Ngành luật và cơ hội việc làm trong tương lai
Rất nhiều người khi nhắc đến ngành luật, học luật sẽ nghĩ ngay là sau này ra trường làm luật sư. Thực tế không phải vậy. Ngành luật cung cấp cho người học những kiến thức liên quan đến việc phân tích, sử dụng và áp dụng pháp luật sao cho phù hợp. Có kiến thức về pháp luật, người học có thể áp dụng trong nhiều ngành nghề, bởi ngành nghề nào cũng cần đến pháp luật, không chỉ là luật sư.
1. Luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên
Đây là những nghề truyền thống và được nhiều người biết đến khi nhắc đến ngành luật.
Những công việc, chức danh này sẽ có quy định về tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề hay bổ nhiệm. Vì đây là những công việc khó, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cao nên thời gian đào tạo thường lâu hơn so với các nghề khác. Ví như để trở thành một luật sư, cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Có đủ tiêu chuẩn của luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư.
- Phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư: Tốt nghiệp cử nhân luật, có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư…
- Gia nhập một Đoàn luật sư.
(Điều 10, 11 Luật Luật sư 2006)
2. Công chức nhà nước trong các Cơ quan nhà nước
Hiện nay, có rất nhiều vị trí trong cơ quan nhà nước yêu cầu các ứng viên phải có bằng cử nhân luật hoặc đã được đào tạo về luật.
Hàng năm, các cơ quan Nhà nước thường tổ chức các đợt tuyển dụng công chức và có không ít cử nhân luật lựa chọn theo con đường này. Đây cũng là một cơ hội việc làm để người học luật áp dụng được pháp luật trong công cuộc xây dựng đất nước, quản lý xã hội.
3. Pháp chế doanh nghiệp
Như đã nói ở trên, công việc nào thì cũng cần liên quan đến pháp luật. Chính vì thế trong các doanh nghiệp lớn nhỏ luôn có một bộ phận chuyên về pháp chế doanh nghiệp, tư vấn pháp lý các vấn đề liên quan đến đối nội, đối ngoại của doanh nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.
Đây cũng là một cơ hội việc làm ngành luật mà nhiều bạn trẻ chọn lựa, bởi tính năng động và các mức lương hậu hĩnh. Vì việc làm trong bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp đó, nên đòi hỏi đội ngũ tư vấn phải có chuyên môn cao, tất nhiên mức thù lao cũng phải xứng đáng với trình độ và công sức mình bỏ ra.
Ngoài các doanh nghiệp, người học ngành luật cũng có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Hoạt động của ngân hàng thường gắn liền với hợp đồng, đầu tư, xử lý nợ.. nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng luôn cần những đội ngũ pháp chế để rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu, bảo đảm những hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật. Không những thế, các ngân hàng thường có các phòng/ban khác ngoài pháp chế mà phải dùng đến nhân sự ngành Luật như: đầu tư, doanh nghiệp, thu hồi nợ, tố tụng…
4. Công chứng viên
Công chứng viên cũng là một nghề cần có chứng chỉ hành nghề, tức là ứng viên cũng phải học một lớp đào tạo nghề công chứng, qua thời gian tập sự, qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự để được cấp chứng chỉ.
Công chứng viên là người xác nhận những giao dịch, hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nghề này đòi hỏi người thực hiện công chứng có sự hiểu biết về pháp luật và có tinh thần trách nhiệm cao.
5. Chấp hành viên, Thư ký tòa án, Thư ký luật sư,…
Chấp hành viên, Báo cáo viên pháp lý, Thư ký tòa án, Thư ký luật sư,… là những công việc pháp luật trong từng ngành, nghề khác nhau. Thông thường, để làm các công việc như Chấp hành viên, Quản tài viên, Báo cáo viên pháp luật… cần có những điều kiện cụ thể. Nhưng điều quan trọng là các ngành nghề này đều đòi hỏi có chuyên môn từ cơ bản đến chuyên sâu về pháp luật thì mới có thể hành nghề ổn định và lâu dài.
…