Quyền về lối đi qua
Quyền về lối đi qua là một quyền vô cùng quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Trong một số trường hợp, quyền này trở nên rất cần thiết đối với người dân. Thực tế cuộc sống có rất nhiều trường hợp bất động sản (chủ yếu là đất đai) bị vây bọc bởi các bất động sản của nhiều chủ sở hữu/sử dụng khác nhau. Chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng bất động sản sẽ rất khó khăn trong việc khai thác, sử dụng bất động sản, thậm chí không thể sử dụng các bất động sản bị vây bọc đó, nếu không có sự can thiệp của pháp luật. Vì vậy pháp luật dân sự nước ta luôn có quy định về lối đi qua. Cụ thể, hiện nay vấn đề này được quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 .
So với quy định tại Điều 275 Bộ luật dân sự năm (BLDS) năm 2005, Điều 254 BLDS năm 2015 đã có một số sự thay đổi cơ bản liên quan đến nội dung của điều luật này:
Thứ nhất, thay đổi đầu tiên là tên điều luật đã lược bỏ đi cụm từ gây tranh cãi trong BLDS năm 2005 đó chính là “bất động sản liền kề”; tên điều luật này hiện nay chỉ còn là “Quyền về lối đi qua” và khoản 1 Điều 254 BLDS năm 2015 không còn quy định về nội dung “chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc… có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề…” mà bỏ hẳn cụm từ “liền kề” và thay bằng cụm từ “vây bọc”. Như vậy, có thể nhận thấy, BLDS năm 2015 đã khắc phục được bất cập đầu tiên liên quan đến quyền về lối đi qua mà BLDS năm 2005 gặp phải đó chính là về “bất động sản liền kề”. Với việc thay đổi này sẽ giúp cho chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có thể yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc (có thể là chủ sở hữu của bất động sản liền kề hoặc những bất động sản xung quanh) cho mình được mở lối đi qua tới đường công cộng.
Thứ hai, về điều kiện để mở lối đi được thay đổi theo hướng phù hợp với thực tế cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc được quyền yêu cầu mở lối đi. Cụ thể, BLDS năm 2015 đã mở rộng thêm trường hợp chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc được quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ khi không đủ lối đi. Theo khoản 1 Điều 254 BLDS năm 2015: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”. Như vậy, trong trường hợp bất động sản bị vây bọc hoàn toàn không có hoặc không đủ hoặc lối đi thì đều có thể yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc mở cho mình một lối đi.
Thứ ba, nội dung “chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” đã được tách ra thành một đoạn độc lập cho thấy đền bù là một nội dung không liên quan đến điều kiện mở lối đi qua. Với quy định mới, việc đền bù chỉ là hệ quả việc mở lối đi chứ không là điều kiện được mở lối đi. Hay nói cách khác, việc mở lối đi (khi không có hoặc không đủ lối đi) là một tất yếu khách quan. Việc đền bù là hệ quả của việc mở lối đi.
Thứ tư, theo quy định tại khoản 2 Điều 254 BLDS năm 2015, “nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”. Như vậy, khoản 2 Điều 254 BLDS năm 2015 đã nêu rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lối đi, các bên sẽ được quyền lựa chọn Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để xác định chứ không có nêu chung chung như quy định tại khoản 2 Điều 275 BLDS năm 2005 là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tiễn giải quyết tranh chấp về lối đi qua, tác giả nhận thấy Điều 254 BLDS 2015 vẫn cần làm rõ một số vấn đề. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án khá lúng túng trong việc xác định “lối đi”, “đường đi” hay “đường giao thông”; Thế nào là “thuận tiện, hợp lý”; thế nào là “không đủ lối đi”. Bên cạnh đó, một số địa phương e ngại việc “mở lối đi” vì cho rằng việc này có thể phá vỡ “quy hoạch” hoặc là cái cớ để người dân “phân lô, bán nền”.
Qua việc phân tích những điểm mới của BLDS năm 2015 về quyền về lối đi qua, và những vấn đề chưa rõ nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần làm rõ khái niệm, quy chuẩn về “lối đi”, “lối đi thuận tiện, hợp lý”, “không đủ lối đi” để tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho Tòa án ra các phán quyết đúng đắn, chặt chẽ nhằm giải quyết tốt các vụ tranh chấp liên quan đến quyền về lối đi qua ngày một nhiều, một phổ biến trong các cộng đồng dân cư ở nước ta.
Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện ngôn ngữ (2010), thì “lối đi” được hiểu là “khoảng đất hẹp dùng để đi vào, ra một nơi nào đó, để đi lại từ nơi này đến nơi khác” Theo cách hiểu thông thường, lối đi là con đường phục vụ cho nhu cầu đi, lại. Như vậy, khái niệm “lối đi” cần phải được hướng dẫn trong văn bản dưới luật để các cơ quan, tổ chức và nhân dân có cách hiểu thống nhất.
Về “lối đi thuận tiện, hợp lý” cũng cần được xác định theo thỏa thuận của các bên tranh chấp bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định dựa trên thực địa, trên cơ sở pháp luật và theo niềm tin nội tâm của các thành viên Hội đồng xét xử.
Về “không đủ lối đi” cũng cần được giải thích cụ thể. Theo tác giả thì đối với lối đi trên bộ (đường bộ) nên căn cứ vào “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải. Theo đó “lối đi” sẽ được phân theo cấp kỹ thuật A,B,C,D. Trong đó quy định rõ về bề rộng mặt đường, nền đường, lề đường, độ cong…như vậy “không đủ lối đi” là không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật của đường theo Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT nói trên .
Thứ hai, nên quy định rõ thế nào là “bất động sản bị vây bọc”. Việc hướng dẫn này cần phải được quy định trong những Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc Thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thực hiện đúng theo tinh thần của các nhà làm luật liên quan đến nội dung còn vướng mắc bất cập của Điều 254 BLDS năm 2015.
Thứ ba, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực xét xử, bản lĩnh chính trị của Thẩm phán. Bởi lẽ, trong khi chờ đợi hướng dẫn của pháp luật đối với các vướng mắc nêu trên. Một khi thực tế phát sinh tranh chấp liên quan đến những vấn đề này, đặt ra yêu cầu rất lớn cho các Thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử những tranh chấp quyền về lối đi qua đó chính là cần phải giải thích, lập luận cũng như đánh giá đúng, chính xác về những vấn đề nêu trên để đảm bảo “cân bằng” quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp.
Thứ tư, Tòa án nhân dân tối cao cần tổng kết kinh nghiệm xét xử và ban hành một “án lệ” về giải quyết tranh chấp về lối đi qua.
Tóm lại, quyền về lối đi qua là một quyền dân sự, thiết thực của người dân, cần phải được pháp luật bảo vệ. Mặc dù BLDS năm 2015 cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể liên quan đến nội dung quyền đối với bất động sản liền kề trong đó có quy định về quyền về lối đi qua. Tuy nhiên, quy định quyền về lối đi qua vẫn còn những điểm bất cập chưa được tháo gỡ, nếu áp dụng trên thực tế sẽ gặp những khó khăn vướng mắc cho các bên liên quan. Chính vì lẽ đó, vấn đề này cần được xem xét và quy định rõ ràng hơn nữa, khắc phục những điều còn tồn đọng trong quy định của luật để tránh những tranh chấp dai dẳng có thể kéo dài trên thực tế.