0236.3650403 (128)

Đặc điểm của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh


Điều 45 LCT năm 2018 quy định 6 hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể bị cấm, bao gồm:

  1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh;
  2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác;
  3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác; 
  4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
  5. Lôi kéo khách hàng bất chính; và
  6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ.

            Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 45 LCT năm 2018 còn dẫn chiếu đến "các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác".

            Nghiên cứu pháp luật điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thế giới cho thấy, có rất ít quốc gia chọn cách chỉ định nghĩa khái quát về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi vì một định nghĩa quá khái quát không tránh khỏi việc hàm chứa các khái niệm trừu tượng khác như "chuẩn mực thông thường" và "đạo đức kinh doanh". Thay vào đó, họ nêu một số hành vi điển hình được xem là cạnh tranh không lành mạnh theo cách không giới hạn chỉ bao gồm các hành vi như vậy[1]. Đối với số ít các quốc gia chọn cách định nghĩa khái quát thì thông thường sau khi đưa ra định nghĩa khái quát thế nào là hành vi "cạnh tranh không lành mạnh", họ cũng đều liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể. 

            Ví dụ, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Thụy Sĩ định nghĩa "cạnh tranh không lành mạnh (và bất hợp pháp) là bất cứ hành vi hoặc phương pháp kinh doanh lừa dối nào hoặc vi phạm nguyên tắc thiện chí mà tác động đến mối quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh hoặc giữa nhà cung cấp/cung ứng và khách hàng"[2]. Sau đó, luật của nước này cũng đưa ra quy định chi tiết từng hành vi cạnh tranh được xem là không lành mạnh để việc áp dụng luật được thuận lợi và hiệu quả.

Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

            Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 LCT năm 2018, có thể thấy các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có các đặc điểm chung như sau:

            Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi là tổ chức, cá nhân kinh doanh (được gọi chung là doanh nghiệp). "Doanh nghiệp" theo LCT năm 2018 là một khái niệm dùng để chỉ tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam" (khoản 1 Điều 2 LCT năm 2018). Mặc dù cũng sử dụng khái niệm "doanh nghiệp" với tính chất quy ước như LCT năm 2004 trước đây, nhưng LCT năm 2018 còn bổ sung vào phạm trù này một loại tổ chức khác là "đơn vị sự nghiệp công lập". Việc bổ sung "đơn vị sự nghiệp công lập" vào phạm trù "doanh nghiệp" trong LCT năm 2018 là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó loại đơn vị này cũng có thể được tiến hành một số hoạt động kinh doanh theo tiêu chí thị trường hoặc một số hoạt động của họ không còn được Nhà nước đảm bảo mà chịu sự cạnh tranh trên thị trường, ví dụ như hoạt động tuyển sinh của các trường đại học công lập.

            Như vậy, khái niệm "doanh nghiệp" được sử dụng trong LCT năm 2018 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này không chỉ bao gồm các chủ thể được gọi là doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân và các loại công ty, mà còn bao gồm tất cả các loại chủ thể kinh doanh khác được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, bao gồm hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cũng như các chủ thể kinh doanh khác có thể được pháp luật quy định trong tương lai.

            Theo LCT năm 2018, hiệp hội không còn là chủ thể của hành vi cạnh tranh không lành mạnh như LCT năm 2004 trước đây nữa. Điều đó là hợp lôgic, vì hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội không phải là hành vi cạnh tranh mà chỉ là hành vi tác động tới cạnh tranh giữa các thành viên hiệp hội với nhau; mặc dù hiệp hội vẫn là đối tượng áp dụng của LCT năm 2018 do vẫn tham gia vào một số quan hệ cạnh tranh khác[3].

            Thứ hai, mục đích của hành vi là nhằm cạnh tranh trong kinh doanh, có nghĩa là doanh nghiệp thực hiện hành vi nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh nhất định so với doanh nghiệp khác. "Doanh nghiệp khác" thông thường là doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp thực hiện hành vi, nhưng cũng có thể (chỉ) là doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh với doanh nghiệp thực hiện hành vi.

            Thứ ba, tính chất của hành vi là "không lành mạnh", thể hiện ở chỗ chúng trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. So với tính chất "trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh" trong định nghĩa về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong LCT năm 2004 thì định nghĩa của LCT năm 2018 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã cụ thể hơn một bước trong việc xác định tính chất của hành vi. Mặc dù vậy, các khái niệm "thiện chí", "trung thực" vẫn là các khái niệm trừu tượng, nên cần được xem xét cẩn trọng khi đánh giá tính chất của hành vi.

            Thứ tư, hậu quả của hành vi là gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

            Như vậy, LCT năm 2018 không còn đưa Nhà nước và người tiêu dùng vào diện chủ thể chịu sự tác động của hành vi cạnh tranh không. mạnh nữa. Như đã đề cập trên đây, điều này có thể được lý giải rằng, một mặt, Nhà nước và người tiêu dùng không phải là chủ thể tham gia hoạt động cạnh tranh mà chỉ là các chủ thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động cạnh tranh, mặt khác quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[4].

            Mặt khác, hậu quả của hành vi là "gây thiệt hại" hoặc "có thể gây thiệt hại". Hành vi chỉ được xem là "có thể gây thiệt hại" khi nguy cơ thiệt hại xảy ra là hiện hữu nếu không bị ngăn chặn. Quy định như vậy cho phép doanh nghiệp khác sử dụng các công cụ pháp luật để bảo vệ mình trước hành vi ngay khi họ nhận thấy có nguy cơ bị thiệt hại, chứ không phải chờ đến khi thiệt hại đã xảy ra.

            Đối tượng gánh chịu hoặc có thể gánh chịu thiệt hại là quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp cạnh tranh với doanh nghiệp thực hiện hành vi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khác cũng còn có thể là doanh nghiệp không canh tranh với doanh nghiệp thực hiện hành vi, nhưng phải gánh chịu thiệt hại hoặc có thể bị thiệt hại bởi hành vi đó. Doanh nghiệp không cạnh tranh với doanh nghiệp thực hiện hành vi, nhưng chịu sự tác động của hành vi đó có thể bao gồm các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ hay doanh nghiệp mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp cạnh tranh hoặc bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

 

[1] Ví dụ: Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 2010 của Đức (Gesetz gegen den unlauteren Wettbewerb vom 03.3.2010) không định nghĩa “hành vi cạnh tranh không lành mạnh" mà chỉ nêu 11 ví dụ tại Điều 4 Luật này.

[2] Xem: Điều 2 Luật Liên bang chống cạnh tranh không lành mạnh của Thụy Sĩ (Bundesgesetz gegen den unlauteren Wettbewerb [UWG]) ngày 19 tháng 12 năm 1986.

[3] Ví dụ, hiệp hội có thể là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (khoản 4 Điều 3 LCT NĂM 2018) hoặc là đối tượng bị ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị trong hành vi bị cấm quy định tại khoản c Điều 8 LCT năm 2018.

[4] Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đây là sự lựa chọn lập pháp không bắt buộc (không bị đòi hỏi bởi logic pháp lý). Tùy theo ý niệm của họ về pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh mà nhà lập pháp ở các quốc gia khác (ví dụ: CHLB Đức) vẫn có thể đưa người tiêu dùng vào diện chủ thể bị tác động (bị gây thiệt hại hoặc có thể bị gây thiệt hại).