Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

14/12/2023

1. Chia công ty

Chia công ty là hình thức công ty TNHH, CTCP có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Chia công ty có bản chất khá giống việc chia pháp nhân được quy định tại BLDS. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới. Việc chia công ty dựa vào ý chí tự do của chủ sở hữu công ty mà không có sự bắt buộc từ cơ quan khác, đây một là điểm khác biệt so với chia pháp nhân nói chung.

Ví dụ: Công ty TNHH A là công ty bị chia thành hai công ty mới, hai công ty mới là: công ty TNHH B và công ty TNHH C. Sau khi thực hiện thủ tục chia công ty, công ty TNHH A chấm dứt sự tồn tại, công ty TNHH B và công ty TNHH C được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp và có tư cách pháp lý độc lập.

Chia công ty có các đặc điểm cơ bản như sau:

- Chủ sở hữu doanh nghiệp là người có quyền quyết định việc chia công ty, công ty bị chia được chia thành hai hặc nhiều công ty mới.

- Công ty bị chia và những công ty mới được chia không bắt buộc phải cùng loại hình doanh nghiệp. Sau khi đã chia doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của công ty mới được chia sẽ tiến hành đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty mới sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh như một chủ thể độc lập.

- Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

Cách thức chia công ty:

- Khi đưa ra quyết định chia công ty, chủ sở hữu công ty phải quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến việc chia công ty thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty, trong đó bao gồm: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia, tên các công ty sẽ thành lập; nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty; phương án sử dụng lao động; cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập; nguyên tắc giải quyết nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty. Nghị quyết, quyết định chia công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết.

            - Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của LDN 2020.

            Bên cạnh đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các công ty mới. Trường hợp công ty mới có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty bị chia có trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của công ty mới phải thông báo việc đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

2. Tách công ty

Tách công ty là việc công ty TNHH, CTCP có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty TNHH, CTCP mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.

Ví dụ: Công ty TNHH M là công ty bị tách. Sau khi thực hiện thủ tục tách công ty để thành lập công ty TNHH N, công ty TNHH M vẫn tồn tại hoạt động nhưng có quy mô nhỏ hơn so với lúc chưa tách. Công ty TNHH N được tách ra từ công ty TNHH M có tư cách pháp lý độc lập khi được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tách công ty có các đặc điểm cơ bản như sau:

- Chủ sở hữu công ty là người có quyền quyết định trong việc tách công ty

- Công ty bị tách và công ty được tách không bắt buộc phải cùng loại hình doanh nghiệp. Công ty bị tách vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bị giảm về quy mô sau khi bị tách, công ty được tách có tư cách pháp lý độc lập.

- Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác. Các công ty được tách đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.

Cách thức tách công ty:

- Giống với chia công ty, tách công ty cũng do chủ sở hữu quyết định các vấn đề liên quan đến tách công ty, về phương thức, tời điểm tách… Các vấn đề chủ sở hữu cânv phải quyết định như: tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết, quyết định tách công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết;

- Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của LDN 2020.

3. Hợp nhất công ty

Hợp nhất công ty là việc hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Hợp nhất công ty mang tính chất tập trung kinh tế vì có sự hợp nhất của hai hay nhiều công ty cùng nhau hợp lại tạo thành một công ty lớn mạnh hơn so với những công ty bị hợp nhất trước đó. Do vậy, bên cạnh các quy định pháp luật về doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất cần tuân thủ những quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty.

Ví dụ: CTCP Q và CTCP P cùng tiến hành hợp nhất thành CTCP Y. Sau khi thực hiện thủ tục hợp nhất công ty, CTCP Q và CTCP P chấm dứt sự tồn tại. CTCP Y (công ty hợp nhất) được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp và có tư cách pháp lý độc lập.

Hợp nhất công ty có các đặc điểm cơ bản như sau:

- Hợp nhất công ty là hoạt động tập trung kinh tế, có sự thống nhất dựa trên việc thoả thuận ý chí giữa các công ty bị hợp nhất lại với nhau thông qua sự quyết định của chủ sở hữu công ty bị hợp nhất. Các công ty bị hợp nhất sẽ ký kết hợp hợp đồng hợp nhất để tiến hành hợp nhất thành công ty mới.

- Công ty bị hợp nhất và công ty hợp nhất có thể là những công ty cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp

- Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.

Cách thức hợp nhất công ty:

- Việc hợp nhất dựa trên cơ sở thống nhất thoả thuận giữa các công ty với nhau. Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất;

- Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất và tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của LDN 2020. Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

Bên cạnh đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị hợp nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty hợp nhất. Trường hợp công ty bị hợp nhất có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính phải thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị hợp nhất đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị hợp nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Sáp nhập công ty

Sáp nhập công ty là một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Điểm khác biệt so với hợp nhất công ty, công ty nhận sáp nhận vẫn tồn tại sau sau khi nhận sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có sự thay đổi về nguồn vốn và quy mô hoạt động vì những giá trị của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển qua cho công ty nhận sáp nhập. Giữa công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập có thoả thuận thống nhất dựa trên hợp đồng sáp nhập.

Ví dụ: CTCP E tiến hành việc sáp nhập vào CTCP F. Sau khi thực hiện thủ tục sáp nhập, CTCP E chấm dứt sự tồn tại. CTCP F sau khi có thêm sự sáp nhập của CTCP E sẽ được tăng thêm về nguồn vốn, mở rộng quy mô và vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh với tư cách pháp lý độc lập.

Sáp nhập công ty có các đặc điểm cơ bản như sau:

- Sáp nhập công ty là hoạt động mang tính chất tập trung kinh tế. Công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập có sự thống nhất dựa trên sự thoả thuận về hợp đồng sáp nhập theo quyết định của các chủ sở hữu công ty đó. Công ty nhận sáp nhập vẫn tiếp tục tồn tại và có quy mô lớn hơn sau khi được một hoặc nhiều công ty khác sáp nhập vào.

- Những công ty tham gia việc sáp nhập có thể là những công ty cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp.

- Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

Cách thức sáp nhập công ty:

- Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

- Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của LDN 2020. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

Sáp nhập công ty là hình thức tập trung kinh tế (đây là đặc điểm giống với hợp nhất công ty), do vậy việc sáp nhập công ty cũng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập. Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Chuyển đổi doanh nghiệp là việc doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác theo quyết định của chủ sở hữu hoặc theo quy định khác của pháp luật. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định về pháp luật doanh nghiệp.

Chuyển đổi doanh nghiệp mang tính chất thay đổi thủ tục pháp lý của doanh nghiệp. Chủ sở hữu được quyền quyết định về nội dung, cách thức và quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhưng phải tuân theo nguyên tắc tổ chức của doanh nghiệp trong điều lệ công ty và theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân, mục đích khác nhau mà chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp. Chủ sở hữu thay đổi loại hình doanh nghiệp để tuân theo quy định pháp luật hoặc muốn có sự thay đổi trong quá trình hoạch định và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp mình như thay đổi số lượng thành viên, mục đích kinh doanh, quy mô hoạt động…

Việc chuyển đổi doanh nghiệp có thể mang tính bắt buộc hoặc không bắt buộc. Tính bắt buộc được thể hiện ở việc tránh nguy cơ doanh nghiệp đó bị giải thể khi không đáp ứng về điều kiện số lượng tổi thiểu, tối đa của một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Có thể kể đến đối với một số loại hình doanh nghiệp như sau: đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định số lượng thành viên tối thiểu là 02 thành viên và tối đa là 50 thành viên, đối với CTCP số lượng thành viên tối thiểu là 03 thành viên. Khi doanh nghiệp không còn đảm bảo số lượng thành viên tối thiểu hay số lượng lượng thành viên lớn hơn mức tối đa thì doanh nghiệp đó phải chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác hoặc có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp không giải quyết được, doanh nghiệp đó bắt buộc phải giải thể theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Ngoài việc doanh nghiệp phải bắt buộc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định, còn có những trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo ý chí tự nguyện của chủ sở hữu doanh nghiệp đó. Chủ sở hữu muốn thay đổi loại hình doanh nghiệp vì muốn thay đổi định hướng hoạt động của doanh nghiệp, mở rộng quy mô để tăng trưởng, phát triển kinh doanh… Ví dụ: Chuyển đổi từ DNTN sang công ty TNHH hoặc CTCP để có tư cách pháp nhân, chịu TNHH trong phạm vi số vốn đã góp, có nhiều cách thức huy động vốn hơn…

Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thừa hưởng quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi. Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sẽ làm thay đổi về bản chất của loại hình doanh nghiệp đó, vì vậy, doanh nghiệp sau khi chuyển đổi loại hình phải được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi doanh nghiệp có thể sẽ có sự thay đổi số lượng chủ sở hữu doanh nghiệp khi có sự tham gia của thành viên hoặc cổ đông mới. Ví dụ: chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên trở lên thành CTCP.

Pháp luật về doanh nghiệp đã có những quy định cho phép một số loại hình doanh nghiệp có quyền chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác. Quy định về phạm vi và hình thủ tục chuyển đổi của từng loại hình doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu và mục tiêu chuyển đổi trong việc tổ chức lại doanh nghiệp. LDN 2020 quy định về những phương thức chuyển đổi sau: Chuyển đổi công ty TNHH thành CTCP (Điều 202); Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH một thành viên (Điều 203); Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH hai thành viên trở lên (Điều 204); Chuyển đổi DNTN thành công ty TNHH, CTCP, CTHD (Điều 205). Tuy nhiên, đối với CTHD, vì pháp luật chưa có quy định về thủ tục chuyển đổi từ CTHD sang những loại hình doanh nghiệp khác cho nên việc chuyển đổi của CTHD chưa thể thực hiện được.

Doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác cần phải gửi hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đó thực hiện xong thủ tục chuyển đổi, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sẽ được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.