TÀI SẢN VÀ PHÂN LOẠI TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

17/03/2018

TÀI SẢN VÀ PHÂN LOẠI TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT  VIỆT NAM HIỆN HÀNH

                                                 Th.S Phạm Thị Lệ Quyên – Khoa Luật, ĐH Duy Tân

Tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mối quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm về tài sản cho đến hiện nay vẫn chỉ mang tính chất liệt kê, khái quát chưa mang tính tổng hợp tài sản. Tài sản được đề cập tại Điều 105 BLDS 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

 Theo đó, định nghĩa trên không những liệt kê các loại tài sản mà còn xác định cụ thể: Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai[1].  Mặt khác, tại Điều 108[2] BLDS 2015  giải thích rõ khái niệm “tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Với quy định cụ thể về tài sản như thế, đã đảm bảo tính bao quát và rõ ràng  tạo thành cơ sở pháp lý quan trọng góp phần áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

 Thứ nhất, Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm giác được bằng các giác quan của mình. Vật chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành đối tượng trong quan hệ pháp luật nên nếu bộ phận của thế giới vật chất mà con người không thể kiểm soát, chiếm hữu được nó thì cũng đồng nghĩa với việc con người không thể tác động được vào nó. Đối tượng của quan hệ pháp luật nên vật phải đáp ứng được lợi ích của các chủ thể trong quan hệ. Như vậy, muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau:

-         Là bộ phận của thế giới vật chất.

-         Con người chiếm hữu được, lại lợi ích cho chính chủ thể.

-         Có thể tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.

Như vậy, ngoài yếu tố là bộ phận của yếu tố vật chất, đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự.

Thứ hai, Tiền theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó đang có giá trị lưu  hành trên thực tế. Như vậy, có thể hiểu Tiền như sau: “Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sàng chấp nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ...”[3] . Tiền là một chuẩn mực chung để có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ. Tiền về mặt pháp lý có thể được hiểu là nội tệ hoặc ngoại tệ. Tuy nhiên, ngoại tệ là loại tài sản hạn chế lưu thông chứ không được lưu hành rộng rãi như Tiền Việt Nam. Tiền lưu hành trong nước phải là đồng Việt Nam trừ một vài trường hợp pháp luật cho phép mới được sử dụng đồng ngoại tê. Tiền phải cóg iá trị lưu hành trong thời điểm hiện tại ví dụ: Những đồng tiền cổ hoặc tiền xu thì nó được gọi là tiền nhưng không được xem làm tài sản để giao lưu trong dân sự

Thứ ba, Giấy tờ có giá là loại tài sản rất phổ biến trong giao lưu dân sự hiện nay đặc biệt là giao dịch trong các hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng  tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể có rất nhiều cơ quan ban hành như : kho bạc, các công ty cổ phần…, có thể có mệnh giá hoặc không có mệnh giá, có thể có thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, có thể ghi danh hoặc không ghi danh và việc thực hiện quyền định đoạt về số phận thực tế đối với giấy tờ có giá cũng không bị hạn chế như việc định đoạt tiền. Ví dụ: giấu nhận nợ, tờ vé số trúng thưởng, trái phiếu, cổ phiếu…tất cả những giấy tờ trị gia được bằng đồng Việt Nam

Thứ tư, Quyền tài sản theo đinh nghĩa tại Điều 115 BLDS 2015 là : “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, điều luật này đã liệt kê và chỉ rõ phạm vi những quyền được coi là quyền tài sản, tránh được sự nhầm lẫn với một số quyền nhân thân. Đồng thời cũng đã liệt kê những đối tượng mà quyền tài sản bao gồm:quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Qua đây cũng nhận thấy rằng: phạm vi đối tượng quyền được coi là tài sản mặc dù không có khả năng chuyển giao trong giao dịch dân sự còn tạo tiền để để việc ghi nhận một số loại đối tượng có giá trị trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật thừa nhận bởi hạn chết trong việc chuyển giao nó. Ví dụ: Quyền sáng chế, phát minh ra máy gặt lúa, xe lăn cho người tàn tật, giống cây trồng, vật nuôi mới…. được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuê.

Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú  và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt cần thiết phả có quy chế pháp lý điều chỉnh riêng. Chính vì vậy, việc phân loại tài sản là cần thiết không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động lập pháp mà còn có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng pháp luật. BLDS 2015 dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để phân tài sản thành các loại như sau:

  • Tài sản có đăng ký quyền sở hữu và tài sản không đăng ký quyền sở hữu

          Căn cứ vào giá trị của tài sản, vai trò và ý nghĩa của tài sản đối với chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước mà pháp luật có quy định về việc đăng ký quyền sở hữu đối với một số tài sản nhất đinh.[4]

          Đăng ký quyền sở hữu là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản để làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý của chủ sở hữu tài sản đối với một tài sản nhất định .Điều 106 BLDS 2015 với quy định chung là “Đăng ký tài sản” cụ thể như sau: “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.Việc đăng ký tài sản phải được công khai”. Việc quy định đăng ký tài sản không  chỉ  bó  hẹp  trong  phạm vi quyền sở hữu đối với tài sản mà còn bao gồm các quyền khác đối với tài sản. Theo đó, quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt.  Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, các thông tin về tài sản đã đăng ký phải được công khai.

  • Tài sản gốc, hoa lợi, lợi tức

Căn cứ vào nguồn gốc và cách thưc hình thành tài sản mà tài sản có thể được phân thành tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức.

Tài sản gốc được hiểu là tài sản khi sử dụng, khai thác công dụng thì sinh ra lợi ích vật chất nhất định.

Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại như: con bê do con bò đẻ ra, hoa quả thu hoạch từ cây cối…Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản mà không phải là do tài sản tự sinh ra như: tiền lãi, tiền thuê nhà… Như vậy, cả hoa lợi và lợi tức đều là những tài sản sinh ra từ việc khai thác, sử dụng tài sản gốc.

  • Bất động sản và động sản

          Khái niệm bất động sản và động sản được quy định tại Điều 107 BLDS 2015 như sau: Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng, tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.

          Cũng giống như cách định nghĩa tài sản , BLDS đã sự dụng phương pháp liệt kế để định nghĩa bất động sản. Căn cứ vào quy định này thì đất đai và những tài sản gắn liền với đất đai như : nhà, công trình xây dựng , cây cối, tài nguyên….sẽ được coi là bất động sản. Còn động sản là những tài sản mà nó không thuộc là bất động sản. Cách phân loại này chủ yếu dựa vào đặc tính vật lý của tài sản là có thể di dời được hay không.  Cách phân loại này là tiêu chí hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều sử dụng bởi việc xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến hai loại tài sản này rất khác nhau cần phải có quy phạm điều chỉnh riêng đối với từng loại.

  • Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai

Căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản  và thời điểm xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu, tài sản được phân thành: tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

“Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch” ( Khoản 1 Điều 108 BLDS 2015).

Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ  vào thời điểm xem xét ( thường là thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao dịch được giao kết ) nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong  tương lai. “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành. Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch” ( Khoản 2 Điều 108 BLDS 2015).

          Những quy định về tài sản của BLDS 2015 có sự điều chỉnh vệ mặt thuật ngữ và kết cấu so với quy định về tài sản trong BLDS 2005 nhưng về mặt bản chất dường như được giữ nguyên. Sỡ dĩ có sự thay đổi này để phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và bối cảnh xã hội, đồng thời nó cũng rõ ràng, chặt chẻ hơn tạo thuận lợi cho việc xác định và giải quyết trên thực tiễn.

-----------------------------------------

[1] ThS. Huỳnh Trung Hậu - Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND, bài viết” Tìm hiểu một số điểm mới về chế định tài sản trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015”, Tạp chí KHGD CSND số 72 (tháng 2/2016).

[2] Điều 108. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai

  1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
  2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
  3. a) Tài sản chưa hình thành;
  4. b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n

[4] ThS. Huỳnh Trung Hậu - Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND, bài viết” Tìm hiểu một số điểm mới về chế định tài sản trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015”, Tạp chí KHGD CSND số 72 (tháng 2/2016).