MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LÃI SUẤT DO CHẬM THANH TOÁN TRONG HỢP ĐỒNG

13/05/2018

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LÃI SUẤT DO CHẬM THANH TOÁN TRONG HỢP ĐỒNG

ThS Nguyễn Thị Thu Hồng

Trịnh Tuấn Anh

Khoa Luật, Đại học Duy Tân

1.1. Lãi suất và lãi suất do chậm thanh toán

1.1.1.Lãi suất

Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận lãi suất nhưng không có khái niệm cụ thể về lãi suất; thông thường lãi suất được hiểu là tỷ lệ của tổng số tiền phải trả so với tiền vay trong khoảng thời gian nhất định. Lãi suất được quy định rộng rãi trong quan hệ dân sự như: Vay mượn; phạt do chậm thi hành bản án, quyết định của Toà án; phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán thương mại.v.v. Trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng (TDNH), lãi suất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng như là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua việc ấn định lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Các TCTD khi cấp tín dụng đều thoả thuận với khách hàng một mức lãi suất phù hợp với chính sách lãi suất trong từng thời kỳ và là điều khoản cơ bản trong hợp đồng tín dụng, làm cơ sở cho việc thực hiện và giải quyết tranh chấp sau này.

1.1.2.Lãi suất do chậm thanh toán

Căn cứ Điều 357 BLDS 2015, quy định về trách nhiệm do Chậm thanh toán theo nghĩa vụ , ta thấy rằng nếu đối tượng của nghĩa vụ là trả tiền (hay thanh toán), mà đến hạn bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện được, thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả lãi tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thành toán. Lãi suất do các bên tự do thỏa thuận nhưng không vượt quá. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điểm chú ý chính là đối tượng của nghĩa vụ dân sự. Bởi, nghĩa vụ dân sự là một phạm trù rất rộng, nó không chỉ bao hàm hành vi trả tiền mà còn là một số hành vi khác (làm hoặc không được làm một việc gì đó). Có thể hiểu, bên có quyền chỉ được yêu cầu tiền lãi chậm trả khi đối tượng của nghĩa vụ là trả tiền. Bên cạnh đó, bên có quyền chỉ có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả phần lãi tương ứng với số tiền chậm trả, chứ không được đòi trả lãi với toàn bộ số tiền phải thực hiện.

1.2. Quy định về lãi suất trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành

1.2.1.Trong Luật Thương mại 2005

Như đã đề cập ở trên, hai khái niệm “thanh toán” trong LTM 2005 và “trả tiền” trong BLDS 2015 có những nét tương tự nhau. Tuy nhiên, hai khái niệm này lại dẫn đến cách tính Lãi suất do chậm thanh toán khác nhau. Nếu như theo quy định trong BLDS 2015 thì Lãi suất do chậm thanh toán sẽ được tính tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thành toán. Lãi suất do các bên tự do thỏa thuận nhưng không vượt quá. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, thì quy định trong LTM 2015 lãi suất chậm thanh toán lại được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Chính sự khác biệt này đã dẫn đến việc khó khăn trong xác định cách tính Lãi suất do chậm thanh toán  do không biết nên áp dụng điều luật nào. Một số ý kiến cho rằng để áp dụng điều luật nào thì cần phải xác định xem hợp đồng giữa các bên là hợp đồng dân sự hay là hợp đồng kinh tế - thương mại. Hoạt động kinh doanh thương mại cũng được xem là một hình thức hoạt động trong lĩnh vực dân sự và nó cũng bị điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh thương mại, nhà nước ban hành Luật Thương mại 2005 để điều chỉnh riêng cho hoạt động này. Do đó, Luật thương mại được xem là luật riêng (luật chuyên ngành) được ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh doanh thương mại. Luật dân sự là luật chung, chỉ được áp dụng khi luật chuyên ngành không có quy định điều chỉnh. Ở đây, do Điều 306 Luật Thương mại 2005 đã quy định về lãi do chậm thanh toán nên sẽ được ưu tiên áp dụng để tính lãi cho các quan hệ kinh doanh thương mại. Còn Bộ luật dân sự 2015 được áp dụng cho các giao dịch dân sự không mang tính thương mại. Quay lại với phân tích ở các phần trên, ta thấy rằng việc phân biệt hợp đồng dân sự - kinh tế - thương mại trên thực tế rất khó thực hiện và dường như những hợp đồng này đang giao thoa nhau. Do vậy, sự thiếu đồng nhất này, cũng như những bất cập trong nội dung của quy định làm cho công tác áp dụng pháp luật của Tòa án cũng gặp nhiều lúng túng, thậm chí dẫn đến tính sai Lãi suất do chậm thanh toán .

Lãi suất là một trong những quy định trọng yếu gắn liền với hoạt động tiền tệ, tín dụng. Chính vì vậy, không những được quy định trong luật gốc là BLDS 2015, lãi suất còn được quy định các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là trong Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Trong số các quy định đó, lãi suất nợ quá hạn là một căn cứ pháp lý quan trọng để các ngân hàng thỏa thuận lãi suất cho vay cũng như làm căn cứ pháp lý cơ bản để áp dụng trong nhiều giao dịch kinh tế, dân sự khác.

Từ năm 1980, lãi suất nợ quá hạn đều do Chính phủ quy định. Tiếp đến Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, Pháp lệnh hợp đồng dân sự 1991, Bộ luật dân sự 1995, Luật Thương mại 1997 đều quy định lãi suất nợ quá hạn (Lãi suất do chậm thanh toán ) được áp dụng theo quy định của NHNN. Trên cơ sở các quy định đó, NHNN có toàn quyền về việc đặt ra giới hạn lãi suất nợ quá hạn. Tuy nhiên, Từ tháng 02/1999 đến nay, NHNN đã thay đổi cách quy định, theo đó lãi suất quá hạn không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn, tức là có thể nằm trong khoảng bằng từ 100 cho đến 150% lãi suất trong hạn. Có thể thấy, giai đoạn từ trước tháng 02/1999 việc áp dụng lãi suất quá hạn khá dễ dàng và đơn giản. nhưng kể từ tháng 02/1999 trở đi thì việc áp dụng lãi suất nợ quá hạn trở nên phức tạp do không thể xác định được mức lãi suất mà chỉ căn cứ vào 150% lãi suất cho vay. Tuy vậy, đến năm 2015, khi Bộ luật dân sự 2015 ra đời, việc quy định về lãi suất nợ quá hạn đã có một căn cứ mới đó là” lãi suất theo thỏa thuận  nhưng không được vượt quá 20%/năm”. Tuy nhiên, đến 2016, khi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ra đời thì quy định về lãi suất nợ quá hạn trong Thông tư số 39/2016/TT-NHNN mâu thuẫn với BLDS 2015, theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì:”lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. Nếu không chú ý đến cơ sở pháp lý mới để tính lãi suất quá hạn, thì các giao dịch dân sự và các bản án, quyết định của Toà án cũng sẽ tiếp tục dựa vào một căn cứ không đúng pháp luật.

 

 

[1] Thông tư này thay thế Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2017.