MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ (KỲ 1)

08/09/2018

1.1. Đặc điểm của giai đoạn xét xử sơ thẩm và vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

1.1.1. Đặc điểm của giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Các giai đoạn của mỗi hoạt động tố tụng độc lập nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau và trở thành một thể thống nhất. Ở mỗi giai đoạn tiến hành tố tụng sẽ có những nhiệm vụ và định hướng khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích cuối cùng là giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Trong tố tụng hình sự, hoạt động xét xử nói chung được coi là đặc biệt quan trọng và là giai đoạn trung tâm của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Các giai đoạn tố tụng trước đó từ khởi tố, điều tra và truy tố chỉ là các giai đoạn xác định và tìm kiếm thông tin, chứng minh sự việc đã xảy ra một cách toàn diện nhưng vẫn chưa phải là quá trình định tội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xét xử. Để xác định một người là có tội và phải chịu hình phạt thì điều đòi hỏi bắt buộc là họ phải được đưa ra xét xử công khai trước phiên tòa, tại đó, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các bên tham gia tố tụng mới có điều kiện công khai đưa ra quan điểm, lập luận để bảo vệ mình. Vì vậy, giai đoạn xét xử vụ án hình sự là giai đoạn tập trung cao nhất của quyền bào chữa đảm bảo thực hiện bằng phương thức tranh tụng. Nhằm bảo đảm xét và xử đúng người đúng tội, việc xét xử vụ án hình sự có thể phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong đó xét xử sơ thẩm là thủ tục xét xử đầu tiên và bắt buộc đối với tất cả các vụ án hình sự.

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự trong đó Tòa án có thẩm quyền sau khi xem xét hồ sơ vụ án lần đầu tiên đưa vụ án ra xét xử nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm, từ đó đưa ra bản án, quyết định phù hợp với tính chất của vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố.

1.1.2. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có những vai trò sau đây:

  • Thứ nhất, bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc truy tố của Viện kiểm sát phải dựa trên cơ sở kết quả điều tra của CQĐT trong suốt quá trình điều tra và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa. VKS đưa ra sự buộc tội chính thức và cuối cùng đối với người phạm tội;
  • Thứ hai, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự VKS bảo đảm cho việc tranh tụng được bình đẳng, dân chủ, công khai. VKS phải đối đáp lại các ý kiến của những người tham gia tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự công khai tại tòa;
  • Thứ ba, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và những người tham gia tố tụng. Trong BLTTHS quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng tư cách tham gia tố tụng;
  • Thứ tư, bảo đảm cho việc tuân thủ và áp dụng pháp luật thống nhất. VKS trước hết phải kiểm tra tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật;
  • Thứ năm, bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi đúng quy định của pháp luật. Trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân được đặt dưới sự kiểm sát của VKS.

Xét xử sơ thẩm là một trong những giai đoạn có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động tiến hành giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát. Những vai trò nêu trên đã cho thấy được tầm quan trọng mang tính quyết định trong việc truy tố, giải quyết đúng đắn, khách quan, bình đẳng, công khai vụ án hình sự, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều dựa trên tinh thần đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và thực thi pháp luật hiệu quả.

1.2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

1.2.1. Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013 và khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1.2.1.1. Chức năng thực hành quyền công tố

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

 Từ khái niệm nêu trên, có thể hiểu chức năng thực hành quyền công tố của VKS trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là: ‘‘VKS thực hiện tổng hợp các quyền năng pháp lý được nhà nước trao cho để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, đưa người phạm tội ra trước tòa án để xét xử và bảo vệ sự buộc tội đó’’.

VKS là cơ quan duy nhất có chức năng thực hành quyền công tố. Bởi vì là cơ quan duy nhất nên VKS mang trên mình phần trách nhiệm to lớn. Điều này có nghĩa là VKS là cơ quan được giao thực hiện chức năng thực hành quyền đưa người phạm tội ra truy tố trước pháp luật, thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội. Hoạt động thực hành quyền công tố của VKSND được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để phát hiện người phạm tội, thực hiện việc xem xét quyết định khởi tố và được diễn ra trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Mục đích của hoạt động thực hành quyền công tố là phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi tội phạm và người phạm tội không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

1.2.1.2. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Từ đó, rút ra khái niệm ngắn gọn về kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là ‘‘Tổng thể những hoạt động giám sát của VKS đối với Tòa án, đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình đưa vụ án ra xét xử để tuyên một người là có tội nhằm đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất’’.

VKS là cơ quan duy nhất có quyền kiểm sát các quyết định tố tụng của Tòa án. Kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND nhằm bảo đảm hoạt động của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các cơ quan trên, hoạt động của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền thi hành án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến các hoạt động giải quyết thông tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người, quyền công dân không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

(xem tiếp kỳ 2)