Cách viết CV xin việc cho sinh viên

15/06/2023

Hiện nay, có nhiều sinh viên năng động đã tự tìm cho mình những việc làm thêm hoặc những vị trí thực tập sinh ở các công ty/doanh nghiệp để có thể bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân trước khi rời ghế nhà trường.

Hầu hết, khi đi phỏng vấn ở các vị trí nhân viên làm thêm hay thực tập sinh, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu phải nộp CV trước khi được phỏng vấn trực tiếp. Đây là điều bắt buộc với mọi đối tượng dù bạn là người có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường hay chưa ra trường. Trước khi bắt tay vào thực hiện CV dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp, bạn cần hiểu rõ CV là gì và những lưu ý khi viết CV khi chưa có kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

1. CV là gì?

CV (hay Resume) là viết tắt của cụm từ Curriculum Vitae xuất phát từ tiếng Latinh thường được dịch là sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, đây không phải là một tờ khai lý lý lịch tự thuật như: Tên đầy đủ; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú; họ tên bố mẹ; anh chị em và chồng, con (nếu đã có); trình độ học vấn của bản thân cùng những thông tin liên quan khác.

CV ở đây là bản tóm lược tất cả những thông tin liên quan đến trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc cùng các kỹ năng mềm, các chứng chỉ, thành tích khen thưởng liên quan đến công việc mà ứng viên gửi tới người tuyển dụng.

CV được xem là điều mà nhà tuyển dụng quan tâm đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng tiên quyết và không thể thiếu được trong hồ sơ xin việc vì CV giúp các nhà tuyển dụng có thể đưa ra được đánh giá bước đầu về các ứng viên trước khi lựa chọn phỏng vấn.

Hiện nay, CV thường được gửi online trước khi ứng viên đến gặp trực tiếp nhà tuyển dụng. Nếu CV được chấp nhận thì ứng viên sẽ được mời đến phỏng vấn trực tiếp.

Cv xin việc là gì? CV là viết tắt của từ gì?

2. Tại sao phải viết CV xin việc?

Nhà tuyển dụng sẽ không có nhiều thời gian để tổ chức phỏng vấn cho tất cả ứng viên nên ngoài chứng chỉ, bằng cấp thì bản CV đầy đủ và thu hút là yếu tố mà các nhà tuyển dụng quan tâm đầu tiên. CV giúp nhà tuyển dụng và công ty nhận diện ra bạn trong hàng nghìn hồ sơ của các ứng viên khác.

Thông qua CV, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá, xem xét và sàng lọc những ứng viên thích hợp với công việc nhất để đi đến vòng phỏng vấn. Vì vậy, việc trình bày một CV đầy đủ, đẹp mắt là cũng là cách bạn tạo ấn tượng và “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.

3. Nội dung của CV

Sau đây là những thành phần cần có trong CV:

Thông tin cá nhân ứng viên

Đầu tiên, trong CV bạn cần để các thông tin cơ bản để nhà tuyển dụng có thể nắm sơ lược về bạn gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, thông tin liên hệ (Email, số điện thoại…). Bạn có thể thêm ảnh chính diện nếu cảm thấy công việc cần yếu tố ngoại hình.

Mục tiêu nghề nghiệp

Tiếp đến, bạn cần nêu được định hướng về con đường phát triển trong tương lai, có thể bao gồm mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn để nhà tuyển dụng cảm thấy sự cầu tiến ở bạn. Mục tiêu của bạn nên liên quan vị trí, công việc đang ứng tuyển để tăng tính thuyết phục

Trình độ học vấn

Bạn lựa chọn và liệt kê các thông tin như trường lớp Đại học, chuyên ngành, thời điểm nhập học và ra trường, điểm trung bình GPA cho toàn khóa học, điểm các chuyên ngành chính có liên quan tới vị trí ứng tuyển.

Nếu bạn có những nghiên cứu khoa học, tham gia các đề án, khóa học thêm về kỹ năng, nghiệp vụ thì hãy thêm vào CV để tăng sự ấn tượng.

Kinh nghiệm làm việc

Bạn liệt kê các công ty, lĩnh vực kinh doanh đã làm việc, trong đó bạn làm rõ làm việc ở vị trí nào, chuyên môn gì, mô tả trách nhiệm chính của công việc đó.

Bạn nên liệt kê theo thứ tự thời gian và không nên đưa ra các công việc ngắn hạn (Từ dưới nửa năm).

Kỹ năng đạt được

Bạn liệt kê những kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ đã được học tập trên nhà trường, rèn luyện trong công việc và những kỹ năng mềm khác. Bạn nên chọn lọc chi tiết có ảnh hưởng tới vị trí công việc đang nhắm tới

Hoạt động ngoại khóa/Sở thích

Bạn liệt kê các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng, công tác học sinh sinh viên đã tham gia và đưa ra trách nhiệm, vai trò và thành tựu (nếu có) khi tham gia các hoạt động này. Bên cạnh đó, bạn có thể trình bày một số sở thích có liên quan tới vị trí ứng tuyển.

                                                                                                                                                 Sưu tầm bởi Ngọc Tuyết