Vai trò của cạnh tranh trong kinh doanh và sự cần thiết bảo vệ cạnh tranh

17/02/2024

Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cạnh tranh buộc các chủ thể kinh doanh phải năng động, nhạy bén, tích cực nâng cao tính chuyên nghiệp, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện tổ chức quản lý để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế. Ở đâu thiếu cạnh tranh hoặc có biểu hiện độc quyền thì nền kinh tế thường trì trệ và kém phát triển. Cạnh tranh là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực của nền kinh tế nói riêng.

            Trong kinh doanh, cạnh tranh là hình thức đấu tranh một cách văn minh giữa các doanh nghiệp vì sự sống còn, là yếu tố kích thích mạnh mẽ sự không ngừng hoàn thiện về tổ chức và sản phẩm của các chủ thể kinh doanh.

            Sự cần thiết phải bảo vệ cạnh tranh xuất phát từ ý nghĩa và vai trò của cạnh tranh trong kinh doanh. Là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và như một quy luật chọn lọc tự nhiên, cạnh tranh đem lại những lợi ích nhất định cho chủ thể kinh doanh chiến thắng trong cuộc chiến trên thương trường và gây ra thiệt hại cho chủ thể kinh doanh thất bại trong cuộc chiến giành khách hàng và thị trường. Nhìn chung, cạnh tranh có những vai trò cơ bản sau:

            Thứ nhất, cạnh tranh giúp thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của phía cầu/người tiêu dùng. Thông qua việc cạnh tranh giữa các chủ the cung/nhà sản xuất, người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thỏa mãn tốt nhất yêu cầu của họ. Bằng các phương thức cạnh tranh kinh điển như cạnh tranh qua giá hoặc chất lượng sản phẩm mà nhờ đó, khách hàng và người tiêu dùng có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ với giá cả hợp lý hoặc chất lượng tốt hơn.

            Thứ hai, cạnh tranh có vai trò điều phối, kích thích sự sáng tạo và là nguồn gốc của sự đổi mới liên tục trong đời sống kinh tế - xã hội. Cạnh tranh có khả năng tạo sức ép để chống trì trệ, khắc phục suy thoái và buộc các doanh nghiệp phải kinh doanh có hiệu quả. Cạnh tranh đòi hỏi các chủ thể kinh doanh trang bị cho mình khả năng nhanh nhạy trong việc phát hiện và đáp ứng mọi nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Môi trường cạnh tranh là môi trường mà ở đó, các doanh nghiệp luôn phải vận động, đổi mới, cải tiến không chỉ công nghệ mà cả chủng loại, kiểu dáng, phương thức kinh doanh. Bằng cách này, cạnh tranh tạo ra sự đổi mới liên tục và động lực phát triển liên tục. Cạnh tranh cũng là cơ hội bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cạnh tranh luôn có mục tiêu lâu dài là thu hút về mình ngày càng nhiều khách hàng nên buộc các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao với giá thành ngày càng hạ. Như vậy, cạnh tranh cũng còn là nguồn gốc, động lực để phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ cao[1].

            Thứ ba, cạnh tranh như quy luật sinh tồn tự nhiên, đảm bảo phân phối thu nhập và các nguồn lực kinh tế vào tay các chủ thể có năng lực. Cạnh tranh đóng vai trò là một quá trình lựa chọn và loại bỏ các chủ thể kinh doanh kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời tạo cơ hội cho các chủ thể mới tham gia thị trường. Từ góc độ vĩ mô của nền kinh tế, cạnh tranh là động lực làm giảm sự lãng phí trong kinh doanh, giúp sử dụng tài nguyên và các nguồn lực khác một cách tối ưu và hiệu quả.

 

[1] Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, tr.17-24.