HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN BIỂN
HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN BIỂN
THE LEGAL SYSTEM AND POLICIES OF VIETNAM ON MARINE SPATIAL PLANNING
Trần Thị Kim Nguyên
Lê Thị Xuân Phương
Tóm tắt: Quy hoạch không gian biển là một phương thức quản lý biển mới, đã được áp dụng rộng rãi với nhiều mô hình thành công ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, quy hoạch không gian biển cũng đang được áp dụng mở rộng trên hầu hết các tỉnh thành ven biển của Việt Nam. Hệ thống pháp luật và chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động quy hoạch không gian biển. Hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam từ trung ương đến địa phương về cơ bản là tương đối dày dặn tuy nhiên vẫn còn chưa tương xứng với vị thế của một quốc gia biển như Việt Nam. Bài tham luận tập trung phân tích hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam trong công tác quy hoạch không gian biển; chỉ ra những thành tựu và hạn chế của hệ thống pháp luật và chính sách này; để từ đó bài tham luận đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như các điều kiện đảm bảo cho sự hiệu quả của công tác quy hoạch không gian biển Việt Nam.
Từ khóa: Hệ thống pháp luật, chính sách, Việt Nam, Quy hoạch không gian biển
Abstract: Marine spatial planning is a new way of managing the sea, which has been widely applied in many successful models in many countries around the world. Currently, marine spatial planning has been extended to most coastal provinces and cities of Vietnam. Legal system and policies play a very important role in marine spatial planning. The current legal system and policies of Vietnam from the central to the local level is relatively dense but still not commensurate with the status of a maritime country like Vietnam. This paper focuses on analyzing Vietnam's legal system and policies in marine spatial planning; presenting the achievements and shortcomings of this legal system and policies. Therefrom, this paper proposes some solutions to improve the legal corridor as well as conditions to ensure the effectiveness of marine spatial planning in Vietnam.
Keywords: Legal system, policy, Vietnam, marine spatial planning
1. Tổng quan về quy hoạch không gian biển ở Việt Nam
Quy hoạch không gian biển (marine spatial planning) là một thuật ngữ vẫn còn tương đối mới mẻ với các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và chỉ mới xuất hiện trên thế giới khoảng hơn 15 năm gần đây. Theo thống kê của Chương trình Quy hoạch không gian biển (marine spatial planning programme) do UNESCO phối hợp với Ủy ban Hải dương liên chính phủ, trên toàn thế giới có khoảng 70 quốc gia đã thực hiện Quy hoạch không gian biển.
Theo định nghĩa của Chương trình Quy hoạch không gian biển (marine spatial planning programme) do UNESCO phối hợp với Ủy ban Hải dương liên chính phủ: “Quy hoạch không gian biển là một quá trình, có tính chất công vụ, phân tích và phân bổ không gian và thời gian cho các hoạt động của con người trên các vùng biển nhằm đạt được các mục tiêu về sinh thái, kinh tế và xã hội đã được xác định thông qua một quá trình chính trị”.
Còn theo định nghĩa của Luật Quy hoạch 2017 tại khoản 3 Điều 3: “Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Thêm vào đó, Điều 3 Luật Quy hoạch 2017 cũng đưa ra định nghĩa cho các thuật ngữ “quy hoạch” và “quy hoạch tổng thể quốc gia” . Qua đó thấy rằng, quan điểm của nhà làm luật Việt Nam về cơ bản cũng giống như quan điểm chung của thế giới về quy hoạch không gian biển trên 03 phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy hoạch không gian biển là hoạt động của cơ quan công quyền. Không gian biển có đặc thù là không thể bị chiếm hữu bởi riêng một cá nhân, tổ chức nào mà không gian biển chỉ có thể được xác định thuộc về chủ quyền hoặc quyền chủ quyền và được đặt dưới sự quản lý thống nhất của một quốc gia theo nguyên tắc “đất thống trị biển”. Ngoài ra, quốc gia còn có một số quyền nhất định trong không gian biển cả và đáy đại dương theo quy định của luật biển quốc tế. Đại diện cho mỗi quốc gia trong khai thác, quản lý và sử dụng không gian biển chính là nhà nước cùng với hệ thống các cơ quan công quyền. Do đó, việc quy hoạch không gian biển thuộc về thẩm quyền của quốc gia và được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước.
Thứ hai, quy hoạch không gian biển gắn liền với hoạt động phân vùng chức năng. Bản chất của quy hoạch không gian biển chính là việc điều phối tất cả các hoạt động của con người trên không gian biển. Đây là hai hoạt động mối liên hệ tương hỗ với nhau: phân vùng chức năng là một công cụ dựa vào đó quy hoạch không gian biển sẽ được xây dựng chi tiết hơn, bao gồm cả việc xác định về tính pháp lý cho việc sử dụng và quản lý từng phân vùng cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng không gian biển theo các lộ trình khác nhau. Phân vùng chức năng được coi là công cụ đầu tiên của chu kỳ quy hoạch không gian biển được rút kinh nghiệm từ quy hoạch sử dụng đất rồi áp dụng vào phân vùng chức năng không gian biển.
Thứ ba, quy hoạch không gian biển có mục đích là làm hài hòa mối quan hệ giữa ba trụ cột môi trường – kinh tế – xã hội. Trên phương diện này, quy hoạch không gian biển đóng vai trò như một biện pháp thực hiện phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Quản lý tổng hợp biển theo không gian là phương thức quản lý mới không thay thế quản lý đơn ngành và quản lý theo vấn đề mà nối kết, điều chỉnh các hoạt động phát triển của các ngành nhằm đạt được một sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như làm giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích trong việc sử dụng đa ngành/ đa mục tiêu tài nguyên biển. Từ thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay, các quốc gia đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chăm lo cho cuộc sống của con người bên cạnh việc phát triển kinh tế. Quy hoạch không gian biển như là một quy trình tất yếu để đáp ứng yêu cầu của việc phát triển bền vững.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện quy hoạch không gian biển. Một là, không gian biển thuộc quyền tài phán rộng lớn (khoảng một triệu km vuông trên Biển Đông). Hai là, biển Việt Nam tương đối phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng về địa chất địa mạo. Ba là, mâu thuẫn giữa các ngành nghề, giữa các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ biển ở Việt Nam tuy tồn tại đã lâu nhưng vẫn còn nằm trong giới hạn có thể điều tiết được thông qua thực hiện quy hoạch không gian biển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện quy hoạch không gian biển. Một là, không gian biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông tuy rộng lớn nhưng bị nước ngoài tranh chấp và cản trở. Hai là, hoạt động khai thác và sử dụng biển của phần lớn người dân Việt Nam tồn tại có dưới dạng tập quán và truyền thống, việc điều chỉnh bằng quy hoạch cần phải có thời gian dài cùng với chính sách hỗ trợ, xử lý vi phạm triệt để, nghiêm minh thì mới có thể thay đối. Ba là, hiệu quả làm việc của hệ thống các cơ quan công quyền ở Việt Nam còn chưa cao, trong khi đó, hiệu quả của quy hoạch không gian biển lại phụ thuộc phần lớn vào năng lực điều hành quản lý của hệ thống các cơ quan này.
Bên cạnh đó, phân vùng sử dụng biển và vùng bờ biển là một vấn đề mới và khó đối với Việt Nam do sự phức tạp về các hệ thống không gian biển và bờ biển có thể được tóm tắt ở 4 lĩnh vực sau: a) Tính động về mặt vật lý của môi trường biển cùng với sự di cư của các nguồn cá và sinh vật biển, b) năng lực tổng hợp về môi trường và sinh thái biển và các nguồn tài nguyên trong không gian ba chiều, c) các đặc điểm chung, sử dụng đa ngành và lợi thế cạnh tranh của các tài nguyên biển và vùng bờ luôn luôn tạo ra nhu cầu (đôi khi mâu thuẫn) sử dụng không gian cho những hoạt động phát triển của con người, và d) sự tương tác giữa đất liền-biển/ đại dương ở các vùng bờ biển và giữa các hệ thống tài nguyên biển nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phân vùng sử dụng biển lâu dài, quy hoạch sử dụng đất hiện tại, cũng như cơ chế chính sách và thể chế quản lý biển và bờ biển như hiện nay khó có thể điều chỉnh.
Mặc dù cho đến nay [tháng 11/2018], tất cả 28 tỉnh thành giáp biển của Việt Nam đều đã ban hành một số văn bản quy hoạch không gian biển. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế cùng hiệu quả mang lại từ việc quy hoạch không gian biển chưa đồng đều. Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng là ba tỉnh thành đi đầu trong việc quy hoạch không gian biển. Năm 2004, kế hoạch phân vùng chức năng tầm nhìn 2030 của Thành phố Đà Nẵng với sự hỗ trợ của PEMSEA (Partnership for Environmental Management of Seas of East Asia) cũng là một điểm sáng trong quy hoạch không gian biển ở Việt Nam. Năm 2007, kế hoạch phân vùng sử dụng không gian ở vùng bờ biển Hạ Long cũng được thực hiện với 3 nhóm vùng và 15 tiểu vùng không gian trong khuôn khổ dự án NOAA-IUCN-Việt Nam. Năm 2013, Thành phố Hải Phòng đang cho triển khai Dự án “Quy hoạch không gian biển thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050”, v.v… Việt Nam có đến 28 tỉnh thành giáp biển nhưng chỉ mới có 8 tỉnh thành ven biển thực hiện quy hoạch không gian biển. Điều đó cho thấy, quy hoạch không gian biển Việt Nam vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, cùng với việc Luật Quy hoạch 2017 bắt đầu có hiệu lực, quy hoạch không gian biển Việt Nam nhiều khả năng sẽ sớm được hoàn thiện hơn.
2. Chính sách pháp luật hiện hành của Việt Nam về quy hoạch không gian biển
Hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến quy hoạch không gian biển đã được ban hành rộng khắp từ trung ương đến địa phương.
Ở cấp độ Trung ương, có thể kể đến các văn bản luật tiêu biểu như: Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo Việt Nam năm 2015; Luật quy hoạch năm 2017; trong đó, Luật Quy hoạch năm 2017 với nhiều quy định cụ thể và chi tiết về quy hoạch không gian biển như lấp vào chỗ trống còn thiếu trong hệ thống pháp luật và chính sách về quy hoạch không gian biển của Việt Nam. Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã chỉ rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quy trình, nội dung, … của hoạt động quy hoạch không gian biển. Luật này cũng quy định về các vấn đề quản lý, thực thi, kiểm soát, … hoạt động quy hoạch không gian biển nhằm tạo một cơ chế quản lý và thực hiện đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, hai nghị quyết liên quan đến chiến lược biển của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ghi nhận đến phương pháp quản lý tổng hợp và sau đó là quản lý biển theo không gian. Cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ban hành ngày 09/02/2007 chỉ mới bước đầu đề cập đến việc quản lý tổng hợp biển thông qua nội dung định hướng nhiệm vụ và giải pháp rằng “triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh” và “nghiên cứu, đề xuất về cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển”. Đến Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 22/10/2018, quy hoạch không gian biển đã được đề cập đến như là một chủ trương lớn và là một khâu đột phá: “Quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển”.
Một số nghị định tiêu biểu liên quan đến quy hoạch không gian biển gồm: Nghị định 161/2003/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới biển; Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; …
Một số thông tư tiêu biểu liên quan đến quy hoạch không gian biển gồm: Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 về lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; …
Ngoài ra, một số văn bản pháp quy có liên quan đến quy hoạch không gian biển đáng chú ý gồm: Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 17/1/22014; Quyết định 1517/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/08/2014; Quyết định 1517/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/8/2014; Công văn 2613/VPCP-KTTH về quy hoạch, thành lập Khu kinh tế ven biển do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 27/04/2011; Công văn 6588/BGTVT-KHĐT Quy hoạch phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam ngày 15/10/2007; Công văn 2613/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc quy hoạch, thành lập các Khu kinh tế ven biển ngày 27/4/2011; Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/07/2015; …
Đối với quy hoạch không gian biển ở cấp độ vùng, có thể kể đến một số văn bản tiêu biểu như: Quyết định 158/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 865/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 10/7/2008; Công văn 8774/BGTVT-KHĐT quy hoạch cảng biển thuộc địa phận các Tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày 2/12/2008; Quyết định 865/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 10/07/2008; Quyết định số 18/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020 ngày 3/2/2009; Quyết định 423/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/04/2012; Quyết định 2295/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 2369/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 29/7/2016; Quyết định 2368/QĐ-BGTVT quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 29/7/2016; Quyết định 2370/QĐ-BGTVT quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 29/7/2016; …
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương của 28 tỉnh thành có biển của Việt Nam đều đã ban hành một số văn bản liên quan đến quy hoạch không gian biển, cụ thể:
(1) Ở Quảng Ninh: Nghị quyết số 68/2012/NQ-HĐND về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 ngày 12/12/2012; Quyết định số 1588/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 ngày 28/7/2014; Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 04/07/2014; Quyết định số 3296/2015/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ninh ngày 20/10/2015; Quyết định số 4209/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 15/12/2016; Nghị quyết 90/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 13/12/2017; Quyết định số 199/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 23/1/2018; …
(2) Ở Hải Phòng: Quyết định số 1448/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 16/9/2009; Công văn 3292/BNN-TCTS bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển cấp quốc gia Bạch Long Vỹ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 26/09/2012; Quyết định số 210/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt đề án Quy hoạch không gian biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 15/02/2012; Quyết định số 821/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ngày 6/7/2018; Quyết định 821/QĐ-TTg quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ngày 6/7/2018; Quyết định 535/QĐ-TTg 2018 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 15/5/2018; …
(3) Ở Thái Bình: Quyết định số 3167/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Bình đến năm 2020 ngày 31/12/2012; Quyết định số 1573/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020 ngày 8/7/2014; …
(4) Ở Nam Định: Quyết định số 2701/QĐ-UBND quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 31/12/2014; Quyết định số 1730/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thủy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 01/8/2017; …
(5) Ở Ninh Bình: Quyết định 555/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt bổ sung Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ngày 26/4/2016; Quyết định 1798/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ngày 22/12/2017; …
(6) Ở Thanh Hóa: Quyết định 4294/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn ngày 26/10/2015; Quyết định 2525/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 ngày 17/7/2017; …
(7) Ở Nghệ An: Nghị quyết 244/2008/NQ-HĐND thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 ngày 20/12/2008; Quyết định 6000/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành ngày 31/12/2008; Kế hoạch số 159/KH-UBND, Bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo tỉnh Nghệ An năm 2016 ngày 22/3/2016; Quyết định 3699/QĐ-BGTVT năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và sau năm 2030 do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 29/12/2017; …
(8) Ở Hà Tĩnh: Quyết định 904/1997/QĐ-TTg về việc phê duyệt định hướng quy hoạch chung Khu công nghiệp - cảng biển Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/20/1997; Quyết định 3095/QĐ-UBND năm 2016 điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch biển Lộc Hà, tỷ lệ 1/2.000 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành ngày 30/10/2016; …
(9) Ở Quảng Bình: Quyết định 31/2006/QĐ-UBND ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch tại Khu công nghiệp cảng biển Hòn La do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành ngày 27/6/2006; Quyết định số 2865/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 ngày 18/13/2013; …
(10) Ở Quảng Trị: Quyết định 79/2006/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Dịch vụ - Du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt đến 2015 có tính đến năm 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành ngày 23/11/2006; Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Dịch vụ - Du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Vịnh Mốc đến năm 2015 có tính đến 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành ngày 25/12/2007; …
(11) Ở Thừa Thiên – Huế: Quyết định số 2293/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ Thừa Thiên – Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 5/12/2012; Quyết định 628/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 ngày 3/4/2013; …
(12) Ở Đà Nẵng: Quyết định 2536/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết TL 1/500 Khu dân cư dọc tuyến thoát nước Thọ Quang - Biển Đông do thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 23/4/2014; Quyết định 6117/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Sơ đồ điều chỉnh ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án mở rộng khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa thành phố Đà Nẵng ngày 8/9/2016; …
(13) Ở Quảng Nam: Quyết định số 113/QĐ-UBND phê duyệt xây dựng vùng tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020 – 2030 ngày 10/1/2014; Quyết định số 494/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 16/2/2017; …
(14) Ở Quảng Ngãi: Kế hoạch 98/KH-UBND quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018-2022 ngày 6/7/2018; …
(15) Ở Bình Định: Quyết định 870/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/5/2016; Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 ngày 22/7/2016; …
(16) Ở Phú Yên: Quyết định 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung tỉnh Phú Yên; …
(17) Ở Khánh Hòa: Quyết định 2972/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khu bến cảng Đầm Môn (phía Bắc vịnh Vân Phong) thuộc cảng biển Khánh Hòa giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 5/8/2014; …
(18) Ở Ninh Thuận: quyết định 244/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ngày 2/10/2013; …
(19) Ở Bình Thuận: Nghị quyết số 47/NQ-HĐND thông qua quy hoạch phân bố và bảo vệ tài nguyên dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận ngày 6/4/2018;
(20) Ở Bà Rịa – Vũng Tàu: Kế hoạch số 50/KH-UBND khảo sát xác định phạm vi khu vực biên giới biển, khu vực hạn chế hoạt động, vùng cấm trong khu vực biên giới biển và vị trí, số lượng các loại biển báo trong khu vực biên giới theo thông tư 162/2016/TT-BQP ngày 16/6/2017; …
(21) Ở Thành phố Hồ Chí Minh: Công văn 9285/VPCP-KTN quy mô lập Quy hoạch phân khu Khu vực ven biển Cần Giờ 2016 ngày 28/10/2016; …
(22) Ở Tiền Giang: Nghị quyết 64/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 12/12/1013; Quyết định 870/QĐ-UBND năm 2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 10/4/2015; …
(23) Ở Bến Tre: Quyết định số 2943/QĐ-UBND phê duyệt đề cương dự án "Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030"; …
(24) Ở Trà Vinh: Quyết định 487/QĐ-UBND năm 2017 về kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày 31/3/2017; Nghị quyết số 61/2018/NQ-HĐND quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 4/5/2018; …
(25) Ở Sóc Trăng: Quyết định phê duyệt Quy hoạch không gian tổng hợp ven bờ (ISP) huyện Cù Lao Dung ngày 28/12/2016; …
(26) Ở Bạc Liêu: Nghị quyết 04/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành ngày 22/09/2011; Nghị quyết 20/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 6/12/2013; …
(27) Ở Cà Mau: Quyết định 896/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 30/6/2015; …
(28) Ở Kiên Giang: Công văn số 271/TCBHĐVN-QLKT về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thống nhất với việc xây dựng và thực hiện "Dự án Phân vùng chức năng khai thác, sử dụng vùng biển và ven biển tỉnh Kiên Giang" ngày 21/4/2015; …
Ngoài hệ thống pháp luật và chính sách quốc gia, một số điều ước quốc tế có liên quan đến quy hoạch không gian biển mà Việt Nam đã là thành viên gồm: Công ước Ramsar về Các vùng đất ngập nước có thầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước năm 1971; Công ước về Bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992; … Trong đó, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có vai trò là tiền đề trong việc tiếp cận biển và đại dương theo không gian, phân định các vùng biển thành từng vùng có quy chế pháp lý khác nhau.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tiến hành hợp tác quốc tế trong công tác quy hoạch không gian biển, có thể kể đến các chương trình hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như:
Một là, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ cho ngành thuỷ sản Việt Nam dự án “Nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền vững” với tổng kinh phí là 117 triệu USD;
Hai là, quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở các vùng biển Đông Á với sự hỗ trợ của PEMSEA;
Ba là, dự án trợ cấp nhỏ của Sida về quản lý khu dự trữ sinh quyển vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng;
Bốn là, dự án Việt Nam – Hà Lan về Quản lý Tổng hợp Đới bờ (ICZM) từ 2000-2005 với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hà Lan và đã tổ chức được 3 nghiên cứu trình diễn ở các tỉnh ven biển: Nam Định (Miền Bắc), Thừa Thiên- Huế (Miền Trung) và Bà Rịa -Vũng Tàu (Miền Nam);
Năm là, dự án Việt Nam - Trung tâm nghề Cá Thế giới về hỗ trợ quản lý tổng hợp ven biển cho Việt Nam (2005-2006), tập trung vào viêc xây dựng cẩm nang tập huấn về quản lý tổng hợp ven biển cho các tỉnh duyên hải Việt Nam;
Sáu là, dự án Việt Nam - Hoa Kỳ về xây dựng năng lực quản lý tổng hợp ven biển cho Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ, do NOAA-Hoa Kỳ và IUCN tài trợ. Dự án được thực hiện từ năm 2003 với 3 pha, và pha III về phân vùng sử dụng không gian và quy hoạch quản lý ở vùng bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng (2011 - 2013);
Bảy là, từ 2011 – 2013, trong khuôn khổ của các hoạt động COBSEA, dự án Sida-COBSEA-UNEP về “Quy hoạch Không gian Vùng bờ - Phòng chống Thiên tai và Phát triển Bền vững” ở các vùng biển Đông Á.
3. Thành tựu và hạn chế của hệ thống pháp luật và chính sách Việt Nam về quy hoạch không gian biển
3.1. Thành tựu của hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về quy hoạch không gian biển
Xác định quy hoạch không gian biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một nền kinh tế hướng ra biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của Tổ quốc, Việt Nam đã bước đầu tiến hành quy hoạch không gian biển tại khắp 28 tỉnh, thành giáp biển. Mặc dù phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian đối với Việt Nam vẫn còn rất mới, tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý về quy hoạch không gian biển, được thể hiện thông qua số lượng và các cấp độ ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật và chính sách về quy hoạch không gian biển Việt Nam nhiều về số lượng, đủ các cấp độ từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, tạo một hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động quy hoạch không gian trên toàn bộ đường bờ biển của Việt Nam. Tất cả 28 tỉnh thành ven biển của Việt Nam đều có ban hành văn bản triển khai quy hoạch không gian biển.
Thứ hai, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về quy hoạch không gian biển bao hàm yếu tố đa ngành, đa lĩnh vực, phản ánh đúng đặc thù của biển là không gian hoạt động của nhiều ngành nghề (multi-use).
Thứ ba, Luật Quy hoạch năm 2017 đã thể hiện được vai trò trung tâm của mình khi bổ sung vào điều còn thiếu của chính sách pháp luật Việt Nam hiện hành về quản lý và quy hoạch biển, nâng tầm các quy định về quy hoạch không gian biển ở Việt Nam thành một hệ thống có tính thống nhất về mặt quản lý nhà nước và nối kết giữa chiến lược với các kế hoạch, dự án, chương trình hành động; tổ chức không gian phát triển ổn định lâu dài và phân bổ, sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, các vùng lãnh thổ và từng địa phương.
Thứ tư, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về quy hoạch không gian biển có chú trọng đến việc học tập và hợp tác quốc tế. Phương thức quản lý biển theo không gian cũng mới bắt đầu xuất hiện trên thế giới trong khoảng 15 năm, Việt Nam cũng đã tiếp nhận và triển khai quản lý biển theo phương thức này ở một số thành phố biển trong khoảng hơn 10 năm. Trong thời gian đó, Việt Nam đã và đang tham gia vào các điều ước quốc tế, các dự án quốc tế về quy hoạch không gian biển, đây là minh chứng cho thấy sự chủ động và tích cực trong chính sách và pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực này.
3.2. Một số hạn chế của hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về quy hoạch không gian biển
Mặc dù có đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận nhưng hệ thống pháp luật và chính sách Việt Nam về quy hoạch không gian biển và thực tiễn triển khai vẫn chưa đem lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng và vị thế của một quốc gia biển như Việt Nam. Cụ thể là:
Thứ nhất, Luật Quy hoạch 2017 chỉ mới được Quốc hội thông qua vào ngày 24/11/2017, và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 (trừ các quy định của về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018); do đó, cho đến hiện tại, hiệu lực hiệu quả của việc thực thi các quy định liên quan đến quy hoạch không gian biển vẫn chưa đi vào trong thực tiễn. Luật Quy hoạch 2017 vẫn cần có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành thì mới có thể phát huy hiệu lực của mình.
Thứ hai, vẫn chưa có một cơ chế, mô hình quản lý tổng hợp thực sự hiệu quả không gian biển Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đang là cơ quan cao nhất về quản lý biển và hải đảo ở Việt Nam. Tuy nhiên, với vị trí là một Tổng cục trực thuộc Bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý tổng hợp không gian biển Việt Nam, đặc biệt là khó có thể tác động đến một số hoạt động khai thác và sử dụng không gian biển thuộc thẩm quyền của Bộ khác. Bên cạnh đó, thẩm quyền và nhiệm vụ cụ thể của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đối với công tác quy hoạch không gian biển vẫn chưa được quy định rõ. Điều này tạo một khoảng trống về sự điều hành và quản lý của một cơ quan đầu mối trong công tác quy hoạch không gian biển.
Thứ ba, hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch không gian biển hiện tại chưa có cơ chế khắc phục sự thiếu đồng đều trong năng lực quản lý của các chính quyền địa phương. Một số tỉnh thành có trình độ phát triển cao như Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm và trình độ quy hoạch cao hơn so với một số tỉnh nghèo ven biển khác. Theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, theo đó năng lực điều hành quản lý của chính quyền địa phương vẫn chưa được tính đến và tạo cơ chế hỗ trợ các tỉnh có năng lực còn hạn chế.
Thứ tư, nhiều quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật và chính sách Việt Nam về quy hoạch không gian biển chưa đủ điều kiện để thực hiện. Đơn cử như quy định về phân luồng giao thông, thiết lập tuyến hàng hải trong lãnh hải phục vụ cho tàu thuyền đi qua không gây hại, quy định này đã có từ năm 2012 tại Điều 25 Luật Biển Việt Nam 2012 và được cụ thể hóa trong Nghị định 146/2013/NĐ-CP [nay được thay thế bằng Nghị định 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam (có hiệu lực vào ngày 01/4/2018)] tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hải đồ chính thức phân luồng giao thông và công bố tọa độ của các tuyến hàng hải theo đúng quy định.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam về quy hoạch không gian biển
Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện hệ thống pháp luật và chính sách Việt Nam về quy hoạch không gian biển hiện hành, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần rà soát và hiệu chỉnh các quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng phù hợp với các quy định về quy hoạch không gian biển trong Luật Quy hoạch 2017 vừa mới có hiệu lực một phần.
Quy hoạch cần phải có một khuôn khổ hành chính và pháp lý thích hợp để triển khai thực hiện. Do vậy, quy hoạch được tích hợp thì các luật, văn bản pháp quy liên quan cũng phải có tính tích hợp. Với trường hợp ở Việt Nam, thì các văn bản Luật liên quan đến quy hoạch về các lĩnh vực, ngành, lãnh thổ cần phải được sửa đổi để phù hợp với điều kiện mới.
Trong Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về Quản lý tổng hợp tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển ban hành năm 2009, thuật ngữ “quy hoạch sử dụng biển” mới được đưa vào một cách dè dặt với tên gọi “quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo”. Đến khi Luật Biển Việt Nam năm 2012 ra đời, quy hoạch sử dụng biển, đảo đã được hiểu trong nội hàm của thuật ngữ “phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển” quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Biển Việt Nam 2012. Cho đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 thì thuật ngữ “quy hoạch sử dụng biển” được chính thức sử dụng và được quy định cụ thể về nội dung cũng như trình tự lập quy hoạch. Vì vậy, vấn đề cấp thiết được đặt ra là việc hài hòa và thống nhất các quy định có liên quan đến quy hoạch không gian biển đã có và các quy định mới trong Luật Quy hoạch 2017.
Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy, quy định kỹ thuật, quy trình công nghệ về điều tra cơ bản về biển và các quy chuẩn cụ thể về quy hoạch không gian biển cũng như việc sử dụng các kết quả nghiên cứu về khoa học công nghệ biển của các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong công tác quy hoạch không gian biển.
Thực trạng hiện nay cho thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình công nghệ còn rất thiếu, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức điều tra cơ bản làm giảm chất lượng kết quả điều tra; thêm vào đó, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu về điều tra cơ bản giữa các bộ, ngành còn nhiều hạn chế ảnh hưởng tới sự kế thừa tài liệu, dẫn đến nhiều nội dung điều tra bị chồng chéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Có thể thấy rằng cơ sở khoa học cho việc quy hoạch không gian biển đến từ việc nắm bắt được một cách toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của không gian biển nhất định; trong đó các kết quả từ việc điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch không gian biển Việt Nam cần bổ sung quy định về việc sử dụng hiệu quả tối đa kết quả nghiên cứu từ các chương trình, dự án đề tài các cấp liên quan đến khoa học công nghệ biển, các kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra, Việt Nam cần quản lý thống nhất được các số liệu về điều tra cơ bản biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương nhằm hạn chế việc nhiều dự án bị trùng lặp về phạm vi và nội dung; gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Thứ ba, mở rộng phạm vi quy hoạch không gian biển ra toàn bộ các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) để đảm bảo phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của Việt Nam trên các vùng biển.
Theo quy định hiện nay, phạm vi của quy hoạch không gian biển còn hạn chế, chỉ trong phạm vi vùng biển cách bờ biển 06 hải lý. Theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg thì phạm vi vùng bờ phần đất liền bao gồm tất cả các quận, huyện, thị xã ven biển; phần biển bao gồm vùng biển ven bờ cách bờ 6 hải lý trở vào. Còn theo Quyết định số 2295/QĐ-TTg thì phạm vi vùng bờ phần biển gồm vùng biển ven bờ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có ranh giới ngoài cách bờ khoảng 6 hải lý; phần đất liền gồm các xã, phường và thị trấn giáp biển của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Giới hạn không gian trên có thể được điều chỉnh, mở rộng tùy thuộc vào năng lực và nhu cầu quản lý của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Với quy định như vậy thì Việt Nam chỉ có quy hoạch một không gian biển rất nhỏ so với một triệu km vuông vùng biển thuộc quyền tài phán trên Biển Đông. Điều này sẽ cản trở Việt Nam phát huy hết các tiềm năng phát triển về biển. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược thực hiện quy hoạch không gian biển trên toàn bộ các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ vùng biển của Việt Nam đang bị nước ngoài tranh chấp. Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh chống lại phương án phân vùng chức năng biển (MFZ) của Trung Quốc trên cái gọi là vùng biển chủ quyền quốc gia trên Biển Đông từ năm 2002 và 2008.
Ngoài việc kiện toàn về hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch không gian biển, một số điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện quy hoạch không gian biển một cách hiệu quả cũng cần được chú trọng như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả điều phối và quản lý của của các cơ quan đầu mối về quy hoạch không gian biển
Có thể nói, quy hoạch không gian biển là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt về phương pháp và kỹ năng quy hoạch. Cho nên, để quy hoạch không gian biển thực sự được áp dụng hiệu quả và trở thành một công cụ mạnh trong quản lý nhà nước về biển, vùng ven biển và hải đảo thời gian tới, cần phải sớm xác định và thể chế hóa về thực hiện quy hoạch không gian biển ở nước ta, trước hết là cơ quan đầu mối quốc gia về quy hoạch không gian biển. Bên cạnh đó, phải xác định vai trò và thể chế hóa sự tham gia vào quá trình quy hoạch không gian biển của các bên liên quan, bao gồm cộng đồng người dân trong hoặc lân cận vùng quy hoạch.
Về cơ cấu tổ chức, ở cấp trung ương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã được thành lập 10 năm; ở cấp địa phương, đến nay đã có 26/28 tỉnh ven biển thành lập Chi cục Biển và Hải đảo (trừ Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng cục Biển và Hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý về biển ở địa phương đều trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Như đã phân tích, Điều này khó đảm bảo các cơ quan này thực hiện tốt chức trách về việc điều phối các hoạt động khai thác và sử dụng biển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về quy hoạch không gian biển để hình thành một cơ quan có vị trí pháp lý đủ tầm, đủ mạnh là một vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Thứ hai, tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian biển
Vì quy hoạch không gian biển ở Việt Nam còn là vấn đề khá mới mẻ, do đó, đội ngũ cán bộ quản lý biển hiện tại chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu của công tác quy hoạch không gian biển. Để khắc phục hiện trạng này, Việt Nam cần chú trọng các việc sau:
Một là, xây dựng các tài liệu pháp lý và kỹ thuật để hướng dẫn về quy hoạch không gian biển, để tập huấn và đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ của cơ quan có thẩm quyền quy hoạch và quản lý quy hoạch; khuyến khích các trường, viện lồng ghép quy hoạch không gian biển vào chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo lại cán bộ liên quan, bên cạnh đó phải chú trọng tuyển dụng các cá nhân đã được đào tạo chính quy và bài bản về quản lý biển có đủ năng lực và trình độ;
Hai là, tiếp tục hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tuyển dụng các cá nhân có đủ trình độ và năng lực đã được đào tạo bài bản về quy hoạch không gian biển - lực lượng “tiên phong” áp dụng quy hoạch không gian biển trong tương lai, tạo bước đột phá trong quản lý phát triển và bảo tồn tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo của đất nước.
Ba là, tổng kết các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt về quy hoạch không gian biển và quản lý biển theo không gian trên thế giới, trong khu vực và ở trong nước để có nhiều thông tin thực tế cho các cán bộ quản lý, người ra quyết định phát triển, các giáo viên và học viên liên quan có điều kiện tham khảo kịp thời.
Bốn là, xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách một cách minh bạch hướng đến việc đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển, quy hoạch không gian biển. Trong điều kiện nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng đủ về năng lực chuyên môn thì các cơ quan hữu quan có thể mời chuyên gia từ các nước đã thực hiện thành công quy hoạch không gian biển hỗ trợ Việt Nam và tích cực hơn nữa trong việc hợp tác quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chu Phạm Ngọc Hiển (2013), “Quy hoạch không gian biển - Công cụ thực hiện quản lý nhà nước tổng hợp về biển ở Việt Nam”, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo: Nguyễn Chu Hồi và nnk (2013), Kỷ yếu Hội thảo Áp dụng Quy hoạch Không gian biển và Vùng bờ ở Việt Nam - Cách tiếp cận Quản lý dựa vào hệ sinh thái, Gland, Thụy Sĩ: IUCN;
- Đỗ Thị Trinh (2016), “Tổng quan về Quy hoạch không gian biển”, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo, [http://www.vasi.gov.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tong-quan-ve-quy-hoach-khong-gian-bien/t708/c304/i251];
- Luật số: 21/2017/QH14, “Luật Quy hoạch”, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ban hành ngày 24/11/2017; hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.
- Msp.ioc-unesco.org (2018), “MSP Around the Globe”, [http://msp.ioc-unesco.org/world-applications/overview/];
- Nguyễn Chu Hồi (2013), “Thực trạng áp dụng quy hoạch không gian biển ở Việt Nam”, bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo: Nguyễn Chu Hồi và nnk (2013), Kỷ yếu Hội thảo Áp dụng Quy hoạch Không gian biển và Vùng bờ ở Việt Nam - Cách tiếp cận Quản lý dựa vào hệ sinh thái, Gland, Thụy Sĩ: IUCN;
- Nguyễn Chu Hồi (2018), “Quản lý tổng hợp biển”, Bài giảng lớp Cao học Luật Biển và Quản lý Biển Khóa 23, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 14/4/2018;
- Nguyễn Chu Hồi (2014), “Quy hoạch không gian biển và ven biển: nhu cầu của Việt Nam”, Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, [http://ttbiendao.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=9947d0ee-3733-4e2a-b209-432a96f92fd3];
- Nguyễn Chu Hồi, Bùi Thị Thu Hiền, Nguyễn Thùy Anh, Trần Minh Hằng, Katie Jacob (2013), “Kỷ yếu Hội thảo Áp dụng Quy hoạch Không gian biển và Vùng bờ ở Việt Nam - Cách tiếp cận Quản lý dựa vào hệ sinh thái”, Gland, Thụy Sĩ: IUCN, [https://www.mangrovesforthefuture.org/assets/Repository/Documents/KY-YEU-VN-22.01.2014-VN-FINAL.pdf];
- Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Thị Ngọc Hoàn, Nguyễn Hoàng Hà (2014), “Quy hoạch không gian biển – công cụ quản lý mới trong khai thác, sử dụng biển và vùng bờ biển”, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, [http://www.vista.vn/LinkClick.aspx?fileticket=k_bAAV-Hg74%3D&tabid=152&language=vi-VN];
- Nguyễn Thạch Đăng (2018), “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh - quốc phòng trong tình hình mới”, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, [http://www.vasi.gov.vn/707/dieu-tra-co-ban-tai-nguyen-moi-truong-bien-va-hai-dao-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-an-ninh-quoc-phong-trong-tinh-hinh-moi/t708/c247/i1166].