MỘT SỐ VẤN DỀ LÝ LUẬN VÈ NHIẸM VỤ, QUYÈN HẠN CỦA VIẸN KIẺM SÁT NHAN DAN TRONG GIAI DOẠN XÉT XỬ SƠ THẢM VỤ ÁN HÌNH SỰ (KỲ 2)

17/10/2018

1.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là những hoạt động cụ thể của VKSND từ khi Tòa án thụ lý xét xử cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị nhằm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

1.2.2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 266 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 18 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan [4, khoản 1, Điều 2].

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn:

  • Công bố cáo trạng, công bố quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa;

- Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ;

- Luận tội, tranh luận, rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; kết luận về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa;

- Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định của BLTTHS.

1.2.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩmiện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan [4, khoản 1 Điều 3].

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử

  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của Tòa án.
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
  • Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án.
  • Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
  • Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng.
  • Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý.
  • Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, nhiệm vụ, quyền hạn khác khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS.

Và theo quy định tại Điều 8 Luật tổ chức VKSND trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND còn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm toán, các cơ quan nhà nước khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để phòng, chống tội phạm có hiệu quả; xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu tội phạm và vi phạm pháp luật.

Để bảo đảm hiệu lực của các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, Điều 9 Luật tổ chức VKSND xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự VKSND có chức năng đặc biệt quan trọng vì quyết định truy tố của VKSND là cơ sở pháp lý để Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu không có sự kiểm sát các thủ tục tố tụng tại tòa thì sẽ không có phiên tòa hình sự một cách khách quan và đúng thủ tục tố tụng. Hoạt động của VKS tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự là cơ sở thực tiễn giúp các nhà nghiên cứu, đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của VKSND nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử, bảo đảm tự do, dân chủ cho công dân góp phần bảo vệ pháp chế XHCN và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó là giai đoạn thể hiện tập trung quyền và nghĩa vụ pháp lý của VKSND trong tố tụng hình sự.

 

 

1.3.  Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

1.3.1. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

- Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm:

VKS xem xét thấy có đủ các căn cứ để truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử thì theo quy định tại Điều 243 BLTTHS 2015, VKS ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng. Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án theo quy định tại Điều 244 BLTTHS 2015 trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

-Tại phiên tòa sơ thẩm:

Tại phiên tòa sơ thẩm chức năng thực hành quyền công tố của VKS là buộc tội thông qua việc công bố bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố, tham gia xét hỏi, luận tội, tranh luận nhằm buộc tội bị cáo, bảo vệ cáo trạng tại phiên tòa.

Thứ nhất, về truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử về tội danh và điều luật được quy định trong bộ luật hình sự.

Thứ hai, tham gia xét hỏi bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm là việc những người tiến hành tố tụng đặt câu hỏi buộc bị cáo và những người tham gia tố tụng phải trả lời để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.

Thứ ba, luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm đó là sự luận tội trực tiếp, chính thức và cuối cùng của VKS đối với người phạm tội. Khi xây dựng luận tội, kiểm sát viên cần phải đảm bảo bảo vệ được cáo trạng, quyết định truy tố bị can ra trước tòa án. Ngoài ra, cần luận tội một cách khoa học và đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, tranh luận của kiểm sát viên tại phiên tòa được bắt đầu từ khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và kết thúc khi HĐXX chuyển sang giai đoạn nghị án.

Tất cả những quá trình diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Và theo trình tự nhất định nhằm mục đích thực hiện tốt nhất thẩm quyền của VKS trong các hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

- Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm:

 Sau phiên tòa sơ thẩm, chức năng thực hành quyền công tố của VKS vẫn được duy trì thông qua việc kiểm sát viên tham gia phiên tòa vẫn tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá kết quả hoạt động xét xử để kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của việc ra bản án, quyết định của Tòa án thông qua đó để phát hiện những sai sót, vi phạm pháp luật để kịp thời kháng nghị theo trình tự của pháp luật.


 

1.3.2. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

- Trước khi mở phiên tòa

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ngoài chức năng thực hành quyền công tố VKS còn thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp được thể hiện cụ thể tại Điều 267 BLTTHS. Đối tượng của kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự: "Là sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử theo thủ tục sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân và những người tham gia tố tụng xét xử". Về phạm vi kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự "bắt đầu từ khi hồ sơ vụ án và quyết định truy tố được gửi đến Tòa án, kết thúc khi vụ án được xét xử đã có bản án, quyết định thẩm có hiệu lực không bị kháng cáo, kháng nghị".

- Tại phiên tòa sơ thẩm

Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng khác ngay từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, bảo đảm cho việc xét xử được công minh, đúng pháp luật. VKS kiểm sát việc xét hỏi tại phiên tòa. Căn cứ theo Điều 250 BLTTHS thì vụ án phải được xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, việc xét xử phải trên cơ sở những chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá và tranh luận công khai tại phiên tòa. Ngoài việc kiểm sát việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử thì VKS còn kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.

- Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm

Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự như kiểm tra biên bản phiên tòa; Kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án. Ngoài ra VKS phải kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án và việc giao nhận bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của Tòa án cho bị cáo và VKS cùng cấp.

(Hết)