HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT - NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ QUỐC GIA KHÁC THEO UNCLOS 1982

15/09/2022

HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT - NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ NƯỚC KHÁC

  1. Tổng quan về vùng đặc quyền kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng nằm ngoài và tiếp giáp với lãnh hải trong một giới hạn không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Khái  niệm vùng đặc quyền kinh tế là một khái niệm mới được ghi nhận lần đầu tiên tại UNCLOS 1982. Theo quy định tại phần V của Công ước Luật Biển 1982, vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng đặc thù, với chế độ pháp lý riêng biệt. Vùng này không phải là lãnh hải (vì nằm ngoài lãnh hải) và cũng không phải là một phần của biển cả (vì phạm vi áp dụng của phần biển cả (phần VII) của Công ước Luật Biển 1982, không áp dụng cho vùng đặc quyền về kinh tế).

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình (quyền chủ quyền và quyền tài phán) nhằm mục đích kinh tế được quy định bởi UNCLOS mà không chia sẻ với các quốc gia khác. Song, đây là vùng chuyển tiếp giữa lãnh hải và biển cả, nên đồng thời là một “vùng chủ quyền giới hạn”. Nguyên nhân chính của sự đặc thù này có thể xuất phát từ nhu cầu khai thác kinh tế biển và đảm bảo an ninh trên vùng biển của các quốc gia ven biển.

Theo đó, UNCLOS mở ra cho các quốc gia ven biển một số thẩm quyền riêng biệt trong vùng biển này nhằm mục đích kinh tế như sau:

UNCLOS trao cho quốc gia ven biển quyền chủ quyền đối với 03 nguồn tài nguyên chính: (1) tài nguyên phi sinh vật ở đáy biển và vùng biển liền kề; (2) tài nguyên sinh vật ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và vùng biển liền kề; (3) các hoạt động kinh tế khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quyền tài phán của quốc gia ven biển liên quan đến ba lĩnh vực: (1) xây dựng và sử dụng đảo nhân đạo, công trình và cấu trúc nhân tạo, (2) nghiên cứu khoa học biển, và (2) bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Trong các lĩnh vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, mọi hoạt động đều cần phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Bên cạnh đó, UNCLOS cũng trao cho quốc gia ven biển thẩm quyền tài phán đối với ba lĩnh vực: (1) xây dựng và sử dụng đảo nhân đạo, công trình và cấu trúc nhân tạo, (2) nghiên cứu khoa học biển, và (3) bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Trong các lĩnh vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, mọi hoạt động đều cần phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Đối với các quốc gia khác UNCLOS trao quyền cho các quốc gia này đối với các vấn đề tự do hàng hải, tự do hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước.

Điều khoản quan trọng trong UNCLOS về EEZ là Điều 55 với nội dung khẳng định EEZ là một chế độ không thuộc chủ quyền của Quốc gia ven biển cũng như một phần của vùng biển cả, mà là một khu vực thuộc chế độ đặc biệt. Cụ thể:

Điều 55:  Chế độ pháp lý riêng của vùng đặc quyền về kinh tế: Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.”

Tại Điều 56 UNCLOS quy định Quốc gia ven biển có “quyền chủ quyền” để thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong EEZ cũng như “các hoạt động khác để khai thác và thăm dò kinh tế trong khu vực, chẳng hạn như sản xuất năng lượng từ nước, dòng chảy và gió”. Cụm từ “quyền chủ quyền” cho thấy các quyền của quốc gia đối với EEZ là đặc quyền. Đó là thuật ngữ tương tự được sử dụng liên quan đến chế độ thềm lục địa và được sử dụng để làm rõ rằng Quốc gia ven biển không có chủ quyền đối với EEZ nhưng có tất cả các quyền khác cần thiết và liên quan đến việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.

Hiện tại, hoạt động khảo sát và nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế cũng là nguyên nhân gây ra một số lo ngại và tranh luận về việc liệu các hoạt động này có được phép và hợp pháp khi tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế hay không. Điều này cũng xuất phát từ việc thiếu vắng một cách giải thích thống nhất về các thuật ngữ như “khảo sát”, “khảo sát thủy văn”, “nghiên cứu khoa học” trong UNCLOS.

Trên thực tế, đã có sự khác biệt trong việc nội luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động khảo sát trong EEZ của các quốc gia. Một số quốc gia quy định việc yêu cầu cấp phép đối với bất kỳ hoạt động khảo sát nào được tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia họ.

Trung Quốc đã đưa ra một định nghĩa rất rộng về “nghiên cứu khoa học biển” trong đó bao gồm cả hoạt động khảo sát mà theo đó các quốc gia phải tuân theo quy định của quốc gia ven biển trong EEZ. Một số quốc gia khác như Hoa Kỳ cho rằng việc yêu cầu phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển phụ thuộc vào mục đích của cuộc khảo sát. Đồng thời cho rằng không cần thiết phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển đối với các cuộc khảo sát thủy văn hoặc quân sự vì đây là một phần của “các mục đích sử dụng  vùng biển quốc tế hợp pháp khác liên quan đến quyền tự do biển cả” được trao cho các quốc gia khác trong EEZ.

Vì sự thiếu vắng các định nghĩa cụ thể được quy định trong UNCLOS nên rất khó để phân biệt các hoạt động khảo sát thủy văn và khảo sát quân sự có phải là một phần của hoạt động khảo sát biển và nghiên cứu khoa học biển hay không, và thẩm quyền của quốc gia ven biển cũng như các quốc gia bên ngoài đối với các hoạt động này như thế nào? Trước hết, để làm rõ nội hàm của vấn đề nghiên cứu khoa học biển và khảo sát biển, cần làm sáng tỏ được lịch sử hình thành và phát triển của vùng đặc quyền kinh tế trong luật pháp quốc tế.