MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

13/05/2018

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

ThS Nguyễn Thị Thu Hồng

Trịnh Tuấn Anh

Khoa Luật, Đại học Duy Tân

1.1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng là thuật ngữ pháp lý chỉ “các giao dịch dân sự thông qua việc thỏa thuận để chuyển giao các lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức với nhau trong lĩnh vực luật tư[1]. Về mặt pháp định, điều 385 BLDS 2015 quy định rằng: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm quyền, nghĩa vụ dân sự”.  Như vậy, chung quy lại, các quy định và ý niệm về hợp đồng được hiểu là một sự thỏa thuận của hai hay nhiều bên nhằm thực hiện một quyền hay nghĩa vụ nào đó nhằm hướng đến đạt được mục đích của mình khi tham gia giao dịch. Cũng như các hợp đồng khác, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ trong đó có các nghĩa vụ cơ bản sau đây: Bên cho vay giao cho bên một khoản tiền hoặc vật. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tiền hoặc vật cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi, nếu có thỏa thuận hợp pháp luật quy định. Điều 463 BLDS 2015 chỉ đề cập các quyền và nghĩa vụ cơ bản giữa các bên. Ngoài ra trong hợp đồng vay tài sản còn có các quyền và nghĩa vụ khác do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.

1.2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản

Thứ nhất, tuy khái niệm hợp đồng vay tài sản và cũng như các quy định khác trong BLDS 2015 không quy định về đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên đối tượng của hợp đồng vay tài sản được xác định dễ dàng từ tính chất của loại hợp đồng này. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản phải là các động sản, bởi vì với loại tài sản này, các bên mới có thực hiện các hành vi giao nhận đối với nhau. Tuy nhiên không phải động sản nào cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, ngoài các điều kiện chung về tính hợp pháp, động sản là đối tượng của hợp đồng này chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Như vậy các loại vật khác như vật đặc định, vật không tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, chúng chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn tài sản. Điều này được quyết định bởi đặc thù của hợp đồng vay tài sản so với các hợp đồng thuê hoặc mượn tài sản. Vay tài sản là căn cứ xác lập quyền sở hữu của bên vay đối với tài sản bay, bên bay có quyền chi phối tài sản vay với tư cách chủ sở hữu và chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn của hợp đồng cho nên đối tượng của quan hệ này chỉ có thể là tiền và vật cùng loại.

Thứ hai, hình thức hợp đồng vay tài sản. Hình thức của hợp đồng vay tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho vay một số tài sản nhất định. Trong thực tế nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng có tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lí cho việc giải quyết hợp đồng vay tài sản, các bên cần phải ký kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.

Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là mọt loại hợp đồng chuyển quyền sở hữu. Do đó bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Về nguyên tắc xuất phát từ quyền sở hữu, bên vay có toàn quyền chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản vay trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích hoặc có các hạn chế khác đối với bên vay (ví dụ: bên vay phải sử dụng số tiền vay trong một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn này mà bên vay chưa sử dụng tiền thì bên cho vay có quyền đòi lại).

Trong trường hợp bên vay đã thế chấp hoặc cầm cố tài sản khi vay một khoản tiền thì sau đó bên vay không hạn chế các quyền của bên vay đối với tài sản được tạo thành từ vốn vay được bảo đảm bằng thế chấp hoặc cầm cố. Ví dụ: A vay 100 triệu đồng của ngân hàng X để xây dựng khách sạn. A đã thế chấp ngôi nhà à A đang ở trị gía 150 triệu đồng cho ngân hàng. Trong trường hợp đến hạn mà A không trả được nợ thì ngân hàng không có quyền hạn chế A trong việc sử dụng hoặc định đoạt khách sạn. Ngân hàng chỉ có thể thu hồi vốn từ việc bán đấu giá ngôi nhà mà A đã thế chấp.

Thứ tư, về thời điểm chuyển giao rủi ro. Về nguyên tắc, ai là chủ sở hữu tài sản thì phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản của mình. Do đó, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các hợp đồng có chuyển quyền sở hữu nói chung và trong hợp đồng vay tài sản nói riêng rất quan trọng, vì nó liên quan đến thời điểm chịu rủi ro có thể xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận cụ thể về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản trọng hợp đồng vay. Nếu không có thỏa thuận thì khi bên vay tài sản nhận tài sản vay có nghĩa là, bên vay đã có quyền sở hữu tài sản vay đó, vì vậy bên vay phải chịu rủi ro đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

1.3. Vai trò của hợp đồng vay tài sản

Thứ nhất, về mặt kinh tế, đối với bản thân các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng, sẽ góp phần làm tang năng suất lao động , nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mình, bởi trong xã hội nhiều chủ thể có tài sản nhàn rỗi nhưng tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng đến, nên họ sẽ chuyển giao cho những chủ thể khác có nhu cầu, nhờ đó bản thân họ sẽ có them khoản lợi ích, nguồn thu nhập (lãi) từ chính tài sản đó; trong khi đó, một bộ phận chủ thể khác có nhu cầu sử dụng tài sản rất lớn, song họ lại không có hoặc không có đủ tài sản để đáp ứng cho nhu cầu của mình. Vì vậy, hợp đồng vay tài sản chính là một trong những phương thức hiệu quả để các bên có thể thỏa mãn được nhu cầu của mình, chủ thể đi vay sẽ có tài sản để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng them thu nhập cho mình và gia đình hoặc phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của bản thân, còn chủ thể cho vay sẽ có them một khoản lợi ích. Ngoài ra, việc cho vay lẫn nhau còn giúp phân phối nguồn vốn trong xã hội, gián tiếp mang lại lợi ích cho đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế ngày càng giàu mạnh.

Thứ hai, hợp đồng vay tài sản không những có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội, thể hiện bản chất giai cấp sâu sắc. Hiện nay với chế độ xã hội chủ nghĩa, quan hệ vay tài sản lại là một phương tiện pháp lý để thực hiện quan hệ hợp tác giữa các cá nhân với nhau; giữa Nhà nước với cá nhân và pháp nhân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giúp lưu thông hàng hóa, điều hòa nền kinh tế thị trường.

 

 

[1] Lê Minh Hùng (2012), “Khái luận về hợp đồng dân sự”, Tập bài giảng pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, NXB Hồng Đức, tr. 86.