NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH VÀ SỰ ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT (KÌ 1)

17/10/2018

1.1. Khái quát về người lao động giúp việc

1.1.1. Khái niệm

Theo Công ước số 189 năm 2011 của ILO về người giúp việc gia đình thì người giúp việc gia đình là “bất kỳ người nào tham gia vào công việc gia đình trong mối quan hệ việc làm”, “công việc giúp việc gia đình” được quy định là công việc được thực hiện trong một hoặc nhiều hộ gia đình hoặc cho một hoặc nhiều hộ gia đình; còn “người lao động giúp việc gia đình” là người thực hiện công việc gia đình trong mối quan hệ lao động việc làm và lao động giúp việc gia đình phải được hưởng những quyền cơ bản của người lao động như các lao động khác. Những quyền này bao gồm: 

- Thời gian làm việc hợp lý,

- Được nghỉ ngơi tối thiểu 24 giờ liên tục trong một tuần,

- Hạn chế trả lương bằng hiện vật,

- Thông tin rõ ràng về điều khoản, điều kiện làm việc,

- Tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản ở nơi làm việc, bao gồm quyền tự do thành lập, tham gia các hiệp hội và quyền thương lượng tập thể.

Theo đó, các quốc gia có thể áp dụng các cách tiếp cận chính sách và luật pháp khác nhau đối với vấn đề này. Thuật ngữ “lao động giúp việc gia đình” dùng để chỉ rất nhiều loại công việc khác nhau liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng là: chăm sóc gia đình và công việc gia đình. Nhìn chung các định nghĩa về lao động giúp việc gia đình thường đề cập đến ba yếu tố cơ bản là: đặc trưng của nơi làm việc hay phạm vi làm việc; công việc thực hiện; vị thế pháp lý của người sử dụng lao động.

Pháp luật Việt Nam: Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

- Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

- Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc thì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này.

Các quy định của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình là một tiến bộ đáng kể trong điều kiện kinh tế thị trường. Trước đây, Bộ luật Lao động năm 1994 có đề cập đến lao động giúp việc gia đình nhưng không cụ thể là loại lao động gì mà chỉ quy định về việc áp dụng loại hợp đồng lao động, một số quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình và nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động, việc giải quyết tranh chấp lao động của người giúp việc gia đình. Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành hẳn một mục của Chương X quy định về người giúp việc gia đình.

Theo Điều 179 Bộ luật Lao động, người lao động giúp việc gia đình chỉ thực hiện “công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”. Trước đây, theo Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 về việc làm công do Hồ Chủ tịch ký ban hành thì người lao động giúp việc gia đình được quy định là “gia nhân” với đặc điểm là “những người mà chủ thuê để giúp việc trong nhà”. Như vậy, người lao động giúp việc gia đình không làm các công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh tạo ra lợi nhuận hoặc cạnh tranh trên thị trường mà thực hiện công việc liên quan đến đời sống sinh hoạt của gia đình, cá nhân có nhu cầu giúp việc.

Đặc điểm nữa của người lao động giúp việc gia đình là họ làm việc có tính thường xuyên trong một hoặc nhiều hộ gia đình (pháp luật không hạn chế phạm vi thực hiện công việc). Đặc điểm này được khẳng định rõ, đồng thời trong quy định tại khoản 2 Điều 179: Người giúp việc theo hình thức khoán thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp đó việc thực hiện công việc khoán của họ được điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự. Cũng cần hiểu rằng, tính chất thường xuyên không phải là tình trạng lặp đi lặp lại trong chu kỳ làm việc mà phải là tính chất lặp đi lặp lại liên tục hằng ngày (thường xuyên) của việc thực hiện công việc. Người lao động giúp việc gia đình chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động khi mà hằng ngày họ có mặt và thực hiện nghĩa vụ của mình với tính chất “làm công ăn lương”, được “biên chế” vào thành phần sinh hoạt của gia đình.

Một người lao động được thuê mướn theo hình thức cứ đến một ngày nhất định trong tháng lại thực hiện công việc nhất định (chăm tưới cây cảnh chẳng hạn) sau đó nhận một khoản tiền cho dịch vụ đó thì không được coi là người giúp việc gia đình, không thể áp dụng theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Lao động vì họ là người nhận khoán, công việc của họ cũng có thể dễ dàng thay đổi hoặc bị thay thế, hoàn toàn không giống trường hợp một người hằng ngày chăm sóc gia đình về ăn uống, sinh hoạt.

Từ thực tiễn các công việc của người giúp việc gia đình, chúng ta có thể đưa ra khái niệm người lao động giúp việc như sau: “người giúp việc gia đình là những người được trả tiền công trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện các công việc từ công việc nhà đến việc chăm sóc các thành viên trong gia đình theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Các hoạt động này có thể diễn ra trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình”.

1.1.2. Cơ sở hình thành lao động giúp việc gia đình và thực trạng trên thế giới

- Hầu hết các quốc gia trên thế giới, giúp việc gia đình là một việc có từ lâu đời. Người giúp việc gia đình còn có các tên gọi khác như người hầu hay nô tì. Trước kia, hầu như chỉ có nữ giúp việc người giúp việc gia đình nhưng hiện nay ngày càng nhiều nam giới tham gia vào lực lượng lao động này. Ở Việt Nam, người giúp việc gia đình trước đây được gọi với cái tên không mấy tôn trọng là đầy tớ, người đi ở tớ, người ở…Và đến thập niên 90, khi truyền hình chiếu bộ phim Osin của Nhật Bản kể về cuộc đời đầy cơ cực của một doanh nhân thành đạt Osin thì cái tên Osin trở thành khẩu ngữ của người Việt dùng chỉ những người làm giúp việc gia đình. Lúc đầu, từ “Ôsin” mang một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc nhưng dần dần đã bị chuyển nghĩa xấu đi. Ngày nay cuộc sống thay đổi, nghề giúp việc gia đình trở thành nghề quan trọng không thể thiếu của xã hội hiện đại, chúng ta cần thay đổi cách nhìn về người giúp việc, phải nhận thức được đây là một nghề tồn tại bình đẳng với các nghề khác trong xã hội, hướng đến tạo sự bình đẳng trong quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động giúp việc gia đình.

- Giúp việc từng bị coi là tầng lớp dưới đáy xã hội, phải làm việc vất vả để đổi lấy chỗ ở, cơm ăn và đồng lương rẻ mạt. Các gia chủ tìm người giúp việc theo các cách rất truyền thống, chủ yếu là qua giới thiệu của người quen hay của giúp việc cũ khi họ nghỉ việc. Cùng với sự phát triển của xã hội, con người mà cụ thể là phụ nữ ngày một bận rộn hơn với các công tác xã hội chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nhu cầu người giúp việc ngày càng cao, không chỉ đối với các gia đình thượng lưu mà cả các gia đình trung lưu. Giúp việc có thể làm toàn thời gian (sống với gia chủ) hay làm bán thời gian (giúp việc theo giờ) và công việc họ đảm nhiệm cũng ngày một phong phú đa dạng hơn, thể hiện sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, người giúp việc chưa có được sự bình đẳng và còn bị sự phân biệt đối xử, lạm dụng… Theo một nghiên cứu lần đầu được thực hiện của ILO, ít nhất 52 triệu người trên thế giới – chủ yếu là phụ nữ – đang làm giúp việc gia đình. Họ chiếm tới 7,5% lao động nữ được trả lương trên toàn thế giới và chiếm một bộ phận còn lớn hơn nhiều ở một số khu vực, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ La tinh và vùng Caribbe.

Giai đoạn từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước cho tới năm 2010 chứng kiến sự tăng trưởng hơn 19 triệu giúp việc gia đình trên thế giới. Nhiều lao động di cư sang các quốc gia khác để tìm việc. Nhiều khả năng số liệu đưa ra trong báo cáo này chưa thể hiện được số lao động giúp việc thực tế trên toàn cầu. Con số thực có thể nhiều hơn hàng triệu người.

Số liệu đồng thời không bao gồm lao động giúp việc gia đình là trẻ em dưới 15 tuổi do nhóm đối tượng này không thuộc các điều tra được báo cáo này sử dụng. ILO ước tính có khoảng 7.4 triệu giúp việc gia đình dưới 15 tuổi vào năm 2008.

Mặc dù đây là một nhóm lao động chiếm số lượng lớn, rất nhiều lao động giúp việc gia đình phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo và không được pháp luật bảo vệ đầy đủ. Bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Lao động giúp việc gia đình thường phải làm việc nhiều giờ hơn so với các lao động khác. Ở nhiều quốc gia, họ không được hưởng những quyền được nghỉ ngơi hàng tuần như các lao động bình thường. Ngoài những quyền lợi không được ghi nhận, mức độ phụ thuộc lớn vào người thuê lao động và bản chất biệt lập và không được bảo vệ của công việc giúp việc gia đình có thể khiến họ trở nên dễ bị bóc lột và lạm dụng”. 

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đảm bảo quyền lợi của cả gia chủ và người lao động, ngày càng nhiều các công ty cung cấp dịch vụ giúp việc ra đời. Các công ty này còn đưa ra nhiều gói dịch vụ cho các công ty và cơ quan.

1.1.3 Các loại hình lao động giúp việc gia đình

- Phân loại theo công việc:

Theo yêu cầu của người sử dụng lao động, người giúp việc thỏa thuận có thể thực hiện một hoặc tất cả các công việc theo thỏa thuận của hai bên. Cơ bản, có một số loại công việc của lao động giúp việc gia đình:

+ Lau dọn nhà cửa

+ Đi chợ - nấu ăn

+ Trông trẻ

+ Chăm sóc người già

+ Làm vườn

+ Quản gia

+ Bảo vệ (giữ an ninh cho gia chủ)

+ Chăm só thú cưng (vật nuôi như chó, mèo…)

  1. v...

- Phân loại theo thời gian:

Tùy thuộc vào khối lượng công việc, vào nhu cầu của người sử dụng lao động và khả năng của người lao động để hai bên thỏa thuận về thời gian làm việc.  Cơ bản có hai loại làm việc phân theo thời gian như sau:

+ Làm việc toàn thời gian: người giúp việc thường ở chung với gia chủ

+ Làm bán thời gian: người giúp việc không ở chung với gia chủ

Người lao động giúp việc gia đình khi lựa chọn hình thức giúp việc toàn thời gian thường được cho ăn, ở và tính lương tháng. Tuy nhiên, ngày nay gia chủ thích hình thức giúp việc bán thời gian hay giúp việc theo giờ hơn do tính linh động và tiết kiệm của loại hình này. Giúp việc bán thời gian hay giúp việc theo giờ thường cung cấp bởi các công ty giúp việc hay qua môi giới của bạn bè, người than…

1.1.4.  Đặc điểm của người lao động giúp việc gia đình và hộ sử dụng lao động

- Người lao động giúp việc gia đình

Mặc dù Việt Nam không có số liệu chính thức về lao động giúp việc gia đình, thực tế cho thấy nhu cầu thuê người giúp việc tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu.

Một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TP HCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000.

Nữ giới chiếm tới 90,7% số giúp việc gia đình và phần lớn là lao động nhập cư từ nông thôn. Cả hai nhóm này đều dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng, bao gồm quấy rối tình dục.
Bộ Luật Lao động sửa đổi được thông qua vào tháng 6/2012 lần đầu tiên công nhận giúp việc gia đình là một nghề và dành 5 điều khoản cụ thể điều chỉnh loại hình lao động này. Đây là một sự đột phá bởi việc luật hóa vấn đề lao động giúp việc gia đình, giúp cải thiện điều kiện và chế độ làm việc, bình đẳng giới và bảo vệ những lao động dễ bị tổn thương này. Theo khuyến nghị của ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có thêm thống kê và nghiên cứu tốt hơn về thực trạng của lao động giúp việc gia đình trong nước, đồng thời đưa ra những hướng dẫn thi hành cụ thể để có thể đưa luật vào cuộc sống.

Đa số lao động là phụ nữ, một bộ phận nhỏ là trẻ em. Phần lớn trong số họ ở độ tuổi từ 38 - 55 (chiếm hơn 90%). Gần 50% lao động giúp việc là người nghèo, người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Họ làm các việc trong gia đình như đi chợ, trông trẻ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa... Khi gia chủ thuê được một người về giúp việc gia đình, họ không hề biết người đó có trình độ tay nghề ra sao. Tâm lý chung hiện nay của các gia chủ là thuê được người hợp tính, chăm chỉ, có thể làm được mọi việc, có sức khoẻ tốt, không vướng bận gia đình và quan trọng nhất là phẩm chất đạo đức phải tốt. Hiện nay, tỉ lệ lao động giúp việc gia đình biết sử dụng các thiết bị, dụng cụ hiện đại trong gia đình, có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao, họ làm theo bản năng của mình nên về kỹ năng làm việc không có.

- Người sử dụng lao động:

Hộ sử dụng lao động là những hộ có thu nhập ổn định đủ để trả lương cho lao động, có nhu cầu giải quyết các công việc gia đình, có nhu cầu thuê lao động giúp việc gia đình.

Vì vậy, do đặc thù công việc nên người lao động giúp việc gia đình có những đặc trưng so với những lao động khác, đa số họ là nữ giới, xuất thân từ nông thôn, môi trường lao động lại diễn ra trong phạm vi nhỏ, những công việc họ thực hiện đặc thù hơn, họ cũng ít có kĩ năng làm việc và sự hiểu biết pháp luật chưa cao.

- Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động giúp việc gia đình

Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động giúp việc gia đình được xem như mối quan hệ “cộng sinh”, cả hai bên đều được hưởng những lợi ích nhất định từ quan hệ lao động này. Cụ thể: người sử dụng lao động sẽ được giải quyết các công việc nhà, người lao động sẽ được trả lương,..

Thực tế mối quan hệ này không được bền vững, người giúp việc gia đình không chỉ muốn trả lương cao mà họ cũng cần được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Đặc biệt, đối với những lao động ngoại tỉnh, do khác cách sống, khác tập tục nên càng khó khăn hơn cho quan hệ này, nhiều mâu thuẫn xảy ra, hai bên tham gia quan hệ lao động ít cùng nhau ngồi lại giải quyết nên thay đổi thường xuyên lao động giúp việc là chuyện thường.

Hiện nay, người giúp việc gia đình thường phải đối mặt với tiền lương rất thấp, giờ làm việc quá dài, không có ngày nghỉ cuối tuần và đôi khi bị xúc phạm đến thể chất, tinh thần và thậm chí còn bị lạm dụng tình dục, hoặc bị hạn chế tham gia các phong trào trong xã hội. Vì vậy mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động như có một bức tường vô hình ngăn cách.

(Xem tiếp kì 2)