0236.3650403 (128)

BÁN PHÁ GIÁ


 ThS. Mai Thị Mai Hương

Khoa Luật, Đại học Duy Tân

1. Bán phá giá là gì?
Bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được XK với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường nội địa nước XK. Như vậy có thể hiểu đơn giản là nếu giá XK của một mặt hàng thấp hơn giá nội địa của nó thì sản phẩm đó bị coi là bán phá giá. Ví dụ: lạc nhân của nước A bán tại thị trường nước A với giá (X) nhưng lại được XK sang nước B với giá (Y) (YBán phá giá có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, cụ thể là:
- Loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong nước, dẫn đến độc quyền thị trường.
- Giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Gây thiệt hại cho người tiêu dùng, do phải mua hàng hóa với giá cao hơn giá thị trường.
2. Tại sao bán phá giá?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bán phá giá trong thương mại quốc tế. Nhiều trường hợp cố tình bán phá giá nhằm đạt được những lợi ích nhất định như: Bán phá giá để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nước NK từ đó chiếm thế độc quyền; Bán giá thấp tại thị trường nước NK để chiếm lĩnh thị phần; Bán giá thấp để thu ngoại tệ mạnh... Đôi khi việc bán phá giá là việc bất đắc dĩ do nhà sản xuất, XK không bán được hàng, sản xuất bị đình trệ, sản phẩm lưu kho lâu ngày có thể bị hỏng... nên đành bán tháo để thu hồi vốn. Trong thương mại quốc tế, thuế chống bán phá giá có thể bị áp đặt mà không quan tâm đến lý do vì sao nhà sản xuất bán phá giá. Bán phá giá sang thị trường nước ngoài thường bị coi là một hiện tượng tiêu cực do nó làm giảm khả năng cạnh tranh về giá và thị phần của sản phẩm nội địa của nước NK. Tuy nhiên, bán phá giá có thể có tác động tích cực đối với nền kinh tế: người tiêu dùng được lợi vì giá rẻ; nếu hàng bị bán phá giá là nguyên liệu đầu vào của một ngành sản xuất khác, giá nguyên liệu rẻ có thể tạo nên sự tăng trưởng nhất định của ngành đó,... Vì thế không phải mọi hành vi bán phá giá đều bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Theo quy định của WTO, các biện pháp chống bán phá giá chỉ được thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định và phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Cụ thể, các biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng khi xác định được đủ ba điều kiện sau đây: Hàng NK bị bán phá giá; Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước NK bị thiệt hại đáng kể; Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng NK bán phá giá và thiệt hại nói trên.
3. Thuế chống bán phá giá?
Thuế chống bán phá giá là khoản thuế bổ sung bên cạnh thuế NK thông thường, đánh vào sản phẩm nước ngoài bị bán phá giá vào nước NK. Đây là loại thuế nhằm chống lại việc bán phá giá và loại bỏ những thiệt hại do việc hàng NK bán phá giá gây ra. Trên thực tế, thuế chống bán phá giá được nhiều nước sử dụng như một hình thức "bảo hộ hợp pháp" đối với sản xuất nội địa của mình. Để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng biện pháp này, các nước thành viên WTO đã cùng thoả thuận về các quy định bắt buộc phải tuân thủ liên quan đến việc điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá, tập trung trong một Hiệp định về chống bán phá giá của WTO - Hiệp định ADA.
4. Xác định bán phá giá
Một sản phẩm bị xem là bị bán phá giá nếu có giá XK thấp hơn giá thông thường.
Xác định bán phá giá
Giá thông thường (giá TT) - Giá XK = X (Nếu X > 0 thì có hiện tượng bán phá giá)
Giá xuất khẩu
Giá XK sử dụng để tính toán việc bán phá giá được tính theo một trong các cách sau:
1, Giá XK là giá trong hợp đồng XK;
2, Giá XK là giá bán sản phẩm liên quan cho người mua độc lập đầu tiên tại nước nhập khẩu; hoặc một trị giá tính toán theo những tiêu chí hợp lý do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Cách 1 là cách tính chuẩn và được ưu tiên áp dụng trước (trong các điều kiện thương mại thông thường và có hợp đồng XK). Chỉ khi không đáp ứng các điều kiện áp dụng cách 1 (khi không có giá XK hoặc khi giá XK không đáng tin cậy) thì giá XK mới được tính theo cách 2.
Giá thông thường
Giá TT sử dụng để xác định bán phá giá tính theo những cách sau:
Cách 1: Giá TT = giá bán tại thị trường nội địa nước XK của sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra (SPTT) với điều kiện: SPTT được bán tại nước XK trong điều kiện thương mại bình thường; SPTT phải được bán tại nước XK với số lượng đáng kể (5% số lượng sản phẩm bị điều tra xuất sang nước NK trừ trường hợp đặc biệt).
Cách 2: Giá TT = giá bán của SPTT từ nước XK sang một nước thứ ba nếu mức giá này có thể so sánh được và có tính đại diện.
Cách 3: Giá TT theo trị giá tính toán = Giá thành sản xuất + Các chi phí (gồm chi phí bán hàng, quản trị, chung) + Lợi nhuận hợp lý.
Cách 1 là cách tính được ưu tiên xem xét áp dụng trước trong tất cả các trường hợp. Chỉ khi không đáp ứng được các điều kiện để sử dụng cách 1 thì giá TT mới được tính theo cách 2 hoặc cách 3.
Trường hợp hàng hoá không xuất thẳng từ nước sản xuất sang nước NK mà được xuất sang một nước thứ ba (trung gian) trước khi vào nước NK, giá TT sẽ được xác định theo giá bán của SPTT tại thị trường nước trung gian đó. Tuy nhiên, giá TT vẫn có thể được xác định theo cách bình thường (như khi xuất trực tiếp) nếu: Sản phẩm chỉ đơn thuần chuyển qua cảng của nước thứ ba; hoặc nước thứ ba không sản xuất sản phẩm đó hoặc không có mức giá đem ra so sánh.
Đối với trường hợp nước XK có nền kinh tế phi thị trường, khi tính toán giá TT, nước NK được phép bỏ qua các cách tính bình thường và tự mình xác định một cách thức tính hợp lý. Thường thì cơ quan có thẩm quyền của nước NK, sau khi kết luận rằng nước XK có nền kinh tế phi thị trường, có thể sẽ bỏ qua các số liệu về chi phí, giá cả nội địa nước XK và chọn một nước thứ ba thay thế (dùng giá bán hoặc các chi phí sản xuất sản phẩm tại nước này) để tính giá TT của sản phẩm đang điều tra. Cách tính này có thể gây ra nhiều bất lợi cho các nhà sản xuất, XK do giá TT thường bị đội lên cao bởi: Cơ quan có thẩm quyền của nước NK có quyền tự do lựa chọn một nước thứ ba thay thế và giá cả ở nước này có thể khác xa giá cả tại nước XK do có các điều kiện, hoàn cảnh thương mại khác nhau; Các nhà sản xuất SPTT tại nước thứ ba được lựa chọn là đối thủ cạnh tranh của các Cty đang bị điều tra và vì thế họ có thể khai báo mức giá khiến kết quả so sánh giá XK với giá TT bất lợi cho những nhà sản xuất, XK của nước XK liên quan...
5. Biện pháp chống bán phá giá
Căn cứ Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định biện pháp chống bán phá giá:
- Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.
- Các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:
+ Áp dụng thuế chống bán phá giá;
+ Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.