0236.3650403 (128)

SINH VIÊN KHOA LUẬT - ĐẠI HỌC DUY TÂN THAM DỰ HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG VỀ CÔNG NGHỆ PHÙ HỢP VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ”


                                         

    Sáng ngày 29/08/2018, tại Trung tâm hội nghị của khách sạn Golden Sea 3, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra “Hội thảo định hướng về công nghệ phù hợp và sở hữu trí tuệ”. Hội thảo do Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức. Đây là sự kiện bên lề phát động cho “Cuộc thi sáng chế năm 2018” do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới phát động từ năm 2011.

   Đến dự hội thảo có đại diện Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam ông Phan Ngân Sơn (Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ); ông Taemin Eom (Chuyên gia cố vấn, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của WIPO); cùng với đại diện Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc ông Junho Shin (Trưởng phòng tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế PCT của KIPO3). Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 giảng viên, sinh viên của Khoa Luật – Đại học Duy Tân cùng với các nhà sáng chế, doanh nghiệp và sở ban ngành liên quan.

Giảng viên, sinh viên Khoa Luật – Đại học Duy Tân chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và các nhà sáng chế.

  Mở đầu hội thảo, đại diện Tổ chức sở hữu thế giới (WIPO) ông Taemin Eom đã giới thiệu về “Cuộc thi sáng chế 2018” đây là một sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2011 đến nay nhằm tìm kiếm ra những nhà sáng chế xuất sắc nhất với những sáng chế trong lĩnh vực công nghệ phù hợp với cuộc sống. Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Giải pháp sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày” không giới hạn về lĩnh vực kỹ thuật và đối tượng dự thi.  Mục đích cuộc thi khuyến khích việc sáng tạo ra những công nghệ phù hợp cho cộng đồng với chi phí thấp và giải quyết các nhu cầu của địa phương.

Sinh viên Khoa Luật – Đại học Duy Tân chụp hình lưu niệm cùng đại diện Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam

     Đại diện của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam bà Nguyễn Thị Thu Hiền (phó trưởng phòng, phòng thông tin, Cục sở hữu trí tuệ) trình bày về những cơ hội cho việc phát triển và thương mại hóa công nghệ phù hợp đối với Việt Nam hiện nay. Hiện nay, thách thức lớn nhất cho sáng tạo công nghệ phù hợp liên quan đến cơ chế bảo hộ sáng chế; thương mại hóa những sáng chế vào cuộc sống và hiện tượng “sáng tạo lại cái bánh xe” do thiếu tiếp cận thông tin sáng chế. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển công nghệ phù hợp đối với Việt Nam như kết nối giữa nhà sáng chế với các doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm công nghệ; đào tạo nâng cao nhận thức về quản lý tài sản trí tuệ cho chính nhà sáng chế, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học.

     Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc ông Junho Shin đã trình bày nội dung liên quan đến cách thức truy cập, tra cứu thông tin sáng chế trên thế giới thông qua một số website về sáng chế của WIPO, Hàn Quốc và Nhật Bản… qua đó ứng dụng những thông tin sáng chế đã có trên thế giới để phát triển công nghệ phù hợp tại Việt Nam.

Sinh viên Khoa Luật – Đại học Duy Tân chụp hình lưu niệm cùng nhà sáng chế ông Phan Đình Phương – Giám đốc công ty An sinh Xanh, Đà Nẵng - tác giả của dự án “Lên trời gọi mưa” và cầu Rồng phun mưa tại Đà Nẵng.

    Sau khi nghe phần trình bày của các chuyên gia, các nhà sáng chế và giảng viên, sinh viên Đại học Duy Tân đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến tính thương mại hóa của các sản phẩm sáng chế trong lĩnh vực công nghệ phù hợp; các chính sách hỗ trợ và tuyên truyền kiến thức về bảo hộ trí tuệ của nhà nước; cũng như cách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống mà cụ thể là các bài thuốc cổ truyền và thảo dược.

   Kết thúc buổi hội thảo, ông Phan Ngân Sơn hi vọng buổi hội thảo là cơ sở tiền đề để giới thiệu đến các nhà sáng chế, doanh nghiệp, sinh viên về khuôn khổ “Cuộc thi sáng chế 2018”, cũng như những hiểu biết căn bản của khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan đến “Công nghệ phù hợp”, một lĩnh vực sáng chế khá gần gũi và phù hợp với Việt Nam hiện nay.

          Nguyễn Văn Phúc – Khoa Luật – Đại học Duy Tân.