CÁC LÝ THUYẾT LÀM CƠ SỞ HÌNH THÀNH HIỆN TƯỢNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (KỲ 2)

15/12/2017

  1. Lý thuyết định giá hủy diệt

Lý thuyết định giá hủy diệt (định giá cướp đoạt) ra đời từ nhận thức về cạnh tranh trong lĩnh vực giá cả giữa các doanh nghiệp. Khi giá của một sản phẩm giảm xuống sẽ làm cho giá của sản phẩm cạnh tranh khác (nếu không thay đổi về giá) trở thành cao tương đối trước nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm có mức giá thấp có được lợi thế cạnh tranh về giá, nên các đối thủ còn lại bị đặt vào tình trạng hoặc phải chạy đua để giảm giá, hoặc chấp nhận mất dần khách hàng với mức giá không đổi. Khi giá bán có thể gây lỗ cho đối thủ thì mức giá đó được suy đoán là có khả năng hủy diệt. Mức giá có khả năng hủy diệt đối thủ có thể là kết quả của quá trình cạnh tranh lành mạnh về giá, hoặc của hành vi định giá hủy diệt[5]. Để có thể tiến hành hành vi định giá hủy diệt, cần thiết phải tồn tại những điều kiện nhất định. Những điều kiện này bao gồm:

1)   Đối tượng của các chiến lược ngăn cản, loại bỏ phải là doanh nghiệp có tiềm lực yếu hoặc có chi phí sản xuất cao. Do đó, doanh nghiệp thực hiện chiến lược loại bỏ có thể dễ dàng thao túng họ bằng chiến lược giá của mình;

2)  Cấu trúc thị trường phải được tái thiết theo cách mà doanh nghiệp thực hiện chiến lược loại bỏ có thể dự trù trước, sau khi thực hiện xong chiến lược ngăn cản loại bỏ;

3)  Lợi nhuận độc quyền khi thị trường được tái cấu trúc, sau khi đã hoàn thành chiến lược loại bỏ, phải lớn hơn những lợi ích hiện tại mà doanh nghiệp phải hy sinh khi thực hiện chiến lược[6].

Một cách tổng quát, định giá hủy diệt là việc doanh nghiệp bán hàng hóa dưới giá thành nhằm chiếm đoạt thị trường. Có hai điều kiện với hành vi này: (i) Doanh nghiệp đã bán hàng hóa thấp hơn giá thành; (ii) Mục đích nhằm chiếm đoạt thị trường. Cần lưu ý, trong nhiều trường hợp, việc bán hàng hóa dưới giá thành nhưng không cấu thành hành vi định giá hủy diệt như bán lỗ do doanh nghiệp tính toán sai lầm về sản lượng sản xuất nên chi phí biên của hàng hóa cao hơn mặt bằng giá trên thị trường, hoặc thị trường có những suy thoái như biến động về cầu, sự dư thừa về sản lượng làm cho các doanh nghiệp trên thị trường gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, buộc họ phải xem xét lại các điều kiện sản xuất, mua bán cho phù hợp, thậm chí phải chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng nếu họ muốn tồn tại[7]. Trong trường hợp còn lại thì việc bán dưới giá thành có thể nhằm mục đích định giá hủy diệt khi có mục đích chiếm đoạt thị trường, tức là người thực hiện hành vi phải có sức mạnh thị trường, giữ vị trí thống lĩnh thị trường để tiêu diệt đối thủ, nếu không có khả năng tiêu diệt đối thủ thì dù bán lỗ cũng không có mục đích định giá hủy diệt. Việc bán lỗ tạo ra sức ép cạnh tranh với đối thủ thông qua lợi thế về giá (giá đã bán thấp hơn so với giá đối thủ, đẩy đối thủ vào trong tình trạnh bất lợi về giá). Khả năng gây thiệt hại về thị phần thể hiện qua sự giảm sút về sản lượng, doanh thu, khách hàng. Chính vì vậy, theo lý thuyết chung, bán phá giá không còn là định giá hủy diệt mà chỉ là hiện tượng phân biệt giá quốc tế nên cấu thành pháp lý của hành vi này không là sự so sánh giữa giá bán thực tế với giá thành toàn bộ của sản phẩm. Mục đích hay hậu quả tiêu diệt đối thủ cạnh tranh không là căn cứ để xác định hành vi bán phá giá, mà là một trong những cơ sở để quyết định có áp dụng các biện pháp để chống bán phá giá hay không[8]. Chiến lược bán phá giá để chiếm đoạt thị trường còn thông qua cơ chế đòn bẩy, hỗ trợ. Trong môi trường cạnh tranh tại nước nhập khẩu thì việc bán phá giá tạo ra lợi thế cạnh tranh của hàng nhập khẩu so với hàng hóa nội địa. Việc bán phá giá tạo ra sức ép về giá dẫn đến việc xói mòn giá (buộc hạ giá theo), hoặc kìm hãm giá (không cho tăng giá mặc dù tăng giá mới có lãi). Ngoài ra, còn phải xem xét liệu doanh nghiệp ở quốc gia nhập khẩu có bị thiệt hại trong thị trường nội địa không. Như vậy, việc định giá hủy diệt không dùng trực tiếp để xác định có bán phá giá, mà để xác định khả năng gây thiệt hại và thiệt hại ở nước nhập khẩu phải chịu, khả năng gây thiệt hại của hàng hóa nhập khẩu.

  1. Lý thuyết chống cạnh tranh không lành mạnh

Pháp luật các nước đều không đưa ra được khái niệm cạnh tranh không lành mạnh có thể bao quát mọi biểu hiện trên thực tế. Vì vậy, nếu có đưa ra khái niệm cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật các nước cũng phải kèm theo các quy định liệt kê từng hành vi cụ thể. Với những lý do đó, lý thuyết về cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh cho dù có những cách thức tiếp cận khác nhau, nhưng đều có sự thống nhất về những căn cứ để nhận dạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi:

1)         Nhằm mục đích cạnh tranh phát sinh trong kinh doanh;

2)         Trái với pháp luật cạnh tranh hoặc tập quán kinh doanh thông thường;

3)          Gây thiệt hại cho đối thủ hoặc cho khách hàng[9].

Có thể hiểu đơn giản, cạnh tranh không lành mạnh là một thứ cạnh tranh quá mức và vì thế, nó gây tác dụng ngược. Nhà nước không chỉ có trách nhiệm không tạo ra lợi thế hay bất lợi cho một đối thủ cạnh tranh, mà còn cần ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh tạo ra lợi thế cho mình bằng bất kỳ thủ đoạn nào họ muốn. Nếu không, trật tự kinh tế sẽ bị rối loạn và nhiều doanh nghiệp trung thực bị gạt khỏi cuộc chơi. Xét một cách khái quát, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ngăn chặn các hành vi của doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách không chính đáng trước các đối thủ cạnh tranh khác. Những vụ việc thực tế về cạnh tranh không lành mạnh đều thể hiện một bản chất chung, theo đó doanh nghiệp toan tính đạt được thành công trên thị trường không dựa trên nỗ lực cải thiện chất lượng, giá cả của sản phẩm, mà bằng cách chiếm đoạt những ưu thế của sản phẩm từ người khác, hoặc tác động sai trái lên khách hàng.

Trong TMQT, việc bán phá giá có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng vì họ có cơ hội mua được sản phẩm giá rẻ. Với tâm lý chung, người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn sản phẩm thỏa mãn với nhu cầu của họ nhưng lại ở mức giá rẻ hơn mức giá họ có thể chi trả trong điều kiện thương mại thông thường. Việc xuất hiện của hàng hóa nhập khẩu cùng loại với mức giá rẻ hơn sản phẩm nội địa tương tự làm cho người tiêu dùng vừa thỏa mãn nhu cầu của mình vừa tăng được thặng dư trong tiêu dùng. Trong một chừng mực nào đó, việc bán phá giá đã có tác dụng làm tăng thặng dư tiêu dùng ở nước nhập khẩu. Ngoài ra, việc bán phá giá còn giúp cho các doanh nghiệp liên quan ở nước nhập khẩu hoạt động ở ngành sản xuất khác có sử dụng hàng hóa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Khi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá thì các doanh nghiệp liên quan này có được nguồn nguyên liệu rẻ hơn để sản xuất kinh doanh, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất trong khi đó giá bán lại không đổi (lợi nhuận đương nhiên sẽ tăng theo), từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành sản xuất mà họ hoạt động. Tuy nhiên, quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị xâm hại trong dài hạn nếu doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá hàng hóa để thực hiện chiến lược chiếm đoạt thị trường bằng cách định giá hủy diệt ngành sản xuất trong nước. Mặc dù bán phá giá đem lại lợi ích cho người tiêu dùng ở hiện tại, song khi đã chiếm đoạt được thị trường nhập khẩu, giá của hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng vọt trong tương lai để các doanh nghiệp lấy lại những gì đã mất từ việc phá giá. Người tiêu dùng lại trở thành nạn nhân của mức giá độc quyền do các doanh nghiệp nước ngoài ấn định. Sự suy đoán về khả năng giá tăng trong tương lai hoặc sản lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm để chi phối cung cầu là một trong những căn cứ để kết luận về bản chất cạnh tranh không lành mạnh của hành vi bán phá giá có mục đích cướp đoạt thị trường. Như vậy, bản chất cạnh tranh không lành mạnh của hành vi bán phá giá là sự lạm dụng bằng cách tranh giành thị trường của các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là các doanh nghiệp cạnh tranh nội địa. Sự suy giảm của ngành sản xuất nội địa ở hiện tại hoặc tương lai do bán phá giá gây ra là bằng chứng chứng minh rằng quốc gia nhập khẩu đã bị cản trở khả năng phát triển lợi thế so sánh. Việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá được đặt ra nhằm bảo vệ thương mại tự do, bảo vệ lợi thế so sánh của quốc gia nhập khẩu đang bị đe dọa bởi hành vi bán phá giá hàng hóa nhập khẩu[10].

Tóm lại, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, với những ưu thế về lực lượng lao động trẻ, đông về số lượng, rẻ về giá thành, trong bối cảnh thực hiện chính sách tăng cường xuất khẩu, việc hàng hóa Việt Nam là đối tượng chịu sự áp đặt các biện pháp chống bán phá giá của nhiều thị trường khác là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu đầy đủ các quy định về bán phá giá, chống bán phá giá của WTO cũng của như các quốc gia nhập khẩu, để từ đó xây dựng các biện pháp đối phó một cách hiệu quả hơn./.

 

____________________________

[1] Xem: Hiệp định về việc Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, Điều 2.1.

[2] Xem: Study Report on the EU and US trade remedies against Vietnamese products, p. 2-3.

[3] Nguyễn Ngọc Sơn (2010), Pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và cơ chế thực thi tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Người hướng dẫn: PGS,TS. Nguyễn Như Phát, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 24.

[4] Nguyễn Ngọc Sơn (2010), Pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và cơ chế thực thi tại Việt Nam, tlđd, tr. 26.

[5] Nguyễn Ngọc Sơn, Hành vi định giá hủy diệt và việc ứng dụng trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 19(135), tháng 10/2008, tr. 25-33.

[6] Phạm Hoài Huấn, Hành vi định giá huỷ diệt trong pháp luật cạnh tranh, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2011, tr. 43-48.

[7] Nguyễn Ngọc Sơn, Hành vi định giá hủy diệt và việc ứng dụng trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam, tlđd, tr. 25-33.

[8] Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và cơ chế thực thi tại Việt Nam, tlđd, tr. 40.

[9] Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo trình Luật Cạnh tranh, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), 2010, tr. 24.

[10] Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và cơ chế thực thi tại Việt Nam, tlđd, tr. 21-24.