/10/2022

  1. Lịch sử hình thành của vùng đặc quyền kinh tế

Một số học giả cho rằng khái niệm Vùng đặc quyền kinh tế không có lý thuyết tiền đề và do đó nội dung của EEZ phụ thuộc vào khả năng tồn tại và nội dung có liên quan được thể hiện trong sự thay đổi của tập quán quốc tế và thực tiễn áp dụng của các quốc gia. Trong đó vùng tiếp giáp đặc biệt, học thuyết thềm lục địa hay các tuyên bố khác nhau về chủ quyền đối với vùng đánh cá của các quốc gia đã tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Ý tưởng quan trọng đầu tiên về việc hình thành quyền tài phán đặc quyền được quy định tại Tuyên bố Truman ngày 28/9/1945 về thềm lục địa của Hoa Kỳ. Trong tuyên bố này đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình, chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, thềm lục địa và đáy biển tiếp giáp với các vùng biển của quốc gia này. 

Đồng thời, khi nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đặc quyền kinh tế cho thấy Tuyên bố chủ quyền quốc gia để bảo vệ tài nguyên trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển (Tuyên bố Santiago năm 1952 của 3 nước Chile, Ecuador và Peru) là văn kiện pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành một vùng đặc quyền kinh tế như được quy định trong UNCLOS hiện nay. Điều 1 và 2 của tuyên bố Santiago khẳng định “Các yếu tố địa chất, sinh học quyết định sự tồn tại, bảo tồn và phát triển của hệ động, thực vật biển ở vùng nước ven biển của các quốc gia ra Tuyên bố làm cho việc mở rộng lãnh hải và vùng tiếp giáp theo các quy định trước đây là không phù hợp với mục đích bảo tồn, phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên này”. Do đó, ba chính phủ “tuyên bố như một nguyên tắc trong chính sách hàng hải quốc tế của mình rằng mỗi chính phủ có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển tiếp giáp với bờ biển của quốc gia mình và kéo dài không dưới 200 hải lý tính từ bờ biển nói trên”. Tại Điều 5, Tuyên bố Santiago năm 1952 cũng đề cập đến việc tuyên bố này sẽ không làm ảnh hưởng đến những giới hạn cần thiết để thực thi chủ quyền và quyền tài phán được thiết lập theo luật pháp quốc tế để cho phép quyền đi qua không gây hại đối với tất cả tàu thuyền. 

Tại các Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ nhất và lần thứ hai được tổ chức ở Geneva vào năm 1958 và 1960, các nguyên tắc thể hiện trong Tuyên bố Santiago đã thu hút được ít sự ủng hộ và khiến Chile, Ecuador và Peru rơi vào thế bị cô lập. Trong những năm 1960, một số quốc gia Mỹ Latinh khác đã thiết lập các vùng biển rộng 200 hải lý. Đến năm 1970, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2750 (XV) quy định về nhiệm vụ cho Ủy ban về sử dụng hòa bình đáy biển và đáy đại dương nằm ngoài giới hạn của quyền tài phán quốc gia như một sự trù bị cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ ba, chín quốc gia Mỹ Latinh đã tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán đối với tất cả các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của mình. Các quốc gia này là: Ecuador, Panama, Brazil, Chile, Peru, El Salvador, Argentina và Nicaragua. Mặc dù tuyên bố của các quốc gia này khác nhau, nhưng mục đích của việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý mà theo đó nhà nước bảo tồn và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển tiếp giáp với bờ biển của mình là chung cho tất cả mọi người.

Tiếp nối tuyên bố Satiago, tuyên bố Santo Domingo ngày 9/6/1972 như một sự tiếp nối cho việc phát triển của các chế độ pháp lý liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế. Tuyên bố được biết đến như kết quả của một hội nghị các quốc gia tiểu vùng Caribe về các vấn đề liên quan đến biển, bao gồm: Barbados, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Haiti, Honduras, Jamaica, Mexico, Nicaragua, Panama, Trinidad, Tobago và Venezuela. Ngoài ra hội nghị còn có sự tham gia của El Salvador và Guyana với tư cách quan sát viên. Chính Tuyên bố Santo Domingo đã đưa khái niệm về vùng biển di sản (patrimonial sea) trở thành trọng tâm. Cụ thể vùng biển di sản trong tuyên bố được mô tả như sau:

(1) Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo và không thể tái tạo được tìm thấy trong vùng nước, lòng biển và lòng đất dưới đáy biển của khu vực tiếp giáp với lãnh hải được gọi là vùng biển di sản.

(2) Quốc gia ven biển có nhiệm vụ thúc đẩy và có quyền điều tiết việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển di sản, cũng như có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa ô nhiễm biển và đảm bảo chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực.

(3) Bề rộng của khu vực này nên là đối tượng của một thỏa thuận quốc tế, tốt nhất là trên phạm vi toàn thế giới. Toàn bộ diện tích lãnh hải và biển cả, có tính đến hoàn cảnh địa lý, tối đa không quá 200 hải lý.

(4) Trong vùng biển này, tàu thuyền và máy bay của tất cả các quốc gia, được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không mà không có bất kỳ hạn chế nào, ngoại trừ những quyền do quốc gia ven biển được hưởng. Các quốc gia nước ngoài cũng có quyền tự do đặt cáp và đường ống ngầm dưới biển.

Như vậy có thể nhận thấy bản thân tuyên bố Santo Domingo được đặt ra nhằm mục đích chính là tập trung vào các quyền tài phán kinh tế. Theo tuyên bố, quốc gia ven biển cũng có chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng biển di sản, cách hiểu đối với các nội dung của tuyên bố không được giải thích bao gồm chủ quyền của các quốc gia đối với toàn bộ vùng biển di sản.

Vấn đề về một cùng biển bên ngoài chủ quyền của quốc gia cũng được các quốc gia châu Phi đặt ra. Vào tháng 6/1972, 16 quốc gia châu Phi cũng có cuộc họp về  Luật biển tại Yaoundé, Cameroon. Kết luận Yaoundé khẳng định rằng Các quốc gia châu Phi có quyền bình đẳng trong việc thiết lập bên ngoài lãnh hải của mình một khu vực kinh tế mà các quốc gia này có quyền tài phán đặc biệt và khai thác đối với các nguồn tài nguyên sinh vật biển cũng như bảo tồn chúng vì lợi ích chính của người dân và nền kinh tế của họ, và vì mục đích của việc ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm biển.  

Từ các văn kiện pháp lý tiền thân về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế, có thể nhận thấy các văn kiện này không đề cập đến vấn đề khảo sát và nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Do đó, mặc dù hiện tại các quốc gia tuyên bố thẩm quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế bao gồm đặc quyền nghiên cứu khoa học tuy nhiên việc thừa nhận như vậy vẫn chưa đủ để kết luận thẩm quyền tuyệt đối về vấn đề này là phù hợp với tập quán quốc tế mà cần thiết phải tiếp tục làm rõ quy chế pháp lý có liên quan đến vẫn đề này. 

Trong tiến trình đàm phán UNCLOS, Thảo luận về vùng đặc quyền kinh tế của Ủy ban đáy biển từ năm 1971-1973 cũng đã đưa nha những vấn đề liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế. Căn cứ Nghị quyết 2340 (XXII) ngày 18/12/1967, Liên Hợp quốc thành lập một ủy ban Adhoc với mục đích nghiên cứu đáy biển và đáy đại dương nằm ngoài giới hạn thẩm quyền quốc gia với sự tham gia của 35 quốc gia, theo đó Ủy ban cũng khuyến khích việc thành lập một ủy ban thường vụ về vấn đề này. Chính vì vậy Nghị quyết 2467 (XXIII)  ngày 21/12/1968 đã thành lập Ủy ban đáy biển và đáy đại dương được thành lập. Đến năm 1971, Ủy ban này đã họp phiên đầu tiên để thảo luận các vấn đề liên quan đến các chế độ pháp lý của biển cả, thềm lục địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, hoạt động đánh bắt cá và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển. Năm 1972, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban đáy biển phái đoàn Kenya đã đệ trình “Dự thảo các điều khoản về Khái niệm Kinh tế Đặc quyền”. Các đề xuất của Kenya phản ánh một khái niệm về khu vực này rất giống với khái niệm của vùng biển di sản. Trong đó, dự thảo các điều khoản nêu rõ “tất cả các Quốc gia có quyền thiết lập một  vùng đặc quyền kinh tế ngoài lãnh hải vì lợi ích chính của người dân và nền kinh tế tương ứng của quốc gia đó, trong đó họ sẽ thực hiện các quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên cho mục đích thăm dò và khai thác”. Hơn nữa, “... Nhà nước có thể thiết lập các quy định đặc biệt trong khu kinh tế của mình để: (a) Độc quyền thăm dò và khai thác các tài nguyên phi sinh vật; (b) Khai thác độc quyền hoặc ưu đãi các tài nguyên tái tạo; (c) Bảo vệ và bảo tồn tài nguyên tái tạo; (d) Kiểm soát, ngăn ngừa và loại bỏ ô nhiễm môi trường biển”.

Tại hội nghị của Liên hợp quốc lần thứ 3 về luật biển năm 1973, các vấn đề pháp lý liên quan đến các vùng biển được đưa ra thảo luận, trong đó bao gồm vấn đề thềm lục địa, và quy chế pháp lý đối với vùng biển này được ghi nhận trong UNCLOS 1982. Có thể khẳng định, vùng đặc quyền kinh tế thể hiện sự đổi mới quan trọng của UNCLOS.

Như vậy, có thể nhận thấy mục đích của việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác kinh tế đối với các nguồn tài nguyên biển cũng như bảo vệ môi trường biển.  

Còn nữa