HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (Kỳ III)

17/03/2018

HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (Kỳ III)

(tiếp theo)

3.3. Không áp dụng và thi hành hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên.
Tuy nhiên không phải để đảm bảo tính nhân đạo và tính khoan hồng thì cần phải bãi bỏ hình phạt tử hình, mà cần phải rà soát, đánh giá thấu đáo xét trong từng trường hợp,từng tội danh cụ thể để có một cách nhìn khái quát và toàn diện để áp dụng hình phạt tử hình một cách có hiệu quả nhất. Tại Điều 40 của Bộ luật hình sự 2015 có quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử” và “Không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên” đây được coi là một trong những điểm mới của Bộ luật hình sự nhận được nhiều ý kiến trái chiều của Đại biểu quốc hội cũng như của nhân dân.
Trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào được gọi là “người đủ 75 tuổi trở lên”.
Ví dụ: Nguyễn Văn A sinh ngày 10/7/1941. Do mâu thuẫn cá nhân A đã dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người B, làm B tử vong tại chổ. Hành vi của A cấu thành tội giết người.
Trường hợp 1: A thực hiện hành vi giết B vào ngày 11/7/2015
Trường hợp 2: A thực hiện hành vi giết B vào ngày 11/7/2016
Với 2 trường hợp trên thì trường hợp 2 phù hợp với quy định “người đủ 75 tuổi trở lên”. Vì đối với trường hợp 1, tuy A đã qua tuổi 74 tức mới chỉ là “từ 75 tuổi trở lên” nên nếu A thực hiện hành vi vào ngày 11/7/2015 thì A không được áp dụng quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự 2015.
Sỡ dĩ điều luật này nhận được nhiều phản hồi như vậy là bởi các nguyên nhân:
Thứ nhất, pháp luật là để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên ở nước ta, thời gian qua mặc dù Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt các chủ trương, biện pháp công tác vừa mang tính chiến lược, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách, huy động tốt hơn sức mạnh của cả toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp. Nếu quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử” và “Không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên” dẫn đến hệ quả tội phạm sẽ lợi dụng người đủ 75 tuổi trở lên tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn; tiến hành các hoạt động khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng khác mà không sợ bị áp dụng hình phạt tử hình. Quy định này là một kẽ hở lớn trong pháp luật hình sự để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, trước đây, người sống 75 tuổi là hiếm, song ngày nay rất phổ biến. Người 75 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí tuệ, sự chênh lệch so với tuổi thấp hơn nhưng không nhiều. Thực tế, nhiều nước trên thế giới ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nước ta cũng thế. Họ còn có thể là những người cầm đầu các tổ chức tội phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền, giết người, hiếp dâm... Như, vụ án Lê Đức Mỹ, 82 tuổi, trú tại thành phố Tây Ninh, phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng , hay vụ án Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam Định phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của bị cáo …Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là người trên 75 vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và nếu nhân đạo quá với tội phạm thì sẽ vô nhận đạo với xã hội nên cần phải cân nhắc kỹ.
Thứ ba, đã là pháp luật thì mọi công dân phải bình đẳng, không nên có sự ưu tiên. Một câu hỏi đặt ra, tại sao lại được miễn trừ án tử hình với người đủ 75 tuổi và như vậy có đảm bảo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Hiến pháp hay không ? Và nếu xảy ra trường hợp một người 74 tuổi phạm tội ác phải nhận án tử hình, nhưng một người 75 tuổi phạm tội ác gây hậu quả lớn hơn nhiều so với người 74 tuổi lại được miễn án tử hình, như thế sẽ rất bất cập. Bên cạnh đó “Cần phải đặt vấn đề ngược lại, người già nói chung hay 75 tuổi trở lên là người có vốn sống lớn, hiểu biết xã hội sâu sắc, có kinh nghiệm ứng xử, theo lẽ thường họ càng không được phạm tội. Đằng này nếu xảy ra trường hợp người 75 tuổi trở lên phạm vào tội ác có khung hình phạt tử hình như tội “giết người”, “hiếp dâm trẻ em”, “buôn bán ma túy”... lại được miễn hình phạt tử hình là không phù hợp với đạo lý
Thứ tư, đối với quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án đủ 75 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của Nhà nước, tước đi quyền quan trọng và thiêng liêng của con người, đó là quyền sống. Vì vậy việc áp dụng hình phạt này cần phải căn cứ vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của đất nước. Ở nước ta, tử hình vẫn được coi là hình phạt cần thiết và phải có nhằm trừng trị những người phạm tội để giữ nguyên kỉ cương phép nước, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy cần phải xem xét việc bỏ hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên có phải là một trong những điểm mới, điểm tiến bộ của Bộ luật hình sự 2015 hay không? Hay đây chính là kẻ hở của pháp luật để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
3.4. Đánh giá tác động của việc áp dụng các quy định về hình phạt tử hình và đề xuất một số kiến nghị
3.4.1. Đánh giá tác động
Tác động tích cực:
- Số lượng các tội danh không quy định hình phạt tử hình giảm tương đối nhiều, 7 tội danh. Đồng thời, Điều 40 BLHS 2015 cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong thực tiễn. Như vậy đã giảm một cách khá toàn diện cả về số lượng điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình của BLHS cũng như chặt chẽ cả về điều kiện áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chủ trương cải cách tư pháp, tinh thần của Hiến pháp 2013.
- Việc giảm hình phạt tử hình trên thực tiễn và trong quy định của BLHS thể hiện rõ quan điểm và thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia các cam kết quốc tế về quyền con người. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác. Với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh đã quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, thể hiện sự thận trọng cần thiết trong việc lựa chọn bỏ hay giữ lại hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể trên tinh thần bảo đảm sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa yêu cầu bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền sống theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung cũng như yêu cầu đối với từng loại tội phạm cụ thể nói riêng.
- Về điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, cụ thể là tách Điều 194 BLHS và tách khung hình phạt của một số điều còn quy định hình phạt tử hình. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đấu tranh tội phạm, do đó, sẽ góp phần hạn chế một cách tích cực việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế.
Tác động tiêu cực:
Thời gian gần đây các tội phạm về an ninh quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta; nhất là đối với tội phạm về tham nhũng, ma túy, hiếp dâm, giết người, cướp tài sản. Trong những vụ phạm tội này, người phạm tội đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước từ các vụ tham nhũng, nhiều gia đình tan nát vì vướng phải ma túy, nhiều trẻ em bị khủng hoảng suốt đời vì bị hiếp dâm... đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, gây ra nhiều tội phạm đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội. Đơn cử như vụ án ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, xảy ra vào ngày 4/7/2012 tại Sơn La được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Trong vụ án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã thu giữ 89 bánh hêrôin và 33.800 viên ma túy tổng hợp, 1 kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể. Đối với những vụ án này để phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả thì không thể không duy trì hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt.
Trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà tội phạm còn tồn tại và tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống yên bình của bất kỳ thành viên nào trong xã hội thì hình phạt tử hình tồn tại là rất hiệu quả. Chúng ta hãy hình dung đối với một người phạm tội đặc biệt nguy hiểm nhưng không bị áp dụng hình phạt tử hình. Ở trong trại giam, người này có thể đe dọa về tính mạng cho những phạm nhân khác. Đó là chưa kể người này thoát khỏi sự kiểm soát của trại giam, cả cộng đồng đặt trong một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Kể cả khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt (tù chung thân mà được giảm án), và một ngày họ sẽ được trở về. Khi đó những người từng làm chứng chống lại họ, những đối thủ của họ, thậm chí cả những người đã từng xét xử họ… sẽ không có được cuộc sống yên ổn vì lo âu, sợ hãi, sợ một ngày nào đó bị trả thù.
Quy định bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh là một kẽ hở lớn trong pháp luật hình sự để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
3.4.2. Đề xuất kiến nghị
Để góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời đảm bảo tính nhân đạo sâu sắc, thể hiện là một đặc ân của Nhà nước, tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, khi loại bỏ hình phạt tử hình với một loại tội nào đó, thông thường đó là hình phạt tù chung thân không được giảm án, chứ không phải là hình phạt tù chung thân thông thường;
Thứ hai, khi xóa bỏ một loại hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng đối với một loại tội phạm nào đó thì cũng phải đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, chứ không được làm có tính chất cục bộ. Đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ này không chỉ liên quan đến hình phạt chính mà bao hàm cả hình phạt bổ sung.
Thứ ba, đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước cũng cần có những quy định bỏ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên cần phải cần rà soát, đánh giá thấu đáo xét trong từng trường hợp,từng tội danh cụ thể, đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và gây ra hậu quả lớn, nguy hiểm cho xã hội thì cần phải áp dụng hình phạt tử hình dù ở độ tuổi nào nhằm răn đe, giáo dục mọi người.
Thứ tư, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử thì nên coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, điểm o khoản 1 Điều 51 cần được chỉnh sửa như sau:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
... “o) Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”.
Chế định hình phạt tử hình là một trong những chế định quan trọng của pháp luật hình sự, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà hình phạt tử hình trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia. Do vậy, chủ trương hoàn thiện pháp luật về hình phạt tử hình và hạn chế phạm vi của hình phạt tử hình là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với xu thế của thế giới và tình hình của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm nào cần có sự cân nhắc thận trọng và cần dựa vào tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đó để loại bỏ một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

---------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2013), “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Hà Nội
2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam,(2015), “Bộ luật Hình sự”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Hà Nội
3. Bộ Chính trị, (2005), “Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”
4. Báo đời sống và pháp luật, Chân dung cụ ông 82 tuổi giết vợ.
http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/chan-dung-cu-ong-85-tuoi-giet-vo-vi-chuyen-chan-goi-a36472.html
5. Dương Phan, Cụ ông 82 tuổi hiếp dâm trẻ em, lãnh án 14 năm tù.
http://thanhnien.vn/thoi-su/phap-luat/cu-ong-82-tuoi-hiep-dam-tre-em-lanh-an-14-nam-tu-347591.html
6. Ngọc Lương, Đề xuất bỏ án tử hình với người đủ 75 tuổi trở lên là không hợp lý.
http://danviet.vn/phap-luat/de-xuat-bo-an-tu-hinh-voi-nguoi-75-tuoi-tro-len-khong-hop-ly-629934.html
7. Trịnh Quốc Toản, hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt nam.
http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=29
8. Đồng Xuân Thuận, Có nên miễn án tử hình cho người phạm tội.
http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/co-nen-mien-an-tu-hinh-cho-nguoi-pham-toi-tren-75-tuoi-a106744.html