MỘT VÀI VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỨNG CỨ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (KỲ 1)

12/05/2018

MỘT VÀI VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỨNG CỨ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (KỲ 1)

 

Đặt vấn đề

Ở nước ta, trong những năm gần đây bên cạnh sự phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội thì tình hình diễn biến tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng và hết sức phức tạp. Nó đang trở thành vấn đề nhức nhối của cả quốc gia và toàn dân tộc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm luôn phải được Đảng và nhà nước ta đặt lên hàng đầu.

 Để phát hiện và xử lý chính xác, khách quan tội phạm và người phạm tội, việc chứng minh trong tố tụng hình sự nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.  Để làm được như vậy cần phải có chứng cứ hay nói cách khác, chứng cứ là phương tiện duy nhất để cơ quan tiến hành tố tụng giải  quyết đúng  đắn vụ án. Vì vậy, việc nghiên cứu bản chất của chứng cứ, lý giải về mặt khoa học, cơ sở lí luận và thực tiễn áp dụng chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có ý nghĩa rất to lớn trong quá trình lập pháp tố tụng hình sự cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

1. Khái niệm chứng cứ

Khái niệm chứng cứ là một trong những nội dung quan trọng của lí luận về chứng cứ. Nó là cơ sở để giải quyết một loạt vấn đề liên quan như thuộc tính của chứng cứ, các thủ tục thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ …góp phần quyết định vào việc giải quyết đúng đắn, khách quan từng vụ án hình sự; định nghĩa chính xác khái niệm chứng cứ còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định địa vị pháp lí của người tham gia tố tụng, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của công dân.

Tuy nhiên, ở các chế độ chính trị - xã hội khác nhau thì quan niệm về chứng cứ cũng khác nhau. Theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ,  chứng cứ được hiểu là tất cả những gì được sử dụng trong việc chứng minh sự thật hoặc bác bỏ một vấn đề trong vụ án ảnh hưởng tới sự có tội hay vô tội của bị can, bị cáo; xét về bản chất khái niệm chứng cứ theo hệ thống án lệ chúng ta thấy được sự coi trọng chứng cứ miệng hơn chứng cứ viết, lời khai của người làm chứng, bị can, bị cáo được kiểm tra đối chất với sự có mặt của thẩm phán và hội đồng xét xử nhằm xác định hành vi phạm tội có xảy ra hay không, ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Theo điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định: “chứng cứ trong vụ án hình sự là bất cứ thông tin nào mà tòa án, công tố viên, dự thẩm viên, nhân viên điều tra ban đầu dùng làm căn cứ, theo trình tự do Bộ luật này quy định, xác định sự tồn tại hay không tồn tại những tình tiết cần phải chứng minh trong quá trình tố tụng và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án”. Hay theo điều 42 bộ luật tố tụng hình sự năm 1996 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa quy định: “Mọi sự thật chứng minh những tình tiết đúng đắn của vụ án đều là chứng cứ”.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của khái niệm về chứng cứ như đã trình bày trên và quá trình tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới về vấn đề này  tại điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 đã đưa ra khái niệm về chứng cứ một cách đầy đủ chính xác như sau: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Đồng thời Bộ luật tố tụng cũng quy định chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.

Ví dụ:  Nguyễn Văn A và Phạm Văn B do có xích mích với nhau về việc làm ăn nên vào 20h ngày 22/01/2018  anh A đến nhà anh B đòi anh B trả số tiền mà mình  đã góp với anh B  nhưng anh  B bảo không trả vì việc làm ăn dạo này thua lỗ, hai bên sau một hồi cãi cãi nhau do không kiềm chế được bản thân nên anh A đã có hành vi dùng dao đâm chết anh B.

Như vậy, trong vụ án trên ta có thể xác định được  máu  đọng lại tại hiện trường xảy ra vụ án giết người này do cơ quan điều tra thu thập được chính là chứng cứ, còn con dao dính máu tại hiện trường vụ án chính là nguồn chứng cứ.

Tóm lại, khái niệm chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bao hàm được mối quan hệ giữa hình thức tố tụng và bản chất khách quan của chứng cứ, chủ thể và đối tượng chứng minh cũng như thể hiện đầy đủ các yếu tố nội hàm đặc trưng của chứng cứ.

2. Các thuộc tính của chứng cứ

Khái niệm chứng cứ nêu ở trên đã thể hiện đầy đủ các thuộc tính cần và đủ mà bất kỳ chứng cứ nào cũng phải có. Đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ. Việc phân tích các thuộc tính của chứng cứ có ý nghĩa quan trọng không chỉ về lí luận mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt thực tiễn, giúp cho nhà làm luật quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ các trình tự thủ tục của quá trình chứng minh, giúp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ đúng thủ tục pháp luật quy định, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách khách quan, khoa học.

2.1.      Tính khách quan của chứng cứ

Tính khách quan là một trong những thuộc tính quan trọng của chứng cứ. Theo Đại từ điển tiếng việt, khách quan là: “Cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức của con người”. Chứng cứ là những gì có thật, tức là phải tồn tại trong thực tế khách quan điều đó có nghĩa rằng chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người và phải phù hợp với các tình tiết của vụ án đang chứng minh. Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tính khách quan chứng cứ được gọi là tính xác thực của chứng cứ. Tính khách quan của chứng cứ được thể hiện đầu tiên đó là những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự cũng như các tình tiết khác liên quan phải tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức của người tiến hành tố tụng. Và muốn làm được như vậy, đòi hỏi cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi giải quyết vụ án hình sự phải xuất phát từ thực tế để có nhận thức đúng đắn, toàn diện vấn đề; không được lấy ý chí chủ quan để áp đặt, phải tôn trọng sự thật, tránh thái độ chủ quan nóng vội, phiến diện, định kiến, không trung thực.  Mặt khác, khi nghiên cứu thuộc tính này chúng ta cũng cần lưu ý nếu những thông tin, tài liệu, đồ vật dù tồn tại trên thực tế nhưng bị xuyên tạc, bóp méo hay bị giả tạo theo ý chí chủ quan thì không còn mang tính khách quan. Vì vậy, nó không phải chứng cứ. Tóm lại, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định đúng đắn tính khách quan của chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong chứng minh tội phạm. Việc sử dụng thông tin, tài liệu bị bóp méo, bị giả tạo, bị xuyên tạc cùng với sự kiểm tra, đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào suy luận chủ quan của nguồn chứng cứ sẽ làm cho việc chứng minh thiếu chính xác, sự thật khách quan không được xác định. Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm tính khách quan của chứng cứ như sau: tính khách quan của chứng cứ chỉ sự tồn tại độc lập của nó trong thực tế khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng.

Ví dụ:  Trong vụ án giết người cơ quan điều tra xác định nguyên nhân chết của nạn nhân là do bị một vật tày đánh vào phía sau đầu. Chứng cứ được thu thập tại hiện trường vụ án là một chiếc gậy có kích thước giống vật được xác định khiến nạn nhân tử vong. Như vậy, chiếc gậy do cơ quan điều tra thu thập được trong vụ án tồn tại một cách khách quan và nó đảm bảo thuộc tính khách quan của chứng cứ.

2.2.      Tính liên quan của chứng cứ

Tính liên quan là một trong ba thuộc tính cơ bản của chứng cứ. Chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật mà cơ quan điều  tra, viện kiểm sát, tòa án dùng làm căn cứ xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong một vụ án hình sự có một khối lượng thông tin, tài liệu; tuy nhiên không phải tất cả đều là chứng cứ mà chỉ các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án,tức làm căn cứ giải quyết vụ án mới là chứng cứ. Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở mối liên hệ khách quan giữa chúng với các tình tiết vụ án cần được xác định. Mối quan hệ này thể hiện ở hai mức độ khác nhau:

Ở mức độ thứ nhất, chứng cứ được dùng làm căn cứ để giải quyết thực chất vụ án, tức xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt, các biện pháp tư pháp…Ở mức độ thứ hai, có những thông tin, tài liệu, đồ vật không được dùng làm căn cứ trực tiếp để giải quyết thực chất vụ án nhưng dùng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.Trong trường hợp này tính liên quan của chúng thể hiện một cách gián tiếp. Măc dù là quan hệ gián tiếp nhưng trong nhiều trường hợp việc chứng minh tội phạm không thể thiếu được chúng.Ví dụ: Lời khai của người làm chứng cho rằng vào thời  điểm tội phạm xảy ra, người bị tạm giữ có mặt tại nơi xảy ra tội phạm. Mặc dù, người làm chứng không thấy được việc người bị tạm giữ có thực hiện hành vi phạm tội hay không nhưng lời khai của họ cũng giúp cho cơ quan điều tra trong việc lập phương án điều tra, lời khai đó cũng có thể dùng để bác bỏ lời khai của người bị tạm giữ về tình trạng ngoại phạm của mình.

Để coi một thông tin, tài liệu, đồ vật có phải là chứng cứ hay không, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định tính liên quan ở hai mức độ. Nếu thông tin, tài liệu đó không thể là căn cứ để giải quyết vụ án thì chúng thiếu tính liên quan, vì vậy nó không phải là chứng cứ.

(Xem tiếp kỳ 2)