TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN ĐƯỢC PHÉP ĐÀO TẠO THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ

19/09/2020

TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN ĐƯỢC PHÉP ĐÀO TẠO THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 2429/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Duy Tân đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật kinh tế. Đây là một tin vui cho toàn thể Thầy trò khoa Luật nói riêng và Trường Đại học Duy Tân nói chung.

Năm 1994, Trường Đại học Duy Tân đã đào tạo một khóa ngành Luật kinh tế với khoảng 50 sinh viên. Đến nay sinh viên khóa này đã rất trưởng thành và thành đạt. Có người đã trở thành Chủ tịch UBND Tỉnh[1], có người nằm trong Thường vụ Thành ủy, có người trở thành Luật sư có "thương hiệu" và đảm nhận nhiều vị trí nghề nghiệp cao.

  Đến năm 2015, Trường Đại học Duy Tân được phép đào tạo ngành Luật Kinh tế trở lại. Đến nay đã có 2 khóa với hơn 500 sinh viên đã ra trường , trên 80% sinh viên đã có việc làm ổn định trong các Doanh nghiệp, Công ty Luật, ngân hàng, một số cơ quan nhà nước…

Hiện nay, Trường Đại học Duy Tân có Khoa Luật, đào tạo ngành Luật và Luật Kinh tế. Theo học ngành Luật Kinh tế tại ĐH Duy Tân, sinh viên sẽ được lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành để: Giải quyết các tình huống trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và quản lý nhà nước về kinh doanh, thương mại; Xử lý các vấn đề nảy sinh trong các hoạt động kinh tế như tài chính, thị trường tiền tệ và ngân hàng, thị trường chứng khoán; Thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự; Vận dụng các quy định pháp luật để tham gia, tư vấn, bào chữa cho các bên tranh chấp trong kinh doanh, hay tự hành nghề ở lĩnh vực liên quan đến pháp luật như luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật... Mục tiêu được đề ra rất tốt và thực tế đã đáp ứng được một số lĩnh vực trong nghề Luật.

 

Chương trình giảng dạy mã ngành Luật rộng hơn, trang bị cho sinh viên các kiến thức về pháp luật rộng và đáp ứng yêu cầu làm việc sau khi tốt nghiệp. Chương trình giảng dạy theo mã ngành Luật học bao quát hơn với các môn học: Lý luận về nhà nước và pháp luật; Lịch sử nhà nước và pháp luật; Luật hiến pháp; Luật hành chính; Luật học so sánh; Luật dân sự; Luật hình sự; Luật thương mại; Luật tài chính; Luật ngân hàng; Pháp luật về đất đai - môi trường; Luật hôn nhân và gia đình; Luật tố tụng hình sự; Luật tố tụng dân sự; Luật lao động; Công pháp quốc tế; Tư pháp quốc tế; Xây dựng văn bản pháp luật; Luật cạnh tranh;  Luật thi hành án hình sự Luật thi hành án dân sự; Luật hàng hải quốc tế; Luật thương mại quốc tế; Luật tố tụng hành chính; Pháp luật về sở hữu trí tuệ; Pháp luật về thị trường chứng khoán; Lý luận pháp luật về quyền con người; Tội phạm học.

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước nói chung đang rất cần tuyển dụng nguồn nhân lực ngành luật

Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực có trình độ về Luật học. Có thể nói, trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội từ kinh tế đến các hoạt động ngoại giao, văn hóa… đều rất cần đến những người có trình độ cao và chuyên sâu về luật. Đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế quốc tế, tư vấn về xuất nhập khẩu, quan hệ khách hàng, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi liên quan trong lĩnh vực kinh tế thì Luật học nói chung và luật kinh tế nói riêng lại vô cùng cần thiết…

Như vậy, với Quyết định cho phép đào tạo thạc sĩ ngành Luật kinh tế đã mở ra cho các em sinh viên trong và ngoài trường có cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt hơn cho công việc và phát triển sự nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ thạc sĩ Luật Kinh tế, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước nói chung.

Nguyễn Thị Thu Hồng – Khoa Luật – Trường Đại học Duy Tân

 

 

[1] Đồng chí Lê Trí Thanh, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là sinh viên Luật, khóa 1994-1998 của Đại học Duy Tân.