0236.3650403 (128)

Việc phát tán hình ảnh “đường lưỡi bò” nhìn từ pháp luật quốc tế và Việt Nam


Tóm tắt

Kỷ nguyên số ra đời đã đánh dấu bước nhảy vọt từ các phương thức trao đổi thông tin truyền thống sang phương thức kỹ thuật hiện đại dưới sự hỗ trợ của internet và mạng máy tính. Nhờ sự phát triển nhanh chóng đó, thông tin được cập nhật nhiều hơn và việc tiếp cận thông tin của người dân dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính sự phát triển của kỷ nguyên số cũng là con dao hai lưỡi trong việc quản lý các nguồn thông tin đăng tải khi mà hành lang pháp lý về vấn đề này chưa thực sự rõ ràng. Đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay, việc đấu tranh không chỉ dừng lại ở các vấn đề trên thực địa và ngoại giao mà còn diễn ra trên cả mặt trận truyền thông và thông tin. Với lợi thế là một cường quốc của nền công nghiệp văn hóa, Trung Quốc đang tăng cường phát tán những thông tin thiếu chính xác về đường lưỡi bò trên nhiều kênh truyền thông đại chúng. Điều này đã làm cho các thông tin được truyền tải đến người dân bị nhiễu loạn, gây hiểu lầm nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế. Nhận thức được những tác động từ vấn đề trên, bài viết này tập trung làm rõ những ảnh hưởng và bất cập trong việc phát tán hình ảnh đường lưỡi bò (PTHAĐLB) tại Việt Nam hiện nay, cũng như phân tích khung pháp luật hiện hành của Việt Nam điều chỉnh vấn đề này. Bên cạnh đó, bài viết cũng nhận diện những khó khăn thách thức đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hiện hành và đưa ra một số kiến nghị phù hợp.

Từ khóa: Kỷ nguyên số; đường lưỡi bò; chủ quyền; chiến tranh thông tin.

Abstract: The advent of the digital age has marked a significant shift from traditional methods of information exchange to modern technical means, supported by the Internet and computer networks. This rapid development has facilitated more frequent information updates and unprecedented ease of access to information. However, the growth of the digital era presents a dual challenge in managing posted information sources, especially given the lack of clear legal frameworks. In the context of protecting Vietnam’s sovereignty over its maritime zones and islands, the struggle extends beyond the physical and diplomatic realms to the media and information front. With the advantage of being a powerhouse in the cultural industry, China is increasingly spreading inaccurate information about the “cow tongue line” on many mass media channels, which has caused confusion in the information transmitted to people and serious misunderstandings in the international community. Recognizing the implications of this issue, this article aims to elucidate the effects and shortcomings of the spread of the "cow tongue line" narrative in Vietnam. It also examines Vietnam’s current legal framework addressing this issue, identifies the challenges in the ongoing struggle to protect sovereignty, and offers several recommendations for improvement.

Keywords: Digital age; cow tongue line; sovereignty; information warfare.

1. Đặt vấn đề

 

 
 

Sự tiến bộ vượt bật với tốc độ chóng mặt của khoa học và công nghệ hiện nay đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt các phát minh mới, mỗi một phát minh mới tạo ra những công cụ mới đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của con người và đời sống xã hội từ phương diện chính trị, quân sự đến văn hóa truyền thông. Cho dù được xem xét dưới góc độ nào thì những phát triển này đều hướng đến một mục tiêu chung là sự phát triển lớn mạnh của các quốc gia. Trong đó, không thể phủ nhận rằng, chính sự phát triển của internet và các phương tiện điện tử không chỉ được các quốc gia sử dụng trong việc hướng đến những mục tiêu phụng sự và phát triển đất nước mà còn sử dụng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của dân tộc. Nếu các phương tiện quân sự nhắm vào các mục tiêu mang tính chất sát thương thì các phương tiện truyền thông lại nhắm mục tiêu vào nhận thức của con người, từ đó định hướng con người theo những mục tiêu mong muốn. Có thể nhận thấy rằng, trong thời đại kỷ nguyên số, các tranh chấp giữa các quốc gia không chỉ tập trung vào các hoạt động trên thực địa mà còn tập trung vào các thủ đoạn truyền thông tinh vi. Đối với vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, mặt trận thông tin cũng được các bên có liên quan chú trọng. Trong cuộc chiến “dài hơi” đó, bên nào chiếm ưu thế hơn trong lĩnh vực truyền thông thì bên đó sẽ có lợi hơn trong việc chiếm lĩnh nhận thức của đại chúng.

Đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát các thông tin được đăng tải trên mạng của Việt Nam được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, tuy nhiên hành lang pháp lý nêu trên là chưa đủ, bởi lẽ bằng cách này hay cách khác những hình ảnh về đường lưỡi bò vẫn được lan truyền trên không gian mạng, làm ảnh hưởng không chỉ đến nhận thức của người dân Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế. Về lâu dài, sự bành trướng trong cuộc chiến tranh thông tin này của Trung Quốc sẽ là bất lợi lớn cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đảo. Giống như câu nói của Joseph Goebbels - Bộ trưởng tuyên truyền Phát xít Đức: “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật”, sự chiếm lĩnh về mặt thông tin của Trung Quốc sẽ tạo ra “ảo tưởng về sự thật” trong nhận thức của đại chúng, biến những điều khó tin trở nên dễ tin hơn nếu chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Bài viết này chia làm bốn phần: phần 1: đưa ra được tổng quan tình hình, khái quát chung về đường lưỡi bò và chiến tranh thông tin của Trung Quốc; phần 2: làm rõ thực trạng PTHAĐLB của Trung Quốc trên không gian mạng và những ảnh hưởng của hành động này đến Việt Nam; phần 3: phân tích và đánh giá hoạt động PTHAĐLB dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện hành; và phần 4: đưa ra kết luận và một số kiến nghị đối với Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết này sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học pháp lý, khoa học xã hội bao gồm: (1) Phương pháp luận: với tiền đề là phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Marx-Lenin để đánh giá các vấn đề pháp lý và lịch sử có liên quan; (2) Phương pháp hệ: bao gồm tổng thể các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh và thống kê, nhằm mục đích nhận diện, đánh giá và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc PTHAĐLB một cách triệt để. Song song đó, phương pháp lịch sử cũng được sử dụng để đánh giá vấn đề theo các mốc thời gian hợp lý, đảm bảo đúng tinh thần áp dụng pháp luật theo thời điểm.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tổng quan về đường lưỡi bò và chiến tranh thông tin của Trung Quốc

3.1.1. Đường lưỡi bò - quá khứ và hiện tại

Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn (tiếng Trung giản thể: 九段线 ; phồn thể: 九段線 ; tiếng Anh: Nine-dash line; Hán-Việt: Cửu đoạn tuyến) [23] là tên gọi dùng để chỉ vùng biển tại Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Yêu sách này đặt ra đối với một vùng biển rộng lớn chạy sát bờ biển của hầu hết các quốc gia trong khu vực Biển Đông, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 đến 100 km. Đường này còn chạy sát bãi James Shoal (Tăng Mẫu) của Malaysia, đảo Natuna của Indonesia, đảo Luzon thuộc quần đảo Philippines và chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. Đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch, trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” [22]. Tuy nhiên, mãi đến năm 2009, yêu sách này này mới được thể hiện một cách chính thức trong công hàm ngày 7/5/2009 gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc [8]. Đây là một yêu sách phi lý, bị lên án bởi cộng đồng quốc tế [1] và bị bác bỏ bởi phán quyết trọng tài Biển Đông do Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982 vào tháng 7/2016 [14].

Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chủ trương bác bỏ phán quyết trọng tài Biển Đông, tuy nhiên để tránh sức ép từ cộng đồng quốc tế, quốc gia này đã “thay áo mới” cho yêu sách đường lưỡi bò bằng yêu sách Tứ Sa, yêu sách này được công bố trong các Công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

3.1.2. Chiến tranh thông tin của Trung Quốc

Chiến tranh thông tin của Trung Quốc là một chiến lược bao gồm các hoạt động công khai và bí mật được tạo lập nhằm chi phối truyền thông gây ảnh hưởng, lèo lái dư luận quốc tế theo hướng ủng hộ Trung Quốc, đồng thời phủ nhận những luồng tư tưởng của đối thủ gây bất lợi cho Trung Quốc, đồng thời gây nhiễu tất cả các quan điểm trái chiều [13]. Việc sử dụng chiến tranh thông tin trong cuộc chiến chủ quyền được Quân đội Nhân dân Trung Quốc đưa ra trong chiến lược “Tam chủng chiến pháp” và sau đó được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương chính thức phê chuẩn năm 2003 [13]. Chiến lược này bao gồm chiến tranh tâm lý (psychological warfare), chiến tranh thông tin (media warfare) và chiến tranh pháp lý (legal warfare). Cả ba loại hình này tương hỗ, bổ trợ cho nhau trong việc củng cố thêm yêu của Trung Quốc. Chiến tranh tâm lý góp phần xoa dịu và định hướng tư tưởng của người dân sau đó chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý sẽ định hình và cũng cố lập trường và các quan điểm có liên quan của quốc gia này. Song song đó, trấn áp những quan điểm bất đồng đối với các hoạt động phi lý trên thực tiễn của Trung Quốc.

Trong đó, chiến tranh thông tin được Trung Quốc sử dụng như một mặt trận chính để bành trướng cho yêu sách đường lưỡi bò và các yêu sách chủ quyền phi lý khác của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm hướng đến những mục đích sau [13]: (1) Định hướng dư luận quốc tế và trong nước, từng bước chấp nhận các yêu sách phi lý của Trung Quốc như yêu sách vùng biển bằng quyền lịch sử dưới hình thức đường lưỡi bò và các yêu sách với các đảo, đá, bãi ngầm được gọi là Tứ Sa và các văn bản hành chính thành lập Tam Sa, Tứ Sa. (2) Củng cố cho các luận điểm phi pháp và các hoạt động bất hợp pháp của lực lượng chấp pháp Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp với nước khác. (3) Đối phó với dư luận quốc tế, tạo ưu thế trong đàm phán và truyền thông.

3.2. Thực trạng phát tán hình ảnh đường lưỡi bò và những ảnh hưởng đến Việt Nam

3.2.1. Thực trạng phát tán hình ảnh đường lưỡi bò của Trung Quốc

Mặc dù yêu sách đường lưỡi bò được Trung Quốc đưa ra từ khá sớm, tuy nhiên việc PTHAĐLB chỉ được quốc gia này tập trung vào khoảng năm 2012, trong bối cảnh các tranh chấp tại Biển Đông đang được các bên và dư luận quốc tế quan tâm. Trong đó, động thái đầu tiên của quốc gia này là công bố và cho phát hành mẫu hộ chiếu phổ thông mới, trong đó có in hình bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ vào ngày 22/11/2012 [9]. Liên tục sau đó, quốc gia này áp dụng nhiều hình thức phát tán khác nhau trên thực tiễn cũng như không gian mạng nhằm bành trướng hóa chiến lược hình ảnh của mình, đặc biệt là vào các thời điểm nóng của tranh chấp Biển Đông. Các phương thức PTHAĐLB chính của Trung Quốc bao gồm:

(1) Phát tán thông qua hộ chiếu: Đây được xem là lời thách thức chính thức của quốc gia này với dư luận quốc tế và các bên có liên quan đến tranh chấp. Bởi lẽ, việc chấp nhận thị thực nhập cảnh của các công dân sử dụng hộ chiếu có đường lưỡi bò cũng được xem như một sự ngầm thừa nhận cho yêu sách phi lý của quốc gia này.

(2) Phát tán thông qua các vật phẩm thông dụng và trang phục: Để tăng cường độ nhận diện về mặt hình ảnh, các du khác Trung Quốc còn đẩy mạnh chiến lược hình ảnh của mình thông qua các vật phẩm thông dụng, đồ lưu niệm và trang phục, nhằm tăng cường độ hiện diện trong nhận thức của đại chúng.

(3) Phát tán thông qua nghiên cứu khoa học và giáo dục: Một trong những chiến lược truyền thông và PTHAĐLB khác của Trung Quốc là thông qua các hoạt động khoa học và giáo dục. Xét trong một mối liên hệ tổng thể, khoa học và giáo dục là cốt lõi nhận thức của xã hội, thay đổi được nhận thức trong khoa học và giáo dục cũng sẽ thay đổi nhận thức của thế hệ. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những sách lược mà Trung Quốc tập trung vào.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàng loạt các tạp chí có uy tín về mặt học thuật, có chỉ số tác động cao và thường xuyên được tham khảo và trích dẫn các bài viết của học giả Trung Quốc đề cập đến đường lưỡi bò [1]. Xu hướng này tiếp tục tăng trong thời gian gần đây và số bài báo khoa học được các học giả Trung Quốc công bố có chứa hình ảnh đường lưỡi bò còn nhiều hơn con số đã được thống kê. Không dừng lại ở các công bố khoa học, đường lưỡi bò của Trung Quốc còn xuất hiện trong các sách, địa cầu, dùng trong giáo dục…, nghiêm trọng hơn một số sách giáo khoa này còn vượt qua kiểm duyệt và được sử dụng trong các trường đại học của Việt Nam [10] [11]. Như vậy, có thể nhận thấy chính thực trạng phát hành tràn lan đường lưỡi bò của Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến việc tiếp nhận và biên soạn các tài liệu giảng dạy đối với các môn học có liên quan đến quốc gia này. Chính sự chiếm lĩnh về khoa học và giáo dục của Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của các thế hệ tiếp nhận, dẫn đến những tư duy sai lệch về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.

(4) Phát tán thông qua phim ảnh, giải trí: Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, điện ảnh Trung Quốc được dự báo hoàn toàn có thể trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới[5]. Trung Quốc cũng đang theo đuổi tham vọng trở thành thị trường điện ảnh số một thế giới. Chính sự lớn mạnh của điện ảnh Trung Quốc đã làm cho ngành công nghiệp giải trí của quốc gia này có những bước tiến vượt bậc, thống lĩnh thị trường khu vực và thế giới. Lợi dụng ưu thế này, Trung Quốc đã lồng ghép khá nhiều hình ảnh đường lưỡi bò vào trong các sản phẩm giải trí mà quốc gia này công bố với mưu đồ “không đánh mà thắng”, gây ra những hiểu lầm của người dân thông qua các “cơn sốt thần tượng”. Việc Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào các sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí… không chỉ nóng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Nhật Bản [2], Philippines [4], mà còn gây ảnh hưởng tại các thị trường điện ảnh, giải trí khác. Việc đưa đường lưỡi bò vào các ấn phẩm tưởng chừng “phi chính trị” nhưng thực chất đó là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục công chúng trong nước và thế giới biến đường lưỡi bò từ “phi lý” trở nên “có lý”.

(5) Phát tán thông qua hệ thống bản đồ: Một trong những hình thức PTHAĐLB khác của Trung Quốc là thông qua hệ thống bản đồ quảng bá và định vị. Hiện nay tốc độ phát triển dân số của quốc gia tỷ dân này đang đứng số một thế giới, do đó việc các thương hiệu lớn sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò trên website của họ cũng là cách thức mà Trung Quốc tạo ra sức ép đến các quốc gia có liên quan trên phương diện truyền thông. Ngoài ra, với sự phát triển của kỹ thuật, Trung Quốc cũng cho ra đời nhiều công nghệ mới như ô tô, thiết bị điện tử, và các app công nghệ mà hầu hết các sản phẩm này đều có hệ thống định vị sử dụng bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc [12]. Việc Trung Quốc tăng cường độ nhận diện thông qua hệ thống bản đồ như vậy từ lâu đã nằm trong chiến lược bành trướng trên không gian mạng của quốc gia này. Điều 33, Luật số 75, Luật Đo đạc và Bản đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2002 quy định:

“Chính quyền nhân dân các cấp tăng cường quản lý việc biên soạn, in ấn, xuất bản bản đồ, bảo đảm chất lượng bản đồ, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia. Các biện pháp cụ thể sẽ do Hội đồng Nhà nước xây dựng. Chính quyền nhân dân các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức về lãnh thổ nhà nước, tăng cường, ý thức công dân về lãnh thổ nhà nước” [15].

3.2.2. Những ảnh hưởng của việc phát tán đường lưỡi bò đối với Việt Nam

Có thể khẳng định, tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn luôn là một đề tài nóng, bởi lẽ lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Do đó, cuộc chiến truyền thông của Trung Quốc vẫn là một bất lợi lớn đối với Việt Nam trên nhiều bình diện, cả về văn hóa, kinh tế lẫn ngoại giao và chủ quyền dân tộc.

Trước hết trên bình diện văn hóa, thông qua việc PTHAĐLB và các công tác truyền thông khác nhằm hiện thực hóa chiến tranh thông tin và tam chủng chiến pháp của Trung Quốc, từ đó dần dần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Đặc biệt, những xâm chiếm và ảnh hưởng của sách giáo khoa và các nghiên cứu khoa học cũng tác động đến tư duy và nhận thức của người dân. Không dừng lại ở đó, chính những xung đột trong các lợi ích kinh tế và lợi ích dân tộc trên các phương tiện có chứa đường lưỡi bò cũng gây bất đồng trong dư luận Việt Nam, không tạo được sự thống nhất trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Mục đích chung mà chiến lược phát tán này hướng đến là lợi dụng internet và mạng xã hội để đưa các thông tin tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về tình hình Biển Đông là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Trên bình diện kinh tế, việc Trung Quốc thông qua dư luận lồng ghép hình ảnh đường lưỡi bò vào các hoạt động du lịch như hộ chiếu, trang phục…, cũng làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của Việt Nam. Các ngành kinh doanh khác của Trung Quốc cũng sử dụng bản đồ có hình ảnh đường lưỡi bò gây ảnh hưởng đến việc hợp tác về kinh tế của Việt Nam đối với các đối tác lớn. Có thể thấy rõ, Trung Quốc là một trong những cường quốc hàng đầu khu vực và thế giới, những lợi ích mà thị trường Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc đem lại có thể chi phối đến việc PTHAĐLB của các doanh nghiệp, điều này cũng tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác với Trung Quốc.

Trên bình diện đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, việc PTHAĐLB là một trong những phương thức nhằm củng cố yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, áp đảo và định hướng dư luận theo những sách lược mà quốc gia này đề ra. Sự lớn mạnh của truyền thông Trung Quốc trong thời đại kỷ nguyên số cũng tạo ra một hành lang dư luận lớn đứng về những luận điệu phi lý và phớt lờ luật pháp quốc tế của quốc gia này.

3.4. Vấn đề đường lưỡi bò trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

3.4.1. Khung pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề đường lưỡi bò

Dưới góc độ pháp lý quốc tế, đường lưỡi bò là một yêu sách phi lý và phi pháp bởi lẽ: (1) Việc yêu sách và thiết lập các quyền kiểm soát bên trong phạm vi đường lưỡi bò là vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về việc vạch định các vùng biển [21]; (2) Các tranh chấp về chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý phía trong đường lưỡi bò vẫn chưa được giải quyết, do đó hoàn toàn không có cơ sở để Trung Quốc yêu sách đối với vùng nước phía bên trong phạm vi đường lưỡi bò của Trung Quốc theo nguyên tắc Đất thống trị biển; và (3) Yêu sách vùng nước lịch sử đối với đường trung Quốc chưa từng được quy định tại UNCLOS 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế khác có liên quan. Hiện tại, chưa có một thực tiễn pháp lý chung nào về việc vạch định một vùng nước lịch sử rộng lớn như vậy mà chỉ được hiểu là vùng nước bên trong các vịnh lịch sử như quy định tại Điều 10 (6) UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, với kết luận: “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn” [14] Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã chính thức phủ nhận luận điểm phi lý này.

Như vậy, có thể nhận thấy, đường lưỡi bò dưới phương diện pháp lý quốc tế là hoàn toàn phi pháp, việc phát tán một yêu sách phi pháp như vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên có liên quan, trong đó có Việt Nam. Trên phương diện giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, có thể nhận thấy hành động của Trung Quốc vi phạm nguyên tắc “Hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế” [7] được quy định tại Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Bởi lẽ, trong quá trình giải quyết tranh chấp và tìm kiếm các biện pháp hiệu quả hơn để giải quyết tranh chấp thì các bên liên quan có nghĩa vụ hạn chế các hành động có thể làm xấu đi tình huống, gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc [3]. Hơn hết, là một cường quốc và là một trong năm quốc gia thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, hành động của Trung Quốc có thể sẽ phá vỡ một trật tự dựa trên luật pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa các quốc gia.

3.4.2. Pháp luật Việt Nam đối với việc phát tán đường lưỡi bò

Liên quan đến hành vi PTHAĐLB hiện được điều chỉnh bởi hệ thống các văn bản luật và dưới luật sau đây:

(1) Hiến phápViệt Nam 2013: Đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam đã có những quy định mang tính chất chỉ đạo và định hướng toàn bộ các hoạt động trong đời sống xã hội. Tại Điều 11, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định:

“1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

Đây cũng là cơ sở, cho việc ban hành các văn bản luật và dưới luật có liên quan để hướng đến việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam nói chung và chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng.

(2) Các văn bản luật: Hiện tại liên quan đến việc PTHAĐLB, có các văn bản luật điều chỉnh bao gồm: Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, Luật Điện ảnh năm 2022, Luật Đo đạc bản đồ năm 2018, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2015, Luật Du lịch năm 2017.

Có thể nhận thấy, được cụ thể hóa từ Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các văn bản pháp luật nêu trên đã góp phần điều chỉnh đến hoạt động PTHAĐLB trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, việc PTHAĐLB là một khía cạnh truyền thông mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến tranh thông tin về chủ quyền “dai dẳng” và “kéo dài” trên Biển Đông, do đó, các văn bản pháp luật điều chỉnh cũng chỉ dừng lại ở các quy định chung về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cụ thể:

(i) Đối với việc hình sự hóa các tội phạm có liên quan: Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành nhằm hình sự hóa các tội phạm có dấu hiện xâm phạm đến chủ quyền và an ninh quốc gia. Trong đó, Điều 1 luật này quy định: “Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước…” [20]. Các tội phạm cụ thể có liên quan được quy định tại Chương XIII về Các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc PTHAĐLB hiện nay tại Việt Nam chưa đủ các yếu tố để cấu thành các tội phạm được quy định tại Bộ Luật Hình sự.

(ii) Đối với vấn đề phát tán, công chiếu các tác phẩm điện ảnh có đường lưỡi bò: Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước về điện ảnh, bao gồm cả việc cấp và phát sóng các bộ phim có chứa hình ảnh đường lưỡi bò. Điều 9 quy định về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, khẳng định:

1. Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây:

[...] Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

(iii) Đối với việc in ấn, lưu hành và xuất bản bản đồ: Luật Đo đạc bản đồ năm 2018 xác định nguyên tắc cơ bản trong việc đo đạc bản đồ hiện hành là đảm bảo chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ [19]. Ngoài ra, luật này cũng xác định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc bản đồ và các hoạt động có liên quan là: “Xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia” [19]. Do đó, việc xuất bản và lưu hành các bản đồ có liên qua đến đường lưỡi bò là trái với các quy định tại luật này.

(iv) Đối với việc sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò trong hoạt động báo chí: Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định việc đăng tải các thông tin, hình ảnh trên các phương tiện báo chí, truyền thông phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quan điểm, chủ trương và đường lối của Nhà nước. Việc đăng tải các thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị nghiêm cấm [17].

(v) Đối với các hoạt động lồng ghép của khách du lịch Trung Quốc: Mặc dù đây là hành động của các nhóm công dân Trung Quốc trong hoạt động du lịch tại Việt Nam, tuy nhiên, dưới góc độ Luật Du lịch năm 2017, việc phát triển du lịch phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh [18], các hoạt động du lịch được tiến hành cũng không được phép làm phương hại đến yếu tố chủ quyền của dân tộc [18].

(vi) Đối với các hình thức PTHAĐLB khác: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 là một hành lang pháp lý quan trọng trong việc điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề chủ quyền hiện tại Luật chỉ mới xác định tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng [16]. Do đó các hành vi phát tán các tác phẩm điện ảnh có chứa đường lưỡi bò trên các nền tảng bị cấm vẫn chưa được xử lý triệt để và hiệu quả.

(3) Các văn bản dưới luật:

Có thể nhận thấy, hầu hết các văn bản luật có liên quan đều chỉ quy định các nội dung mang tính chất định hướng mà chưa xác định các chế tài cụ thể. Do đó, để điều chỉnh chi tiết hơn việc PTHAĐLB trong các hoạt động của quần chúng nhân dân, Chính phủ Việt Nam cũng cho ra đời các nghị định có liên quan như: (i) Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; (ii) Văn bản hợp nhất số 5349 ban hành ngày 30/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim; (iii) Nghị định 38/2021/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; (iv) Nghị định 18/2020/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; (v) Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; (vi) Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; (vii) Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo; Nghị định 128/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; (viii) Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Mặc dù chưa có một hệ thống văn bản pháp luật riêng biệt để điều chỉnh hoạt động PTHAĐLB hiện nay, tuy nhiên vấn đề này cũng đã được nhà nước Việt Nam quan tâm và lồng ghép vào trong hệ thống các văn bản luật, dưới luật ở các lĩnh vực có liên quan như điện ảnh, báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông,… Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm hiện hành, ngăn chặn việc phán tán các hình ảnh trái với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

3.4.3. Đánh giá chung về khung pháp lý hiện hành của Việt Nam

So với thực trạng PTHAĐLB hiện nay, số lượng văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn khá ít và dàn trải. Nội dung của các văn bản pháp luật chỉ mới dừng lại ở mức độ định hướng và chưa điều chỉnh trực tiếp đến vấn đề trọng yếu về chủ quyền quốc gia, từ đó gây khó khăn cho các cơ quan chuyên trách trong việc xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Có thể đánh gia một cách tổng quan về khung pháp lý hiện hành của Việt Nam như sau:

(1) Thiếu vắng một chế tài hình sự: Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 2015 tại Chương XIII về “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” cũng có quy định về các hành vi xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Tuy nhiên hiện tại việc PTHAĐLB chưa đủ yếu tố để cấu thành các tội phạm theo Chương XIII. Cụ thể trong quy định tại Điều 108, Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phản bội tổ quốc chỉ được áp dụng trong trường hợp công dân Việt Nam tiến hành “câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Do đó, các vi phạm về hành vi nêu trên chỉ mới đang được xử lý ở mức độ hành chính. Chính vì vậy, trong một số trường hợp các bên có liên quan nhận thức được mối nguy hại của việc PTHAĐLB nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ” vì những mục đích kinh tế khác.

(2) Mức xử phạt hành chính hiện hành chưa đủ sức răn đe:

Theo Điều 8, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim là 50 triệu đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nếu như phim không bị phát hiện và cấm chiếu, các doanh nghiệp có thể thu về lợi nhuận nhiều hơn rất nhiều so với mức xử phạt nêu trên. Tương tự như vậy, Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm và ghi thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm cũng quy định mức phạt tối đa đối với các hành vi này là 20 triệu đồng. Rõ ràng mức xử phạt hành chính nêu trên là chưa đủ sức răn đe. Cần có một chế tài nghiêm trị, đủ sức răn đe hơn nữa, để ngăn ngừa các hành vi phát tán đường lưỡi bò gây bất bình và hoang mang trong dư luận.

(3) Các công cụ pháp lý chưa đủ để xử lý các trang web lậu: Hiện nay bên cạnh các kênh thông tin truyền thông chính thống được đăng ký hoạt động và kiểm duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền còn khá nhiều trang web chiếu phim lậu cũng như các tài khoản mạng xã hội ẩn danh hoạt động tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Chính các kênh thông tin này cũng phát tán và đăng tải những bộ phim, video, hình ảnh có chứa đường lưỡi bò, nhưng chưa được xử lý. Việc xác minh chủ tài khoản và ngăn chặn các trang web như trên vẫn còn nhiều bất cập, do đó, vẫn còn tình trạng các bộ phim bị cấm tìm kiếm và xử lý trên nền tảng chính lại tiếp tục xuất hiện trên các trang web ẩn danh, và người xem vẫn tiếp cận được.

  1. Cơ chế kiểm soát và chịu trách nhiệm của các bên có liên quan cần chặt chẽ hơn: việc Luật Điện ảnh đã ban hành quy định về việc rà soát các nội dung phim trước khi phát sóng nhưng vẫn còn nhiều bộ phim vượt qua kiểm duyệt và được công chiếu, có thể nhận thấy, để giải quyết triệt để việc PTHAĐLB không chỉ dựa vào hành lang pháp lý xử lý các bên có vi phạm mà còn phải tập trung vào các quy định xử lý các cá nhân và cơ quan chức năng có thẩm quyền. Từ đó, xây dựng một cơ chế chịu trách nhiệm nghiêm ngặt đối với việc kiểm tra, rà soát những vi phạm có liên quan.

4. Thảo luận

Bài viết “Việc phát tán hình ảnh đường lưỡi bò nhìn từ pháp luật quốc tế và Việt Nam” đã cho thấy mặt trận truyền thông và thông tin cũng là một phương diện để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Trong thời đại kỷ nguyên số, quốc gia nào có ưu thế hơn trong việc phát triển công nghệ số sẽ có ưu thế hơn trong cuộc chiến tranh thông tin của mình. Bài viết cũng cho thấy mục đích, ý đồ và những hành động phức tạp của Trung Quốc trong việc PTHAĐLB hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các định hướng, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết cũng cho thấy hành lang pháp lý hiện hành chưa đủ để răn đe các hành vi sai phạm. Góp phần khắc phục những hạn chế này, bài báo khuyến nghị:

Một là, cần thay đổi chế tài xử lý vi phạm đối với hoạt động này theo hướng tăng nặng. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần xác định lại mức độ nghiêm trọng và hậu quả của việc PTHAĐLB để hình sự hóa một số hành vi phạm tội nhằm tăng cường khả năng răn đe. Bên cạnh đó, đối với các vi phạm hành chính cần nghiên cứu khung trách nhiệm pháp lý theo hướng đối chiếu với tỷ lệ lợi nhuận mà các bên đạt được trong việc PTHAĐLB, để từ đó đưa ra một mức xử phạt vi phạm tương xứng, tránh tình trạng coi thường pháp luật của một số tổ chức, cá nhân như hiện nay. Việc xử phạt cần được định lượng bằng một con số cụ thể đủ sức răn đe và làm hài lòng dư luận.

Hai là, cần triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh, trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.

Bốn là, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương, cần nắm vững vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến đường lưỡi bò và các vấn đề chủ quyền. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả, đồng thời cần nâng cao cơ chế chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Nhân dân.

5. Kết luận

Hoàn thiện pháp luật là một việc làm vô cùng quan trọng để đảm bảo hài hòa các lợi ích quốc gia. Trong đó, pháp luật cũng là một tấm khiên vững chắc để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Thông qua nghiên cứu này, có thể nhận thấy rằng dưới góc độ pháp lý quốc tế yêu sách đường lưỡi bò là hoàn toàn phi pháp, tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã và đang tiếp tục gây chiến tranh trên mặt trận thông tin làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích của Việt Nam. Thông qua kết quả của nghiên cứu này, nhận thấy: (1) Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc bác bỏ các quan điểm của Trung Quốc về đường lưỡi bò tại các diễn đàn pháp lý quốc tế để định hướng lại nhận thức của cộng đồng quốc tế trước chiến thuật truyền thông của Trung Quốc; (2) Việt Nam cần cụ thể hơn nữa hệ thống pháp luật của mình để ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực đó, ít nhất là trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, kịp thời răn đe và giáo dục đối với người dân. (3) Trên phương diện hợp tác quốc tế, cần tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao pháp lý với các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông và các quốc gia có cùng quan điểm đối với Việt Nam để tạo ra một mạng lưới thông tin pháp luật quốc tế vững chắc, ngăn chặn ý đồ phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế của Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo

[1] Anh, N. T. (2020). Science journals: a new frontline in the South china sea disputes. Truy cập ngày 28/2/2024, từ https://amti.csis.org/science-journals-a-new-frontline-in-the-south-china-sea-disputes/.

[2] Anh. P. (2023), “Đường lưỡi bò”, chiêu bài gây tổn thương văn hóa: Thể hiện thái độ dứt khoát, kiên quyết. Truy cập ngày 28/2/2024, từ http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/van-hoc/artmid/486/articleid/66733/%E2%80%9Cduong-luoi-bo%E2%80%9D-chieu-bai-gay-ton-thuong-van-hoa-the-hien-thai160do160dut-khoat-kien-quyet.

[3] Đại hội đồng Liên hợp quốc. (1970). Nghị quyết A/RES/25/2625, ngày 24 tháng 10 năm 1970. Truy cập ngày 28/3/2024, từ https://treaties.un.org/doc/source/docs/A_RES_2625-Eng.pdf.

[4] Khôi, M. (2022). Philippines cấm phim của Tom Holland vì có ‘đường lưỡi bò’. Truy cập ngày 28/2/2024, từ https://tuoitre.vn/philipines-cam-phim-cua-tom-holland-vi-co-duong-luoi-bo-20220427192843283.htm.

[5] Lâm, L. H. (2019). Điện ảnh Trung Quốc: Cơn khát vươn tầm lên số một thế giới. Truy cập ngày 28/2/2024, từ https://tiasang.com.vn/van-hoa/dien-anh-trung-quoc-con-khat-vuon-tam-len-so-mot-the-gioi-16404/.

[6] Liên hợp quốc. (1945), Hiến chương Liên hợp quốc 1945 (United Nations Charter). Truy cập ngày 23/2/2024, từ https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text.

[7] Liên hợp quốc. (1982). Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea). Truy cập ngày 26/4/2024, từ https://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf.

[8] Liên hợp quốc. (2009). Công hàm CML/18/2009. Truy cập ngày 28/2/2024, từ

https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf.

[9] Mark, M. (2012). A New Map in Chinese Passports Stirs Anger Across the Region. Truy cập ngày 28/2/2024, từ https://archive.nytimes.com/rendezvous.blogs.nytimes.com/2012/11/25/a-map-in-chinas-new-passports-stirs-anger/.

[10] Nguyên. M. (2019). Trung Quốc nhấn mạnh về đường lưỡi bò trong sách giáo khoa như thế nào? Truy cập ngày 28/2/2024, từ https://tuoitre.vn/trung-quoc-nhan-manh-ve-duong-luoi-bo-trong-sach-giao-khoa-nhu-the-nao-2019080809585867.htm.

[11] Thanh, H. (2019). Mấy năm dạy giáo trình có 'đường lưỡi bò', giờ mới biết nhờ... sinh viên báo. Truy cập ngày 28/4/2024, từ https://tuoitre.vn/may-nam-day-giao-trinh-co-duong-luoi-bo-gio-moi-biet-nho-sinh-vien-bao-20191102201943606.htm.

 [12] Thanh, L. (2019). Tịch thu 7 ô tô Trung Quốc có 'đường lưỡi bò' phi pháp. Truy cập ngày 26/3/2024, từ https://tuoitre.vn/tich-thu-7-oto-trung-quoc-co-duong-luoi-bo-phi-phap-20191106114007925.htm.

[13] Thao, N H. (2022). Tam chủng chiến pháp của Trung Quốc và Tam công pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật Số 5/2022.

[14] The Permanent Court of Arbitration (PCA). (2016). Phán quyết trọng tài Biển Đông (“The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”), AWARD, The Hague, 12 July 2016, Truy cập ngày 28/2/2024, từ http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf.

[15] Quốc hội Trung Quốc. (2022). Luật số 75: Luật Đo đạc và Bản đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2002.

[16] Quốc hội Việt Nam. (2015). Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

[17] Quốc hội Việt Nam. (2016). Luật Báo chí năm 2016.

[18] Quốc hội Việt Nam. (2017). Luật Du lịch năm 2017.

[19] Quốc hội Việt Nam. (2018). Luật Đo đạc bản đồ năm 2018.

[20] Quốc hội Việt Nam. (2022). Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

[21] Việt H. (2011). Lịch sử ra đời và các luận điểm pháp lý yêu sách “Đường lưỡi bò trên Biển Đông của Trung Quốc”. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc. Số 6 (118).

[22]陈谦平. (2016). 近代中国南海九段线的形成. Truy cập ngày 4/5/2024, từ http://www.xinhuanet.com//politics/2016-03/28/c_128841638.htm.

[23] 傅崐成 ,崔浩然. (2019). 南海 U 形线的法律性质与历史性权利的内涵, 厦门大学学报( 哲学社会科学版), ( 总第 254 期)2019 年第 4 期.