ÁP DỤNG PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH TRONG ĐÀO TẠO TẠI KHOA LUẬT - ĐẠI HỌC DUY TÂN

16/12/2022

Phiên tòa giả định là một hình thức thực hành pháp luật, giúp sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn, rèn luyện các kỹ năng pháp lý cần thiết của nghề luật. Đây là phương thức tiếp cận theo hướng giảng dạy tích cực, phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp sinh viên tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là cơ hội để sinh viên ngành Luật trực tiếp tham gia nghiên cứu những vụ việc thực tế của ngành học, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm…

Nắm bắt được vai trò của việc áp dụng phiên tòa giả định trong học tập và thực hành nghề luật đối với sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, chính vì vậy Khoa Luật chú trọng vào việc xây dựng chương trình đào tạo theo các nhóm mục tiêu: kiến thức - kỹ năng - thái độ.

“Phiên tòa giả định” được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử do các sinh viên đang theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật tái hiện như một phiên tòa thật. Việc lựa chọn nội dung pháp luật để xây dựng phiên tòa giả định được thực hiện linh hoạt, phù hợp với chương trình đào tạo của sinh viên năm cuối. Những vụ án được chọn để mô phỏng cho Phiên tòa giả định thường là những vụ án điểm, có tính thời sự và gắn liền với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội.

Với vai trò là một “môn học” đặc biệt dành cho sinh viên Khoa Luật,  nội dung kịch bản được xem là khâu rất quan trọng nhất, phải bảo đảm sao cho diễn biến của phiên tòa tập sự khi diễn ra phản ánh tương đối đầy đủ các tình tiết của vụ án trên thực tế, nhưng cần lược bỏ bớt một số chi tiết, thủ tục của phiên tòa thật để tránh rườm rà, đảm bảo đủ thời lượng của môn học, các bạn sinh viên đã nghiên cứu và làm việc nhóm để xây dựng nội dung án một cách chi tiết, và phù hợp nhất với bối cảnh của khu vực.

Nội dung phần đối đáp giữa các nhân vật trong các vai thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, bị cáo, bị hại… đã được các bạn sinh viên viết lại sao cho trong phần lớn các lời thoại đều có chứa nội dung pháp luật cần đưa ra hoặc chứa những thông điệp có ý nghĩa giáo dục nhận thức về pháp luật sâu sắc.

Qua đó, môn học giúp cho sinh viên củng cố lại các kiến thức pháp luật cơ bản, rèn kỹ năng lập luận tư duy lô gic và nâng cao khả năng tranh tụng tại tòa, giúp cho sinh viên có thêm hành trang vững chắc để thực hành nghề nghiệp trong tương lai.

Bài và ảnh: Truyền thông khoa Luật