Giao kết hợp đồng thương mại
Tiếp theo nội dung về hợp đồng thương mại, tuần này chúng ta sẽ tìm hiểu về giao kết hợp đồng thương mại. Pháp luật thương mại điều chỉnh hợp đồng thương mại không có quy định riêng đối với giao kết hợp đồng thương mại nên vấn đề này sẽ áp dụng quy định chung của BLDS 2015 về giao kết hợp đồng.
1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại
Như đã trình bày, về nguyên tắc hợp đồng thương mại vẫn áp dụng cơ bản các quy định của BLDS 2015 để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng. Do đó, các nguyên tắc trong BLDS 2015 để điều chỉnh hợp đồng dân sự thì cũng chính là các nguyên tắc để điều chỉnh hợp đồng thương mại. Theo đó, khi thực hiện việc giao kết hợp đồng thương mại phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái với các quy định của luật cũng như đạo đức xã hội
Đây là nguyên tắc được thể hiện trong hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng, các bên được quyền thể hiện ý chí, có quyền giao kết hay không giao kết hợp đồng, có quyền đưa ra các điều khoản khác trong hợp đồng để hai bên đàm phán. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản trong hợp đồng không được trái với các quy định của luật cũng như liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội.
Thứ hai, các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải tự nguyện, thiện chí, trung thực và trên cơ sở hai bên đều có lợi
Mục đích cuối cùng của các bên tham gia vào hợp đồng thương mại là nhằm tìm kiếm lợi nhuận nên các chủ thể phải tiến hành đàm phán về những điều khoản sao cho có lợi cho mình nhất. Tuy nhiên, về tính sinh lợi giữa các chủ thể phải dựa vào sự trung thực, tự nguyện và thiện chí không được bên nào đe dọa hoặc dùng những hoạt động khác như lừa dối, cưỡng ép bên kia để giao kết hợp đồng, không được bên nào đe dọa hoặc dùng những hoạt động khác như lừa dối, cưỡng ép bên kia để giao kết hợp đồng. Một trong các trường hợp để tuyên bố hợp đồng vô hiệu đó chính là sự lừa dối, đe dọa cũng như các hoạt động khác dẫn đến việc giao kết hợp đồng trái ý muốn của bên kia nên các bên phải xem xét về giá trị tính trung thực, phải thiện chí nhằm hướng đến tìm kiếm lợi nhuận cho các bên.
2. Thủ tục giao kết hợp đồng
Thứ nhất, đề nghị giao kết hợp đồng thương mại
Đề nghị giao kết hợp đồng có bản chất là hoạt động pháp lý đơn phương của một chủ thể, có nội dung bày tỏ ý định giao kết hợp đồng với chủ thể khác theo những điều kiện xác định. Tại khoản 1 Điều 386 BLDS 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”. Đề nghị giao kết hợp đồng được hiểu là một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng với các bên còn lại, với mong muốn xác lập một hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng là một phần của quá trình ký kết hợp đồng.
Chủ thể đề nghị có quyền gửi đề nghị đến một hay nhiều chủ thể mà mình mong muốn giao kết, bên đề nghị có quyền đưa ra một thời gian cụ thể để bên được đề nghị biết được thời điểm có hiệu lực của đề nghị. Nếu trong trường hợp lời đề nghị không ghi rõ về thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực của đề nghị được tính từ ngày bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Căn cứ xác định bên được đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng là: (i) đề nghị được chuyển đến nơi cư trú (bên được đề nghị là cá nhân) hoặc trụ sở của bên được đề nghị (trường hợp bên được đề nghị là pháp nhân); (ii) đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị; (iii) bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.
Trong quá trình chờ đợi kết quả chấp nhận đề nghị của bên được đề nghị, người đề nghị có quyền rút lại đề nghị nếu trong đề nghị có nêu rõ quyền rút lại đề nghị hoặc bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị, lúc này thì đề nghị sẽ không có giá trị pháp lý.
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: (i) bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận; (ii) hết thời hạn trả lời chấp nhận; (iii) thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; (iv) thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực; (v) theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Thứ hai, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thương mại
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thương mại là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Điều kiện này đòi hỏi bên được đề nghị phải chấp nhận toàn bộ, tuyệt đối và vô điều kiện đối với những nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng cuối cùng. Trong trường họp bên được đề nghị đưa ra chấp nhận nhưng có sửa đổi hoặc bổ sung so với đề nghị giao kết thì chấp nhận đó có thể được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng mới do bên được đề nghị đưa ra. Hợp đồng chỉ chính thức được giao kết khi mà một bên chấp nhận toàn bộ và trọn vẹn tất cả các nội dung trong đề nghị giao kết của bên kia mà không đưa ra thêm bất kỳ sửa đổi hoặc bổ sung nào. Theo Điều 394 BLDS 2015, thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định khác nhau trong các trường hợp sau:
Một là, nếu trong trường hợp bên đề nghị có ấn định về thời hạn trả lời thì việc trả lời chỉ có hiệu lực trong thời hạn mà đề nghị đã nêu. Nếu quá thời hạn đó mà bên nhận đề nghị mới trả lời việc chấp nhận đề nghị thì việc trả lời chấp nhận đề nghị đó được xem là lời đề nghị mới, và bên đề nghị có quyền từ chối hoặc chấp nhận việc trả lời đồng ý của bên được đề nghị. Nếu vì lý do khách quan, sự kiện bất khả kháng mà việc chấp nhận đề nghị đến trễ so với thời hạn mà bên đề nghị biết hoặc phải biết thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Tuy nhiên trên thực tế, để chứng minh đó là sự kiện bất khả kháng và buộc bên đề nghị phải biết gặp rất nhiều khó khăn, nếu vấn đề chứng minh không minh bạch, rõ ràng thì vấn đề xảy ra tranh chấp là không tránh khỏi.
Hai là, đối với trường hợp bên đề nghị trực tiếp trao đổi với nhau bằng lời nói, bằng điện thoại thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có hay không việc chấp nhận đề nghị đó, nếu các bên thống nhất về thời gian trả lời thì bên đề nghị cũng có quyền rút lại lời đề nghị trong thời gian hẹn trả lời. Tuy nhiên, việc rút lại đề nghị phải đến trước hoặc cùng thời điểm với thông báo trả lời chấp nhận đề nghị của bên được đề nghị.
Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. Trong trường hợp chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thông qua sự im lặng, pháp luật quy định rằng về nguyên tắc sự thỏa thuận của các bên phải được thể hiện ra bên ngoài, do vậy sự im lặng không được đương nhiên hiểu là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng
Về nguyên tắc chung, hợp đồng thương mại được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Theo khoản 3 Điều 400 BLDS 2015, thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Theo khoản 4 Điều 400 BLDS 2015, đối với hợp đồng giao kết bằng văn bản, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. BLDS 2015 không quy định là các bên cần ký vào cùng một văn bản và do vậy có thể suy luận là các bên có thể ký vào cùng một bản hoặc ký vào nhiều bản khác nhau của hợp đồng. Trên thực tế, nếu các bên giao kết trực tiếp và ký vào chung một bản của hợp đồng thì các bên thông thường ký vào hợp đồng trong cùng một ngày; nếu các bên ký vào nhiều bản khác nhau của hợp đồng thì các bên thông thường ký hợp đồng vào các ngày khác nhau (ví dụ khi các bên ở các địa điểm và múi giờ khác nhau) và hợp đồng được giao kết vào ngày bên cuối cùng ký vào hợp đồng.
Đối với trường hợp hợp đồng được giao kết bằng phương thức đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thì thời điểm giao kết là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Như trình bày ở trên, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.