MÔ HÌNH LÝ LUẬN ĐÁNH GIÁ NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN TÌNH HÌNH THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

25/09/2023

ThS. Mai Thị Mai Hương

Khoa Luật, Đại học Duy Tân

  1. Đặt vấn đề

Hệ thống các ngành khoa học: khoa học tự nhiên, khoa học pháp lý, khoa học kỹ thuật,… đặc biệt khoa học xã hội luôn sử dụng lý thuyết về nguyên nhân, điều kiện và mối quan hệ nhân quả của triết học làm lý luận cơ sở cho các hiện tượng phát sinh. Theo quan điểm Mác xít, nguyên nhân chỉ sự tác động qua lại giữa các mặt trong một sự vật, giữa các mặt, hiện tượng khác nhau trong xã hội dẫn đến sự thay đổi trong thực tế hình thành kết quả. Điều kiện và nguyên nhân là hai phạm trù triết học khác nhau, điều kiện là hoàn cảnh, tình huống, hiện tượng thúc đẩy sự tác động qua lại giữa các mặt trong một sự vật, giữa các mặt, các hiện tượng khác nhau trong xã hội gây ra hậu quả. Khi áp dụng vào việc đánh giá nguyên nhân và điều kiện về tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay thì nguyên nhân tham nhũng là sự tác động qua lại giữa các yếu tố tiêu cực thuộc môi trường sống và các yếu tố tiêu cực thuộc cá nhân con người trong điều kiện, hoàn cảnh, tình huống nhất định dẫn đến việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm mà pháp luật quy định là tham nhũng: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Điều 3, khoản 1).

  1. Giới thiệu “Mô hình cơ chế hành vi”

Để đánh giá nguyên nhân tham nhũng chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, xem xét ở nhiều mặt, dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra phương pháp sử dụng “Mô hình cơ chế hành vi” để giải thích những tác động đến chủ thể vi phạm pháp luật. Mô hình cơ chế hành vi có thể được biểu diễn bằng sơ đồ sau:

 

Mô hình cơ chế hành vi

 

Nguyên nhân tham nhũng áp dụng theo mô hình cơ chế hành vi ở trên, trong đó các yếu tố bao gồm: X là kích thích phương tiện (yếu tố tiêu cực thuộc con người), R là quá trình trả lời kích thích có ba khâu R1, R2, R3 (trong đó R1 là động cơ hóa hành vi, R2 là kế hoạch hóa hành vi, R3 là thực hiện hóa hành vi), S là kích thích khách thể thuộc môi trường sống.

  1. Phân tích “Mô hình cơ chế hành vi”

Nghiên cứu về hành vi theo mô hình cơ chế hành vi hoàn toàn khác với lý thuyết về hành vi của Watson “tác động làm thay đổi hành vi” là tác động trực tiếp, mô hình chúng ta xem xét là tác động gián tiếp: Tác động gián tiếp liên tục thông qua đầu óc con người, quá trình diễn ra liên tục từ khi sinh ra, bao hàm nội dung của sự tác động là sản phẩm văn hóa của con người được tích tụ lại ở nơi người đó sinh sống. Còn điều kiện tham nhũng là hoàn cảnh, tình huống, hiện tượng thúc đẩy sự tác động qua lại, gây ra hậu quả là hành vi tham nhũng.  Như vậy, việc tìm kiếm nguyên nhân và điều kiện tham nhũng bằng cách tìm các yếu tố tiêu cực tác động qua lại lẫn nhau trong điều kiện nhất định. Giải pháp khả thi là chúng ta đi tìm những yếu tố tiêu cực của môi trường và con người, đặc điểm nhân thân người phạm tội trong quá trình hành vi diễn ra.

3.1. Tìm kiếm các yếu tố tiêu cực của môi trường

Nguyên nhân là sự tác động qua lại giữa các mặt trong một sự vật, giữa các mặt, hiện tượng khác nhau trong xã hội, nên nguyên nhân tình hình tham nhũng được xác định thông qua các yếu tố tiêu cực của môi trường sống và con người (trong đó môi trường sống có vai trò quyết định, con người có tính độc lập tương đối). Môi trường sống, trong mô hình cơ chế hành vi nêu trên là S - kích thích khách thể, để nghiên cứu môi trường sống cần dùng phương pháp hệ thống. Theo nghiên cứu tổng quát, môi trường sống được chia thành môi trường vi mô và môi trường vĩ mô; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; môi trường gia đình, nhà trường, nơi làm việc và môi trường xã hội lớn với chủ thể là nhà nước. Trong tội phạm học thường sử dụng cách chia cuối cùng, gồm bốn yếu tố: môi trường gia đình, nhà trường, nơi làm việc và môi trường xã hội lớn với chủ thể là nhà nước; theo cách phân chia này mỗi loại môi trường đều có chủ thể cụ thể, sử dụng kiểu phân chia này để tìm ra ưu điểm khuyết điểm của chủ thể, và đặc biệt chúng ta đang sống và làm việc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước quản lý (Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ) nên cách phân chia này là phù hợp.

Vấn đề tham nhũng liên quan trực tiếp đến quyền lực, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hay rộng hơn liên quan đến sự quản lý của nhà nước, chúng ta cần phân tích yếu tố môi trường rõ hơn ở đây là môi trường xã hội với chủ thể là nhà nước. Đánh giá mô hình chung về quản lý xã hội của nhà nước, việc quản lý xã hội của nhà nước xảy ra theo 5 bước: Mục đích quản lý; Cơ chế quản lý; Mệnh lệnh quản lý; Thực hiện mệnh lệnh quản lý; Kiểm tra việc thực hiện mệnh mệnh quản lý trên thực tế, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Năm bước này nằm trong cùng một hệ thống và thống nhất với nhau, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ đặt mô hình này vào vị trí nào của mô hình cơ chế hành vi để tìm ra nguyên nhân chính xác thì hiện nay chưa có lời giải đáp. Phương pháp luận để nghiên cứu là tìm trong từng khâu quản lý xã hội của nhà nước có sai sót gì dẫn đến buông lỏng trong quản lý từ đó dẫn đến tham nhũng.

            Trong 5 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sự và xã hội chúng ta có 5 nhóm quyền tương ứng, 5 nhu cầu cơ bản của con người cần được pháp luật tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thực hiện. Để đảm bảo được quyền con người trong lĩnh vực kinh tế thì nhà nước cần phải xây dựng một nền kinh tế phát triển vững mạnh, phù hợp quy luật kinh tế xã hội khách quan làm cho xã hội phát triển. Hiện nay, nước ta là nước đang phát triển, điều kiện sống thấp kém, tình trạng nghèo đói và mù chữ vẫn còn. Nhận thấy rằng mục đích quản lý sai lầm sẽ làm ảnh hưởng đến toàn xã hội, từ đây cho thấy việc nhận thức về quyền kinh tế của con người vẫn chưa sâu sắc, việc quản lý của nhà nước chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu quản lý kinh tế hiện nay chưa hợp lý tạo hoàn cảnh, điều kiện cho tham nhũng xuất hiện (điều kiện tham nhũng), chẳng hạn: Trong lĩnh vực kinh tế, việc xây dựng 17 công trình thủy điện ở sapa không hoàn toàn nhắm đến mục đích phát triển kinh tế mà có thể là vụ lợi, đưa điện đến vùng núi nhưng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đời sống người dân gây ra hậu quả khôn lường. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa, giáo dục: nạn mù chữ vẫn xảy ra, cơ sở hạ tầng không đầy đủ cho khu dân cư, học sinh phải học trái tuyến, xếp hàng mua đơn, việc phát triển nhà trường như vậy có sự chênh lệch quá lớn và quản lý không hợp lý, vì không đáp ứng được nhu cầu nên dẫn đến hiện tượng chạy trường, ở đây cũng xảy ra tham nhũng. Trong lĩnh vực xã hội, tham nhũng vẫn diễn ra đơn cử như việc xét gia đình nghèo, thương binh liệt sĩ được thực hiện bí mật, không công khai, có thành không, không thành có, người chưa chết khai tử, người đã chết vẫn được hưởng chính sách. Trong lĩnh vực pháp luật, các mệnh lệnh quản lý được thể hiện thông qua việc ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều sai sót, chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập gây khó khăn về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện công việc.

Trong năm bước trên, khi được phân tích cụ thể khâu kiểm tra giám sát thực hiện còn nhiều sai sót. Thanh tra chính phủ đảm trách kiểm tra giám sát thực hiện mệnh lệnh quản lý nhà nước chỉ diễn ra một số lĩnh vực, một số nơi, nội dung chưa thực sự thực hiện quyền giám sát của mình. Việc thu hẹp quyền kiểm soát của viện kiểm sát nhân dân đã làm cho quyền kiểm soát của nhân dân bị bỏ ngỏ, đưa nó tập trung vào nội bộ chính phủ. Việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến lạm dụng và lợi dụng quyền lực, tham nhũng xảy ra. Quá trình quản lý xã hội của nhà nước nếu xảy ra sai sót thì dẫn đến hậu quả tiêu cực, nhân dân thì phạm tội, người có chức vụ quyền hạn thì tham nhũng.

3.2 Tìm kiếm các yếu tố tiêu cực thuộc con người

Môi trường tác động đến con người làm con người phản ứng lại các kích thích qua ba bước: R1. Động cơ hóa hành vi, R2. Kế hoạch hóa hành vi, R3. Thực hiện hóa hành vi. Con người trong mô hình cơ chế hành vi là X, kích thích phương tiện, cần xem xét yếu tố tiêu cực thuộc con người, ở đây là những người thực hiện hành vi tham nhũng. Chúng ta cần phân tích quá trình thực hiện hành vi tham nhũng (R) để tìm ra yếu tố tiêu cực, từ đó phát hiện hành vi vi phạm. Những yếu tố tiêu cực tác động qua lại sẽ dẫn đến kết quả là động cơ hóa hành vi tham nhũng, giai đoạn này là chuẩn bị, đã xác định động lực để thực hiện hành vi tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là động lực tham nhũng là gì?

            Theo Marx, không ai làm gì mà không xuất phát từ nhu cầu của mình. Nhu cầu cơ bản của con người là động lực của mọi hành vi, trong đó có tham nhũng. 5 nhu cầu cơ bản của con người bao gồm: chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sự, xã hội, 5 nhu cầu này của con người là cơ bản, phổ biến, được xã hội thừa nhận và pháp luật ghi nhận nên trở thành 5 nhóm quyền. Nhu cầu tham nhũng là vụ lợi, vì kinh tế là nhu cầu không hoàn toàn nằm trong con người, nằm giữa yếu tố môi trường và con người, khi môi trường thay đổi thì nhu cầu thay đổi, ví dụ: nhu cầu làm giàu của Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ án chiếm đoạt hơn 4911 tỷ đồng tại Vietinbak. Nhu cầu là động lực của hành vi nhưng thay đổi theo thời gian: nhu cầu về kinh tế hiện nay cao hơn nhiều so với thời kì bao cấp. Khi nhu cầu được nhận thức thì đó là lợi ích. Lợi ích là cái trực tiếp điều chỉnh hành vi con người. Từ đó động cơ tư tưởng hình thành (có ý đồ, ý định) kết thúc bước 1 (R1) chuyển sang bước 2 là kế hoạch hóa hành vi (R2). Giai đoạn động cơ hóa hành vi hình thành động cơ tư tưởng.

Tham nhũng chính là sử dụng sai phương pháp để thỏa mãn nhu cầu, có nhiều phương pháp thỏa mãn nhu cầu khác nhau nên có thể phân chia thành 12 hành vi tham nhũng khác nhau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi (Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Điều 3). Theo mô hình cơ chế hành vi, quá trình hình thành hành vi phạm tội diễn ra tiến đến bước 2 là kế hoạch hóa hành vi, hình thành phương thức thực hiện tội phạm (bước 3). Trong việc thỏa mãn nhu cầu, con người quyết tâm phạm tội, xã hội đã thất bại trong việc giáo dục phòng chống tham nhũng dẫn đến bước 2 và bước 3. Bước 2 và bước 3 tạo ra tình hình tham nhũng.  Quá trình hình thành hành vi phạm tội diễn ra hết bước 2 đến bước 3, hành vi phạm tội bộc lộ thông tin ra bên ngoài. Tham nhũng là hành vi cố ý có 3 bước: 1. Chuẩn bị phạm tội, 2. Thực hiện tội phạm, 3. Che giấu hành vi phạm tội đã thực hiện.

Đánh giá yếu tố tiêu cực thuộc con người chúng ta còn dựa vào cơ cấu: đặc điểm nhân thân người phạm tội (hoàn cảnh gia đinh, bản thân…), giới tính (nam/nữ), độ tuổi, chức vụ. Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, do người có chức vụ quyền hạn, là người có học thức thực hiện và độ tuổi  thực hiện tham nhũng trên 18 tuổi, nên xem xét các yếu tố này là quan trọng,

Xét về ý thức của người phạm tội thì có thể đánh giá ý thức người thực hiện tham nhũng trên hai yếu tố: ý chí và lý trí.  Về mặt lý trí thì vốn hiểu biết của người thực hiện tham nhũng cao, nhận thức được hành vi tham nhũng và hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra, tuy nhiên kiến thức về pháp luật thiếu, do pháp luật nước ta chưa hoàn thiện. Người thực hiện tham nhũng là người có học vị như giám đốc thực hiện tham nhũng… Về mặt ý chí, do động cơ vụ lợi nên người thực hiện tham nhũng đều do lỗi cố ý.

Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà người có hành vi tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được sẽ không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt, ví dụ như việc dùng tài sản của nhà nước để khuếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất vừa là lợi ích tinh thần.

Về mặt tâm lý pháp lý, thái độ của người có hành vi tham nhũng đối với tài sản của nhà nước là xem thường tài sản nhà nước, muốn chiếm đoạt vì vụ lợi (lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm): tham tiền, của cải… Ở nước ta, trong thời gian qua, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân. Hàng loạt vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng đã bị phát hiện như: vụ Dệt Nam Định, vụ Tamexco, vụ EPCO Minh Phụng, vụ Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ việc ăn hối lộ trong đường dây chạy Quota dệt may, vụ điện kế điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh… Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan tới tham nhũng của mỗi vụ lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng. Ở nước ta do sống trong nghèo khổ quá lâu, tạo ra sở thích sở hữu, thể hiện ở lòng tham của công.

3.3. Định tính và định lượng

Hai yếu tố người bị hại và tình huống phạm tội đưa vào trong mô hình cơ chế hành vi để tìm ra các yếu tố tiêu cực trong mô hình S-X-R. Dựa trên nền tảng tình hình tham nhũng mới nghiên cứu được nạn nhân tham nhũng ví dụ: nhận hối lộ. Khi nghiên cứu tình hình tham nhũng cần nghiên cứu hai đặc điểm chính: định lượng và định tính. Định lượng thể hiện ở 2 thông số: mức độ tình hình tham nhũng (mức độ tổng quan bao nhiêu vụ, bị cáo trên năm, tỷ lệ so sánh giữa các năm, tỷ lệ tham nhũng ở VN), và diễn biến về tình hình tham nhũng trong 1 năm (tăng hay giảm). Định tính đánh giá qua cơ cấu tình hình tham nhũng: phương thức thực hiện tham nhũng, thời gian, địa điểm… trong lĩnh vực nào, lĩnh vực nào tham nhũng nhiều nhất, kẻ hở luật bị lợi dụng. Định tính còn thông qua đánh giá tính chất tham nhũng ở mức độ nào: tham nhũng ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tình hình tham nhũng mới là khách thể nghiên cứu chứa đựng đối tượng nghiên cứu là nguyên nhân và điều kiện tham nhũng.

  1. Kết luận

Đánh giá nguyên nhân và tình hình tham nhũng một cách toàn diện thông qua mô hình cơ chế hành vi là phương pháp hữu ích nhất khi tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện này có chiều hướng tăng, đồng thời dựa trên mô hình này các nhà khoa học, cán bộ quản lý có thể đưa ra biện pháp phòng, chống tham nhũng. Đó không chỉ là vấn đề pháp luật, quản lý xã hội, giáo dục công dân nâng cao trình độ văn hóa xã hội, trình độ pháp lý đội ngũ cán bộ là cần thiết chứ không chỉ dùng các biện pháp quyền lực, trừng phạt, dựa trên giá trị con người thay vì lợi ích vật chất: nhân phẩm, pháp quyền, giáo dục tại nhà trường, gia đình, xã hội… Trong nghiên cứu, việc làm rõ tính chất của hành vi tham nhũng (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện và 03 hành vi tham nhũng  trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện ) và tội phạm tham nhũng (Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định 7 tội danh tham nhũng) là cần thiết làm tăng cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định hành vi  tham nhũng, tránh tình trạng không đồng nhất giữa các văn bản pháp luật. Đặc biệt các giảng viên luật luôn dựa trên cơ sở lý thuyết và tình hình thực tiễn để xây dựng bài giảng pháp luật đại cương, không tránh khỏi khó khăn khi đưa ra phân tích tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, phương pháp nghiên cứu dựa trên mô hình cơ chế hành vi S-X-R là cách tiếp cận mới giúp tư duy về vấn đề tham nhũng hoàn thiện.

Tài liệu trích dẫn:

          - Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng;

          - Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2015, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;

          - Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2017, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;

          - Trần Duy Thanh, 2012, Thực tiễn xác định hành vi tham nhũng và nguyên tắc xử lý trong sửa đổi pháp luật tham nhũng, Báo Đại biểu nhân dân;

          - PGS.TS. Hoàng Thế Liên, 2011, Tài liệu giảng dạy về phòng chống tham nhũng, Bộ giáo dục và đào tạo.

*Ghi chú: Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép bất hợp pháp!