0236.3650403 (128)

Các chế tài trong thương mại


Vi phạm hợp đồng thương mại và các biện pháp xử lý

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Theo quy định tại Điều 297 LTM 2005, buộc thực hiện hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện tiếp tục các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Đây là biện pháp giúp các bên đạt được những mong muốn ban đầu, đó là việc tiến hành thống nhất các nghĩa vụ và quyền mà ban đầu các bên đã thỏa thuận. Khi áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm không cần chứng minh là mình có thiệt hại. Bởi lẽ, buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ là hệ quả của hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng hợp pháp, mục đích ban đầu các bên tiếp tục nhằm đạt được, vấn đề chứng minh các vấn đề về khuyết điểm về hàng hóa, dịch vụ là để tính toán chi phí phát sinh trong thực tiễn đã xảy ra.

Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác có thể thực hiện được hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm và bên bị vi phạm thỏa thuận gia hạn thực hiện hợp đồng hoặc thỏa thuận thay thế nghĩa vụ này bằng một nghĩa vụ khác thì đây không được xem là áp dụng biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng.

        Theo quy định của LTM 2005, đặc biệt là quy định tại Điều 297 khi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bên bị vi phạm có thể lựa chọn yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc lựa chọn các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. 

2. Phạt vi phạm

Theo quy định tại Điều 300 LTM 2005, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận. Phạt vi phạm là một hình thức chế tài nhằm đảm bảo các bên thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc, các bên có quyền thỏa thuận về mức phạt hợp đồng cũng có thể theo quy định của pháp luật. Mục đích của việc đặt ra chế tài phạt vi phạm là nhằm thúc đẩy các bên tôn trọng các điều khoản đã thỏa thuận ở trong hợp đồng, nếu không sẽ bị chế tài và chịu khoản chi phí về mức phạt do đó có thể nói phạt vi phạm là để trừng phạt, tác động vào ý thức của các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng bên cạnh đó tạo nên ý thức tôn trọng sự thỏa thuận hợp đồng cũng như phòng ngừa vi phạm xảy ra.

Để áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm hợp đồng, yêu cầu cơ bản ban đầu đó chính là phải có hành vi vi phạm và có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm. Do đó, bắt buộc trong hợp đồng phải thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm thì khi xảy ra hoạt động vi phạm thì bên bị vi phạm mới có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với bên vi phạm hợp đồng. Cần lưu ý rằng, hình thức chế tài phạt vi phạm không được áp dụng đối với các trường hợp miễn trách nhiệm do các điều kiện khách quan gây ra cũng như các bên đã có sự thỏa thuận các hoạt động được xem là không áp dụng biện pháp chế tài phạt vi phạm.

Mức phạt vi phạm hoàn toàn phụ thuộc vào các bên đã thỏa thuận, tuy nhiên nó bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thương mại. Theo đó, Điều 301 LTM 2005 quy định: mức phạt vi phạm đối với nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp trách nhiệm vi phạm do kết quả giám định sai. Đây là quy định có phần khác so với BLDS 2015, nếu hợp đồng dân sự tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, các bên có quyền đặt ra mức phạt vi phạm trên cơ sở thỏa thuận không bị giới hạn, còn đối với LTM lại đặt ra một giới hạn cụ thể đó là không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, đây là điểm cần lưu ý mà các chủ thể khi tham gia vào quan hệ hợp đồng.

3. Bồi thường thiệt hại

Khác với phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng theo Điều 302 LTM 2005. Với mục đích này, chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra. Theo quy định tại Điều 303 LTM 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm chỉ phát sinh khi có đầy đủ các căn cứ đó là: Phải có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế xảy ra; và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế (hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại). Về nguyên tắc, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất đã gây ra cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, các khoản thiệt hại đòi bồi thường phải nằm trong phạm vi được pháp luật ghi nhận đó là tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi đáng lẽ bên bị vi phạm sẽ được hưởng nếu không có hoạt động vi phạm hợp đồng của bên vi phạm theo khoản 2 Điều 302 LTM 2005. Ngoài ra, bên bị vi phạm muốn yêu cầu bên vi phạm hợp đồng bồi thường thiệt hại thì cần phải chứng minh được những vấn đề cần nêu ở trên cũng như chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hoạt động vi phạm gây ra và đặc biệt là khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ ra sẽ được hưởng nếu không có hoạt động vi phạm đó. 

Khi áp dụng chế tài áp dụng bồi thường thiệt hại cũng cần chú ý đến các vấn đề liên quan đến phạt vi phạm[1]. Nếu trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận về phạt vi phạm thì nếu có xảy ra thiệt hại do hoạt động vi phạm của một bên gây ra thì ngoài việc phải chịu chi phí bồi thường thiệt hại, bên vi phạm còn phải chịu phạt vi phạm như các bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về phạt vi phạm thì khi xảy ra thiệt hại do hoạt động vi phạm gây ra thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hoàn toàn không có quyền áp dụng biện pháp chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Cũng giống như các biện pháp chế tài khác, vấn đề bồi thường thiệt hại không áp dụng đối với các trường hợp miễn trách nhiệm do pháp luật quy định cũng như theo sự thỏa thuận của các bên.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Theo quy định tại Điều 308 LTM 2005, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Xảy ra hoạt động vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Theo đó, các bên thỏa thuận với nhau nếu có những hoạt động cụ thể được quy định trong hợp đồng về việc có thể tạm ngừng hợp đồng thì nếu hoạt động đó xảy ra thì hợp đồng sẽ được tạm ngừng. Nếu các bên không thỏa thuận về việc tạm dừng hợp đồng mà trong quá trình thực hiện hợp đồng một bên vi phạm các nghĩa vụ cơ bản thì bên còn lại vẫn có quyền tạm dừng hợp đồng, việc tạm dừng hợp đồng là nhằm để khắc phục các vi phạm cơ bản đó trong một thời gian hợp lý để các bên có thể tiếp tục hợp đồng. Vi phạm các điều khoản cơ bản[2] đó là việc một bên vi phạm các điều khoản trong hợp đồng gây thiệt hại cho bên còn lại đến mức không thể đạt được những mục đích của việc giao kết hợp đồng, có thể nói rằng một số trường hợp vi phạm hợp đồng nhưng chưa chắc những vi phạm đó được xem là vi phạm cơ bản.

Khi tạm dừng hợp đồng thì hợp đồng đó vẫn có giá trị pháp lý, có nghĩa rằng nó vẫn tồn tại về mặt thực tế và các bên phải tôn trọng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Theo đó, các bên phải nêu rõ về thời gian tạm dừng hợp đồng, sau thời gian tạm dừng các bên sẽ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận ban đầu. Điều này chứng tỏ pháp luật đã cho sự thỏa thuận của các bên là điều kiện tiên quyết của hợp đồng, để các bên có thể đạt được những thỏa thuận ban đầu mong muốn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên tách biệt về vấn đề bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm với chế tài tạm dừng hợp đồng, nếu các bên đã thỏa thuận các điều khoản về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm thì bên cạnh áp dụng chế tài tạm dừng hợp đồng thì bên bị vi phạm cũng có quyền áp dụng các chế tài về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được những điều kiện đã nêu ở phần trên.

5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Theo quy định tại Điều 310 LTM 2005 đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) xảy ra hoạt động vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Nếu các bên có thỏa thuận cụ thể về các trường hợp dẫn đến đình chỉ hợp đồng thì hợp đồng sẽ đình chỉ thực hiện. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, các bên có quyền đưa ra các điều kiện cụ thể về các hoạt động dẫn đến một bên có quyền đình chỉ hợp đồng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, các thỏa thuận đó có thể tồn tại trong hợp đồng, hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên bổ sung thông qua phục lục của hợp đồng, thì những thỏa thuận đó vẫn có giá trị pháp lý. Bên cạnh sự thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng thì việc một bên vi phạm các điều khoản cơ bản cũng được xem là điều kiện để một bên đình chỉ thực hiện hợp đồng. 

Khi thông báo của một bên về việc đình chỉ thực hiện hợp đồng, hợp đồng đó sẽ không còn giá trị pháp lý, có nghĩa các bên sẽ không tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Khi một bên đã đình chỉ thực hiện hợp đồng thì đối với các chế tài về bồi thường thiệt hại vẫn được áp dụng nếu bên bị vi phạm chứng minh được hoạt động vi phạm, tổn thất thực tế và mối quan hệ giữa hoạt động vi phạm với hậu quả thực tế.

6. Hủy bỏ hợp đồng

Theo quy định tại Điều 312 LTM 2005, hủy bỏ hợp đồng là một hình thức chế tài, theo đó bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng làm cho hợp đồng không phát sinh hiệu lực từ thời điểm phát sinh, có nghĩa rằng các bên phải trả cho nhau những gì đã nhận, nghĩa vụ đó phải được thực hiện đồng thời, trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền. 

Hủy bỏ hợp đồng tồn tại ở hai dạng: hủy bỏ một phần và hủy bỏ toàn bộ. Đối với hủy bỏ một phần thì phần bị hủy bỏ sẽ không phát sinh hiệu lực, các bên không cần thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận đối với phần bị hủy bỏ đó. Còn đối với hủy bỏ toàn bộ thì các bên sẽ không thực hiện toàn bộ hợp đồng, tất cả toàn bộ hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. 

Cần lưu ý rằng, khi một bên hủy bỏ hợp đồng thì vẫn có quyền áp dụng các chế tài khác đặt biệt là phạt vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu trong hợp đồng các bên có sự thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hoạt động vi phạm gây ra thì khi áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng bên bị vi phạm vẫn có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, trong những trường hợp quy định tại Điều 294 LTM 2005 về miễn trách nhiệm thì nếu xảy ra một trong các điều kiện về miễn trách nhiệm thì sẽ bên bị vi phạm không được quyền áp dụng các chế tài đã nêu trên.

 

[1] Điều 307 LTM 2005

[2] Khoản 13 Điều 3 LTM 2005.