CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Phần 1)

16/04/2019

CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Phần 1)

Trần Võ Như Ý- Khoa Luật, Đại học Duy Tân

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1.1 Khái niệm, đặc điểm chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1.1.1 Những quan niệm về vai trò kinh tế của nhà nước

Nhà nước là một thiết chế đặc biệt của xã hội, có vai trò to lớn trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Nhân loại đã và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nhằm phát huy hơn nữa vai trò to lớn của Nhà nước nhằm hướng tới xây dựng một Nhà nước ngày càng phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người.

Từ thời cổ đại, vai trò kinh tế của Nhà nước đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như chính trị học, triết học, luật học thể hiện qua các quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc như Aritxtốt, Platôn, Mạnh Tử, Khổng Tử... Khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, nhiều lý thuyết kinh tế học chính trị đã đi sâu tìm hiểu về cơ chế tác dụng của Nhà nước đối với nền kinh tế, trong đó tiểu biểu như: A.Smith về nền kinh tế tự do, lý thuyết của Keynes về nền kinh tế có sự điều tiết của Nhà nước, lý thuyết của A.Samuelson về nền kinh tế hỗn hợp. Và lịch sử đã chứng minh các nền kinh tế thị trường thành công đều không phát triển một cách tự phát mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vì vậy vai trò “bàn tay hữu hình” của Nhà nước ngày càng thể hiện rõ và trở thành yếu tố không thể thiếu đối với nền kinh tế. Với những quan niệm về vai trò kinh tế của các Nhà nước trên thế giới có thể thấy việc vận dụng mô hình kinh tế hợp lý cũng như xác định rõ vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế hiện đại có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới Nhà nước ta, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là cơ sở lý luận và thực tiễn quốc tế cho quá trình nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1.1.2 Khái niệm về chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chức năng của Nhà nước là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận Nhà nước và pháp luật, gắn liền với những phạm trù bản chất, nhiệm vụ, hình thức và phương pháp hoạt động của Nhà nước...Theo từ điển tiếng Việt, “chức năng” là từ gốc Hán bao gồm hai thành tố “chức”“năng”. Thành tố “chức” trong các từ “chức phận”, “chức trách”, “chức vụ”. Thành tố “năng” trong các từ “bản năng”, “năng lực”, “khả năng”. Chức năng được hiểu với hai sắc thái nghĩa là “hoạt động, tác dụng bình thường”“vai trò bình thường hoặc đặc trưng”. Như vậy, chức năng Nhà nước được hiểu như là hoạt động, khả năng vốn có của Nhà nước.

Trong khoa học pháp lý nước ta đã xuất hiện nhiều quan điểm về chức năng của nhà nước: Theo cách hiểu truyền thống, chức năng của Nhà nước là những phương diện (những phương hướng, mặt, dạng, loại) hoạt động chủ yếu của Nhà nước nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước Nhà nước; chức năng Nhà nước là sự thể hiện vai trò của Nhà nước đối với xã hội, là biểu hiện cụ thể năng lực của Nhà nước; chức năng của Nhà nước chính là những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển cụ thể...Trong điều kiện hiện nay, để góp phần xác định đầy đủ khái niệm về chức năng của Nhà nước, theo chúng tôi cần tiếp cận phạm trù chức năng nhà nước gắn liền với bản chất và vai trò của Nhà nước đối với đời sống xã hội, đồng thời trong mối quan hệ chặt chẽ với chức năng kinh tế, chức năng chính trị của Nhà nước. Như vậy, từ phạm trù chức năng của Nhà nước thể hiện vai trò của Nhà nước đối với đời sống xã hội có thể hình thành nên khái niệm chức năng kinh tế của Nhà nước như là một bộ phận của khái niệm chức năng nhà nước, cũng như chức năng xã hội, chức năng chính trị của Nhà nước. Từ đó có thể định nghĩa Chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hay chức năng tổ chức và quản lý kinh tế) được hiểu là những hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất mang tính thường xuyên, liên tục thể hiện bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

1.1.3 Đặc điểm của chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, chức năng tổ chức, quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng;

Thứ hai, việc thực hiện chức năng tổ chức, quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phải bảo đảm được định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…;

Thứ ba, Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật và các công cụ quản lý kinh tế khác như: kế hoạch, chương trình, quy hoạch phát triển kinh tế; các chính sách kinh tế; bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức nhà nước.

1.2 Nội dung, hình thức và nguyên tắc thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1.2.1 Nội dung thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nội dung của chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện tập trung ở hoạt động quản lý vĩ mô nền kinh tế bằng pháp luật và các công cụ quản lý kinh tế khác (như xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…); hoạt động quản lý đối với doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế bằng pháp luật và các công cụ quản lý kinh tế khác

Chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hiểu là quản lý đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân gồm nhiều thành phần kinh tế với đa dạng các loại hình sở hữu và nhà nước quản lý tổng thể các hoạt động kinh tế của các chủ thể kinh tế. Vì vậy, pháp luật có ý nghĩa, vai trò to lớn trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế nhưng phải đáp ứng các tiêu chí sau: Pháp luật quy định chế độ sở hữu mới nhằm tạo cơ sở để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quy định cơ sở pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của các loại thị trường; quy định chế độ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường; quy định các điều kiện cạnh tranh nhằm trật tự hóa thị trường; xác định cơ cấu chủ thể kinh tế thị trường và tạo cơ sở cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới; xác định các quy tắc hành vi của các chủ thể kinh tế; bảo đảm sự an toàn xã hội nhằm khắc phục các khuyết tật của nền kinh tế thị trường; pháp luật quy định cơ chế xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế và giải quyết các tranh chấp kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn quản lý vĩ mô nền kinh tế bằng các công cụ quản lý kinh tế sau: Chính sách kinh tế vĩ mô; Chính sách về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế; Chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Nền kinh tế thị trường là hệ thống phức tạp và đầy biến động, các hoạt động kinh tế đều hướng tới lợi ích cục bộ, vì vậy sự bất ổn, rủi ro và sự xâm phạm lợi ích lẫn nhau có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có những quy tắc đủ mạnh để điều chỉnh. Từ nhu cầu khách quan đó mà pháp luật trở thành công cụ không thể thay thế để đảm bảo cho các quan hệ kinh tế diễn ra theo trật tự nhất định. Bằng cách gián tiếp, Nhà nước tạo ra khung pháp lý cho các chủ thể tự do hoạt động; quy định tư cách chủ thể; ngăn ngừa các yếu tố tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường để vận hành các quan hệ kinh tế một cách thuận lợi, an toàn, đồng thời định ra các phương thức nhằm duy trì và đảm bảo trật tự kinh tế.

Nhà nước thực hiện vai trò điều chỉnh, ổn định nền kinh tế thông qua các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng là những đòn bẩy tác động đến nền kinh tế nhằm kiểm soát và hạn chế hậu quả trước các biến động bất lợi của thị trường. Nhà nước quản lý vĩ mô về tài chính đối với các doanh nghiệp thông qua các công cụ như thuế, lãi suất, tỉ giá...Nhà nước tiến hành đổi mới chính sách tiền tệ, giá cả cho phù hợp với cơ chế thị trường, kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất, ổn định sức mua đồng tiền Việt Nam, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Các công cụ tài chính, tiền tệ, tín dụng phát huy vai trò trong việc tạo ra các yếu tố kích thích hay kìm hãm sự phát triển của các quan hệ kinh tế thị trường theo hướng nhất định.

- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng phương pháp kinh tế, vận dụng các quy luật kinh tế để quản lý, đảm bảo hiệu quả quản lý thông qua các công cụ vĩ mô như pháp luật, kế hoạch, chính sách...Nội dung của kế hoạch vĩ mô trong nền kinh tế thị trường là sự cụ thể hóa những quyết định chiến lược, đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong chính sách của Nhà nước. Kế hoạch hóa trong nền kinh tế thị trường chủ yếu là kế hoạch gián tiếp, hướng dẫn và tổng quát thể hiện tính năng động gắn với hiệu quả và lợi ích kinh tế. Với tính định hướng, kế hoạch nhà nước chỉ tập trung vào việc thiết lập các cân đối lớn của nền kinh tế như giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa xuất và nhập khẩu....Nhà nước đưa ra dự kiến về khả năng phát triển kinh tế; điều chỉnh và thay đổi chính sách nhằm hướng dẫn hành vi của các chủ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, kế hoạch hóa trong nền kinh tế thị trường đã xóa bỏ mọi hình thức áp đặt trong giao nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kế hoạch cho các chủ thể, kích thích các nhà kinh doanh cạnh tranh, cải tiến kỹ thuật công nghệ để đứng vững trên thị trường.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước xây dựng Chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng và Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế, trong đó chiến lược phát triển bao gồm hệ thống những mục tiêu, chính sách và giải pháp cơ bản, có tính chất dài hạn về phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng; và Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng là cụ thể hóa chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng: luận chứng, lựa chọn phương án phát triển và phân bố mạng lưới kết cấu hạ tầng trên các vùng lãnh thổ, các giải pháp và tổ chức thực hiện, các công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên.

- Kiểm tra, giám sát nền kinh tế

Nhà nước xã hội chủ nghĩa với tư cách là chủ thể quản lý tối cao thông qua các cơ quan chức năng nhằm điều chỉnh thống nhất các quá trình kinh tế vĩ mô. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nền kinh tế nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót, ách tắc, đổ vỡ, những khó khăn, vướng mắc cũng như những cơ hội phát triển kinh tế nhằm đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả và theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Đảm bảo bình đẳng xã hội và giải quyết những khuyết tật của nền kinh tế thị trường

Cơ chế vận động của nền kinh tế thị trường thể hiện ưu thế ở chỗ phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi chủ thể kinh tế trong việc đáp ứng nhu cầu phong phú và biến động của xã hội, đồng thời hệ thống pháp luật hướng dẫn, điều chỉnh và bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh tế. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ những khuyết tật dễ nhận thấy là: đầu cơ, độc quyền, tiêu thủ cạnh tranh, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái...

Hơn nữa, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - điểm khác biệt với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là phải hạn chế thấp nhất tình trạng người bóc lột người, đảm bảo sự bình đẳng xã hội. Việc phát triển kinh tế không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là tăng trưởng kinh tế mà phải lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm cơ sở để phát triển toàn diện con người, giải quyết hài hòa những vấn đề kinh tế - xã hội, bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

- Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước

Chức năng kinh tế của nhà nước không chỉ được thực hiện thông qua sự quản lý, điều tiết và định hướng bằng pháp luật; công cụ quản lý kinh tế như các chính sách kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà còn bằng thực lực của kinh tế nhà nước đó là các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước. Việc tăng cường, củng cố, xây dựng và phát triển sức mạnh kinh tế nhà nước nói chung và của doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước vừa là công cụ quản lý kinh tế, vừa là cơ sở kinh tế để nhà nước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Hơn nữa, do thực tiễn nảy sinh ở các nước tư bản chủ nghĩa khi mà các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh không ngừng lấn át kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân từ chỗ lũng đoạn kinh tế chuyển sang lũng đoạn chính trị cho nên nhà nước phải quản lý các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế nhà nước để thực hiện thành công các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

1.2.2 Hình thức thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Về mặt lý luận, các chức năng của nhà nước luôn được thực hiện thông qua những hình thức và phương pháp nhất định của bộ máy nhà nước. Nhà nước nào cũng sử dụng pháp luật để quản lý xã hội, do đó các chức năng được thực hiện dưới ba hình thức pháp lý cơ bản là xây dựng pháp luật; tổ chức thực hiện pháp luật và bảo về pháp luật. Với mục đích là xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng kinh tế thông qua ba hình thức chủ yếu là ban hành pháp luật kinh tế; tổ chức thực hiện pháp luật kinh tế; và bảo vệ pháp luật kinh tế.

1.2.3 Các nguyên tắc thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trên cơ sở phân tích nội dung và hình thức thực hiện chức năng kinh tế, chúng ta có thể đưa ra các nguyên tắc thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm hai loại nguyên tắc là:

- Các nguyên tắc chung mang tính chất chính trị-pháp lý như: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quản lý kinh tế; tập trung dân chủ; kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ.

-        Các nguyên tắc mang tính chất riêng phù hợp với hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước như: Nhà nước quản lý vĩ mô, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế…