0236.3650403 (128)

Quy định về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập


1. Về yêu cầu phản tố 

Theo khoản 4 Điều 60 và khoản 1 Điều 176 BLTTDS, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Với quy định trên, phản tố có thể được hiểu là việc bị đơn khởi kiện lại nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Mục đích của yêu cầu phản tố là để bù trừ nghĩa vụ, khấu trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. 

Về bản chất, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Nhưng vì yêu cầu này có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án đang được giải quyết và nhằm cho vụ án giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn nên bị đơn có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án. Trong trường hợp, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập thì vụ án vẫn được tiếp tục. Khi đó, Tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập và ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng cho đúng với tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án.

Về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, khoản 1 Điều 176 BLTTDS quy định, cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đồng thời, khoản 3 Điều 176 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Với các quy định này có thể hiểu, khoảng thời gian mà bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố chỉ trong khoảng thời gian từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án cho đến trước thời điểm Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu của yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ muộn hơn. Bởi vì, về nguyên tắc, yêu cầu độc lập chỉ được đưa ra sau khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết việc Tòa án đang giải quyết vụ án và họ được đưa vào tham gia tố tụng trong cùng vụ án.

 

2. Về yêu cầu độc lập

Theo khoản 4 Điều 56 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi tham gia vào vụ án dân sự, bên cạnh việc đứng về nguyên đơn hoặc đứng về bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn tham gia với vai trò độc lập để đưa ra yêu cầu của mình nhưng yêu cầu này liên quan, gắn với vụ án đang được giải quyết. 

Về bản chất, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng là một yêu cầu khởi kiện, có thể được khởi kiện thành vụ án độc lập. Tuy nhiên, nếu giải quyết yêu cầu độc lập sẽ không bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên yêu cầu này phải được giải quyết trong cùng vụ án. Đồng thời, khi yêu cầu độc lập được giải quyết trong cùng vụ án thì vụ án được giải quyết nhanh hơn, tránh việc phải xác định vụ án giải quyết trước sau, kéo dài thời gian giả quyết các vụ án làm mâu thuẫn trong nhân dân trầm trọng hơn.

Về phạm vi yêu cầu, theo điểm b khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 177 BLTTDS, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Với quy định trên thì yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể đối với nguyên đơn hoặc đối với bị đơn. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 61 BLTTDS, khi đưa ra yêu cầu độc lập thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của BLTTDS.