0236.3650403 (128)

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại


1. Khái niệm vi phạm hợp đồng thương mại

Vi phạm hợp đồng (Breach of Contract) là gì? Đặc điểm và các vấn đề pháp lí  liên quan

Khi hợp đồng thương mại có hiệu lực thì các bên có nghĩa vụ cụ thể phải thực hiện như đã thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do một số nguyên nhân cụ thể mà khiến một bên có những hoạt động vi phạm các nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, trong khoa học pháp lý gọi là vi phạm hợp đồng. Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 LTM 2005: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, vi phạm hợp đồng tồn tại dưới dạng của một hoạt động cụ thể của chủ thể tham gia vào quan hệ hợp đồng, theo đó vi phạm hợp đồng có các hoạt động cụ thể như sau:

Thứ nhất, không thực hiện hợp đồng

Đây là việc một bên đã không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng như: không giao hàng, không thanh toán… Đây được xem là hoạt động phổ biến nhiều nhất trong hợp đồng thương mại. Ý chí ban đầu của các bên là nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong quan hệ kinh doanh thương mại, nhưng khi quan hệ hợp đồng đã xác lập, trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên lại cảm thấy lợi ích đó không tồn tại, hoặc không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc do trường hợp bất khả kháng, do đó đã vi phạm các nghĩa vụ của hợp đồng. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng thì bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng, đây được xem là các nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng.

Thứ hai, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng

Đây là việc một bên tiến hành thực hiện hợp đồng nhưng không làm hết những nghĩa vụ tính ra phải làm được thỏa thuận trong hợp đồng, có nghĩa rằng nghĩa vụ đó tính ra anh phải làm, thực hiện nhưng lại không thực hiện một cách đầy đủ. Ví dụ: giao thiếu hàng, thanh toán không đủ…

Thứ ba, thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng

Đây là việc một bên thực hiện không đúng những gì đã thỏa thuận trong không đồng mà hai bên đã ký kết như: Giao hàng hóa không đúng tiêu chuẩn đã thỏa thuận, giao hàng hóa không đúng loại, giao hàng không đúng hạn, giao hàng không đúng địa điểm.

2. Căn cứ áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại

Hoạt động vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng (không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ) dẫn đến việc bên vi phạm sẽ phải gánh chịu những chế tài do pháp luật quy định. Với tính chất là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại được áp dụng khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Đối với mỗi chế tài trong thương mại, căn cứ áp dụng có sự khác nhau nhất định, phụ thuộc vào tính chất và mục đích áp dụng của chế tài đó. Theo quy định tại các Điều 297, 300, 302, 308, 310 và Điều 312 LTM 2005, các chế tài đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại được áp dụng khi có các căn cứ sau:

Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng

Hành vi là căn cứ để xác lập có vi phạm hợp đồng hay không để từ đó áp dụng các chế tài cụ thể trong hợp đồng do hành vi vi phạm, như đã phân tích một hành vi được gọi là vi phạm hợp đồng đó là các hành vi không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không đúng hợp đồng. Cần lưu ý rằng, trong quan hệ hợp đồng các bên không chỉ thực hiện đúng như đã thỏa thuận trong hợp đồng mà còn phải có những hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật. Do đó, khi xem xét hành vi đó có được gọi là vi phạm hợp đồng hay không thì phải căn cứ vào nội dung của hợp đồng và của pháp luật quy định.

Thứ hai, có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra

Để có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra, thiệt hại này có thể là thiệt hại trực tiếp cũng có thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp đó là những thiệt hại có thể quy đổi thành tiền như: hàng hóa bị hư hỏng, chi phí sửa chữa, ngăn chặn… mà nó có thể tính toán một cách dễ dàng và chính xác. Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán khoa học mới có thể xác định được, nhưng cần lưu ý rằng suy đoán đó phải dựa trên những số liệu cụ thể, chứng cứ tài liệu chứ không thể suy đoán một cách tùy tiện và gắn với nó một thiệt hại cụ thể, biểu hiện của thiệt hại gián tiếp như: thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, khoản lợi nhuận đáng lẽ được hưởng…

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra

Trong khoa học nói chung và khoa học pháp lý nói riêng, hành vi và hậu quả là hai vấn đề phải đi đôi và gắn liền với nhau và được xem là một phạm trù không thể tách biệt. Theo đó, hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại vật chất, còn thiệt hại là cái tất yếu xảy ra do tác động của hoạt động vi phạm. Vì vậy, bên thực hiện hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm nếu thiệt hại đó do hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên, một thiệt hại xảy ra có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên cần phải xác định đúng đâu là hành vi trực tiếp gây ra thiệt hại đó để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.