HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (Kỳ I)

14/01/2018

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong suốt chiều dài lịch sử cuộc đấu tranh vì quyền con người, nhân đạo xuất hiện như một giá trị xã hội đích thực, cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng  và vững chắc của nền kinh tế, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, nhu cầu của con người về các quyền tự do, công bằng, bình đẳng, dân chủ, bác ái và đặc biệt là nhân đạo luôn là niềm khát vọng cháy bỏng, ngày càng thực sự trở thành mục tiêu đấu tranh của con người. Bởi là giá trị cực kì quan trọng, nhân đạo thể hiện mạnh mẽ, rõ nét trong pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc nhân đạo trở thành một nguyên tắc quan trọng trong toàn bộ chủ trương, đường lối của Đảng và trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là hiện nay khi chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải kịp thời hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng nhằm đảm bảo tính khoan hồng và nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Trước yêu cầu nói trên pháp luật về thi hành án tử hình đã không ngừng thay đổi và hoàn thiện để phù hợp với tính nhân đạo và phù hợp với mục đích răn đe, giáo dục của hình phạt này. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người, đảm bảo tính khoan hồng và nhân đạo theo tinh thần Hiến pháp[1] và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp[2] và để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, Bộ luật hình sự 2015[3] đã bỏ  hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: 1) cướp tài sản; 2) phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; 3) chống mệnh lệnh; 4) đầu hàng địch; 5) phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; 6) chống loài người; 7) tội phạm chiến tranh và quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử” và “Không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên” (Điều 40).

  1. NHẬN THỨC CƠ BẢN VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

2.1. Khái niệm và đặc điểm của hình phạt  tử hình

Khái niệm hình phạt được quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

Hình phạt tử hình là một loại hình phạt truyền thống, có từ lâu đời. Thuật ngữ hình phạt tử hình có tên tiếng Anh là “death penalty” hay là “capital punishment”. Capital có nguồn gốc từ tiếng Latin là capitalis, trong đó có gốc của từ kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có nghĩa là hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp dụng sẽ bị mất đầu, tức là tước bỏ quyền sống của một người. Trong tiếng Pháp hình phạt này có tên  “peine de mort” hay còn gọi là “peine capitale”; trong tiếng Đức nó có tên gọi là“todesstrafe”[4].

Trong Luật hình sự Việt Nam “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định” (Điều 40 BLHS 2015). Từ định nghĩa này cho thấy hình phạt tử hình có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất - tước đoạt mạng sống của người phạm tội, không một hình phạt nào trong hệ thống hình phạt có khả năng này. Hình phạt tử hình tước bỏ quyền được sống - quyền năng tự nhiên, thiêng liêng, cao quý nhất của con người. Áp dụng tử hình đối với người phạm tội, loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong đời sống xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng.

Thứ hai, tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong BLHS. Chỉ khi hành vi phạm tội gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội, người phạm tội ở vào các trường hợp được BLHS dự liệu trước, cùng với bản án có hiệu lực của Tòa án, việc áp dụng tử hình mới có giá trị pháp lý thực tế.

Thứ ba, hình phạt tử hình không đặt ra mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án. Tuy nhiên, tử hình vẫn đạt được mục đích phòng ngừa riêng của nó khi loại bỏ khả năng phạm tội mới của người bị kết án. Và mục đích phòng ngừa chung khi có tác dụng răn đe mạnh mẽ, ngăn ngừa những cá nhân không vững vàng trong xã hội đi vào con đường phạm tội. Xuất phát từ điểm này chúng ta có thể thấy hình phạt tử hình luôn có tính chất không thể thay đổi. Bởi nếu ở những hình phạt khác, thì khi phát hiện có oan sai, chúng ta vẫn có thể khắc phục được hậu quả. Nhưng người bị kết án tử hình thì sau đó dù có chứng minh được người đó hoàn toàn vô tội thì cũng không làm cách nào để họ có thể sống lại để tiếp tục cuộc sống mà họ đáng được có.

Thứ tư, quy định về hình phạt tử hình trong BLHS vẫn phù hợp với nguyên tắc nhân đạo vì hình phạt này tuy tước đi quyền sống của người phạm tội nhưng để bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng, loại trừ nguy cơ đe dọa cộng đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng hình phạt tử hình chỉ được áp dụng với một số loại tội danh, và loại trừ đối tượng bị tử hình là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

2.2.  Mục đích của hình phạt tử hình

Mục đích của hình phạt tử hình là sự phản ánh rõ nét bản chất xã hội, bản chất giai cấp của hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng. Trước đây, nếu các nhà làm luật quan niệm người phạm tội là kẻ đã gây ra tội ác và ác giả ác báo, phải trừng trị thích đáng thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng hình phạt tử hình. Các hình thức thi hành hình phạt tử hình trong trường hợp đó cũng dã man, tàn khốc hơn, thể hiện mục đích “trả thù” người phạm tội. Dần dần các quan điểm tiến bộ, nhân đạo về hình phạt tử hình đã thay thế nên tuy vẫn duy trì ở đa số các nước nhưng hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với người phạm tội như là biện pháp cuối cùng và nghiêm khắc nhất để “trừng trị” họ.

Điều 31 BLHS năm 2015 quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”. Tuy nhiên, đối với hình phạt tử hình thì không đặt ra mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án. Vì họ không còn cơ hội để sửa chữa, khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Không có cơ hội cải tạo, giáo dục họ trở thành người tốt.

Sự nghiêm khắc và triệt để của hình phạt tử hình cho thấy mục đích phòng ngừa riêng, ngăn ngừa người bị kết án phạm tội mới. Bởi các nhà làm luật xét thấy rằng người phạm tội bị kết án tử hình là những người không thể cải tạo, giáo dục, không còn khả năng tái hòa nhập với xã hội. Việc loại bỏ hoàn toàn khả năng tái phạm với mức độ nguy hiểm cao là cần thiết hơn cả. Tuy nhiên, có thể thấy tác dụng răn đe, phòng ngừa chung của hình phạt tử hình trong việc ngăn ngừa các thành viên khác trong xã hội không phạm tội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một trong những định hướng Bộ luật hình sự lần này là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 mà một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình.

2.3. Mục đích của việc hạn chế hình phạt tử hình

Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng theo Hiến pháp năm 2013

Một trong những quyền tự nhiên thiêng liêng nhất của con người là quyền sống. Tinh thần này được thể hiện rõ trong Công ước về quyền chính trị và dân sự mà nước ta là thành viên. Hiến pháp năm 1992 khẳng định rõ, ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng (Điều 50) và công dân được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 71). Đến Hiến pháp năm 2013 thì các quyền con người được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn, đầy đủ hơn, theo đó, ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 14). Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã có một điều riêng để ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, theo đó,“mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" (Điều 19).

Thứ hai, đáp ứng yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó liên quan trực tiếp đến quyền sống phải kể đến Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước về Quyền trẻ em năm 1989. Theo các điều ước này, quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng phải được các quốc gia tôn trọng và bảo vệ bao gồm cả các quyền cần được đảm bảo bởi pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Đặc biệt, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã đưa ra những nguyên tắc cụ thể định hướng cho việc áp dụng cũng như thi hành hình phạt tử hình ở những quốc gia mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ.

Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập, tội phạm không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà nó đã mang tính quốc tế, xuyên quốc gia. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là một yêu cầu tất yếu. Việc giảm dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình cũng là một trong những điều kiện để góp phần tạo thuận lợi cho sự hợp tác này.

Hiện nay trên thế giới có 94/193 quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, trong đó có 7 quốc gia chỉ xử tử hình trong các trường hợp đặc biệt (tội phản quốc, thảm sát hàng loạt...): Kazakhstan, Israel, El Salvador, Brazil, Chile, Peru và Fiji. Nhiều quốc gia trong số này trong một khoảng thời gian khá lâu chưa có một vụ xử tử hình nào được thi hành, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... Quốc gia có số vụ tử hình đứng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ... Trong đó có 11 quốc gia vẫn tồn tại hình phạt treo cổ song song với xử bắn: Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Iraq, Liban, Israel, Jordan và Ai Cập. Đặc biệt duy nhất Ả Rập Saudi là quốc gia duy nhất vẫn còn giữ hình thức xử tử công khai bằng cách chặt đầu. Có 6 quốc gia áp dụng hình thức tiêm thuốc độc thay cho xử bắn: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (không phải thành viên của Liên Hiệp Quốc), Hoa Kỳ và Guatemala. Một số bang tại Hoa Kỳ cho tù nhân được chọn giữa hai hình thức tử hình: ghế điện hay tiêm thuốc độc

Hoàng Thị Quyên- Đại học Duy Tân

---------------------------------------------------

[1] Theo chương II Hiến pháp 2013 về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”

[2] Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

[3] Theo Bộ luật hình sự 2015

[4] TS Trịnh Quốc Toản, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Hình phạt tử hình trong Luật hình sự  Việt Nam- Một số kiến nghị hoàn thiện

https://wikiluat.com/2016/03/02/hinh-phat-tu-hinh-trong-luat-hinh-su-viet-nam-mot-so-kien-nghi-hoan-thien/