HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI
Hợp đồng mà một quan hệ phổ biến trong đời sống xã hội. Từ khi xã hội loài người có sự phân công lao động và xuất hiện các hình thức sở hữu thì hợp đồng hình thành và giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa các chủ thể với nhau. Quá trình trao đổi hàng hóa diễn ra mạnh mẽ đã khiến nền kinh tế phát triển và sự đa dạng của trao đổi hàng hóa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến pháp luật, trong đó các chủ thể mong muốn tìm ra một hình thức trao đổi đảm bảo an toàn và sự bền bỉ trong trao đổi do đó hợp đồng đã ra đời.
Theo Bộ luật dân sự 2005 định nghĩa hợp đồng như sau: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” (Điều 388).
Với định nghĩa đó, mục đích thật sự của hợp đồng chính là sự xác lập một quan hệ mới, hoặc là thay đổi quan hệ củ thành một quan hệ mới hoặc cũng có thể nhằm loại bỏ một quan hệ đã phát sinh. Điều này được thể hiện rõ nhất trong đời sống xã hội thông qua các hoạt động dân sự, kinh doanh thương mại, ở đó các chủ thể điều lấy hợp đồng để làm nòng cốt cho sự giao kết, ràng buộc trách nhiệm pháp lý để các bên tham gia vào các quan hệ có một sự ràng buộc pháp lý nhất định.
Như vậy, hợp đồng chính là sự thỏa thuận ý chí giữa các chủ thể với nhau khi tham gia một quan hệ nhất định, ở đó yếu tố thỏa thuận mang tính chất quyết định đến giá trị có hiệu lực của hợp đồng, việc một bên bị cưỡng ép, đe dọa hay bị lệ thuộc ý chí vào quá trình giao kết hợp đồng, pháp luật đều không thừa nhận giá trị pháp lý của giao kết hợp đồng đó. Thông thường hợp đồng sẽ do hai hay nhiều bên tiến hành giao kết thông qua các hình thức hợp đồng cụ thể, tuy nhiên cũng có trường hợp hợp đồng xuất phát từ ý chí ban đầu của một bên (lời đề nghị giao kết hợp đồng) và sau đó được bên kia chấp nhận giao kết hợp đồng (chấp nhận lời đề nghị) và điều đó đã hình nên một hợp đồng.
Các chủ thế muốn xác lập hợp đồng thì hợp đồng đó phải có hình dạng, hình thức cụ thể, mà trong khoa học pháp lý người ta gọi là hình thức của hợp đồng, theo quy định của pháp luật dân sự thì các chủ thể có toàn quyền tham gia quan hệ hợp đồng thông qua các hình thức sau: bằng lời nói, hành vi cụ thể và bằng văn bản. Tại Khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự quy định “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”.
Từ những vấn đề phân tích trên thì có thể khái quát chung nhất về hợp đồng đó là sự thỏa thuận ý chí của các bên nhằm làm xuất hiện, thay đổi hoặc mất đi quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể tham gia hợp đồng.
Hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng phát triển theo xu hướng của sự phát triển kinh tế, ở đó các chủ thể kinh tế sẽ tiến hành tham gia vào các hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận một cách tốt nhất, thông thường các phương thức tham gia vào các hoạt động đó có rất nhiều như: bằng văn bản, bằng lời nói hay có thể bằng hành vi, tuy nhiên ở mỗi góc độ và sự tiện ích cũng như hiệu quả của việc tham gia vào hoạt động kinh doanh các chủ thể luật kinh tế đa phần chọn hình thức hợp đồng bằng văn bản kinh doanh thương mại để tiến hành các hoạt động kinh doanh thương mại.
Trong luật Thương mại 2005, không định nghĩa thế nào là hợp đồng kinh doanh thương mại, tuy nhiên nếu xét về góc độ thực tế cũng như bản chất của hợp đồng kinh doanh thương mại thì hợp đồng kinh doanh thương mại được hiểu hoàn toàn giống với hợp đồng dân sự nhưng chỉ khác biệt ở mối quan hệ mà mỗi ngành luật tham gia mà thôi. Một số nhà nghiên cứu khoa học pháp lý cho rằng, quan hệ dân sự nếu nghiên cứu ở góc độ rộng thì nó bao gồm rất nhiều quan hệ: hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, đất đai… do đó hoạt động kinh doanh thương mại nếu hiểu theo nghĩa rộng thì nó vẫn là hoạt động dân sự nhưng mang yếu tố lợi nhuận.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể định nghĩa chung nhất về hợp đồng kinh doanh thương mại là “sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại”.
Xuất phát từ khái niệm đó, hợp đồng kinh doanh thương mại có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, chủ thể tham gia.
Chủ thể tham gia của hợp đồng kinh doanh thương mại phải là thương nhân hoặc có ít nhất là một bên là thương nhân. Theo Luật thương mại 2005 quy định thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Như vậy có thể thấy rằng thương nhân bao gồm hai đối tượng chính đó là: tổ chức kinh tế và cá nhân, đối với tổ chức kinh tế thì bao gồm rất nhiều dạng khác nhau như: hộ kinh doanh, hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2014… còn đối với cá nhân thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại một các thường xuyên và liên tục, xem hoạt động đó là nguồn sống của cá nhân đó được xem như là một nghề nghiệp nhất định.
Thứ hai, về hình thức của hợp đồng kinh doanh thương mại
Hình thức của hợp đồng kinh doanh thương mại được thể hiện bằng: văn bản, lời nói và hành vi thương mại vì bản chất của hợp đồng kinh doanh thương mại cũng là một dạng của hợp đồng dân sự nhưng nó mang yếu tố lợi nhuận, do đó về hình thức của hợp đồng kinh doanh thương mại cũng giống về hình thức của hợp đồng dân sự. Do đó khi các chủ thể kinh tế mong muốn xác lập mối quan hệ làm ăn với đối tác thì có quyền lựa chọn các hình thức của hợp đồng để giao kết, đây được thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận của hợp đồng các bên có quyền thỏa thuận với nhau về một hình thức hợp đồng cụ thể, hình thức của hợp đồng không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng, tuy nhiên có một số trường hợp cụ thể pháp luật buộc các bên phải đảm bảo điều kiện về hình thức của hợp đồng, nếu không bảo đảm điều kiện về hình thức thì nó sẽ ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng đôi khi là vô hiệu, do đó khi các bên giao kết hợp đồng cần phải xem xét các điều kiện quy định của pháp luật rằng giao dịch này có bắt buộc về hình thức của hợp đồng hay không.
Thứ ba, về nội dung của hợp đồng kinh doanh thương mại
Nội dung của hợp đồng kinh doanh thương mại là những quyền và nghĩa vụ được các bên tự do thỏa thuận, ở đó quy định về những việc bắt buộc phải làm, những việc không được làm do các bên thống nhất ý chí với nhau, xét ở góc độ pháp lý thì nội dung của hợp đồng kinh doanh thương mại là tập hợp các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, như vậy nó hoàn toàn giống với hợp đồng dân sự, tuy nhiên xét về mục đích của hợp đồng thì hoàn toàn khác biệt.
Mục đích của hợp đồng kinh doanh thương mại là nhằm tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận là điều kiện tiên quyết mà mỗi thương nhân điều hướng đến, do đó đối tượng cần giao kết cũng phải chứa đựng tính chất nảy sinh tư bản “sinh lời”, các điều khoản trong hợp đồng kinh doanh thương mại cũng phải bao hàm các thỏa thuận nhằm hướng các bên tìm kiếm lợi nhuận hoặc một bên tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy khi xem xét nội dung của hợp đồng, để phân biệt đó là hợp đồng kinh tế hay dân sự thì cần chú ý đến chủ thể giao kết hợp đồng là ai, nội dung mà các chủ thể hướng đến có mong muốn tìm kiếm lợi nhuận hay không, hay chỉ nhằm thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt bình thường.
Hiện tại có rất nhiều tiêu chí phân loại hợp đồng kinh doanh thương mại, tùy thuộc vào mỗi tiêu chí mà hợp đồng kinh doanh thương mại được phân thành các dạng khác nhau, sau đây là các tiêu chí để phân loại hợp đồng kinh doanh thương mại.
Thứ nhất, căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của các bên.
Căn cứ vào tiêu chí này, hợp đồng kinh doanh thương mại được chia thành
Một là, hợp đồng song vụ: đây là dạng hợp đồng mà mỗi bên điều có nghĩa vụ với nhau, quyền của bên này sẽ ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, do đó trong hợp đồng này thường xuất hiện các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên khi thỏa thuận, nhưng trên thực tế đa phần các hợp đồng kinh doanh thương mại điều là những hợp đồng song vụ, vì như đã phân tích mục đích hướng đến của hợp đồng kinh doanh thương mại là tìm kiếm lợi nhuận, do đó các bên không thể ràng buộc trách nhiệm pháp lý với nhau thông qua các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng.
Ví dụ: hợp đồng mua bán hàng hóa thì một bên có nghĩa vụ giao hàng thì bên phải có nghĩa vụ giao tiền theo sự thỏa thuận của hai bên.
Hai là, hợp đồng đơn vụ: đây là dạng hợp đồng mà chỉ có một bên có nghĩa vụ, điều này thể hiện rõ ràng trong các chính sách thu hút khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, ở đó chỉ có một bên bắt buộc phải có nghĩa vụ với bên kia mà không bắt buộc bên còn lại phải có nghĩa vụ tương ứng, do vậy chỉ xuất hiện nghĩa vụ một bên. Thông thường đối với các dạng hợp đồng này là do xuất phát từ ý chí của bên kia, tự mình ràng buộc trách nhiệm nghĩa vụ của mình cho bên còn lại mà không cần phải có những ràng buộc trách nhiệm pháp lý tromg hợp đồng.
Ví dụ: hoạt động khuyến mại (cho khách hàng dùng thử sản phẩm mà không thu tiền) thì nhà khuyến mại có nghĩa vụ phải giao cho khách hàng sử dụng những dịch vụ, hàng hóa của mình nhưng không bắt buộc bên còn lại phải giao tiền sử dụng dịch vụ, hàng hóa đó.
Thứ hai, căn cứ vào sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các hợp đồng
Căn cứ vào tiêu chí này, hợp đồng kinh doanh thương mại được chia thành:
Một là, hợp đồng chính: là hợp đồng mà hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào hợp đồng phụ, đây là hợp đồng cơ bản để điều chỉnh mối quan hệ mà các bên hướng tới nhằm xác lập, hợp đồng chính không thể vô hiệu nếu như hợp đồng phụ vô hiệu, khi hợp đồng phụ vô hiệu thì bản thân hợp đồng phụ sẽ không xuất hiện giá trị pháp lý nhưng nó sẽ không làm ảnh hưởng đến hợp đồng chính (mục đích ban đầu các bên hướng đến) vô hiệu, điều này thường xuất hiện ở các dạng ký hợp đồng làm đại lý, ban đầu hai bên ký hợp đồng đại lý giữa một bên là nhà cung cấp và một bên là nhà đại lý, sau khi ký hợp đồng đại lý thì các bên lại căn cứ vào hợp đồng đại lý để ký với nhau về việc phân phối từng sản phẩn hàng hóa nhất định, nếu hợp đồng đại lý từng sản phẩm mà vô hiệu thì hợp đồng chính (đại lý) vẫn có hiệu lực giá trị pháp lý, vì trong trường hợp này hợp đồng đại lý chính là hợp đồng chính còn hợp đồng đại lý từng sản phẩm hàng hóa là hợp đồng phụ.
Hai là, hợp đồng phụ: là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính, có nghĩa rằng giá trị pháp lý của hợp đồng phụ phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị của hợp đồng chính, nếu hợp đồng chính vì một lý do nào đó là không phát sinh hiệu lực thì hợp đồng phụ chắc chắn cũng sẽ đương nhiên mất giá trị pháp lý, vì giá trị hiệu lực của hợp đồng phụ do hợp đồng chính quyết định.
Ví dụ: hợp đồng vay tài sản ở Ngân hàng thương mại cổ phần với hợp đồng thế chấp tài sản. Trong trường hợp này hợp vay tài sản là hợp đồng chính còn hợp đồng thế chấp tài sản là hợp đồng phụ, nếu trong trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu thì hợp đồng chính vẫn có hiệu lực giá trị pháp lý, các bên vẫn ràng buộc trách nhiệm với nhau theo như các bên đã thỏa thuận ở trong hợp đồng vay tài sản.
Ba là, hợp đồng có điều kiện: đây là một dạng hợp đồng mà các bên ngoài thỏa thuận về nội dung của hợp đồng, các bên còn thỏa thuận về một sự kiện mà sự kiện xãy ra thì hợp đồng mới có hiệu lực. Như vậy muốn hợp đồng phát sinh hiệu lực thì bắt buộc phải điều kiện mà các bên đã thỏa thuận phải được thực hiện, tuy nhiên nội dung của điều kiện có hiệu lực của hợp đồng không được trái các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, nếu các điều kiện mà các bên thỏa thuận nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự, trái với các quy định của pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục, đạo đức thì hợp đồng đó vẫn không phát sinh hiệu lực. Ví dụ như: Để giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, Bên A yêu cầu Bên B phải sa thải một nhân viên của công ty B (vì lý giám đốc của công ty A mâu thuẫn với nhân viên của công ty B).
Bốn là, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: đây là dạng hợp đồng mà các bên xác lập nhằm vì lợi ích của người thứ ba, ở với dạng hợp đồng này các chủ thể giao kết hợp đồng không phải vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận hay thỏa mãn nhu cầu cho bản thân mà là vì lợi ích của người thứ ba trong hợp đồng, các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng không phải người thứ ba gánh chịu mà do các bên giao kết hợp đồng chịu trách nhiệm về những điều khoản của hợp đồng đó. Thông thường bên thứ ba thường là những người có quan hệ gần gủi với một trong hai bên giao kết hợp đồng, vì mục đích mà các bên hướng đến đó là người thứ ba thụ hưởng. Ví dụ hợp đồng bảo lãnh của một công ty A cho nhân viên mình khi nhân viên mình vay tài sản của ngân hàng, rõ ràng đối với hợp đồng bảo lãnh đó, công ty A không vì mục đích lợi nhuận cho bản thân mình, nếu trong trường hợp nhân viên của công ty A không thể thanh toán khoản nợ đến hạn thì nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó sẽ chuyển sang cho công ty A, hoặc một ví dụ khác như cha mẹ ký hợp đồng dịch vụ pháp lý cho con mình.
Thứ ba, căn cứ vào nội dung của hợp đồng.
Căn cứ vào tiêu chí này, hợp đồng kinh doanh thương mại được chia thành các nhóm chính như sau;
Một là, nhóm hợp đồng mua bán hàng hóa: trong tất cả các loại hợp đồng kinh doanh thương mại thì hợp đồng mua bán hàng hóa phổ biến nhất, nó xảy ra thường xuyên trong các hoạt động của kinh doanh thương mại, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định thành một chương cụ thể trong luật thương mại 2005, điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc hợp đồng mua bán hàng hóa đối với các quan hệ xã hội trong đời sống nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, phần này chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn trong phần 3.5 của chương này.
Hai là, nhóm hợp đồng dịch vụ: Hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (hợp đồng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, trung gian thương
mại, các hoạt động thương mại cụ thể khác); các hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyên ngành (hợp đồng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo, du lịch...).
Ba là, nhóm những hợp đồng trong các hoạt động đầu tư thương mại đặc thù khác (hợp đồng giao nhận thầu xây lắp, hợp đồng chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp...).
Thứ tư, căn cứ vào hình thức của hợp đồng
Căn cứ vào tiêu chí này, hợp đồng kinh doanh thương mại được chia thành các loại hình sau:
Một là, hợp đồng bằng văn bản: hợp đồng bằng văn bản là việc xác lập, thay đổi , chấm dứt các quan hệ kinh doanh thương mại qua một văn bản cụ thể, văn bản có thể bằng giấy cũng có thể bằng dữ liệu điện tử tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Hai là, hợp đồng bằng hành vi đây là dạng hợp đồng mà các bên khi giao kết không thể hiện bằng văn bản hay lời nói mà chỉ dùng các hành vi cụ thể để tiến hành giao kết hợp đồng, thông thường đối với hợp đồng bằng hành vi chỉ xuất hiện hoặc tồn tại ở một số lĩnh vực cụ thể, hình thức của hợp đồng này không phổ biến trong đời sống xã hội. Ví dụ: người dùng thẻ ATM để rút tiền, thanh toán tiền qua các siêu thị…
Ba là, hợp đồng bằng miệng đây là dạng hợp đồng mà các bên thể hiện bằng lời nói cụ thể để giao kết hợp đồng, như lời đề nghị giao kết hợp đồng trực tiếp bằng miệng, các bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, tuy nhiên trên thực tế việc giao kết hợp đồng bằng miệng xảy ra không phổ biến vì nó khó xác minh được chính xác của hợp đồng, tuy nhiên cần phân biệt rằng khó chứng minh trong thực tế chứ không phải là nó có giá trị pháp lý thấp hơn hợp đồng bằng văn bản, chỉ cần chứng minh được thực tế các bên có giao kết hợp đồng thì giá trị chứng minh tố tụng cũng như là hợp đồng bằng văn bản. Trong ba dạng hợp đồng được nêu trên thì hợp đồng bằng văn bản thường được các chủ thể kinh tế lựa chọn nhiều nhất, vì nó đáp ứng được tính chính xác của việc giao kết hợp đồng.