Các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng cạnh tranh

06/01/2024

Nhiều nguyên tắc của TTCT cũng có nét tương đồng với các nguyên tắc của tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân.

  1. Nguyên tắc độc lập, khách quan trong tố tụng

            Các vụ việc cạnh tranh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng và xa hơn nữa là lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước. Các quyết định của UBCTQG và HĐXLVVHCCT có thể tác động trực tiếp hay gián tiếp đến lợi ích hợp pháp, có thể là sự sống còn của các chủ thể kinh doanh.

            Ví dụ: Năm 2019, liên quan đến vụ sáp nhập giữa Uber và Grab ở khu vực Đông Nam Á, HĐXLVVCT – Hội đồng Cạnh tranh của Việt Nam đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-HĐXL ngày 17 tháng 6 năm 2019 phán xử về thương vụ (Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ) giữa Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH GrabTaxi ở Việt Nam là không vi phạm pháp luật cạnh tranh như Kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ( khi cho rằng vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về TTKT theo Mục 3 Chương II LCT năm 2004). Quyết định của Hội đồng Cạnh tranh về vụ việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vận tải hành khách bằng xe Taxi và lợi ích của người sử dụng dịch vụ này ở Việt Nam sau khi không còn Uber.

            Vì vậy, tính khách quan, độc lập và công bằng là những yêu cầu quan trọng nhất đối với các cơ quan TTCT. Ngay cả các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ quan cạnh tranh cũng phải phải đảm bảo rằng cơ quan này và các nhân viên có thể hoạt động một cách độc lập, không bị chi phối, chịu áp lực của bất kỳ cơ quan tổ chức nào.

  1. Nguyên tắc bảo mật thông tin

            Bí mật kinh doanh là một trong các yếu tố quyết định đến sự thành công trong cạnh tranh và kinh doanh của chủ thể cạnh tranh. Do đặc thù của công việc, người tiến hành TTCT có điều kiện, khả năng để tiếp xúc, nắm bắt các bí mật trong kinh doanh, cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh. Vì thế, Luật mẫu về cạnh tranh của UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development – Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc) và pháp luật cạnh tranh của bất cứ quốc gia nào cũng quy định về vấn đề bảo mật.

            Theo pháp luật Nhật Bản, các thành viên của cơ quan cạnh tranh Nhật Bản, Ủy ban Thương mại công bằng, bị cấm thể hiện quan điểm của họ bên ngoài cơ quan về sự tồn tại hay không tồn tại của các sự kiện hay về việc áp dụng luật liên quan đến một vi phạm. [1] Pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng quy định rằng trong TTCT, cơ quan tiến hành TTCT và người tiến hành TTCT phải giữ bí mật về các thông tin liên quan đến vụ việc cạnh tranh, bí mật kinh doanh của các chủ thể kinh doanh khi thực hiện công việc của mình.

            Hơn nữa khoản 2 Điều 54 của LCT năm 2018 còn quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin cũng được áp đặt cho những người tham gia TTCT khi yêu cầu những người này trong phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình phải giữ bí mật về các thông tin liên quan đến vụ việc cạnh tranh, bí mật kinh doanh của các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, Điều 104 LCT năm 2018 cũng có quy định 5 loại quyết định phải công bố công khai gồm: quyết định được hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định về việc TTKT, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

  1. Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan

            Pháp luật cạnh tranh của bất cứ quốc gia nào cũng có mục tiêu bảo vệ cạnh tranh, khuyến khích cạnh tranh nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Muốn vậy, các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể liên quan, chủ thể cạnh tranh và người tiêu dùng phải được pháp luật bảo đảm. Pháp luật cạnh tranh phải ngăn cấm các hành vi lạm quyền, áp đặt quyền lực của cơ quan quản lý cạnh tranh để gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh.

            Những tư tưởng này cũng được thể hiện khá rõ ràng trong các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Chẳng hạn, pháp luật bảo đảm quyền được khiếu nại của các tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, hành vi và quyết định của các cơ quan tiến hành TTCT. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, những người tiến hành TTCT phải luôn tôn trọng quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân liên quan.

  1. Nguyên tắc xét xử vụ việc hạn chế cạnh tranh dân chủ, công khai

            Cũng như LCT năm 2004, Điều 91 LCT năm 2018 quy định trước khi ra quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thì HĐXLVVHCCT phải mở phiên điều trần phán xử công khai thông qua cơ chế tài phán gần như tố tụng Tòa án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 93, LCT năm 2018, phiên điều trần của HĐXLVVHCCT đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh phải được tiến hành dân chủ, công khai (trừ trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hay bí mật kinh doanh thì có thể tổ chức kín).

            Tính dân chủ, công khai và công khai và tiến bộ của LCT năm 2018 còn thể hiện ở việc Luật này quy định thành phần người tham gia phiên điều trần còn bao gồm cả Thủ trưởng CQĐTVVCT và điều tra viên vụ việc cạnh tranh đã điều tra vụ việc cạnh tranh. Khác với trước đây, LCT năm 2004 quy định cơ quan quản lý cạnh tranh phải cử ít nhất hai điều tra viên, trong đó có ít nhất một điều tra viên đã tham gia điều tra vụ việc cạnh tranh đó tham gia phiên điều trần để trả lời các câu hỏi của HĐXLVVCT.

            Tại phiên điều trần, người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các ý kiến và tranh luận tại phiên điều trần phải được ghi vào biên bản.

  1. Ngôn ngữ trong tố tụng cạnh tranh

            Cũng tương tự như tố tụng Tòa án tại Việt Nam, ngôn ngữ được sử dụng chính thức trong TTCT là tiếng Việt, nhưng người tham gia có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trong trường hợp này thì phải có người phiên dịch (Quy định cụ thể tại Điều 55 LCT năm 2018).

 

[1] Xem thêm Điều 38, 39 của Luật Cạnh tranh Nhật Bản, tham khảo trong tài liệu của Bộ Công thương (2017), tlđd, tr. 299.