CÁC LÝ THUYẾT LÀM CƠ SỞ HÌNH THÀNH HIỆN TƯỢNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (KỲ 1)

15/12/2017

CÁC LÝ THUYẾT LÀM CƠ SỞ HÌNH THÀNH HIỆN TƯỢNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (KỲ 1)

Nguyễn Thị Thu Hồng

Trịnh Tuấn Anh

Theo lý thuyết, bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó) nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường[1]. Cụ thể, nếu một sản phẩm của nước A bán tại thị trường nước A với giá X nhưng lại được xuất khẩu sang nước B với giá Y (Y<X) thì sản phẩm đó được xem là bán phá giá từ nước A sang nước B. Khái niệm bán phá giá bắt nguồn từ kinh tế học là việc định giá chiếm đoạt được luật hóa thành hành vi bán phá giá với mức giá thấp hơn mức giá thông thường của hàng hóa đó, là hành vi của doanh nghiệp, có thể bị trừng phạt bởi chính sách của chính phủ bằng biện pháp thương mại được gọi là biện pháp chống bán phá giá. Biện pháp chống bán phá giá là một trong các biện pháp thuộc nhóm tự vệ thương mại (khắc phục thương mại) trong thương mại quốc tế (TMQT), được các quốc gia rất chú trọng sử dụng. Trong giai đoạn 2002 - 2012, riêng tại thị trường Hoa Kỳ đã có tổng cộng 08 vụ điều tra chống bán phá giá mà Hoa Kỳ thực hiện đối với 07 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, từ những sản phẩm xuất khẩu thuộc nhóm Việt Nam có thế mạnh, đến những sản phẩm có sức cạnh tranh trung bình, thậm chí cả các sản phẩm mà Việt Nam mới chỉ xuất sang Hoa Kỳ nói riêng và các thị trường xuất khẩu khác nói chung với số lượng và trị giá hạn chế[2]. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa quan tâm đúng mức tới hiện tượng bán phá giá. Bài viết tập trung phân tích các lý thuyết làm cơ sở hình thành hiện tượng bán phá giá trong TMQT.

  1. Lý thuyết liên quan đến tự do hóa thương mại quốc tế

Tự do hóa thương mại được hiểu là sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nước được thực hiện không có sự kiểm soát bằng những chính sách nhập khẩu. Tự do hóa thương mại có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, như tự do về hàng hóa không có thuế quan hay những hàng rào thuế quan, tự do về dịch vụ không bị thuế quan và hàng rào thương mại, tự do lưu chuyển lao động giữa các nước, tự do lưu chuyển vốn giữa các nước, sự vắng mặt của những chính sách thương mại bảo hộ (như là thuế, tiền trợ cấp, quy định, hay luật). Một cách tổng quát, tự do hóa thương mại có thể hiểu là việc tự do dịch chuyển mọi nguồn lực giữa các quốc gia với nhau mà không có sự cản trở từ phía nhà nước. TMQT có thể đem lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế, thông qua phân bổ các nguồn lực một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn, dựa trên chuyên môn hóa và căn cứ vào lợi thế cạnh tranh. Mở rộng quy mô sản xuất trong nước theo hướng chuyên môn hóa sẽ giúp làm tăng cơ hội việc làm và khả năng tạo thu nhập cho nền kinh tế, từ đó khai thác được lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại cũng mang lại nhiều hạn chế, như khi tự do hóa thương mại sẽ xuất hiện cạnh tranh bất chính (cạnh tranh không lành mạnh). Khi môi trường cạnh tranh được hình thành và sự can thiệp của nhà nước giảm đi, tất yếu sẽ xuất hiện khuynh hướng lạm dụng tự do để cạnh tranh không lành mạnh, mà tiêu biểu là hiện tượng bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu. Sự thúc giục của lợi nhuận, của nhu cầu bành trướng thị phần và bằng khả năng sáng tạo, các doanh nghiệp luôn có xu hướng thực hiện những hành vi cạnh tranh bất chính nhằm loại bỏ đối thủ hoặc chiếm đoạt thị phần[3]. Cạnh tranh bất chính có sự thâu tóm thị trường của thế lực bên ngoài để khai thác nguồn lực quốc gia nhập khẩu nhằm bóc lột người tiêu dùng, dẫn đến sự chi phối lợi ích của các quốc gia bị chi phối. Bán phá giá và các hành vi tự vệ thương mại có thể nằm trong nhóm bất chính nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá để chiếm đoạt thị phần. Trong trường hợp có mục đích đó xảy ra thì hệ quả có thể dẫn đến việc tước đoạt lợi thế so sánh của quốc gia nhập khẩu. Đây lại là hành động ngăn cản tự do hóa TMQT, làm cho quyền kinh doanh của quốc gia nhập khẩu bị hạn chế bởi các hành vi bất chính. Ngoài ra, với tư cách là một biện pháp tự vệ thương mại (khắc phục thương mại) thì hành vi bán phá giá còn chịu sự ảnh hưởng của các lý thuyết về tự do hóa TMQT qua các góc độ như sau:

Thứ nhất, liên quan đến ngoại tệ - các đồng tiền dùng để thanh toán và xác định giá trị thương mại của sản phẩm khi mua bán quốc tế. Ngay trong vụ việc bán phá giá, các chuẩn giá trị đã có sự khác nhau (quốc gia xuất khẩu bán trong nội địa bằng nội tệ, nhưng xuất khẩu lại bằng ngoại tệ), chính vì điều này đã dẫn đến sự chênh lệch tất yếu. Việc tính toán một hành vi, hoạt động có được xem là bán phá giá hay không - tức là đi xác định biên độ phá giá - thì phải quy đổi tất cả về một loại đồng tiền chung. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái lại thường có những tác động là tăng hoặc giảm sức cạnh tranh về giá của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường quốc tế, chỉ cần có sự sai sót thì đều dẫn đến sự tính toán sai lệch.

Thứ hai, thực tế các quốc gia đều có sự khác nhau về nguồn tài nguyên (chủng loại, trữ lượng, mức khai thác), trình độ nguồn lao động, công nghệ kỹ thuật sản xuất. Do đó, cấu trúc chi phí cấu thành của sản phẩm đã có sự khác nhau, tạo nên những sản phẩm cùng chủng loại và mục đích sử dụng, nhưng khác nhau về giá thành. Chính vì vậy, các sản phẩm này khi đem xuất khẩu ở quốc gia nhập khẩu thì giá của chúng cũng có sự khác nhau. Hơn nữa, bản thân chúng trên thị trường nước nội địa so với những sản phẩm tương tự lại có mức giá khác nhau. Từ nhiều số liệu về giá mua bán hàng hóa trên thị trường nội địa và các số liệu về giá xuất khẩu không đồng nhất, cơ quan điều tra phải tính toán biên độ phá giá cho mỗi loại sản phẩm của từng doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần có sự sai sót thì đều dẫn đến sự tính toán sai lệch.

Thứ ba, giới hạn của pháp luật chống bán phá giá đó là các khung pháp luật về dịch vụ thương mại vẫn đang trong quá trình xây dựng, pháp luật về tự vệ thương mại và chống bán phá giá không áp dụng cho dịch vụ. Nhìn chung, pháp luật bán phá giá theo nguyên tắc đối vật, tức là chỉ giải quyết trên vật chứ không giải quyết những gì không phải là vật, chỉ giải quyết hiện vật chứ không xử lý chủ thể sở hữu hiện vật. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất vật chất hiện hữu của hàng hoá và nhấn mạnh đến đối tượng xử lý của các biện pháp chống bán phá giá là hàng hoá. Khi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, pháp luật được sử dụng để xử lý hàng hoá nhập khẩu mà không xử phạt người đã thực hiện hành vi. Các biện pháp được sử dụng không nhằm mục đích loại bỏ sản phẩm bị bán phá giá ra khỏi thị trường, cũng không để trừng phạt chủ thể thực hiện hành vi mà chỉ là loại bỏ hoặc ngăn chặn thiệt hại do hành vi bán phá giá gây ra cho ngành sản xuất trong nước[4].

  1. Lý thuyết phân biệt giá

Phân biệt giá là việc áp dụng các mức giá khác nhau cho những khách hàng có giao dịch như nhau. Trong pháp luật cạnh tranh, hành vi phân biệt giá giữa các khách hàng khác nhau là hành vi mang tính lạm dụng. Theo đó, hành vi định giá phân biệt là hành vi do doanh nghiệp ấn định mức giá bán khác nhau trong các giao dịch như nhau nhằm thu lợi bất chính. Nguyên nhân của hiện tượng phân biệt giá là do việc áp dụng giá khác nhau do khả năng chi trả đàm phán của khách hàng, phân bổ chi phí hoặc là hệ quả của chiến lược đòn bẩy, chiếm đoạt thị trường của doanh nghiệp. Dưới góc độ kinh tế, trong những điều kiện khác nhau thì chi phí để thực hiện các giao dịch sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với các giao dịch được tiến hành ở những điều kiện như nhau mà doanh nghiệp lại tiến hành định ra các mức giá khác nhau thì doanh nghiệp đã tạo ra sự định giá phân biệt. Trong pháp luật cạnh tranh, hành vi phân biệt giá được xác định dựa trên những căn cứ sau:

Một là, tiến hành quan sát hiện tượng bên ngoài, đó là việc so sánh giá mua hoặc giá bán của sản phẩm của các giao dịch như nhau với nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Nếu có sự khác biệt về giá bán hoặc giá mua giữa nhiều nhóm khách hàng khác nhau thì kết luận có sự phân biệt giá.

Hai là, nhóm khách hàng khác nhau phải như nhau về các nội dung, điều kiện thương mại, tức là có giao dịch như nhau, nhưng lại có sự khác biệt về giá mua hoặc giá bán. Các giao dịch được coi là như nhau nếu chúng giống nhau về đối tượng mua bán, giống nhau về sản lượng mua bán, giống nhau về thời điểm giao kết của các hợp đồng, giống nhau về mức độ liên tục của giao dịch, giống nhau về cấp độ thương mại.

Ba là, giả định có sự phân biệt giá đã tồn tại, điều kiện để phân biệt giá thành công thì doanh nghiệp phải có cơ sở phân loại khách hàng, nếu không phân loại thì doanh nghiệp phải có chiến lược ngăn chặn sự thông đồng giữa các nhóm khách hàng.

Bốn là, chiến lược phân biệt giá chỉ đạt được mục đích của doanh nghiệp nếu có tính liên tục, dài hạn (có tầm chiến lược).

Về mặt lý thuyết, bán phá giá là một dạng hành vi phân biệt giá. Lý thuyết về phân biệt giá để xây dựng căn cứ xác định hiện tượng bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu. Trong TMQT, sự tồn tại của biên giới quốc gia đã mặc nhiên tạo ra sự phân loại khách hàng, và ngăn chặn sự thông đồng của các nhóm khách hàng. Ở đây, sự khác biệt về giá do cùng doanh nghiệp thực hiện ở các vùng khác nhau dẫn đến sự so sánh về giá. Tất cả các giao dịch được chọn lựa để xác định giá so sánh đều phải là các giao dịch như nhau. Tuy nhiên, trong TMQT luôn tồn tại sự khác nhau về giá. Các giao dịch được lựa chọn như nhau mà có sự khác biệt về giá phải được quy đổi về cùng điều kiện giống nhau và loại trừ những điểm khác nhau. Để kết luận có hành vi bán phá giá thì phải chứng minh đó là một chiến lược, hành vi đó phải xảy ra trong khoảng thời gian đáng kể, và là một chuỗi các hành vi chứ không phải là một số giao dịch. Bán phá giá là kết quả của chuỗi hành động trong một khoảng thời gian chứ không phải là một số hành động trong một thời gian nhất định. Thời kỳ điều tra được xác định là trong khoảng thời gian trước đó có tất cả giao dịch. Để xác định có hành vi bán phá giá thì phải trải qua bốn bước cơ bản:

Bước 1: Chọn giao dịch thực tế (giao dịch xuất khẩu và giao dịch tại nội địa);

Bước 2: Tìm giá của hai loại giao dịch để làm cơ sở tiến hành so sánh giá;

Bước 3: Thẩm tra các loại giao dịch có như nhau không, nếu khác nhau thì tiến hành điều chỉnh sự khác biệt để so sánh giá;

Bước 4: Tiến hành so sánh giá.

[2] Khoa Luật, Đại học Duy Tân