Học ngành Luật, tại sao không?

18/05/2020

Ở các nước phương Tây, Luật sư là một nghề được trọng vọng, mỗi gia đình thường có luật sư riêng. Ở nước ta trong những năm gần đây, nghề Luật sư được quan tâm với nhu cầu khá lớn về nhân lực. Theo đó, số lượng sinh viên theo học ngành Luật tại các trường đại học trên cả nước cũng tăng nhanh qua từng năm. Nếu như bạn nghĩ rằng học Luật xong chỉ có một sự lựa chọn là làm Luật sư thì chưa thật chuẩn đâu nhé. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về ngành Luật (nội dung kiến thức, nghề nghiệp) qua những nội dung dưới đây để có những lựa chọn sáng suốt nhất nhé.

 

Nhu cầu nhân lực ngành Luật

 

Người ta thường nghĩ đến học Luật để làm Luật sư hay công tác trong các đơn vị hành chính công, các tổ chức của Nhà nước. Nhiều năm trước, Luật vẫn được cho là một trong những ngành khó xin việc đối với sinh viên mới bước ra khỏi cánh cổng trường đại học.

Học ngành Luật, tại sao không?

"Phiên tòa giả định" được thực hiện thường xuyên trong suốt chương trình đào tạo Cử nhân Luật

 

Tuy nhiên, hiện nay khi nền kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng dẫn đến nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân về nhân sự ngành Luật ngày càng tăng cao. Con người sống, làm việc, lao động và kinh doanh theo tôn chỉ của pháp luật (pháp luật của mỗi gia và pháp luật quốc tế). Sinh viên ra trường không bị giới hạn làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trong nước mà còn có cơ hội làm việc cho những doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam.

 

Vậy sinh viên luật sẽ học những gì?

 

Trong năm học đầu tiên, các bạn sẽ được trang bị kiến thức nền tảng để sẵn sàng tiếp cận kiến thức về pháp lý trong các năm sau, bao gồm kiến thức về tâm lý học, logic học (rèn luyện tư duy logic), xã hội học, văn hóa Việt Nam, lịch sử văn minh thế giới. Các môn này là kiến thức hỗ trợ cho việc học Luật và tuy duy pháp lý về hành vi của con người/tổ chức. Ngoài ra, năm đầu tiên cử nhân Luật cũng học các môn kiến thức chung (tiếng Anh, tin học, chính trị, quốc phòng, thể dục…) như các ngành khác.

 

Trong năm thứ 2, thứ 3 và thời gian còn lại của năm 1 là thời gian thầy cô xây dựng nền tảng kiến thức cho sinh viên:

 

Với “phần móng” là các môn về:

 

- Hiến pháp: văn bản pháp luật có giá trị pháp lý tối cao;

- Lý luận, lịch sử về nhà nước và pháp luật: để các bạn hiểu về sự ra đời của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật.

Vì một vụ việc trong thực tiễn sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý, nên dù bạn học chuyên ngành nào cũng sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về các chuyên ngành khác, do đó, tiếp trên “phần móng” là bốn “trụ cột” kiến thức thuộc bốn ngành luật:

 

- Pháp luật Dân sự;

- Pháp luật Hình sự;

- Pháp luật Hành chính;

- Pháp luật Thương mại.

 

Sau đó, sinh viên sẽ học các môn về lĩnh vực pháp lý chuyên sâu như: hôn nhân và gia đình; lao động; đất đai; môi trường; tài chính; chứng khoán; đầu tư; luật biển; tâm lý tội phạm; pháp luật quốc tế (Công pháp và Tư pháp). Ngoài ra có các môn trau dồi kỹ năng như: pháp luật về tố tụng; soạn thảo và tranh chấp hợp đồng; văn bản pháp luật,… Nhiều học phần được học theo phương pháp học tranh biện theo nhóm/cá nhân và thi theo hình thức vấn đáp (hỏi - đáp trực tiếp với giảng viên) giúp sinh viên được tôi luyện khả năng tranh luận, kỹ năng lắng nghe và phản hồi, bảo vệ quan điểm.

 

Nếu sinh viên học chuyên ngành thì sẽ học một số học phần về chuyên ngành đó. Sự khác biệt về kiến thức được đào tạo giữa các chuyên ngành (kinh tế, dân sự, hành chính, hình sự) là không nhiều, do đó nếu bạn học chuyên ngành Kinh tế thì hoàn toàn có thể tự tin tham gia tư vấn, bào chữa trong các vụ án hình sự (và ngược lại).

 

Xen kẽ trong các học kỳ là các buổi diễn án (phiên tòa giả định) và các hoạt động thực tế để sinh viên có kiến thức, hình dung về công việc trong tương lai. Trong năm học cuối, các bạn có kết quả học tốt sẽ được làm khóa luận tốt nghiệp.

 

Học luật ở Trường Đại học Duy Tân (DTU) có gì khác biệt?

Học ngành Luật, tại sao không?

Các giảng viên khoa Luật năng động, trẻ trung 

 

Khác biệt thứ nhất: Sinh viên sẽ được đào tạo về tiếng Anh và Tin học bài bản (trường có khoa Tiếng Anh và Khoa Công nghệ Thông tin), đây là một lợi thế khi ra trường để các bạn dễ dàng tìm cho mình công việc có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, Đại học Duy Tân còn đào tạo tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật cho sinh viên có nhu cầu, đây là lựa chọn tuyệt vời cho các bạn có định hướng làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức của các nước này.

 

Khác biệt thứ hai: Trong quá trình học, các bạn luôn có một đội ngũ giảng viên “cố vấn học tập” hàng ngày (theo phương thức học nhóm 1-5 sinh viên cùng với giảng viên) để các bạn được hỏi và giải đáp bất kỳ vấn đề gì về việc học, hỗ trợ để các bạn học tập thuận lợi nhất trong từng môn học.

 

Khác biệt thứ ba: Ở DTU, ngoài các giờ học trên lớp, sinh viên ngành Luật có các giờ học ngoại khóa trực tiếp tại công ty luật, tòa án, viện kiểm sát, văn phòng công chứng. Đây là cơ hội để các bạn tìm hiểu, tiếp cận với những người/những công việc mà sau này bạn sẽ làm.

Học ngành Luật, tại sao không?

Sinh viên được học tập tại các phòng học có trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại

 

Khác biệt thứ tư: Đội ngũ cán bộ giảng viên luôn đầy nhiệt huyết dù ở bất kỳ độ tuổi nào là nguồn “năng lượng” quý báu để hỗ trợ sinh viên học tập. Ở DTU, giảng viên luôn lắng nghe và hỗ trợ sinh viên 24/7.

 

Khác biệt thứ năm: Với lịch sử xây dựng và phát triển 26 năm, đến nay DTU đã có cơ sở hạ tầng hiện đại và khang trang, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của sinh viên.

Học ngành Luật, tại sao không?

Một trong các cơ sở đào tạo của Đại học Duy Tân

 

Học luật xong làm nghề gì ?

 

Ngành Luật có đầu ra rất rộng, từ cơ quan Nhà nước đến tư nhân, từ cấp địa phương đến trung ương:

 

1. Luật sư

 

Luật sư là việc làm tiêu biểu nhất, thể hiện rõ nhất đặc thù của ngành Luật. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Luật sẽ học tiếp để có thẻ Luật sư, sau đó có thể hành nghề độc lập hoặc làm việc cho một hãng luật.

 

Công việc:

 

  • Tư vấn và đại diện pháp luật cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.
  • Tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật.
  • Nghiên cứu, phân tích vấn đề luật pháp, soạn thảo và nộp lại văn bản pháp luật.
  • Làm rõ các vấn đề pháp luật, chỉ đạo và định hướng cho khách hàng, doanh nghiệp hành xử và hoạt động theo đúng pháp luật.

 

2. Công chứng viên

 

Công chứng viên có thể tự mở cho mình một văn phòng công chứng riêng khi đủ điều kiện hoặc làm việc tại phòng công chứng/văn phòng công chứng.

 

Công việc:

 

  • Tư vấn và thẩm định công chứng cho khách hàng.
  • Công chứng và chịu trách nhiệm về hợp đồng giao dịch, hồ sơ theo quy định Pháp Luật.
  • Soạn thảo và tư vấn các vấn đề về pháp lý.
  • Hỗ trợ việc soạn thảo, thẩm định tính pháp lý của các hợp đồng, thỏa thuận, hỗ trợ luật sư trong các hồ sơ tranh chấp.

 

3. Kiểm sát viên

 

Kiểm sát viên làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp thông qua thi tuyển.

 

Công việc:

 

  • Kiểm tra, giám sát việc khởi tố các hành vi phạm tội hay buộc tội, các hoạt động điều tra từ đó đề xuất hình phạt thích hợp.
  • Kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử, việc chấp hành pháp luật của mọi người, quyết định của thẩm phán, Tòa án.
  • Tham gia điều tra, truy tố tội phạm, nếu kết quả điều tra không hợp lý, Công tố viên có quyền lật lại vụ án và yêu cầu điều tra lại từ đầu.
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của bản thân.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.

 

4. Thư ký tòa án

 

Thư ký tòa án làm việc tại các Tòa án nhân dân các cấp thông qua thi tuyển.

 

Công việc:

 

  • Ghi chép biên bản diễn biến phiên tòa.
  • Quản lý và sắp xếp hồ sơ.
  • Kiểm tra danh sách và phổ biến nội quy phiên tòa với những người được triệu tập.
  • Làm rõ lý do của người vắng mặt và báo cáo với Hội đồng xét xử.
  • Hỗ trợ thẩm phán trong việc tiến hành các công tác liên quan tới quá trình giải quyết vụ án: hướng dẫn đương sự bổ sung thông tin, chứng cứ, ghi chép biên bản các phiên hòa giải…

 

Sau khi làm thư lý tòa án một khoảng thời gian sẽ được tham gia thi để đủ tiêu chuẩn làm thẩm phán.

 

5. Thẩm phán

 

Sau một thời gian làm Thư ký tòa án, bạn sẽ được tham gia thi để trở thành thẩm phán. Thẩm phán làm việc tại các Tòa án nhân dân các cấp, tham gia hội đồng xét xử tại phiên tòa với vai trò là chủ tọa hoặc thẩm phán.

 

Công việc:

 

  • Chủ trì xét xử và điều trần các vụ án.
  • Nghiên cứu và phân tích các vấn đề theo luật pháp, đánh giá các tài liệu, báo cáo.
  • Lắng nghe, xem xét và đánh giá các lập luận, chứng cứ.
  • Quyết định quy trình thực hiện xét xử theo luật pháp và quy tắc, quyết định giam giữ bị cáo đến khi xét xử, phê duyệt lệnh bắt giữ.
  • Đưa ra phán quyết và giải quyết tranh chấp giữa các bên, quyết định và hướng dẫn về các trường hợp.

 

6. Giảng viên

 

Nếu bạn đam mê nghề giáo, sau khi tốt nghiệp đại học, bạn học lên thạc sĩ khoảng 2 năm sẽ được tham gia giảng dạy tại các trường đại học có đào tạo ngành luật.

 

Công việc:

 

  • Giảng dạy các bộ môn Pháp luật tùy theo từng ngành như Luật Sở hữu Trí tuệ; Luật Kinh tế,...
  • Giảng dạy các môn về Dân sự, Tố tụng Dân sự, Hình sự.
  • Đánh giá rèn luyện sinh viên; thực hiện các công tác học vụ.

 

7. Pháp chế (cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước)

 

Công việc pháp chế không đòi hỏi chứng chỉ, ngay sau khi ra trường bạn có thể trở thành cán bộ pháp chế ngay sau khi vượt qua đợt thi tuyển (cơ quan nhà nước) hoặc phỏng vấn (đơn vị tư nhân).

 

Công việc:

 

  • Tư vấn pháp luật cho lãnh đạo cơ quan tổ chức, doanh nghiệp (lao động, bảo hiểm, lĩnh vực chuyên môn);
  • Trực tiếp soạn thảo hoặc cho ý kiến các hợp đồng, quy chế, điều lệ hoạt động nội bộ;
  • Phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động, quản lý của tổ chức;
  • Trực tiếp làm việc với các cơ quan pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến pháp luật; tiến hành các thủ tục pháp lý trong quá trình khiếu nại, tranh chấp và các tố tụng pháp lý có liên quan.

 

8. Cán bộ tư pháp, một cửa

 

Hiện nay tại tất cả các UBND từ cấp xã đến cấp tỉnh đều có bộ phận/đơn vị tư pháp và bộ phận một cửa. Vì thường xuyên áp dụng pháp luật về thủ tục hành chính và tư pháp nên các đơn vị này tuyển dụng chủ yếu là cử nhân ngành luật (thông qua thi tuyển). Đây là một lựa chọn phù hợp cho các bạn muốn trở về làm việc tại quê hương sau khi tốt nghiệp.

 

Công việc:

 

  • Công tác một cửa: tiếp nhận và xử lý/chuyển phòng chuyên môn xử lý hồ sơ một cửa; trả kết quả sau khi hoàn thành;
  • Công tác tư pháp bao gồm nhiều hoạt động gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư;  tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Chúng ta vừa điểm qua những nét chính về ngành Luật và việc học Luật tại DTU. Nếu có nguyện vọng học ngành Luật, hãy tìm hiểu sâu hơn thông tin về khoa Luật Đại học Duy Tân tại link: http://khoaluat.duytan.edu.vn/ và "ghé" qua link tuyển sinh: https://duytan.edu.vn/tuyen-sinh/Page/Home.aspx để tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh đại học năm 2020 với hình thức tuyển sinh đa dạng nhé.