KHÁI QUÁT VỀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

04/04/2024

1.1. Khái niệm thương mại quốc tế

       Thương mại quốc tế là việc mua bán, hợp tác, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia, giữa các thương nhân có quốc tịch khác nhau nhằm đưa lại lợi ích tối đa cho các bên. Mặc dù thương mại quốc tế đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người (con đường tơ lụa, hổ phách), nhưng tầm quan trọng kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của nó mới được chú ý trong vài thập kỷ gần đây. Thoạt đầu, trao đổi hàng hóa (hàng đổi hàng) là một hình thức phổ biến nhất của thương mại quốc tế, phản ánh mối quan hệ kinh tế xã hội và phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất và kinh doanh hàng hoá riêng biệt của các quốc gia.  Theo đó, vải, tơ lụa của Trung Quốc có thể đổi lấy vàng, đá quý của Ai Cập, Hy Lạp hoặc đổi lấy khoáng sản, ngựa của Ba Tư... Tuy nhiên trong quá trình phát triển, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự phân công lao động quốc tế sâu sắc, thương mại quốc tế vượt ra khỏi phạm vi của trao đổi hàng hóa thông thường mà tiến tới mua bán hàng hóa với nhiều chủng loại hàng khác nhau thông qua các hợp đồng mua bán ngoại thương hoăc  qua hợp tác trao đổi về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Ngày nay thương mại quốc tế phát triển rất đa dạng và phong phú, bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại đầu tư, thương mại dịch vụ và khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Có thể nói, thương mại quốc tế được coi như một tiền đề,  một nhân tố phát triển kinh tế trong nước trên cơ sở lựa chọn một cách tối ưu sự phân công lao động, chuyên môn hoá quốc tế và được coi là xu hướng phát triển tất yếu mang tính toàn cầu hóa của nhân loại.

1.2. Lịch sử hình thành và phát triển của thương mại quốc tế

         Lịch sử phát triển của loài người gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, mà một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đó là sự phân công lao động xã hội. Theo học thuyết Mác - Lênin về phân công lao động xã hội thì phân công lao động xã hội là một động lực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.

        Lịch sử phát triển của kinh tế thế giới cho đến nay đã có 3 kiểu phân công lao động quốc tế điển hình là : phân công lao động quốc tế tư bản chủ nghĩa, phân công lao động quốc tế xã hội chủ nghĩa và phân công lao động toàn thế giới. Do những biến động phức tạp trong đời sống chính trị - xã hội thế giới, kể từ sau năm 1991 với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thế giới đương đại chỉ còn tồn tại và phát triển hai kiểu là phân công lao động xã hộiphân công lao động toàn thế giới. Nếu gạt bỏ những sắc thái riêng biệt nhất định, ngày nay ta dễ nhận thấy sự vận động, phát triển của cả hai kiểu phân công lao động quốc tế này đang có xu hướng tiến tới nhất thể hóa, mặc dù vẫn luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn phức tạp do tính đa dạng của nền kinh tế thế giới tạo ra. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế thế giới, là những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã thúc đẩy quá trình phân công lao động quốc tế đạt tới trình độ sâu rộng chưa từng thấy. Chuyên môn hoá càng phát triển thì quan hệ hiệp tác càng bền chặt, đó là đặc trưng cơ bản của phân công lao động quốc tế ngày nay.

          Trong quá trình tái sản xuất mở rộng, do yêu cầu khách quan của việc xã hội hoá lực lượng sản xuất, các nước ngày càng quan hệ chặt chẽ với nhau, lệ thuộc vào nhau. Sự giao lưu tư bản, trao đổi mậu dịch, do đó, ngày càng phong phú. Sự phát triển của hệ thống thông tin hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật thông tin vi điện tử và sự phát triển của giao thông vận tải đã tạo điều kiện cho phân công lao động quốc tế gày càng phát triển, làm tăng quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới và đời sống của các dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của các Công ty xuyên quốc gia càng làm nổi bật tính thống nhất của nền sản xuất thế giới.

          Quốc tế hoá nền sản xuất tất yếu dẫn tới các loại liên kết kinh tế. Sự phát triển của khoa học - công nghệ cùng với sự chuyển dịch vốn, kỹ thuật từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển đã giúp cho nhiều nước trở thành nước công nghiệp mới có đủ tiềm lực kinh tế quay trở lại cạnh tranh với các nước công nghiệp phát triển. Sự ra đời của hàng loạt các liên minh kinh tế Nhà nước ở các khu vực, các tổ chức kinh tế ở khắp các Châu lục, cũng như sự hiệp tác và liên minh kinh tế dưới nhiều hình thức khác đã đánh dấu sự phân công lao động sâu sắc và mở rộng quy mô phát triển chưa từng có. Hệ quả trực tiếp là sự tốc độ phát triển ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu của hầu hết các nước tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế đều đã tăng mạnh và liên tục trong các thập niên gần đây và hiện nay.Năm 1950, tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới còn ở mức 59,7 tỷ USD nhưng đến năm 1990 đã lên đến con số 3.332 tỷ USD (tăng 57,6 lần). Năm 2014, theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tổng kim XNK của thế giới đạt hàng trăm ngàn tỷ USD. Riêng đối với Việt Nam, thập niên 80, xuất nhập khẩu chỉ đạt 6 - 7 triệu Rúp/US, thì đến nay (năm 2014), kim ngạch XNK đã đạt gần 200 tỷ USD (xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, nhập khẩu đạt 148 tỷ USD).

        Lý giải về sự tăng nhanh của thương mại quốc tế có thể bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, song phải thấy có một nguyên nhân cơ bản là nhờ đạt được hiệu quả kinh tế do quá trình phân công lao động quốc tế mang lại. Thực tế cho thấy những lợi nhuận thu được từ thương mại quốc tế nhờ khai thác sự chênh lệch về giá cả tương đối giữa các nước, tuy rất quan trọng nhưng còn ít hơn nhiều so với lợi nhuận thu được nhờ tăng cường tính đa dạng và chuyên môn hoá theo nhãn hiệu của từng loại sản phẩm sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau. Thương mại trong ngành không chỉ tạo ra các khả năng mở rộng tiêu dùng, thoả mãn nhu cầu của người mua, mà đã trở thành yếu tố cơ bản, quyết định động thái tăng trưởng kim ngạch ngoại thương hầu hết các nước thuộc mọi khu vực khác nhau trong nền kinh tế thế giới. Thương mại trong ngành là biểu hiện phát triển cao độ của sản xuất chuyên môn hoá trong giai đoạn hiện nay. Nó không giải thích vì sao nước Anh xuất khẩu xe hơi (như Rovers, Jaguars...) sang Đức, nhưng lại nhập xe hơi (như Mercedes, Audis...) từ Đức. Điều dễ hiểu là mặc dù đều là xe hơi nhưng tất cả các loại xe hơi do Anh sản xuất đều có những đặc điểm khác so với tất cả các loại xe hơi do Đức sản xuất. Tương tự như vậy, Nhật là cường quốc về sản xuất tivi chất lượng cao bởi các nhãn hiệu nổi tiếng như Sony, JVC, Sanyo... nhưng vẫn không ít người Nhật thích dùng tivi với các nhãn hiệu khác của nước ngoài như Philip cuả Hà Lan, Sam Sung, Deawoo của Hàn Quốc... Lý do chính khiến cho sự trao đổi thương mại giữa các nước về cùng một loại sản phẩm là sự đa dạng của các nhãn hiệu khác nhau về loại sản phẩm đó, sẽ mang lại những thoả mãn về nhu cầu của người tiêu dùng, do có sự khác nhau về hình thức, mẫu mã, giá cả... Đối với cả người sản xuất với người tiêu dùng đều có thể tìm thấy những lợi ích cơ bản sau đây của việc phát triển thương mại trong ngành: (i) người tiêu dùng thoả mãn được nhu cầu lựa chọn trong số nhiều nhãn hiệu khác nhau của cùng một loại sản phẩm trong ngành. (ii) thương mại trong ngành mang lại lợi thế kinh tế đáng kể nhờ mức độ mở rộng quy mô chuyên môn hoá sản xuất của mỗi quốc gia về một loại nhãn hiệu sản phẩm trong ngành, sau đó đem chúng trao đổi với nhau qua thương mại quốc tế, thay cho tình trạng trước đây, mỗi quốc gia đều phải cố gắng sản xuất những lượng nhỏ của tất cả các nhãn hiệu trong ngành.

      1.3   Vai trò của thương mại quốc tế

       Thương mại quốc tế, trước hết đó là lợi ích mà bất kỳ quốc gia nào tham dự đều mong muốn nó mang lại. Quá trình nghiên cứu của các trường phái kinh tế khác nhau trong lịch sử phát triển tư tưởng kinh tế thế giới đều khẳng định tác động tích cực của thương mại quốc tế đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế theo trình tự nhận thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ phiến diện đến toàn diện, từ hiện tượng đến bản chất. Sau đây là một số học thuyết:

  • Lý thuyết trọng thương (Xuất siêu)

       Lý thuyết trọng thương ở Châu Âu đã phát triển từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, với nhiều đại biểu khác nhau: Jean Bodin, Melon, Jully, Colbert (Pháp), Thomas Mrm, Josias, Chhild, James Stewart (Anh)...Nội dung chính của lý thuyết này là: Mỗi quốc gia muốn đạt được sự thịnh vượng trong phát triển kinh tế thì phải gia tăng khối lượng tiền tệ bằng phát triển ngoại thương và mỗi quốc gia chỉ có thể thu được lợi ích từ ngoại thương nếu cán cân thương mại mang dấu dương (hay giá trị xuất khẩu lớn hơn giá trị nhập khẩu). Được lợi là vì thặng dư của xuất khẩu so với nhập khẩu được thanh toán bằng vàng, bạc và chính vàng, bạc là tiền tệ, là biểu hiện của sự giàu có. Đối với một quốc gia không có mỏ vàng hay bạc chỉ còn cách duy nhất là trông cậy vào phát triển ngoại thương. Lý thuyết trọng thương mặc dù có nội dung rất sơ khai và còn chứa đựng nhiều yếu tố đơn giản, phiến diện, chưa cho phép phân tích bản chất bên trong của các sự vật hiện tượng kinh tế, song đó đã là những tư tưởng đầu tiên của các nhà kinh tế học tư sản cổ điển nghiên cứu về hiện tượng và lợi ích của ngoại thương. Ý nghĩa tích cực của học thuyết này là đối lập với tư tưởng coi trọng kinh tế tự cung, tự cấp của chế độ phong kiến. Ngoài ra, những người trọng thương cũng sớm nhận thức được vai trò qua trọng của nhà nước trong quản lý, điều hành trực tiếp các hoạt động kinh tế xã hội thông qua các công cụ thuế quan, bảo hộ mậu dịch trong nước... để bảo hộ các ngành sản xuất non trẻ, kiểm soát nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu.

  • Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith.

        Trong nhiều tác phẩm của mình, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn sách “Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc giàu có của các quốc gia”, Adam Smith đã đề cao vai trò của thương mại , đặc biệt là ngoại thương với tác dụng thúc đẩy nhanh sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của các nước, song khác với sự phiến diện của trọng thương đã tuyệt đối hoá quá mức vai trò ngoại thương, ông cho rằng ngoại thương có vai trò rất to lớn nhưng không phải nguồn gốc duy nhất của sự giàu có. Sự giàu có không phải do ngoại thương mà là do công nghiệp, tức là do hoạt động sản xuất đem lại chứ không phải do hoạt động lưu thông. Theo ông, hoạt động kinh tế (bao gồm cả hoạt động sản xuất và lưu thông) phải được tiến hành một cách tự do, do quan hệ cung cầu và biến động giá cả thị trường quy định. Sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai? Đó là câu hỏi cần được giải quyết ở thị trường.

        Theo Adam Smith, sức mạnh làm cho nền kinh tế tăng trưởng là do sự tự do trao đổi giữa các quốc gia, do đó mỗi quốc gia cần chuyên môn vào những ngành sản xuất có lợi thế tuyệt đối, nghĩa là phải biết dựa vào những ngành sản xuất có thể sản xuất ra những sản phẩm có chi phí sản xuất nhỏ hơn so với quốc gia khác, nhưng lại thu được lượng sản phẩm nhiều nhất, sau đó đem cân đối với mức cầu ở mức giá lớn hơn giá cân bằng. Chính sự chênh lệch giá nhờ mức cầu tăng lên ở quốc gia khác làm cho nền kinh tế tăng trưởng. Quan điểm này thể hiện nội dung cơ bản của lý thuyết lợi thế tuyệt đối trong thương mại quốc tế. Một nước được coi là có lợi thế tuyệt đối so với một nước khác trong việc chuyên môn hoá sản xuất hàng hoá khi cùng một nguồn lực có thể sản xuất được nhiều sản phẩm hơn các nước khác ( Ví dụ xe ô tô Mercedec, Audi của Đức, Rollroil của Anh, Toyota của Nhật; Ti vi Samsung của Hàn Quốc; Giầy của Italia...)

  • Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo.

          Lý thuyết về lợi thế so sánh chỉ ra rằng một nước có lợi thế tuyệt đối so với nước khác về một loại hàng hoá, nước đó sẽ thu được lợi ích ngoại thương, nếu chuyên môn hoá sản xuất theo lợi thế tuyệt đối. Theo đó, các nước sẽ có lợi khi chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm mà họ làm ra với chi phí cơ hội (chi phí so sánh) thấp hơn so với các nước khác. Ví dụ Mỹ sản xuất máy bay Booing chăc chắn sẽ rẻ hơn các nước khác vì đã khấu hao công nghệ và tiết kiệm các chi phí sản xuất hơn các nước bắt đầu đầu tư sản xuất mặt hàng này. Quy luật này đã được nhiều nhà kinh tế khác tiếp tục phát triển, hoàn thiện, trở thành quy luật chi phối động thái phát triển của thương mại quốc tế.

      Tóm lại, mặc dù có cách tiếp cận khác nhau (trọng thương, lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh), nhưng các học thuyết trên đều khẳng định sản xuất hàng hóa và trao đổi hàng hóa của từng quốc gia muốn phát huy hiệu quả phải gắn với nhu cầu của sản xuất và trao đổi hàng hóa trên thế giới trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng quốc gia. Đó cũng chính là vai trò của thương mại quốc tế đối với sự phát triển của từng quốc gia và phát triển của thương mại toàn cầu.

     1.4  Các hình thức của Thương mại quốc tế

     Theo định nghĩa của WTO, thương mại có bốn lĩnh vực chính, đó là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư và các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

  1.4.1 Thương mại Hàng hóa: Bao gồm các vấn đề thuế quan và biện pháp phi thuế quan

     - Thuế quan: Thuế quan (Thuế nhập khẩu) là công cụ hợp pháp duy nhất để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Công cụ thuế quan này phải đảm bảo tính minh bạch và phải có lộ trình cắt giảm cụ thể để tiến tới thuế suất bằng 0 hoặc có thuế suất ngang bằng với các nước thành viên.Thuế quan phải được áp dụng trên nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) cho tất cả các thành viên WTO.

     - Phi thuế quan: Là các biện pháp phi thuế để hạn chế nhập khẩu trong những trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, văn hóa truyền thống, môi trường, sức khỏe con người...Các biện pháp phi thuê gồm:

      + Hạn chế định lượng nhập khẩu: Hạn ngạch thuế quan (ví dụ như mặt hàng đường, thuốc lá ở VN)

       + Doanh nghiệp có đặc quyền thương mại: gọi là các doanh nghiệp thương mại nhà nước (dù cho chúng thuộc sở hữu nhà nước hay sơ hữu tư nhân). Ví dụ về các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuộc loại "đầu mối" nhập khẩu, hay là những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tới các nguồn tài chính hay ngoại tệ. (Ở VN các doanh nghiệp nhà nước về xăng dầu đặc quyền nhập khẩu và phân phối xăng, dầu, doanh nghiệp FDI không được tham gia lĩnh vực này)

        + Trị giá tính thuế hải quan: Là giá trị tính thuế hải quan là trị giá giao dịch (giá trị hợp đồng). Trong trường hợp không áp dụng được giá trị giao dịch thì phải sử dụng các cách tính khác, nhưng không được xác định giá trị tính thuế một cách tùy tiện, chẳng hạn sử dụng giá nhập khẩu tối thiểu để tính thuế.

       Ngoài ra hải quan chỉ được thu các khoản phí và lệ phí tương ứng với các chi phí cần thiết cho thủ tục thông quan.

         + Các tiêu chuần kỹ thuật: Thường là các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, về hàm lượng, thành phần các hợp chất trong mỗi một đơn vị sản phẩm

         + Thủ tục cấp phép nhập khẩu: Việc cấp phép nhập khẩu phải đơn giản, rõ ràng và dễ dự đoán. Các chính phủ phải công bố thông tin đầy đủ cho các nhà kinh doanh biết giấy phép được cấp như thế nào và căn cứ để cấp. Khi đặt ra các thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hay thay đổi các thủ tục hiện tại, các thành viên phải thông báo theo những quy định cụ thể cho WTO. Việc xét đơn nhập khẩu cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.

        + Các biện pháp bảo vệ tạm thời: thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và hành động tự vệ khẩn cấp.

     1.4.2 Thương mại Dịch vụ:  Thương mại dịch vụ là một bộ phận hợp thành của thương mại quốc tế, nó liên quan đến hoạt động thương mại vượt qua biên giới quốc gia, theo các phương thức chủ yếu sau đây:

      - Thương mại dịch vụ giữa các nước: tức là mua bán dịch vụ qua biên giới giữa các nước, có thể bằng viễn thông (roaming) hoặc chuyển dịch vụ bằng hiện vật như bản vẽ, băng đĩa…

        -Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài: tức là khách hàng đi sang nước khác để tiêu dùng dịch vụ như đi du lịch, học tập; sửa chữa tàu biển, máy bay ở nước ngoài…

         - Hiện diện thương mại, tức là đầu tư trực tiếp để thành lập một chi nhánh, công ty con hay đại lý để cung cấp dịch vụ như cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật, ngân hàng cho nước sở tại…

          -Hiện diện của thể nhân: tức là sự di chuyển tạm thời của cá nhân sang nước khác để cung cấp các dịch vụ như chuyên gia, tư vấn, xây dựng, làm nội trợ, chăm sóc sức khỏe…

           Trong bốn phương thức trên đây thì phương thức Hiện diện thương mại có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại dịch vụ, đây là hình thức hoạt động thông qua liên doanh, chi nhánh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài (FDI) để cung cấp dịch vụ trong nước (ngoại trừ dịch vụ du lịch và vận chuyển).

     1.4.3 Thương mại đầu tư

           Trong thương mại quốc tế, đầu tư là hoạt động đem vốn, tài sản từ nước này sang một nước khác để kinh doanh, thu lợi nhuận (đầu tư nước ngoài). Theo nghĩa này, đầu tư bao gồm cả đầu tư trực tiếp (đầu tư thành lập hoặc mua lại doanh nghiệp) và đầu tư gián tiếp (đầu tư chứng khoán, cho vay ODA). Quy định về đầu tư nước ngoài của nước nhận đầu tư có thể cản trở hoặc thúc đẩy việc đầu tư và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả lợi nhuận của hoạt động đầu tư của nhà đầu tư đến từ các nước khác. Thương mại quốc tế từ đó cũng có thể được khuyến khích hoặc bị hạn chế vì các quy định về đầu tư nước ngoài này.  Vì vậy, để đảm bảo rằng các biện pháp của nước nhận đầu tư không cản trở bất hợp lý hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và dòng lưu chuyển vốn, tài sản trong thương mại quốc tế, các nước thành viên WTO đã thống nhất thông qua một Hiệp định về vấn đề này, gọi là Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (Agreement on investment measures related to trade -TRIMS). Tuy nhiên, Hiệp định TRIMS chỉ quy định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm áp dụng chứ không bao trùm tất cả các vấn đề về đầu tư nước ngoài. Cụ thể HĐ TRIMs cấm các nước thành viên WTO ban hành hoặc thực thi các biện pháp vi phạm nguyên tắc của WTO (nêu trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994) sau đây:

  • Đối xử quốc gia NT;
  • Các hạn chế số lượng xuất khẩu, nhập khẩu trong WTO .

     1.4.4  Các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

    - Mua bán chuyển nhượng quyền SHTT

    - Mua bán chuyển quyền sử dụng SHTT 

    - Áp dụng Điều ước quốc tế: Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Agreement on aspects of trade-related intellectual property rights -TRIPS) trong việc thực thi và giải quyết tranh chấp liên quan đến QSHTT. Việc áp dụng Hiệp định đã mở ra khả năng áp dụng các nguyên tắc cơ bản của GATT và của các Thỏa ước, Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ; điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ, điều khoản về các thủ tục thực thi hữu hiệu các quyền này; phương thức giải quyết tranh chấp đa phương liên quan đến bảo hộ quyền SHTT.