HỌC LUẬT Ở TRỜI TÂY

28/01/2023

HỌC LUẬT Ở TRỜI TÂY
Nếu xem đi du học là một khoản đầu tư thì ngoài tấm bằng đạt được, người học còn muốn lãi thêm điều gì? Trong câu chuyện của mình, Lê Vũ Vân Anh – giảng viên môn Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), khoa Luật Đại học Oxford, Vương quốc Anh – không chỉ kể về những ngày tháng khó quên khi trở thành giảng viên luật ở Đại học Durham cách nay năm năm, mà còn hé mở chuyện thực tế dạy và học luật như thế nào tại đại học, những yêu cầu đối với người dạy lẫn người đi học ra sao. Câu chuyện còn là lời nhắn nhủ thú vị với những du học sinh châu Á, trong đó có Việt Nam.
Năm năm trước, tôi nhận được lời mời làm việc từ Đại học Durham, Vương quốc Anh chỉ năm ngày trước buổi bảo vệ luận án tiến sĩ và có mặt ở thành phố Durham cổ kính này chỉ hai tuần sau buổi bảo vệ. Vậy là ước mơ được một lần xách ba lô du lịch châu Âu một đến hai tháng hậu tiến sĩ đã không thành hiện thực nhưng tôi không vì thế mà than vãn vì mình đã có được công việc đầu tiên chỉ sau một lần phỏng vấn.
Học luật ở trời Tây - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Dạy
Lần đầu tiên đứng trên bục giảng trước mặt gần 250 sinh viên ở Durham, tôi hồi hộp suốt một tuần trước đó. Chỉ là một bài giảng 50 phút mở đầu cho môn học, giới thiệu những khái niệm cơ bản của luật SHTT và cấu trúc của học phần, nhưng tôi đã mất gần 16 giờ cho việc chuẩn bị. Thời gian đầu ở Durham, tôi gần như không có ngày nghỉ. Lúc nào tôi cũng thấy mình bù đầu với công việc, soạn bài giảng và đọc sách. Tôi làm việc từ sáng đến tối, trong giấc ngủ cũng chập chờn kiến thức. Tuần này vừa xong lại chuẩn bị cho tuần tiếp theo. Vì luật ở Anh dựa trên án lệ, nên việc nhớ và nắm rõ các vụ việc liên quan là điều bắt buộc. Chưa kể, có rất nhiều vụ việc được giải quyết ở cấp châu lục, được tòa án Liên minh châu Âu lập luận theo một hướng khác nên tôi cần phải hiểu rõ sự khác biệt trong cách áp dụng của hai trường phái Anh và châu Âu lục địa để truyền đạt lại kiến thức. Những khó khăn ban đầu cũng qua đi, rồi tôi cũng quen việc, quen trường, và quen cả với những lời phàn nàn của sinh viên.
Sau này kể cả khi tôi đã quen với công việc giảng dạy và đứng lớp nhiều lần, tâm trạng hồi hộp trước mỗi buổi giảng luôn còn đó. Cho dù đó là đề tài mới hay đề tài tôi đã nắm rõ, việc chuẩn bị bao giờ cũng chiếm thời gian đáng kể để đảm bảo người học được truyền tải kiến thức một cách cập nhật nhất. Khi chuyển sang làm việc ở Oxford, tôi không còn dạy luật SHTT theo phong cách truyền thống (quyền tác giả-nhãn hiệu-sáng chế) ở bậc thạc sĩ mà được gợi ý dạy theo chuyên đề. Chẳng hạn như năm nay tôi sẽ dạy một buổi chuyên về Sáng tạo ở các nước châu Á, hay các vấn đề liên quan đến miễn trừ SHTT cho vaccine Covid-19, hay các vấn đề pháp lý liên quan đến sáng chế tạo ra trong quá trình làm việc. Tôi được giao phụ trách một lớp luật so sánh về quyền tác giả. Tận dụng nền tảng cá nhân, tôi cố gắng đem kiến thức về luật SHTT Việt Nam vào bài giảng để chia sẻ với các bạn sinh viên. Và tôi đã mỉm cười khi lần đầu tiên thấy “Việt Nam” được nhắc đến trong các bài thi như một trường hợp so sánh điển hình.
Tận dụng nền tảng cá nhân, tôi cố gắng đem kiến thức về luật SHTT Việt Nam vào bài giảng để chia sẻ với các bạn sinh viên. Và tôi đã mỉm cười khi lần đầu tiên thấy “Việt Nam” được nhắc đến trong các bài thi như một trường hợp so sánh điển hình.
Các giảng viên ở Anh có quyền tự do học thuật (right to academic freedom) khá lớn, cho phép các thầy cô tự do giảng dạy và thảo luận, tự do thực hiện nghiên cứu và công bố kết quả, tự do bày tỏ ý kiến ​​của mình về tổ chức hoặc hệ thống mà họ làm việc, không chịu sự kiểm duyệt của thể chế và tự do tham gia vào các cơ quan học thuật. Nói một cách đơn giản, quyền này cho phép thầy cô giáo đặt câu hỏi và kiểm tra kiến thức của sinh viên, đưa ra ý tưởng mới và các ý kiến ​​gây tranh cãi hoặc không phổ biến mà bản thân không sợ có nguy cơ bị mất việc hoặc các đặc quyền mà họ có thể có tại cơ sở đào tạo.
Tôi có quyền thiết kế nội dung giảng dạy, dạy cái gì và dạy như thế nào. Nói như vậy không có nghĩa là các trường sẽ thả nổi chất lượng mà họ có cơ chế kiểm tra và cân bằng thông qua nhiều hình thức. Chẳng hạn như đề xuất môn học phải nộp lên cho khoa hay nhà trường nhận xét. Nhưng đa phần các đồng nghiệp ngoài bộ môn chỉ phản biện về cấu trúc, hình thức đánh giá chứ rất ít người can thiệp về nội dung vì điều này nằm ngoài chuyên môn của họ. Sau đó, đề xuất sẽ được gửi cho một giám định viên bên ngoài nhà trường (external examiner) để nhận được các ý kiến đóng góp về chuyên môn. Giám định bên ngoài là một vị trí được bổ nhiệm chính thức, có nhiệm kỳ 5 năm. Đây là một phần của quy trình đảm bảo chất lượng của trường đại học ở Anh. Các giám định viên là học giả từ các cơ sở giáo dục đại học khác, nhưng cũng có thể đến từ ngành công nghiệp, doanh nghiệp hoặc nghề nghiệp, tùy thuộc vào khóa học.
Nhiệm vụ chính của giám định viên là cung cấp một cái nhìn khách quan và độc lập về môn học, đảm bảo hệ thống đánh giá và phân loại sinh viên công bằng và nhất quán. Mỗi lần chấm điểm, máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên một số bài làm đại diện cho từng phổ điểm (giỏi, khá, trung bình, rớt) để gửi cho các giám định viên xem xét. Giám định viên cũng như nhà trường không có quyền can thiệp vào cách đánh giá của giảng viên, mà chỉ có thể đảm bảo rằng cách đánh giá là công bằng và nhất quán. Bản thân tôi hiện cũng đang làm giám định môn luật SHTT cho một trường đại học ở Scotland.
Học
Vì quyền tự do học thuật như vậy, việc giảng dạy luật ở nước Anh đa dạng về hình thức và nội dung. Có thầy cô cung cấp một tập tài liệu tóm tắt những kiến thức chính cho sinh viên. Có thầy cô cung cấp powerpoint trước đó, nhưng tôi cũng biết có đồng nghiệp chọn… không có gì. Thậm chí có người còn không sử dụng powerpoint khi giảng bài. Tuy nhiên, mỗi môn học đều cung cấp cho sinh viên danh sách tài liệu phải đọc (reading list) vào đầu kỳ và những nội dung sẽ được giảng dạy. Một danh sách đọc thường bao gồm hai phần: bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc, như tên gọi của nó, yêu cầu các bạn phải đọc để có được cái nhìn bao quát về bài giảng hôm đó. Phần tự chọn là những bài đọc nâng cao về một chủ đề cụ thể. Mỗi tuần, các bạn sinh viên sẽ phải đọc khoảng 50 trang (bắt buộc) cho mỗi môn.
Nói qua một chút về việc học luật ở nước Anh. Để có thể hành nghề luật sư ở đây (bao gồm luật sư tranh tụng – barrister lẫn luật sư tư vấn – solicitors), một sinh viên phải hoàn thành bảy học phần bắt buộc như sau để nhận được “bằng luật đủ điều kiện” (a qualifying law degree). 1. Luật hình sự. 2. Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 3. Luật hợp đồng. 4. Luật tài sản (bao gồm đất đai). 5. Luật công bình và ủy thác. 6. Luật Hiến pháp và Hành chính. Và 7. Luật Liên minh châu Âu.
Tất cả các môn học còn lại đều là tự chọn. Số lượng và nội dung các môn này tùy thuộc vào nguồn nhân lực của từng trường, nhưng đa phần các trường có từ 8-10 môn tự chọn. Số lượng có thể nhiều hơn ở Oxford hay Cambridge.
Thông thường việc học luật ở nước Anh diễn ra như sau. Sau một buổi học ở giảng đường lớn, các bạn sinh viên sẽ được chia thành nhóm nhỏ, tầm khoảng 10-13 bạn để tham gia các buổi thảo luận (seminar), nơi mà các bạn phải trả lời cho những câu hỏi mà giảng viên hoặc một gia sư (thường là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ) đã đưa ra trước đó. Đây cũng là lúc mà bạn có thể trao đổi thêm những vấn đề chưa rõ. Một buổi thảo luận diễn ra sôi nổi hay không phụ thuộc rất nhiều vào người học và tôi thường nói rất rõ với sinh viên của mình rằng: “Đây không phải là bài giảng thứ hai” để các bạn chủ động. Ở Oxford, số lượng sinh viên ít hơn so với các trường thông thường, nên không có nhiều buổi học ở giảng đường lớn mà thay vào đó là buổi thảo luận. Sau đó các bạn sẽ có các buổi gia sư (tutorial), mỗi nhóm không quá hai người ở bậc cử nhân và ba sinh viên ở bậc thạc sĩ. Đối với mỗi môn, các bạn sẽ có ba lần học gia sư như vậy, mỗi lần các bạn phải nộp một bài viết 1.500 từ (không tính điểm chính thức) cho gia sư.
Tôi thường sử dụng óc hài hước của mình để đối phó với sự im lặng “đáng sợ” trong các buổi học nhóm. Khi sinh viên quyết tâm “bất động” trước câu hỏi đã được gửi trước, tôi bông đùa “Không sao, vậy hôm nay chúng ta có thể ngồi thiền. Cô có thời gian mà!”. Hay nếu một bạn trả lời “không biết” một cách yếu ớt cho những câu hỏi yêu cầu quan điểm cá nhân, tôi không dễ dàng từ bỏ: “Giả sử nếu em biết thì câu trả lời sẽ là gì”? Đa phần sau các câu đùa của tôi, cả lớp bật cười và các bạn sẽ cố gắng đưa ra ý kiến của mình. Khi mà số lượng sinh viên ngày càng nhiều hơn nhưng số lượng việc làm không tăng tương ứng, tôi luôn nhắc nhở sinh viên về tầm quan trọng của óc phản biện và phân tích thông qua những buổi học nhóm. Có tư duy tốt chưa chắc giúp bạn có một công việc ngay, nhưng đây sẽ là vũ khí giúp bạn tìm được những hướng đi mới mà không bị “đóng đinh” với suy nghĩ thông thường.
Một học kỳ ở Anh khá ngắn, kéo dài khoảng 9-10 tuần. Tùy vào từng trường mà các bạn có thể có một tuần không phải lên lớp mà chỉ dành riêng cho việc đọc (reading week). Riêng Đại học Oxford thì chỉ có 8 tuần học. Chưa kể, các bạn sinh viên luật ở Oxford sẽ không thi hết môn ngay lập tức mà sẽ dồn tất cả vào năm cuối. Nghĩa là nếu bạn học luật hình sự ở năm 1, bạn phải giữ kiến thức trong đầu cho đến năm cuối cùng để thi hết môn. Đây không phải là một điều dễ chịu cho tất cả mọi người.
Đã không ít lần sinh viên than phiền với tôi vì lượng bài đọc nhiều hay đôi lúc các em hỏi thăm dò trước khi làm bài tập, “đây có phải là vụ việc về quyền tác giả/nhãn hiệu/sáng chế không cô?”. Thay vì giải đáp trực tiếp, tôi trả lời rằng, “khi em đi làm, sẽ không khách hàng nào đến và bảo với em rằng: Tôi đang có một vấn đề về quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế hay bí mật kinh doanh cần được luật sư tư vấn, như các bài thi hay bài tập phân định rõ ràng mà các em đang làm. Mà chính các em phải tự bóc tách vấn đề và xác định yêu cầu của khách hàng. Thậm chí nhiều lúc khách hàng cũng không gọi tên được vấn đề của mình, các em phải là người làm việc đó. Cũng sẽ không có khách hàng nào tới gặp em với một tập tài liệu trên tay (ý tôi chỉ đến các tài liệu tóm tắt môn học) và bảo rằng, vấn đề của tôi là vi phạm quyền tác giả, bạn hãy giở sách của giáo sư A trang 1120 để đọc và sau đó giải quyết cho tôi. À, tôi cũng đã liệt kê ra các vụ việc liên quan tới vấn đề này là abcxyz, như cô đã viết sẵn cho các em”.
Các bạn sinh viên châu Á
Trong quá trình giảng dạy của mình, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên gốc châu Á với những nền tảng cá nhân hết sức đa dạng. Có bạn tuy mang họ Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng là người Anh. Có bạn lại sang Anh khi học cấp ba. Lại có những bạn chỉ sang học cử nhân, hay thạc sĩ rồi sẽ quay về, nhưng có bạn thì muốn tìm được công việc ở đây. Một trong những trở ngại lớn nhất mà các bạn hay chia sẻ với tôi là mối liên hệ giữa nền tảng cá nhân với một vài môn học. Mặc dù chuyên môn của tôi là luật SHTT, tôi đã có hai năm tham gia tổ bộ môn luật Liên minh châu Âu với tư cách là người hướng dẫn thảo luận. Trong những buổi đó, các bạn sinh viên nước ngoài đều khá hoang mang về môn học vì các bạn không tìm ra được lý do tại sao mình phải học nó, vì tính ứng dụng sau khi về nước là rất thấp.
Việc làm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các sinh viên dù Đông hay Tây, Á hay Âu. Xin việc ở các công ty luật ở Anh luôn là một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt. Các chương trình đào tạo hợp đồng (training contract) diễn ra từ năm 1, khi các bạn mới chân ướt chân ráo vào trường. Training contract là một trong những tiêu chí để một sinh viên trở thành luật sư. Rất nhiều bạn, đặc biệt là sinh viên nước ngoài, vì thiếu thông tin nên bỏ qua thời điểm này. Trong thời buổi Internet lên ngôi, biết được thông tin sớm nhất giúp bạn có thêm một lợi thế cạnh tranh lợi hại.
Vì một học kỳ ở Anh khá ngắn, tôi luôn nhắc nhở các bạn tập trung vào việc học. Việc tham gia câu lạc bộ, đội nhóm là cần thiết, nhưng “các em đừng quên nhiệm vụ chính của các em là học. Các em có thể xin gia hạn, hoãn môn thi vì lý do gia đình, sức khỏe. Nhưng sẽ không ai chấp nhận lý do là vì em tham gia quá nhiều câu lạc bộ!”. Môi trường mới lạ luôn là con dao hai lưỡi. Tôi đã từng chứng kiến một bạn thạc sĩ luật vì mải mê làm việc trong suốt ba tháng hè nên không đầu tư thời gian cho luận văn cuối khóa. Kết quả là bài của bạn chỉ đủ điểm đậu mà thôi. Bạn cực kỳ thất vọng và xấu hổ vì ở nước nhà, bạn là một học sinh xuất sắc, luôn đạt điểm cao.
Bên cạnh đó, tập trung học mà không tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hay các buổi sinh hoạt chuyên môn cũng là một điều thiệt thòi, nhất là với các bạn sinh viên nước ngoài, vốn dĩ đã gặp khó khăn về ngoại ngữ và thông tin. Sự cân bằng là chìa khóa cho vấn đề nhưng tiếc là không có một công thức nào cho tất cả mọi người mà mỗi người phải tìm ra điểm cân bằng của mình. Tôi hay nói với sinh viên nước ngoài của mình rằng, “nếu em xem đi du học là một khoản đầu tư thì ngoài tấm bằng ra, em còn muốn lãi thêm điều gì?”.
Lời kết
Học luật chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Có không ít bạn tìm đến tôi bày tỏ ý định… chuyển ngành. Từng là một sinh viên, hơn nữa còn không phải là người bản địa, tôi rất thấu hiểu những thách thức các bạn đang đối mặt. Tôi nhấn mạnh bản chất đặc biệt của việc học luật (đọc nhiều, trích dẫn dày đặc…) và sử dụng kinh nghiệm cá nhân khi còn là một sinh viên để hướng dẫn các bạn vượt qua những khó khăn và xây dựng một cách học chiến lược hơn. Tôi đã từng khuyên một em hãy cố gắng học hết một học kỳ xem sao, nếu lúc đó em vẫn cảm thấy không ổn thì chuyển ngành cũng không quá trễ. Kết quả là chính em sau này đã phàn nàn với tôi rằng tại sao điểm môn luật SHTT của em thấp như vậy! Vất vả vì phải giải thích cho em, nhưng tôi thấy vui mừng vì em đã trở thành chiến binh trong môn học của mình.
Các bạn nước ngoài có thêm một lợi thế mới vì các bạn nói được một ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh) và hiểu thêm một nền pháp luật (ngoài nước Anh và Liên minh châu Âu). Xoay chuyển góc nhìn, biến bất lợi thành lợi thế sẽ khiến bạn tự tin hơn trong các hồ sơ tìm việc và trong các cuộc phỏng vấn. Đây không phải là những lời động viên an ủi mà là một thực tế tôi đã chứng kiến ở bạn bè và ngay cả trải nghiệm của bản thân mình.