Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

17/07/2023

Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

Là một quốc gia bị cảnh báo về hoạt động khai thác IUU trên các diễn đàn nghề cá quốc tế và khu vực, cũng như bị EU áp dụng lệnh cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với nghề cá, Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực nhằm khắc phục hoạt động đánh bắt cá IUU đối với hệ thống tàu cá của Việt Nam và cộng đồng ngư dân, trong đó, trước tiên và chủ yếu là việc thông qua một hệ thống quy phạm pháp luật tương đối dày dặn, có thể kể đến như: Luật Thuỷ sản Việt Nam năm 2017; Thông tư Số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 qui định về việc chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác; Thông tư Số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2013 qui định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 33/2010 qui định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và hướng dẫn nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi các nghị định về lĩnh vực thủy sản; Thông tư số 26/2016/ TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 qui định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở Vùng biển nước ngoài; Quyết định số 4840 /QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về triển khai Luật Thủy sản là văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề thiết lập MCS; Nghị định Số 42/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã xác định một số mức hình phạt đối với hoạt động khai thác IUU; .…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các điều ước quốc tế nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện điều chỉnh hoạt động khai thác IUU, có thể kể đến các điều ước quốc tế quan trọng sau: UNCLOS năm 1982; Hiệp định của FAO về thúc đẩy việc tuân thủ các biện pháp quản lý và bảo tồn các vùng biển cả của tàu cá năm 1993; Hiệp đinh về đàn cá di cư của Liên hợp cuốc (UNFSA)năm 1995; Bộ quy tắc quản lý nghề cá có trách nhiệm của FAO (CCRF) năm 1995; Kế hoạch hành động quốc tế nhằm hạn chế, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU của FAO (IPOA-IUU) năm 2001; Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng nhằm hạn chế, ngăn chặn, loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của FAO năm 2009; Hướng dẫn tự nguyện về kết quả thực hiện của các quốc gia có tàu treo cờ của FAO năm 2014; … và các diễn đàn nghề cá khu vực.

Có thể nhận thấy, Luật Thủy sản Việt Nam là văn bản xương sống điều chỉnh tất cả các hoạt động liên quan đến việc khai thác thủy sản của Việt Nam cũng như khai thác IUU, cùng với đó là một hệ thống các nghị định, thông tư hỗ trợ cho quá trình quản lý và thực thi pháp luật đối với hoạt động nghề cá của ngư dân. Giống như quy định chung của Luật quốc tế, Điều 60 Luật Thủy sản Việt Nam năm 2017 quy định hoạt động đánh bắt cá IUU theo pháp luật Việt Nam bao gồm: (i) Khai thác thủy sản không có giấy phép; (ii) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; (iii) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (iv) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; (v) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; (vi) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (vii) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (viii) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; (ix) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; (x) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; (xi) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; (xii) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định; (xiii) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; (xiv) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực. (Điều 60, Luật số: 18/2017/QH14, Luật Thủy sản Việt Nam năm 2017)

Để giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt cá IUU, Việt Nam cũng đồng thời tiến hành các biện pháp trên thực tế nhằm quản lý hiệu quả, kịp thời phát hiện nhằm ngăn chặn và xử lý các hoạt động liên quan đến IUU, cụ thể như sau:

  • Tiến hành theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá (MCS)

Không thể phủ nhận biện pháp theo dõi, kiểm soát và giám sát tài cá là một biện pháp hữu hiệu nhất nhằm kiểm soát hoạt động khai thác IUU dưới góc độ là một quốc gia mà tàu mang cờ. Chính vì vậy đây cũng là giải pháp mà Việt Nam ưu tiên lựa chọn để khắc phục các tình trạng IUU trong nước.

Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về triển khai Luật Thủy sản là văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề thiết lập MCS. Cụ thể, tại Điều 44 của nghị định này quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá, theo đó nghị định đặt ra yêu cầu đối với tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển phải triển khai hệ thống này đối với tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhằm kịp thời cảnh báo cho tàu thuyền khi vượt qua những ranh giới cho phép trên biển. Nghị định đặt ra một lộ trình cụ thể để thực hiện hoạt động này như sau: “Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp trước ngày 01/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01/01/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01/4/2020”. (Điều 44, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về triển khai Luật Thủy sản).

Bên cạnh đó, quy trình giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc cũng từng bước được thực hiện tốt hơn nhằm đảm bảo kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ gắn kết với quy trình xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Quy trình kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam cũng được điều chỉnh nhằm kiểm soát thông tin tàu đánh bắt, chuyển tải sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu vào nước ta để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu khi chủ hàng làm thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu.

  • Tiến hànhtruy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác

Đối với ngành công nghiệp thủy sản, đặc biệt là thủy sản khai thác, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với việc kịp thời phát hiện và xử lý đối với nguồn thủy sản có nguồn gốc từ hoạt động đánh bắt cá IUU. Nắm bắt được ý nghĩa của hoạt động này và nhằm thực hiện hiệu quả của một quốc gia xuất khẩu thủy sản, Việt Nam cũng đã tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm truy xuất nguồn gốc của thủy sản đánh bắt.

Điều 61 Luật Thủy sản 2017 bao gồm các hoạt động sau: (i) Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. (ii) Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. (iii) Sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu trên cơ sở nguyên liệu sản xuất sản phẩm thủy sản đó được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp. (iv) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản nhập khẩu hoặc sản phẩm thủy sản được sản xuất từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Đáp ứng yêu cầu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có 04 đợt công bố rộng rãi về 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng và ban hành danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Các Ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản các địa phương triển khai tốt công tác hỗ trợ các chủ tàu, thuyền trưởng trong việc ghi, nộp Nhật ký khai thác thủy sản qua việc in, cấp, phát Sổ nhật ký khai thác theo mẫu, hướng dẫn ghi chép, hướng dẫn báo cáo hoạt động trên biển, và nộp cho Ban quản lý cảng cá khi kết thúc chuyến biển. Đồng thời, Ban quản lý các cảng cá cũng đã thực hiện việc cấp Giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng cho các chủ tàu, doanh nghiệp thu mua khi có yêu cầu. [12]

(3) Về việc giải quyết tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài

Vấn đề đáng quan ngại nhất của Việt Nam hiện nay liên quan đến đánh bắt cá IUU là việc tàu cá, ngư dân Việt Nam tiến hành khai thác trái phép tại các vùng biển của quốc gia khác. Do đó, các hoạt động nhằm xử lý và khắc phục tình trạng này là điều mà Việt Nam tập trung giải quyết kể từ khi bị EU ra quyết định cảnh cáo.

Trên cơ sở các khuyến nghị của EU và ý thức trách nhiệm của Việt Nam trong việc phòng, chống, hạn chế và chấm dứt việc tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng khơi và phát hiện, xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Trong năm 2019, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã tổ chức 50 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản, huy động 70 lượt tàu, xuồng kiểm ngư. Tổng số tàu cá đã quan sát là: 9.850 lượt chiếc. Tổng số tàu cá đã kiểm tra là: 1.488 lượt chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam: 1.435 chiếc, tàu cá nước ngoài 53 lượt chiếc. Tổng số tàu cá vi phạm đã kiểm tra, xua đuổi: 499 lượt chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam 446 lượt chiếc, tàu cá nước ngoài 53 lượt chiếc. Lập biên bản vi phạm hành chính 310 trường hợp, chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý và trực tiếp xử lý thu nộp ngân sách nhà nước 1.064.250.000 đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện ngày một hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cảnh sát Biển tăng cường tuần tra, kiểm tra ngăn chặn tàu tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước tại các khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia; phối hợp với lực lượng Biên Phòng cử cán bộ Bộ đội Biên phòng thường trực tại Văn phòng Kiểm soát tại cảng; chỉ đạo đồn trạm Biên phòng và Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển tổ chức tốt công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng. Bên cạnh đó, 08/28 tỉnh, thành phố có biển đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp chống khai thác IUU; đặc biệt là ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài . Các cơ quan chức năng, các địa phương đã, đang áp dụng các biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình. [12]

Bên cạnh những biện pháp khắc phục và xử lý trên thực tế, Việt Nam cũng xây dựng một khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn thiện về vấn đề này với một hệ thống chế tài có tính răn đe cao. Cụ thể, Nghị định Số 42/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã xác định một số mức hình phạt đối với hoạt động khai thác IUU. Đối với các vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản, một mức hình phạt khá cao được áp dụng đối với hoạt động đánh bắt trái phép này được quy định tại nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Tại Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định các mức xử phạt đối với các tội phạm nghiêm trọng về khai thác thủy sản. Một mức hình phạt tương đối cao từ 300-500 triệu đồng được đặt ra đối với các vi phạm như: (1) Không đảm bảo đủ các điều kiện về giấy phép khai thác đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét để tiến hành khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; (2) Sử dụng tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, và các sản phẩm thủy sản từ các tàu cá không đủ điều kiện về giấy phép khai thác; cũng như hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho các tàu được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp; (3) Tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét nhưng không trang bị thiết bị giám sát hành trình; (4) Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng; (5) Đối với các tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên nhưng không đảm bảo các điều kiện về nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải nguồn thủy sản đánh bắt; (6) Các cá nhân cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định. 

Tại khoản 2 của Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP cũng nâng mức xử phạt lên từ 500-700 triệu đối với những hành vi tương tự như khoản 1 trong trường hợp các cá nhân cố tình vi phạm nhiều lần; các vi phạm liên quan đến việc che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mức xử phạt này cũng được áp dụng đối với các vi phạm liên quan đến quy định về nhật ký khai thác theo yêu cầu của các tổ chức nghề cá khu vực hoặc là khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

Mức xử phạt cao nhất được áp dụng hiện tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong các vùng biển Việt Nam dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ VNĐ, theo quy định tại khoản 3, Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, các hành vi sai phạm bị áp dụng mức hình phạt này bao gồm: (1) Các vi phạm về giấy phép khai thác, không trang bị các thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên; (2) Vi phạm liên quan đến việc khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc sự quản lý của các tổ chức nghề cá khu vực mà không đảm bảo các điều kiện về giấy phép khai thác; (3) Các vi phạm liên quan đến giấy phép khai thác của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam; (4) Công dân Việt Nam sử dụng tàu không quốc tịch, hoặc tàu mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực; (5) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về bảo tồn tài nguyên trong các vùng biển quốc tế, và các vùng biển thuộc sự quản lý của các tổ chức nghề cá khu vực; (6) Các vi phạm liên quan đến việc che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm; (7) Các hành vi tái phạm đối với việc khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

Bên cạnh đó pháp luật về xử lý vi phạm đối với các hành vi đánh bắt cá IUU của Việt Nam cũng quy định thêm các hình phạt bổ sung nhằm tăng cường tính răn đe đối với các vi phạm về nghề cá như: (1) Tịch thu các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác IUU; (2) Tịch thu tàu cá vi phạm; (3) Tước quyền sử dụng các văn bằng, chứng chỉ của thuyền trưởng; (4) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản (Khoản 4, Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản). Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng quy định việc buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định về đánh bắt cá trong vùng biển của các quốc gia khác, vùng biển quốc tế và các vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực (Khoản 5, Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản).

Đối với các hành vi hỗ trợ hoạt động khai thác IUU, mức hình phạt tương ứng đối với từng loại hành vi như sau:

  • Đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài động vật mức hình phạt được áp dụng từ 5 triệu đến 200 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi trên thực tế cùng với đó là các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật hay buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu cũng được áp dụng (Điều 6, Nghị định Số: 42/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản).
  • Đối với các vi phạm trong khu vực cấm khai thác thủy sản mức hình phạt được đặt ra từ 10 đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ tàu cá đồng thời buộc các chủ tàu vi phạm thực hiện việc phóng thích đối với các loài còn sống, cũng như áp dụng các biện pháp tịch thu ngư lưới cụ. Đối với hoạt động khai thác các loài động vật quý hiếm mức hình phạt áp dụng từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, tước giấy phép khai thác từ3 đến 6 tháng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. (Điều 7, Điều 8, Nghị định Số: 42/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản)
  • Đối với các vi phạm về vùng khai thác, mức hình phạt được áp dụngtừ 5 triệu đến 40 triệu đồng tùy thuộc vào kích thước con tàu. Mức hình phạt cũng có thể tăng thêm đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và bị tước giấy phép khai thác từ 6 tháng đến 1 năm. (Nghị định Số: 42/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Điều 21)
  • Đối với các vi phạm về hạn ngạch sản lượng khai thác thủy sản phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm, tịch thu sản lượng khai thác vượt quá hạn ngạch và tước giấy phép khai thác từ 6 tháng đến 1 năm. Cùng với đó, các mức hình phạt ápdụng đối với việc vi phạm về giấy phép khai thác cũng được áp dụng nhằm kiểm soát hoạt động khai thác của ngư dân với mức phạt giao động từ 20 đến 70 triệu đồng.
  • Đối với các vi phạm quy định về chuyển tải thủy sản hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp mức phạt được áp dụng từ 100 đến 300 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 1 năm đối với hành vi vi phạm và tịch thu thủy sản khai thác bất hợp pháp.
  • Đối với các vi phạm quy định về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản mức hình phạt được áp dụng từ 5 triệu đến 50 triệu đồng;
  • Đối với các vi phạm về ngư, lưới cụ khai thác mức hình phạt được áp dụng từ 2 đến 30 triệu đồng đồng thời tước giấy phép khai thác từ 3 đến 6 tháng tùy thuộc vào mức độ vi phạm; …

Các biện pháp xử lý hình sự trên thực tế ít được áp dụng đối với hoạt động khai thác IUU ngoại trừ một số trường hợp sử dụng các chất cấm trong khai thác thủy sản, hay khai thác các loài thủy sản quý hiếm nằm trong danh mục bảo tồn, … được quy định trực tiếp tại luật hình sự Việt Nam. Cụ thể, Điều 242 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2017 quy định biện pháp xử lý các hành vi vi phạm đối với tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản một mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một số hành vi sau: (1) Tàu cá sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư lưới cụ nằm trong danh mục cấm để tiến hành khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản; (2) Tiến hành khai thác thủy sản trong các khu vực cấm; (3) Khai thác các loài hải sản bị cấm khai thác, các loài hải sản nằm trong danh mục động vật quý hiếm cần được bảo tồn; (3) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài động vật quý hiếm, gây ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái của môi trường biển. (Điều 242, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2017).

Ngoài ra một số biệt pháp xử lý khai thác IUU khác cũng được Việt Nam áp dụng, tùy thuộc vào tình hình thực tế của các địa phương ven biển mà phương án được áp dụng có sự điều chỉnh nhất định.