ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN BÍ MẬT ĐỜI TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

17/03/2018

ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN BÍ MẬT ĐỜI TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Đời tư và bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và bất khả xâm phạm. Đây là quyền nhân thân gắn liền với mỗi công dân. Pháp luật nước ta có những quy định về quyền bí mật đời tư không chỉ trong BLDS mà còn đề cập trong một số văn bản pháp luật quốc tế và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Quản lý thuế…cao nhất là được ghi nhận trong Hiến Pháp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đảm bảo quyền bí mật đời tư của cá nhân.

Quyền bí mật đời tư được ghi nhận trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Để hiểu rõ hơn về quyền bí mật đời tư tôi đã chọn đề tài “Đánh giá quy định về Quyền bí mật đời tư theo quy định Bộ luật dân sự 2015”.

Theo Điều 38 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định về quyền bí mật đời tư như sau:

 “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

  1. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  2. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

  1. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

  1. Khái niệm bí mật đời tư

Pháp luật hiện hành của nước ta chưa quy định thế nào là bí mật đời tư hoặc liệt kê những vấn đề cụ thể được coi là bí mật đời tư. Do đó, dựa theo tinh thần của Điều 38 BLDS năm 2015 chúng ta có thể hiểu một cách khái quát về bí mật đời tư như sau: Bí mật đời tư của một cá nhân là các thông tin, tài liệu nói về những điều thầm kín riêng tư của cá nhân mà người đó không muốn tiết lộ cho người khác biết. Có thể dựa vào các tiêu chí sau đây để làm căn cứ xác định một thông tin, tài liệu có phải là bí mật đời tư hay không:

Thứ nhất, thông tin, tài liệu đó phải nói về thuần túy cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân. Đây là yếu tố thể hiện rõ nhất tính “đời tư” của cá nhân. Mỗi người đều có một cuộc sống về cả thể chất lẫn tinh thần riêng, không hề có ai giống ai. Bất cứ ai cũng không thể xâm phạm cũng như tác động thay đổi đời sống cá nhân của những người khác. Tuy nhiên, việc biết và lan truyền những thông tin về cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân của người khác lại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những người đó. Nó thể hiện ở việc làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của cá nhân thậm chí dẫn đến thái độ kỳ thị của xã hội đối với cá nhân đó. Điển hình như việc công khai thông tin về việc người khác thuộc giới tính thứ 3 trong hoàn cảnh xã hội còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, thậm chí là kỳ thị sẽ làm cho người bị công khai thông tin có thể bị xa lánh, tách khỏi xã hội.

Thứ hai, những thông tin, tài liệu này không bắt buộc phải công khai cho mọi người biết. Khi nói tới cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân, ta có thể hiểu rằng đó là những bí mật liên quan đến một cá nhân, một chủ thể mà cá nhân, chủ thể đó không muốn để cho ai biết. Những điều thầm kín, riêng tư này có thể được thể hiện ra thông qua hình thức các thông tin, các tài liệu như nhật ký, những bức thư kể cả đó là email. Những cá nhân này có những biện pháp giữ gìn những thông tin, tài liệu đó không để những người khác biết được. Chủ nhân của những thông tin, tài liệu này không có nghĩa vụ phải công khai bất cứ thứ gì liên quan cũng như chính những thông tin, tài liệu này. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính bí mật cũng như tính “đời tư” của cá nhân. Cá nhân hoàn toàn có quyền quyết định tới việc có công khai hay không đời sống riêng tư của mình.

Thứ ba, việc giấu kín những thông tin, tài liệu này không làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, của xã hội và của cá nhân khác. Lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội là lợi ích của chung, được đảm bảo hơn quyền lợi của cá nhân. Việc cá nhân giấu kín những thông tin, tài liệu liên quan đến đời sống cá nhân của chính họ mà ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội, lợi ích của nhà nước thì sẽ không được bảo vệ. Việc xem xét yếu tố này là hoàn toàn phù hợp, pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân, những tài liệu và thông tin bí mật của cá nhân chỉ khi những thông tin, tài liệu đó là hợp pháp, mà tính hợp pháp được xem xét đầu tiên dựa trên việc không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bất kỳ chủ thể nào khác đặc biệt là nhà nước và xã hội.

  1. Nội dung quyền bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 BLDS 2015

Bí mật đời tư của cá nhân là một trong những đối tượng của quyền nhân thân mang đậm màu sắc của quyền con người. Bảo vệ quyền đối với bí mật đời tư đã bắt đầu xuất hiện từ thời pháp luật phong kiến, nhưng chỉ đến thời kì pháp luật tư sản, với sự thắng lợi của tư tưởng dân chủ và quyền con người, vấn đề này mới được quy định một cách rõ ràng như một nguyên tắc của luật dân sự. Tuy vậy, ngay cả trong thời đại hiện nay, ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và cả phong tục tập quán, phạm vi rộng, hẹp của khái niệm “bí mật đời tư” cũng như mức độ bảo vệ của pháp luật cũng khác nhau.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật cho phép thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân nhưng với điều kiện là phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc này và còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Những trường hợp được phép công bố thông tin về bí mật đời tư nêu trên có thể là việc cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa được phép sưu tầm, cho công bố dưới đạng sách, báo, phim tài liệu, báo cáo khoa học,… những thông tin, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của một doanh nhân nào đó, trong đó có thể có những tình tiết, sự kiện thuộc về bí mật đời tư của vị doanh nhân đó. Tuy nhiên khi công bố bí mật đời tư của cá nhân trong trường hợp này luôn phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, trong đó có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm tại Điều 34 BLDS năm 2015.

Thư tín, điện thoại, điện tín, email và nói chung là những phương tiện liên lạc của cá nhân, là những “kênh” thông tin rất quan trọng và trong đó có chứa nhiều thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân. Vì vậy pháp luật của các quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng cũng đã quy định về việc bảo vệ thư tín, điện thoại, điện tín khá nghiêm ngặt. Ở nước ta, nguyên tắc bảo vệ thư tín, điện thoại, điện tín còn trở thành một nguyên tắc hiến định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Hành vi vi phạm quy định trên đây của Hiến pháp cũng như vi phạm Khoản 3 Điều 38 BLDS năm 2015 có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 BLHS năm 2015 với tội danh “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”.

Thư tín, điện tín nói ở khoản 3 Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng như các điều luật khác kể trên bao gồm thư tín, điện tín đang trong quá trình chuyển từ người gửi đến người nhận và những thư tín, điện tín đã nhận xong, đọc xong của người có thư vẫn đang cất giữ không cho người khác biết. Thư tín cũng bao gồm những thư điện tử được truyền qua mạng thông tin máy tính.

Trong trường hợp người có điện thoại, điện tín, thư tín (gồm cả người nhận và người gửi) đang liên quan đến vụ án hình sự, nếu thấy cần thiết cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát, thu giữ điện thoại, điện tín, thư tín để phục vụ chó hoạt động điều tra. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau đây tôi đưa ra một ví dụ về xâm phạm bí mật đời tư và có nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này.

* Tài sản “khủng” của ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Ngày 15/1/2014, báo Người cao tuổi số 9 (1326) có đăng bài “Về kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)” có dẫn ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ “cắt giảm” hơn 6.000 tỉ đồng vi phạm. Ngày 21/1/2014  báo tiếp tục đăng bài trên số 12 (1329) “Kí kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP cắt giảm những khoản gì trong vi phạm của EVN cần xử lí?”.

Báo đã dẫn ra rằng ông Ngô Văn Khánh đã kê khai (nhưng không dẫn được nguồn): ông và gia đình sở hữu các bất động sản gồm hai ngôi nhà và một mảnh đất. Hai nhà được nói là của ông đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đều đã xây 5 tầng: nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, và nhà thứ hai diện tích 248m2 đất. Còn mảnh đất của ông Ngô Văn Khánh rộng tới 1.800m2, nằm trong khuôn khổ dự án Mê Linh gần đền Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giá đất tại Mê Linh trong thời điểm hiện nay là 10 triệu – 15 triệu đồng/m2; có nghĩa riêng mảnh đất này đã có giá trị ít nhất 18 tỷ đồng. Ông Khánh còn có tài khoản trị giá trên 7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng VIB và nhiều cổ phiếu tại bốn ngân hàng và hai công ty khác. Báo cũng đăng kèm hình ảnh các ngôi nhà của ông Khánh.

Trước sức ép của dư luận, đại diện báo này cũng kiên trì lập luận báo chí đang đi theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 5 về phòng chống tham nhũng của Đảng và xuất phát từ nhiệm vụ của báo chí là giám sát và phản biện xã hội.

Được biết ông Ngô Văn Khánh, là Phó Tổng TTCP từ tháng 11/2011 với nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra khối kinh tế ngành, khối nội chính và kinh tế tổng hợp; công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; theo dõi, đề xuất chỉ đạo, điều phối, tổng hợp công tác thanh tra của thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Quan điểm về vụ việc này: Không đồng tình với cách đăng bài công khai của báo Người cao tuổi vì hành vi đó đã xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân. Bởi lẽ:

Một là, báo nêu chi tiết từng khoản kê khai tài sản của ông Khánh trong khi không dẫn được nguồn có được bản kê khai ấy từ đâu. Tức là thông tin này chưa có cơ sở khẳng định là đúng, là chính thức, với tốc độ lan truyền của thông tin trong kỷ nguyên công nghệ số chắc chắn hậu quả xảy ra sẽ không hề nhỏ, hơn nữa đây lại là một cán bộ cấp cao của Nhà nước.

Hai là, theo Khoản 2 Điều 38 BLDS báo đã đăng thông tin mà không có sự đồng ý của ông Khánh, cũng không được sự cho phép của cơ quan tổ chức có thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Thu nhập, tài sản của mỗi cá nhân là những vấn đề nhạy cảm, là những bí mật đời tư mà ít ai muốn tất cả công chúng đều biết. Ở đây phải chăng báo chí nhầm lẫn giữa 2 loại quyền tự do thông tin và quyền bí mật đời tư hay lợi dụng sự giao thoa của 2 quyền này để viện cớ vào tinh thần chống tham nhũng của Đảng can thiệp vào đời tư người dân nhằm mục đích khác.

Như vậy, các thông tin về tài sản của ông Khánh đã bị báo Người cao tuổi công khai hóa, xâm phạm bí mật đời tư của ông Khánh. Báo chí có quyền nhận diện, làm phanh phui các hành vi vi phạm nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật tránh hiện tượng xâm phạm bí mật đời tư nói riêng, các quyền nhân thân nói chung tràn lan như hiện nay.

Trên thế giới phần lớn những vụ kiện về việc vi phạm đời tư của người nổi tiếng đều được luật sư của các bên dàn xếp hòa giải và đền bù thiệt hại nếu việc vi phạm hoặc đưa tin không đúng sự thật được chứng minh là có  thật. Khoản đền bù mà các báo và tạp chí phải bỏ ra cho những vụ việc như thế này có thể lên tới hàng triệu đô la. Tuy nhiên, do lợi nhuận thu được từ việc đăng những tin như vậy rất lớn nên các báo và tạp chí chuyên về người nổi tiếng vẫn liên tiếp tái phạm lỗi này.

Ở nước ta hành vi xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân ngày càng lan rộng nhất là trong lĩnh vực báo chí. Hành vi đó đã vô tình làm mất đi “quyền được quên lãng dành cho những kẻ thủ ác và quyền được quên lãng dành cho những người bị hại”, khiến những người trước đây có bước đi sai lầm khó hòa nhập, làm lại cuộc đời, những người đã bị dằn vặt rất nhiều vì nỗi đau nào đó nay lại không thể quên.