0236.3650403 (128)

NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ


1.1 Điều ước quốc tế

1.1.1. Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL 1996

          Tại Phiên họp thứ 29 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (12.1996) Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITAL) đã thông qua Luật mẫu về Thương mại điện tử, hình thành những quy định mẫu về thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu nhằm bảo vệ về mặt pháp lý cho những tổ chức, cá nhân mong muốn tham gia thương mại điện tử. Luật mẫu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho các nước trong quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử của mình. Luật mẫu được soạn thảo dựa trên 06 nguyên tắc cơ bản sau:

              + Tài liệu điện tử có thể được coi là có giá trị pháp lý như tài liệu ở dạng văn bản nếu thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật nhất định;

              + Tự do thoả thuận hợp đồng;

              + Tôn trọng việc sử dụng tự nguyện phương thức truyền thông điện tử;

              + Giá trị pháp lý của hợp đồng và tính ưu việt của những quy định pháp lý về hình thức hợp đồng; những đòi hỏi đối với hợp đồng để có giá trị pháp lý và khả năng được thi hành phải được tôn trọng;

              + Áp dụng về mặt hình thức hơn là quan tâm tới nội dung : luật chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng mà không đề cập nội dung, trên cơ sở phải thoả mãn những đòi hỏi pháp lý nhất định;

              + Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng phải đi trước. Nhiều quốc gia đã thể hiện các nguyên tắc và nội dung của luật mẫu UNCITRAL vào hệ thống pháp luật quốc gia của nước mình.

          Luật mẫu về thương mại điện tử của Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế UNCITRAL năm 1996 gồm 02 phần và 17 điều khoản.

- Phần I giới thiệu khái quát về thương mại điện tử, gồm 3 chương: Chương I đề cập đến các quy định chung, Chương II quy định các điều kiện luật định đối với các thông điệp dữ liệu (data messages), gồm công nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu, về văn bản viết, chữ ký, bản gốc, tính xác thực và khả năng được chấp nhận và lưu giữ thông điệp dữ liệu, Chương III nói đến thông tin liên lạc bằng thông điệp dữ liệu, quy định về hình thức của hợp đồng và giá trị pháp lý của hợp đồng, các bên ký kết hợp đồng phải công nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu, xuất xứ của thông điệp dữ liệu, việc xác nhận đã nhận, thời gian, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu.

- Phần II quy định các giao dịch thương mại điện tử trong một số lĩnh vực hoạt động gồm 2 điều khoản liên quan đến vận tải hàng hoá.

1.1.2. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ TRIPS

Các thành viên WTO đã ký kết khoảng 30 hiệp định khác nhau điều chỉnh các vấn đề về thương mại quốc tế. Hiệp định thương mại về Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS) được ký kết năm 1994, là một phần của những Thoả thuận Thương mại Đa phương tại vòng Đàm phán Uruguay trong khuôn khổ Thỏa thuận chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), cộng đồng quốc tế có một nguồn thống nhất về các chuẩn mực quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS là Phụ lục 1C của Thỏa thuận Thiết lập Tổ chức WTO). Đây là hiệp định duy nhất đầu tiên thực sự mang tính quốc tế đã đưa ra các chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ nhiều hình thức của sở hữu trí tuệ; có những quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự, hình sự và bảo vệ biên giới; và giải quyết tranh chấp.

Hiệp định TRIPS có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các Thành viên WTO, được thông qua tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 1995. Các quốc gia thành viên của WTO không được phép lựa chọn các hiệp ước mà phải tuân thủ tất cả các hiệp ước đa phương của WTO, bao gồm cả TRIPS.

Hiệp định TRIPS đã tổng hợp và xây dựng trên cơ sở các hiệp định quan trọng và mới nhất về sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thực thi với Công ước Paris về Bảo hộ Tài sản Công nghiệp và Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật – những hiệp định có từ những năm 1880.

Hiệp định TRIPS có 7 phần, 73 điều, áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế đối với các quốc gia thành viên về sở hữu trí tuệ, trong đó có quy chế đối xử quốc gia và quy chế tối huệ quốc. Hiệp định TRIPS cũng đề ra các chuẩn mực tối thiểu về mức độ, phạm vi và việc sử dụng bảy hình thức sở hữu trí tuệ - quyền tác giả, nhãn hiệu, xuất xứ địa lý, thiết kế công nghiệp, bằng phát minh sáng chế, thiết kế bố trí mạch điện tử tích hợp và thông tin mật (bí mật thương mại). Hiệp định TRIPS cũng nêu cụ thể những hạn chế và ngoại lệ có thể chấp nhận nhằm hài hòa lợi ích sở hữu trí tuệ với lợi ích trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. 

Việt Nam chính thức gia nhập WTO ngày 11/01/2007, trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Từ ngày 11/01/2007 Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình, trong đó có cam kết về quyền sở hữu trí tuệ.

1.1.3. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

          Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương TPP được ký kết tại Auckland, New Zealand (gồm 12 nước thành viên trong đó có Việt Nam phê chuẩn vào tháng 02/2016) được coi là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

          Nội dung Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động… Riêng về thương mại điện tử, Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương TPP quy định cụ thể tại chương 14.

          Trong chương về thương mại điện tử, các nước TPP cam kết bảo đảm luồng thông tin và dữ liệu mang tính toàn cầu được lưu hành một cách tự do giúp phát triển nền kinh tế Internet và kỹ thuật số đáp ứng các mục tiêu chính sách công liên quan như chính sách bảo mật thông tin cá nhân. 12 nước TPP cũng thống nhất không ràng buộc các công ty của các nước TPP phải xây dựng các trung tâm dữ liệu như một điều kiện cần thiết để hoạt động trong thị trường của nhau cũng như không yêu cầu phải có mã nguồn phần mềm khi cần chuyển giao hay truy cập. Chương này cũng nghiêm cấm việc áp đặt các loại thuế xuất nhập khẩu đối với việc truyền tin điện tử và ngăn không cho các nước TPP ưu đãi cho các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm truyền tin điện tử nội địa bằng cách áp dụng các biện pháp mang tính phân biệt đối xử hay khóa chặn hoàn toàn việc truyền tin. Nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, các nước TPP thống nhất thông qua và duy trì các điều luật liên quan đến các hoạt động giả mạo, gian dối trên mạng cũng như đảm bảo các biện pháp bảo vệ tính riêng tư và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khác có thể được áp dụng vào thị trường của các nước TPP. Các nước TPP cũng phải đưa ra các biện pháp nhằm chấm dứt các tin nhắn rác. Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, chương này bao gồm các điều khoản khuyến khích các nước TPP phát triển hình thức giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp và chính phủ như các hình thức hải quan điện tử cũng như đưa ra các quy định về chứng thực và chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại. Một số nghĩa vụ trong chương này phải phù hợp với các biện pháp không tương thích của từng nước thành viên TPP. Tất cả 12 nước TPP đồng ý phối hợp cùng nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tận dụng lợi thế thương mại điện tử. Chương này cũng khuyến khích sự hợp tác về các quy chế liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử.

1.2. Văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam

1.2.1. Văn bản luật

Văn bản luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành.

a. Hiến pháp năm 2013

          Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tất cả văn bản luật, văn bản dưới luật không được trái với Hiến pháp.

          Quyền tự do kinh doanh của công dân được quy định tại điều 33 Hiến pháp 2013: “Mọi công dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh của công dân được ghi nhận và được đảm bảo thực hiện, đây là quy định nền tảng để xây dựng văn bản luật, văn bản dưới luật điều chỉnh các vấn đề về thương mại điện tử.

Nhà nước cũng đưa ra danh sách 6 ngành nghề kinh doanh bị cấm (so với trước đây là 51 ngành nghề kinh doanh bị cấm), bao gồm: các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người (Điều 6 Luật Đầu tư 2014). Các chủ thể được thực hiện tất cả giao dịch thương mại điện tử trừ những giao dịch liên quan đến lĩnh vực mà pháp luật cấm.

b. Bộ luật, Luật

          Bộ luật Dân sự năm 2015

          Bộ luật Dân sự 2015 là luật chung cho các quan hệ thương mại, dân sự, nếu một vấn đề không được luật chuyên ngành điều chỉnh thì dựa vào luật chung để xác định, nếu luật chuyên ngành có quy định thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, tuy nhiên không trái với luật chung để tạo sự đồng nhất giữa các văn bản pháp luật.

+ Về vấn đề thương mại điện tử, Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự:  “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.”

Mô hình C2C (Người tiêu dùng – Người tiêu dùng) vừa mang màu thương mại vừa mang màu sắc dân sự, chịu sự điều chỉnh rõ rệt nhất của Bộ luật dân sự. Ngoài ra, các giao dịch thương mại được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, chủ yếu là các mạng truyền thông, mạng máy tính và Internet, đều được công nhận giá trị pháp lý như giao dịch bằng văn bản, mọi vấn đề phát sinh giữa các chủ thể được pháp luật bảo vệ và giải quyết theo quy định pháp luật: bồi thường thiệt hại, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện…

              + Chế định hợp đồng dân sự tập hợp các quy phạm pháp luật về hợp đồng dân sự, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng nói chung, trong đó có hợp đồng thương mại điện tử: Giao kết hợp đồng dân sự; Thực hiện hợp đồng dân sự; Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dân sự; Các loại hợp đồng dân sự thông dụng: Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển…

          Luật Giao dịch điện tử năm 2023

           Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Luật gồm 8 chương, 53 điều (kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Theo đó, Luật có những nội dung cơ bản sau:

Chương 1: Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6). Chương này quy định về những vấn đề chung trong phòng thủ dân sự, gồm:  Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động, chính sách của Nhà nước; thông tin về sự cố, thảm họa; các cấp độ phòng thủ dân sự, hợp tác quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự.

Chương 2: Thông tin dữ liệu gồm 15 điều chia thành 3 mục.

Mục 1 (Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu - từ Điều 7 đến Điều 13), quy định về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ, chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu và hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu.

Mục 2 (Gửi, nhận thông điệp dữ liệu - từ Điều 14 đến điều 18), quy định về người khởi tạo thông điệp dữ liệu, thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu, nhận thông điệp dữ liệu, thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu và gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu.

Mục 3 (Chứng thư điện tử - từ Điều 19 đến Điều 21), quy định về  giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chuyển giao chứng thư điện tử và  yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử

Chương 3: Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy gồm 12 điều chia thành 2 mục. Mục 1 (Chữ ký điện tử - từ Điều 22 đến Điều 27) quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn, Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Mục 2 (Dịch vụ tin cậy- từ Điều 28 đến Điều 33) quy định cụ thể về dịch vụ tin cậy, Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy, Dịch vụ cấp dấu thời gian, Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Chương 4: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử gồm 5 điều (từ Điều 34 đến Điều 38). Chương này quy định về hợp đồng điện tử; giao kết, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Chương 5: Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm 4 điều (từ Điều 39 đến Điều 44). Chương này quy định về các loại hình giao dịch điện tử; quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; tạo lập, thu thập dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu; dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và hoạt động của cơ quan nhà  nước trên môi trường điện tử.

Chương 6: Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử gồm 4 điều (từ Điều 45 đến Điều 48), quy định về hệ thống thông tin, tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin; báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Chương 7: Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử gồm 2 điều (Điều 49 và Điều 50) quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Chương 8: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (từ Điều 51 đến Điều 53). Chương này quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

 

          Văn bản pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm thương mại điện tử, tuy nhiên có thể hiểu thương mại điện tử là các hoạt động thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử dựa vào quy định về giao dịch điện tử tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023:

          “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”;

          “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.

          - Luật Công nghệ thông tin 2006

          Sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, thay đổi và hiện đại hóa các ngành kinh tế hiện tại. Nhiều nước trên thế giới, công nghiệp công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20 đến 30%. Ở nước ta, công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy có hiệu quả năng lực trí tuệ của người Việt Nam. Quốc Hội thông qua Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006 tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt nam. 

          Luật Công nghệ thông tin năm 2006 gồm 6 chương, 79 điều, trong đó quy định rất cụ thể chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; những nội dung quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong trường hợp khẩn cấp; cho thuê lưu trữ thông tin; chính sách phát triển nguồn lực công nghệ thông tin; xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin.

Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định chung về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cùng các biện pháp đảm bảo hạ tầng công nghệ cho thương mại điện tử.

          - Luật Thương mại năm 2005

          Thương mại điện tử là các quan hệ thương mại được thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Do đó, các quan hệ thương mại điện tử cũng bị điều chỉnh bởi Luật Thương mại: thương nhân, hoạt động thương mại, hợp đồng thương mại, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng,…

          Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra khái niệm hoạt động thương mại mà chỉ liệt kê các hoạt động nào được xem là hoạt động thương mại: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư xúc tiến thương mại, các hoạt động thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi. Đặc điểm chung của các hoạt động thương mại là nhằm mục đích sinh lợi, phân biệt với các giao dịch dân sự thông thường.

          Các quy định của Luật Thương mại năm 2005 liên quan nhiều nhất đến thương mại điện tử là quy định về thương nhân, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, giải quyết tranh chấp thương mại.

          - Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022)

          Phần lớn các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đều được quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ: quyền tác giả (chương trình máy tính, dữ liệu, tác phẩm văn học, nghệ thuật…), quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh), quyền đối với giống cây trồng.

          - Luật Trọng tài thương mại năm 2010

          Luật Trọng tài thương mại được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, có 13 chương, 82 điều. Tranh chấp thương mại điện tử được giải quyết bằng con đường trọng tài thương mại đều phải tuân thủ quy định của Luật Trọng tài thương mại: nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại, trọng tài viên, trung tâm trọng tài, biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành phán quyết của trọng tài thương mại…

1.2.2Văn bản dưới luật

          Văn bản dưới luật được ban hành nhằm cụ thể các Luật, Đạo luật, đưa các quy định trong Luật, Đạo luật áp dụng trong thực tiễn. Hai văn bản dưới luật chiếm số lượng nhiều nhất và cũng là nguồn trực tiếp để giải quyết các vụ việc thương mại điện tử là: Nghị định và Thông tư.

a. Nghị định

          Nghị định quan trọng quy định các vấn đề liên quan thương mại điện tử do Chính Phủ ban hành bao gồm:

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP)

Nghị định về Thương mại điện tử là nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, được ban hành vào ngày 16/5/2013. Nghị định quy định cụ thể về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử, chứng thực trong thương mại điện tử, an toàn, an ninh, bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Nghị định số 130/2018/NĐ-CP về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2024/NĐ-CP)

Nghị định này quy định về chữ ký số và các nội dung cần thiết liên quan đến sử dụng chữ ký số, bao gồm chứng thư số và việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số.  Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử cho phép xác nhận sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp, đồng thời chứng thực sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu từ thời điểm được ký.

b. Thông tư

Thông tư liên quan đến thương mại điện tử:

Thông tư số 01/2022/TT-BCT của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động