MỘT VÀI VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỨNG CỨ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (KỲ 2)

13/05/2018

2.3.      Tính hợp pháp của chứng cứ

Tính hợp pháp là một trong ba thuộc tính quan trọng và không thể thiếu của chứng cứ. Tính hợp pháp của chứng cứ được hiểu là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và thuộc tính này được biểu hiện ở những mặt sau:

Thứ nhất, chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật. Những thông tin, tài liệu, đồ vật tuy tồn tại trong thực tế và có liên quan đến vụ án nhưng không được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ. Theo khoản 1 điều 87 BLTTHS năm 2015 chứng cứ phải được xác định trong các nguồn sau:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

Chứng cứ trong vụ án có thể xác định bằng nhiều nguồn khác nhau mà BLTTHS quy định. Ngoài ra, mỗi loại chứng cứ phải được xác định trong nguồn tương ứng xác định.Ví dụ: lời khai của người tham gia tố tụng được thể hiện trong biển bản tự khai, biên bản lấy lời khai hoặc biên bản phiên tòa…

Thứ hai, tính hợp pháp đòi hỏi chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng loại chứng cứ mà BLTTHS quy định trình tự, thủ tục thu thập khác nhau nhằm đảm bảo tính khách quan và giá trị chứng minh của chứng cứ trong tất cả giai đoạn tố tụng cụ thể  như sau:

Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ được làm chứng cứ nếu họ nói rõ vì sao họ biết những tình tiết mà họ trình bày. Còn vật chứng phải được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và hồ sơ vụ án, các tình tiết không được mô tả trong biên bản thu giữ  vật chứng thì không phải chứng cứ và không có giá trị chứng minh. Ví dụ: trong biên bản thu giữ vật chứng là cái áo của người phạm tội có miêu tả rằng áo thiếu một cúc còn lại các cúc giống cúc áo thu giữ tại hiện trường vụ án giết người và không miêu tả gì thêm. Thế nhưng cơ quan giám định lại phát hiện ống tay áo có vết máu thì kết luận giám định về vết máu đó không phải là chứng cứ vì vết máu không được mô tả trong biên bản thu giữ chếc áo.

 Ngoài ra, các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ như khám người, khám chỗ ở, khám nơi làm việc, khám nghiệm tử thi phải có người chứng kiến nếu thiếu  người chứng kiến, kết quả thu được từ hoạt động trên không phải là chứng cứ.

 Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có không ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ tài liệu, đồ vật không đúng thủ tục rồi sau đó tiến hành hợp pháp hóa đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp đó chứng cứ thiếu tính hợp pháp nên không thể là giá trị chứng minh trong vụ án.

Như vậy, tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp là các thuộc tính cần và đủ của chứng cứ. Chúng thể hiện ở các mặt khác nhau của chứng cứ nhưng liên quan rất chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất về nội dung cũng như hình thức đảm bảo cho chứng cứ có giá trị chứng minh. Các thuộc tính đều có ý nghĩa pháp lí như nhau,  không coi thường thuộc tính nào. Thiếu một trong các thuộc tính này thông tin, tài liệu thu thập được không phải là chứng cứ. Mặt khác, trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy thông thường cơ quan tiến hành tố tụng ít coi trọng tính hợp pháp của chứng cứ. Nhiều trường hợp vụ án được giải quyết trên cơ sở những chứng cứ thu thập bất hợp pháp như hợp thức hóa nguồn chứng cứ, thu thập không theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định, thu thập lời khai bằng cách mớm cung, bức cung, dùng nhục hình…nên dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án nghiêm trọng  đó là tình trạng oan sai xảy ra.

3. Ý nghĩa của chứng cứ trong tố tụng hình sự

Chứng cứ là một chế định trung tâm của pháp luật tố tụng hình sự. Chế định chứng cứ nói chung và khái niệm chứng cứ nói riêng, lần đầu tiên được quy định trong BLTTHS năm 1988, tiếp tục được hoàn thiện trong BLTTHS năm 2003 và hiện tạo là BLTTHS năm 2015 có ý nghĩa về mặt lí luận và thực tiễn vô cùng to lớn, đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự của nước ta.

Về mặt lí luận:

Thứ nhất, trong chế định về chứng cứ, khái niệm chứng cứ là khái niệm cơ bản, khái niệm xuất phát, để từ đó xác định các quy phạm khác của chế định chứng cứ như vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, các thuộc tính của chứng cứ, cách thức thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ…

Thứ hai, chứng cứ không chỉ đóng vai trò xác định sự thật khách quan của vụ án, mà còn phản ánh bản thân quá trình xác định sự thật khách quan đó. Trong hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chỉ có thể xác định các tình tiết vụ án bằng chứng cứ để từ đó có cơ sở nhận định tội phạm xảy ra hay không và nếu có tội phạm xảy ra thì quyết định áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết. Điều đó có nghĩa, chứng cứ là phương tiện khẳng định các sự kiện, hiện tượng nhất định nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, đồng thời loại trừ, phủ định những sự kiện, hiện tượng đã không xảy ra trong thực tế. Vì những lẽ đó, việc xác định khái niệm chứng cứ là vấn đề rất quan trọng trong tố tụng hình sự.

Thứ ba, khái niệm chứng cứ là cơ sở pháp lí để phân biệt khái niệm chứng cứ trong vụ án hình sự với những tài liệu khác không có giá trị chứng minh đối với vụ án. Việc nhận thức đúng đắn khái niệm và xác định một cách khách quan, đầy đủ, chính xác chứng cứ trong thực tiễn là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế XHCN; đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không kết án oan sai và không để lọt tội phạm.

Về mặt thực tiễn:

Thứ nhất, khái niệm chứng cứ được quy định trong BLTTHS năm 2015 là cơ sở lí luận cho việc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề khác nhau đối tượng chứng minh; trách nhiệm chứng minh; thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ…

Thứ hai, trong mối quan hệ với các chế định khác của luật tố tụng hình sự, khái niệm chứng cứ là cơ sơ pháp lí để thực hiện các chế định khác của luật TTHS như: khởi tố và điều tra vụ án hình sự, những biện pháp ngăn chặn, kiểm sát điều tra, quyết định việc truy tố, xét xử sơ thẩm…

Ngoài ra, khái niệm chứng cứ còn là cơ sở lí luận cho một ngành khoa học pháp lí có liên quan đến khoa học luật tố tụng hình sự như: khoa học điều tra hình sự, tâm lý học tư pháp, tâm thần học…khi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chứng cứ.