Các chủ thể chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh

15/12/2023

Thứ nhất, đối tượng áp dụng của LCT năm 2018 là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm tất cả các loại hình chủ thể kinh doanh hoạt động trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Điểm khác biệt của LCT năm 2018 so với LCT năm 2004 khi quy định về nhóm đối tượng này là LCT năm 2018 bổ sung đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập vào nhóm tổ chức, cả nhân kinh doanh chịu sự điều chỉnh của LCT năm 2018. Quy định này có thể gây tranh cãi vì về nguyên tắc đơn vị sự nghiệp được thành lập không vì mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, quy định này phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường khi các đơn vị sự nghiệp có thu trong thực tế có thể cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong cùng ngành nghề như ở các lĩnh vực như đào tạo, khám chữa bệnh...Về nguyên tắc, LCT năm 2018 không có sự phân biệt đối xử dựa trên thành phần kinh tế khi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh bất chính của các chủ thể kinh doanh. Điều 28 LCT năm 2018 đưa ra các các quy định đặc thù đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước theo hướng giám sát một cách chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp này.

            Thứ hai, LCT năm 2018 điều chỉnh hành vi có tác động đến cạnh tranh của các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam. LCT năm 2018 đã thay đổi theo hướng phù hợp hơn khi điều chỉnh các hành vi của các hiệp hội ngành nghề. LCT năm 2004 quy định hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm là không thuyết phục vì hiệp hội không phải là tổ chức, cả nhân kinh doanh. Hiệp hội ngành nghề bao gồm hiệp hội ngành hàng và hiệp hội nghề nghiệp là diễn đàn tập hợp các doanh nghiệp có những điểm chung về ngành hàng và lĩnh vực nên dễ diễn ra những thỏa hiệp có thể mang tính phân biệt đối xử hoặc những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hơn. Vì vậy, dù không có hoạt động kinh doanh trực tiếp nhưng hành vi, quyết định của hiệp hội đôi khi có ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh. Thực tiễn một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được cơ quan cạnh tranh xem xét, xử lý cho thấy các hiệp hội là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Thậm chí có hiệp hội còn ban hành các "quyết định", các "nghị quyết" về giá cả, sản lượng... trên thị trường để các doanh nghiệp thành viên thực hiện[1]. Vì thế, theo LCT năm 2018, hiệp hội ngành nghề có thể bị xử lý nếu tham gia hoặc thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tham gia vào các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

            Thứ ba, LCT năm 2018 điều chỉnh các hoạt động có tác động đến cạnh tranh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. LCT năm 2018 đã xác định một cách minh thị rằng các chủ thể nêu trên là đối tượng điều chỉnh của luật này. Điều 6 LCT năm 2004 mặc dù đã đặt ra các quy định mang tính cầm đoán đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các cơ quan này có những hành động gây trở ngại đối với cạnh tranh trên thị trường, các cơ quan nhà nước không phải là đối tượng điều chỉnh của LCT năm 2004 khi không được liệt kê tại Điều 2 LCT năm 2004 (Đối tượng điều chỉnh). Việc LCT năm 2018 quy định một cách minh thị rằng các cơ quan, cán bộ nhà nước là đối tượng điều chỉnh của Luật này là phù hợp vì đây là các chủ thể có thẩm quyền tham gia vào quá trình quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh trên thị trường nói chung và đặc biệt là tham gia vào quá trình TTCT nói riêng. Những chủ thể này có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Luật này với mục đích bảo đảm sự tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và cán bộ nhà nước có thẩm quyền[2]. Ngoài ra, trước khi LCT năm 2004 ra đời, mặc dù Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác thừa nhận quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, trong thực tế nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự tuân thủ nguyên tắc này. Tình trường trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, xác lập các rào đến môi cản thương mại bằng các mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã gây ảnh hưởng tiêu cực cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh. 

            Chính vì vậy, các chủ thể tham gia quản lý nhà nước cũng cần phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý nhà quy nước của mình[3]. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội Khóa XI số 815/UBKTNS ngày 27 tháng 4 năm 2004 cũng cho rằng mặc dù không tiến hành các hoạt động kinh doanh, quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là của cơ quan quản lý cạnh tranh có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, vì thế các cơ quan này cần phải được điều chỉnh bởi LCT. Ngoài cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, LCT năm 2018 còn mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật để áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân khác dù không phải là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Khi các tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi có thể tác động, xúc tiến hoặc hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc hạn chế cạnh tranh bị cấm thì các đối tượng này trở thành đối tượng điều chỉnh của LCT (khoản 2 Điều 8 LCT năm 2018). Ngoài ra, nhiều điều khoản của LCT năm 2018 sử dụng cụm từ "bên nào" hoặc "bên tham gia" khi mô tả các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vì vậy, chủ thể tham gia vào các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không chỉ giới hạn ở các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tóm lại, đối tượng chịu sự điều chỉnh của LCT năm 2018 không chỉ là các tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn bao gồm các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoặc có tác động đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường.

 

[1] Xem Tờ trình số 377/TTr-CP ngày 6 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

[2] Khoản 1 Điều 8 LCT quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước khi thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh trên thị trường.

[3] Chính Phủ (2004), Tờ trình về Dự án Luật Cạnh tranh số 258/CP-PC ngày 25 tháng 2 năm 2004.