QUYỀN NHÂN THÂN LIÊN QUAN ĐẾN CÁ BIỆT HOÁ CÁ NHÂN: QUYỀN CỦA CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HỌ TÊN, DÂN TỘC , HÌNH ẢNH

15/05/2018

QUYỀN NHÂN THÂN LIÊN QUAN ĐẾN CÁ BIỆT HOÁ CÁ NHÂN: QUYỀN CỦA CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HỌ TÊN, DÂN TỘC , HÌNH ẢNH

THS. NGUYỄN MINH OANH – KHOA LUẬT DÂN SỰ – ĐHL HÀ NỘI

 

Quyền nhân thân là một khái niệm pháp lý chỉ quyền năng dân sự của cá nhân được pháp luật ghi nhận. Quyền nhân thân gắn liền với những giá trị tinh thần của con người và về nguyên tắc không thể chuyển giao cho người khác.

Một xã hội càng tiến bộ, phát triển bao nhiêu thì quyền nhân thân của cá nhân càng được pháp luật tôn trọng và mở rộng bấy nhiêu. Cùng với sự phát triển của đất nước, quyền nhân thân của cá nhân cũng ngày càng được công nhận và bảo vệ cao hơn trong pháp luật Việt Nam. Từ Bộ luật Dân sự 1995 đến BLDS 2005, pháp luật đã mở rộng thêm quyền nhân thân của cá nhân từ 20 quyền lên thành 26 quyền nhân thân trong đó bổ sung thêm các quyền như quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, hiến các bộ phận trên cơ thể sau khi chết; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính…

Căn cứ vào nội dung các quyền nhân thân, quyền nhân thân của cá nhân có thể được phân loại thành ba nhóm sau đây:

– Quyền nhân thân cá biệt hoá cá nhân như quyền của cá nhân đối với họ tên, hình ảnh, dân tộc

– Quyền nhân thân được ghi nhận và bảo đảm thực hiện phụ thuộc vào chế độ chính trị- xã hội như quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, quyền của cá nhân đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền của cá nhân đối với bí mật đời tư…

– Quyền nhân thân thể hiện sự tự do của cá nhân như quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận trên cơ thể sau khi chết, quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo…

Trong các quyền nhân thân thì quyền nhân thân mang tính cá biệt hoá cá nhân thể hiện rất rõ đặc trưng của luật Dân sự. Khi tham gia quan hệ mỗi cá nhân độc lập với nhau và độc lập với các chủ thể khác của quan hệ pháp luật. Việc phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và phân biệt cá nhân với chủ thể khác của quan hệ pháp luật không những có ý nghĩa trong việc xác định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ thể mà còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm pháp lý của chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật Dân sự nói riêng.

Trong số các quyền nhân thân liên quan đến cá biệt hoá cá nhân thì quyền của cá nhân đối với họ, tên; quyền xác định dân tộc và quyền của cá nhân đối với hình ảnh là những quyền năng cơ bản và thể hiện sự cá biệt rõ nét nhất.

  1. Quyền của cá nhân đối với họ, tên

Mỗi cá nhân sinh ra đều có tên gọi của mình do bố mẹ đặt cho để phân biệt cá nhân đó với những cá nhân khác. Có nhiều dấu hiệu để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác nhưng có lẽ tên gọi là dấu hiệu đầu tiên để cá biệt hoá cá nhân.

Điều 26 BLDS 2005 quy định:

  1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
  2. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
  3. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Như vậy, mặc dù một người có thể có nhiều tên gọi khác nhau như tên khai sinh, tên thường gọi, biệt hiệu, bí danh … nhưng khi tham gia quan hệ pháp luật, mỗi cá nhân chỉ được công nhận mang một tên riêng để phân biệt với những cá nhân khác. Đó là tên khai sinh của người đó được ghi trong giấy khai sinh.

Tên của một người theo truyền thống, phong tục của Việt Nam thường bao gồm họ, tên đệm và tên gọi. Họ của một người thường theo họ cha hoặc họ mẹ của người đó. Theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch thì pháp luật cũng không quy định việc khai sinh cho trẻ bắt buộc phải có họ. Do vậy, việc lựa chọn họ cho trẻ theo họ cha hoặc họ mẹ hoặc một họ khác hoặc không có họ là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người đi đăng ký khai sinh cho trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định tên khai sinh của một người cũng có những khó khăn, phức tạp đặc biệt là trong trường hợp người đó không được đăng ký khai sinh. Trên thực tế đã có những trường hợp do điều kiện hoàn cảnh mà rất nhiều em bé không được khai sinh ví dụ như Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-1 có bài “Một phường có hơn 400 trẻ “vô danh”” phản ánh phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) có hơn 400 trẻ em chưa có giấy khai sinh. Hầu hết cha mẹ của các em là công nhân, người lao động có hộ khẩu ở tỉnh, không có tiền về quê làm thủ tục khai sinh cho con… Có em sắp thi đại học vẫn chưa có giấy khai sinh. Nhiều em không được nhận vào học tại các trường công mà phải học ở các lớp học tình thương.

Quyền đối với họ tên là một quyền nhân thân của cá nhân. Cá nhân có quyền nhân thân này kể từ khi sinh ra. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền nhân thân này lại không phụ thuộc vào cá nhân, là những em bé không có năng lực hành vi dân sự mà hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, những người có quyền và trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ. Trong trường hợp trẻ em không được đăng ký khai sinh do lỗi của người lớn thì rõ ràng quyền và lợi ích của trẻ em đã bị xâm phạm. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trong những trường hợp này và vấn đề trách nhiệm dân sự như bồi thường thiệt hại có được đặt ra hay không?

Không những thế, trong trường hợp trẻ em đã trở thành người lớn và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mà vẫn chưa được đăng ký khai sinh thì có thể tự đi đăng ký khai sinh cho mình không? Nghị định 158 chỉ quy định trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em trong đó quy định rõ người đi đăng ký khai sinh phải là người khác và thủ tục đăng ký khai sinh phải cần những giấy tờ nhất định. Như vậy, nếu pháp luật không có quy định và giải thích rõ ràng thì người không được khai sinh đó mãi vẫn là người không có họ, tên và không được tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự cũng như các quan hệ pháp luật khác. Và như vậy, quyền nhân thân của cá nhân sẽ chỉ là những quyền khách quan do pháp luật quy định mà sẽ không thể trở thành những quyền năng chủ quan, cụ thể của cá nhân. Theo chúng tôi, để khắc phục tình trạng này, pháp luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người không thực hiện việc khai sinh cho trẻ cũng như cần bổ sung thêm trường hợp một người có thể tự đi đăng ký khai sinh cho chính mình.

Ngoài ra, trên thực tế còn diễn ra nhiều trường hợp người này sử dụng họ, tên của người khác trong các quan hệ xã hội cũng như quan hệ dân sự. Việc sử dụng này không những gây tổn hại cho danh dự, uy tín mà còn gây thiệt hại về tài sản của cá nhân. Hành vi này bị coi là hành vi bất hợp pháp và sẽ phải chịu một trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

  1. Quyền xác định dân tộc

Quyền xác định dân tộc là một quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật công nhân và bảo vệ. Theo quy định của BLDS, Điều 28 thì cá nhân sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ để theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.

 

Việt Nam là một quốc gia của 54 dân tộc cùng chung sống hoà thuận, trong đó dân tộc Kinh chiếm 86% dân số; 53 dân tộc còn lại có số lượng dao động trên dưới 1 triệu người như Tày, Nùng, Thái , Mường, Khmer cho đến vài trăm người như dân tộc ơ Đu và Brâu.

Khác với quyền đối với họ, tên, dân tộc của cá nhân được xác định theo dân tộc của cha hoặc của mẹ chứ không được hoàn toàn tự do lựa chọn và dân tộc của cá nhân cũng sẽ được ghi vào giấy khai sinh khi trẻ đựơc đăng ký khai sinh.

Cũng giống như họ, tên, việc xác định dân tộc cho trẻ gặp khó khăn khi trẻ sinh ra bị bỏ rơi hoặc không xác định được cha, mẹ. Theo quy định của khoản 3 Điều 16 Nghị định 158 thì trong trường hợp khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi thì phần cha, mẹ, dân tộc được bỏ trống. Quy định này tạo thuận lợi cho việc đăng ký khai sinh cho trẻ được dễ dàng cũng như tạo được sự chính xác khi xác định dân tộc cho trẻ. Tuy nhiên, quy định này lại có điểm hạn chế trong trường hợp sau đó không thể xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ cũng như trẻ không được nhận làm con nuôi thì trẻ sẽ lớn lên và sẽ mãi mãi không có dân tộc và như vậy thì quyền nhân thân của cá nhân cũng không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, pháp luật nên quy định dân tộc của trẻ được xác định theo dân tộc Kinh hoặc theo dân tộc chiếm đa số ở địa phương nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Khi đó mỗi cá nhân đều có được một dân tộc nhất định và sau này khi xác định được cha, mẹ của trẻ thì có thể xác định lại dân tộc theo quy định của pháp luật.

Vấn đề xác định lại dân tộc cũng là một trong những nội dung quyền nhân thân của cá nhân. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong hai trường hợp:

– Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

– Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha mẹ đẻ là ai.

Nhà nước Việt Nam thi hành chính sách bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển đồng đều , Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế- xã hội các vùng dân tộc và miền núi. Chính vì vậy, để hưởng lợi từ những chính sách của Nhà nước, trên thực tế có nhiều trường hợp muốn thay đổi dân tộc từ dân tộc này sang dân tộc khác. Trong trường hợp này pháp luật nước ta quy định rất chặt chẽ, các cá nhân không có quyền thay đổi dân tộc mà chỉ có quyền xác định lại dân tộc theo những trường hợp do pháp luật quy định. Hơn nữa, chủ thể yêu cầu xác định lại dân tộc cũng rất hạn chế bao gồm người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Và trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó. Tuy nhiên, quy định này của BLDS cũng có những điểm chưa thật hợp lý:

Thứ nhất, Điều luật quy định người đã thành niên có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc. Tuy nhiên có trường hợp người đã thành niên lại mất năng lực hành vi dân sự thì người đó lại không thể tự mình thực hiện được quyền yêu cầu mà phải cần có sự tham gia của người giám hộ.

Thứ hai, Điều luật quy định cha đẻ và mẹ đẻ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu. Quy định này được hiểu là phải có sự yêu cầu của cả cha và mẹ của người chưa thành niên trong trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc cho con. Điều này cũng gây khó khăn trong trường hợp cha, mẹ đã ly hôn, một bên ở nước ngoài hoặc một bên đã chết…

Thứ ba, Điều luật quy định giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu nhưng không quy định người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu dẫn đến trên thực tế có những trường hợp không xác định được người nào là người có quyền yêu cầu trong trường hợp người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự cần xác định lại dân tộc.

Thiết nghĩ, để quy định hợp lý và chặt chẽ hơn, điều luật cần quy định người có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc bao gồm: người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cha, mẹ của người chưa thành niên hoặc người giám hộ.

  1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

Khái niệm hình ảnh của cá nhân được hiểu là bao gồm mọi hình thức nghệ thuật ghi lại hình dáng của con người như ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh chép và suy rộng ra có thể bao gồm cả bức tượng của cá nhân đó hoặc cả hình ảnh có được do ghi hình (quay video). Đối với mỗi loại hình nghệ thuật cũng bao gồm nhiều loại khác nhau. Ví dụ, ảnh chụp có thể bao gồm ảnh chân dung, ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu, ảnh phóng sự… đều có thể chụp lại hình ảnh của con người; ảnh vẽ có thể bao gồm vẽ truyền thần, vẽ ký hoạ …

BLDS không quy định rõ như thế nào là đồng ý. Đồng ý ở đây được hiểu là có sự thoả thuận giữa người sử dụng hình ảnh của cá nhân với cá nhân có hình ảnh đó hay chỉ cần việc sử dụng hình ảnh không có sự phản đối của người có hình ảnh thì được hiểu là người đó đương nhiên đồng ý. Theo chúng tôi, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vào bất kỳ mục đích gì mà không xin phép đều bị coi là vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân dù việc sử dụng đó có thể mang lại lợi ích hay gây thiệt hại cho người có hình ảnh. Còn việc người có hình ảnh đó có khởi kiện hay không thì đó lại là quyền của chủ thể trong quan hệ về tố tụng dân sự và người đó có quyền lựa chọn.

Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định rõ những trường hợp nào thì pháp luật cho phép sử dụng hình ảnh của cá nhân. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại của người sử dụng hình ảnh trong nhiều trường hợp cần thiết như ảnh chụp đưa tin, ảnh tư liệu, ảnh phóng sự… trong đó có hình ảnh của cá nhân. Vấn đề này cần phải được quy định và giải thích cụ thể hơn trong các văn bản luật, dưới luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.

Có thể nói, đứng về khía cạnh bản quyền thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng … đều là tác phẩm nghệ thuật và được bảo hộ quyền tác giả. Người sử dụng tác phẩm phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm hoặc người có quyền sử dụng tác phẩm đó. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh quyền nhân thân thì người sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó hoặc đại diện của người đó trong trường hợp người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ mười lăm tuổi. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Tóm lại, quyền nhân thân trong đó có quyền của cá nhân đối với họ tên, hình ảnh, dân tộc thuộc nhóm quyền tuyệt đối, thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với các giá trị tinh thần của cá nhân. Bất kỳ hành vi xâm phạm quyền nhân thân nào cũng sẽ phải chịu một trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm đó có thể là trách nhiệm hình sự, hành chính hay dân sự. Theo quy định của BLDS thì khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm cá nhân có quyền:

 

  1. Tự mình cải chính;
  2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;
  3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại./.