NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN (KỲ 2)

10/01/2018

 

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản án tử hình, điều 367 BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về trách nhiệm của TAND tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tối cao nghiên cứu sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; thời hạn để VKSND tối cao nghiên cứu hồ sơ vụ án là 1 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và phải chuyển trả lại hồ sơ vụ án cho TAND tối cao. Bên cạnh đó,  điều 367 được thiết kế lại chi tiết để thể hiện rõ ràng hơn về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân 

Nhằm quán triệt chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Khoản 3, điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Nhằm bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật hình sự năm 2015 và kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 259 BLTTHS năm, điều 367 BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án, theo đó: khi có căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án TAND tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.


- Quy định mới về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện 

Bộ luật hình sự năm 2015 đã có một quy định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện, đây thực chất là biện pháp cho người đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam, giữ được tiếp tục chấp hành án tại cộng đồng xã hội và họ phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù; điều kiện để áp dụng chế định này được quy định rất chặt chẽ, như: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và nghĩa vụ bồi thường dân sự; đã chấp hành được một thời hạn phạt tù nhất định tùy theo loại tội mà họ bị kết án….và một số điều kiện khác theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính 02 lần trở lên thì có thể bị buộc phải trở lại cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành án; nếu thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì người đó bị buộc chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt từ chưa chấp hành của bản án trước; nếu có nhiều tiến bộ thì có thể được rút ngắn thời gian thử thách[1].

Để phù hợp với quy định mới của Bộ luật hình sự, điều 368 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định rất chi tiết và chặt chẽ về thủ tục xét tha tù trước hạn có điều kiện.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xóa án tích

Điều 369 BLTTHS năm 2015 đã quy định thay đổi chủ thể có thẩm quyền xác nhận việc đương nhiên xóa án tích, theo đó thẩm quyền cấp này thuộc về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thay vì Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án như quy định của BTTHS năm 2003. Đối với trường hợp đương nhiên được xoá án tích, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015; đối với các trường hợp xóa án tích còn lại đều do Tòa án xem xét, quyết định[2].

Khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì những quy định được bổ sung, sửa đổi, quy định mới về thi hành bản án, quyết định của tòa án sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập, khắc phục những thiếu sót lâu nay trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án.

 

[1] Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015.

[2] Điều 71, 72 Bộ luật hình sự năm 2015.